Trang phục dân tộc ở cuộc thi hoa hậu: Cơ hội và thách thức cho nhà thiết kế

Thứ Năm, 27/10/2022, 11:00

Các cuộc thi hoa hậu nở rộ khiến đơn vị tổ chức ngày càng ưu ái phần thi trang phục văn hóa dân tộc. Không chỉ tạo điểm nhấn độc đáo cho chương trình, phần thi này còn tôn vinh di sản truyền thống của cha ông. Nhưng làm sao để hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và sáng tạo là thách thức không nhỏ với các nhà thiết kế.

Tính sơ sơ trong năm 2022, chúng ta tổ chức tròm trèm 30 cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Rất nhiều trong số đó chẳng còn được công chúng nhớ đến sau khi thí sinh đội vương miện được xướng tên. Để cạnh tranh và khẳng định tên tuổi, một số cuộc thi tìm cách đầu tư cho vòng thi trang phục dân tộc. Bởi so với các vòng thi quen thuộc như áo tắm, trang phục dạ hội, ứng xử... thì vòng thi trang phục dân tộc để lại điểm nhấn khác biệt và độc đáo hơn cả.

Thậm chí, để có trang phục dân tộc ấn tượng, vòng thi này được ban tổ chức biến thành cuộc tranh tài hẳn hoi giữa các nhà thiết kế với quy mô ngày càng hoành tráng, chuyên nghiệp. Ba cái tên nổi bật trong cuộc đua này gồm: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam và Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam.

Trang phục dân tộc ở cuộc thi hoa hậu: Cơ hội và thách thức cho nhà thiết kế -0
Mẫu thiết kế “Bún nước lèo” bị cho là dìm vóc dáng người mặc và thiếu tính sáng tạo.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là cuộc thi có thâm niên nhất trong việc tổ chức tuyển chọn trang phục truyền thống cho người đẹp Việt đi thi quốc tế. Từ năm 2016, ban tổ chức đã mở ra sân chơi để các nhà thiết kế khắp toàn quốc gửi bản vẽ về. Theo thể lệ cuộc thi, các mẫu thiết kế phải độc đáo, sáng tạo, phù hợp với thuần phong mỹ tục và mang được nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Các thí sinh dự thi có thể lấy cảm hứng từ bất kỳ những giá trị thuộc về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của Việt Nam để thiết kế nên bộ trang phục dân tộc.

Sau vòng thuyết trình ý tưởng, ban giám khảo sẽ chọn ra những bản vẽ xuất sắc để thực hiện thành trang phục. Qua từng năm, các bộ trang phục như “Bánh mì”, “Cà phê phin”, “Kén em”, “Bánh tét”... lần lượt được người đẹp Việt mang đi thi thố với bạn bè năm châu. Trong đó, bộ “Bánh mì” do hoa hậu HHen Niê thể hiện và bộ “Cà phê phin” của Hoàng Thùy được ban giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ đánh giá cao khi lọt top những trang phục dân tộc đẹp nhất.

Năm nay, vòng tuyển chọn được tổ chức quy mô hơn trước. Thay vì nhận bài thi riêng lẻ, ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 liên kết với các trường đại học có đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang như: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Đại học Hoa Sen, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh... để chiêu mộ tài năng trẻ.

Đêm thi riêng được tổ chức hoành tráng, mãn nhãn đầy màu sắc. Di sản văn hóa, lịch sử bốn ngàn năm văn hiến như đờn ca tài tử, tráp long phụng, động Phong Nha - Kẻ Bàng, lễ hội Ngư Ông, nghề đan tre nứa, nghề làm bánh tráng, hình ảnh người thanh niên xung phong, hình tượng chị Võ Thị Sáu... được thí sinh biến hóa thú vị vào mẫu thiết kế. Vượt qua hơn 40 mẫu thiết kế, “Chiếu Cà Mau” giành giải nhất và được chọn làm trang phục cho hoa hậu Ngọc Châu dự thi quốc tế tại Hoa hậu Hoàn vũ 2022.

