Tranh giả lên sàn đấu giá quốc tế: Ai bảo vệ tranh Việt

Thứ Năm, 07/10/2021, 15:05

Trong vòng gần một tháng qua, hàng loạt tranh Việt bị làm giả đưa lên các sàn đấu giá quốc tế đã bị giới họa sĩ, các giám tuyển lên tiếng. Nhà nghiên cứu Lý Đợi chua xót nói rằng: “Cái câu “Bùi Xuân Phái thật vĩ đại, ông vẽ nhiều hơn sau khi đã mất” được lan truyền, không chỉ là nỗi đau riêng, mà còn là lời thành kính phân ưu chung đến nhiều họa sĩ Đông Dương đã cống hiến trọn đời cho nghề”.

Hàng loạt tranh của họa sĩ Việt bị làm giả

Vào giữa tháng 9, giám tuyển Ace Lê (thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và thực hành giám tuyển tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) thông báo về việc có các bản khác nhau của cùng một tác phẩm Trà đàm (1971) của danh họa Mai Trung Thứ. Trong đó có một bản có mặt trong phiên đấu giá vào cuối tháng 9 của nhà đấu giá Aguttes (Pháp).

Sau đó, họa sĩ Lê Huy Tiếp cũng phải thốt lên: “Không biết nói gì hơn với nhà đấu giá và bọn làm hàng giả”. Ông chia sẻ thông tin về một số tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam bị làm giả một cách trắng trợn đang được đưa lên sàn đấu giá Drouot, trong đó có tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Lê Phổ... Sau khi nhận được phản hồi về sự bức xúc của dư luận trước những bức tranh giả, sàn đấu giá đã hạ 3 bức tranh giả của họa sĩ Bùi Xuân Phái xuống, nhưng vẫn còn một số bức của họa sĩ Lê Phổ.

 
bức bình phong được gọi là tương đương với bức sơn mài nhà tranh gốc mít của nguyễn văn tỵ đang ở bảo tàng mỹ thuật việt nam sắp được sotheby's đấu giá.png -0
Bức bình phong được gọi là tương đương với bức sơn mài “Nhà tranh gốc mít” của Nguyễn Văn Tỵ đang được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sắp được Sotheby's đấu giá.

Ngày 26/9, trên trang cá nhân của họa sĩ Trịnh Lữ khẳng định bức tranh lụa của cha mình, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đang được nhà Linda Trouvé bên Paris rao bán là tranh giả.

Không dừng lại ở đó, một nghi án nữa về bức “Lồng chim” của danh họa Mai Trung Thứ sắp đấu giá tại nhà Tajan ở Paris ngày 13/10/2021 cũng được một họa sĩ lên tiếng và khẳng định, bức này nhìn khác hẳn các bản in từ tranh gốc đã xuất hiện.

Ngang nhiên hơn, khi ngày 10/10 tới, Sothebys Hongkong mở phiên bày bán nhiều tác phẩm Đông Dương, trong đó có bức bình phong “Nhà tranh gốc mít” (1957) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Tuy nhiên, con gái cụ - họa sĩ Nguyễn Bình Minh - khẳng định bức bình phong đó không phải là của cha mình. "Tranh rởm 1000%", đây là câu trả lời chắc nịch và rõ ràng từ họa sĩ Nguyễn Bình Minh, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo họa sĩ Bình Minh, bản tranh này đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958, năm 1960 được chuyển giao về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và hiện đang được lưu giữ trưng bày tại đây. “Đây là sự coi thường với Mỹ thuật Việt Nam, với người yêu nghệ thuật và với những nhà sưu tập đến từ Việt Nam...”. Chị khẳng định. Bức xúc vì tình trạng làm giả một cách trắng trợn, nhà phê bình Vũ Huy Thông nói: “Một sàn đấu giá nghệ thuật nổi tiếng như vậy mà lại cho phép những việc như thế này xảy ra thì quả thật đáng buồn. Bên phía Bảo tàng Mỹ thuật có thể kiện và yêu cầu Sotheby's gỡ xuống. Nếu chúng ta không đề nghị và yêu cầu rõ ràng thì tình trạng này sẽ còn lặp lại nhiều lần”.

Và mới đây, nhà nghiên cứu Lý Đợi lại đưa thêm thông tin tại phiên đấu Modern Art Day Sale lúc 15h30 ngày 10/10/2021 tại Hong Kong của nhà Sotheby's, có bức “Landscape, Cát Bà River” (sơn dầu trên toan, 45cm x 60 cm) của họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng là tranh giả. Anh cho rằng, nạn tranh giả đang “bôi gio trát trấu” lên lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Cần một chế tài mạnh mẽ

Tranh giả đang trở thành “đại nạn” của thị trường Mỹ thuật Việt Nam, không chỉ trên các sàn đấu giá quốc tế mà cả trong nước. Điều đó khiến cho bức tranh mỹ thuật càng thêm mù mờ, thiếu minh bạch. Nhà   thơ Nguyễn Quang Thiều thốt lên: “Sự giả dối đang giết chết hội họa Việt Nam”. Mấy năm gần đây, tranh Việt, đặc biệt là tranh của các họa sĩ Đông Dương được các nhà sưu tập trong và ngoài nước quan tâm, vì thế giá tranh ngày càng tăng. Đó là một tín hiệu vui cho mỹ thuật Việt, nhưng đồng nghĩa với điều đó, tranh Việt ngày càng bị làm giả một cách tràn lan. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chia sẻ, điều đáng buồn là những vụ tranh giả trong và ngoài nước chỉ được xới lên chút rồi lại chìm xuồng, chỉ giới họa sĩ tự bức xúc với nhau chứ thực tế không mấy ai quan tâm.

untitled-8.jpg -0
Landscape, Cát Bà River” trên sàn đấu giá Sotheby's.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, tranh giả tràn lan trên các sàn đấu giá danh tiếng vì đây là miếng mồi béo bở. Các nhà đấu giá chỉ là chợ bán tranh, miễn có lời họ sẽ làm. Nhưng tại sao họ không thể làm giả tranh Picasso, Van Gogh, bởi vì tại các nước tiên tiến, luật pháp bảo vệ tác quyền rất phân minh, họ xử phạt nặng nề và các nhà đấu giá cũng ngại ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. “Nhưng riêng với tranh Việt Nam nói chung và tranh của các họa sĩ Đông Dương nói riêng, các nhà đấu giá chỉ cần bán được tranh để lấy tiền, danh tiếng họ không bị lung lay vì pháp luật của chúng ta chưa có gì phân mình trong việc bảo vệ tác quyền. Nạn tranh giả đang trở thành một “vết thương càng ngày càng lở loét và mưng mủ đối với nền mỹ thuật Việt Nam”, ông nói.

Vậy đã đến lúc, Việt Nam cần có những chế tài cụ thể để bảo vệ tranh - di sản văn hóa của mình. Cũng theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, chúng ta cần nghiên cứu theo các nước có kinh nghiệm và xây dựng một hệ thống luật chặt chẽ, khắt khe, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Và nên thành lập một đội ngũ chuyên gia minh bạch, có tiếng nói chung để bảo vệ tranh Việt trên sàn quốc tế.

Còn họa sĩ Phạm An Hải cho rằng: “Xét kĩ ra Hội Mỹ thuật Việt Nam cần bảo vệ danh dự của hội viên (cả đã mất và đang sống)”.

Thực tế, đến nay, Mỹ thuật Việt Nam chưa được bảo vệ bởi một khung pháp lý cụ thể. Nghị định 133 (năm 2013) là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất cho hoạt động của ngành Mỹ thuật, đến nay đã lỗi thời và bộc lộ nhiều lỗ hổng trước những thay đổi của thực tế. Luật Sở hữu trí tuệ, như ta đã biết, rất sơ sài và yếu ớt. Mọi mong muốn, kỳ vọng đều dồn lên hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng thực tế hội cũng chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, dù bức xúc và có lên tiếng, nhưng thực tế vẫn “lực bất tòng tâm”.

Lãnh đạo Hội Mỹ thuật, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ những bức xúc và lo lắng trước nạn tranh giả. “Nó làm cho bức tranh Mỹ thuật Việt Nam bị méo mó và mất uy tín trầm trọng trên thị trường quốc tế. Nếu có một giai đoạn, thời mở cửa, tranh Việt được các nhà sưu tập nước ngoài săn đón, mua bán, thì bây giờ, họ rất dè dặt với nạn tranh giả”. Ông cũng khẳng định đang xúc tiến đề xuất một chế tài cụ thể để bảo vệ Mỹ thuật Việt Nam.

Từ nước ngoài, giám tuyển Ace Le là một người liên tục lên tiếng đấu tranh cho nạn tranh giả. Anh đề nghị, đã đến lúc Hội Mỹ thuật cần có những kiến nghị cơ bản và cấp thiết nhất tới các cơ quan chức năng để đưa các vụ việc vi phạm bản quyền về tranh giả vào luật và có khung chế tài xử lý thật nghiêm với những vụ việc như thế. Bởi đó không chỉ là câu chuyện của tiền bạc hay việc sở hữu một bức tranh mà là câu chuyện của văn hóa, của cả một nền mỹ thuật có nguy cơ bị đánh mất giá trị của mình vì nạn tranh giả.

Vậy ai sẽ bảo vệ tranh Việt. Nhà nghiên cứu Lý Đợi khẳng định: “Chỉ khi nào Việt Nam có chế tài rõ ràng về điều này thì việc xử lý mới khả quan hơn một chút. Chứ như hiện nay, các nhà đấu giá cứ buôn bán thôi, thật giả họ không muốn can dự sâu làm gì, chỉ cần thu phí đấu giá là xong. Suy cho cùng, Sotheby's hoặc bất kỳ nhà đấu giá nào thì cũng ứng xử với tranh Việt như cái chợ vỉa hè mà thôi, nơi đó người mua và người bán tự tìm hiểu lẫn nhau. Nếu có chế tài hợp lý, thì chúng ta có thể ép cái chợ đó hoạt động giống như siêu thị, nơi đầu vào phải được kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn nữa”.

V. Hà
.
.