Trong làng hoa hậu, Miss Grand Việt Nam (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) là tân binh. Tuy tổ chức lần đầu tiên nhưng “tân binh” này đã tỏ ra đáng gờm với phần thi “Trang phục văn hóa dân tộc” đặc sắc. Công ty Sen Vàng - đơn vị tổ chức Miss Grand Việt Nam - rất chịu chơi khi mời sáu nhà thiết kế danh tiếng (gồm Văn Thành Công, Vũ Việt Hà, Nguyễn Minh Tuấn, Brian Võ, Nguyễn Minh Công và Tín Thái) làm huấn luyện viên để hướng dẫn thí sinh.

Sau vòng sơ khảo, 60 bản thiết kế được chọn để hiện thực hóa thành mẫu thật và trình diễn vào cuối tháng chín vừa qua. Sở dĩ phần thi mang tên “Trang phục văn hóa dân tộc” vì các thiết kế được lấy cảm hứng từ văn học, lịch sử, dân gian, văn hóa các vùng miền, các danh lam thắng cảnh, các món ăn đặc sản. Theo ban tổ chức, nếu chỉ đặt tên là “trang phục dân tộc” hay “trang phục truyền thống” thì không bao hàm hết ý nghĩa của phần thi này.

Trang phục dân tộc ở cuộc thi hoa hậu: Cơ hội và thách thức cho nhà thiết kế -0
Mẫu trang phục “Đà Nẵng - Vũ khúc ánh sáng” mang cảm hứng đương đại.

Phải thừa nhận rằng sau thành công của bộ trang phục “Bánh mì” do hoa hậu HHen Niê thể hiện ở Hoa hậu Hoàn vũ 2017, trang phục dân tộc của Việt Nam khi “mang chuông đi đánh xứ người” mới được chú trọng thực sự. Trước đó, hễ nhắc tới phần thi quốc phục, quanh đi quẩn lại chỉ toàn trang phục phát triển từ áo dài, áo tứ thân, áo bà ba... với họa tiết hoa sen, rồng phượng, nón lá quen thuộc. Hết áo dài, áo tứ thân, người đẹp Việt lại diện lên người mũ mão, xiêm y lấy cảm hứng từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Khổ thay, trông nó cồng kềnh không khác gì phục trang của nhân vật game online. Lên sân khấu, so với bộ xiêm y hoành tráng, giàu tính sáng tạo và đậm bản sắc của nước bạn, những bộ trang phục của Việt Nam bỗng nhạt nhòa, chìm nghỉm.

Việc chú trọng trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi hoa hậu trong nước đã và đang mở ra cơ hội để đội ngũ nhà thiết kế trẻ thỏa sức gửi gắm ý tưởng sáng tạo vào tình yêu quê hương đất nước. Trong đêm trình diễn của Hoa hậu Hòa bình Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, khán giả vô cùng choáng ngợp với hàng loạt bộ trang phục nêu bật đặc trưng văn hóa của xứ sở chữ S. Theo nhận xét của nhà thiết kế Lê Long Dũng, các bạn trẻ không chỉ lấy cảm hứng từ mẫu trang phục truyền thống của cha ông mà còn thoải mái tung tẩy với các chủ đề mang hơi thở đương đại. Có thể kể đến mẫu thiết kế “Đà Nẵng - Vũ khúc ánh sáng”, bộ “Xuống phố Sài Gòn”, “Hoa lục bình”...

Tuy vậy, những bộ trang phục vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa mang tính thời trang và hiện đại không nhiều. Là một trong sáu huấn luyện viên của Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, nhà thiết kế Nguyễn Minh Công thừa nhận: “Có không ít bộ rất thời trang nhưng yếu tố văn hóa dân tộc lại nhạt nhòa. Ngược lại, có bộ mang được yếu tố dân tộc, quê hương nhưng không thể hiện được trên trang phục”.

Đồng tình với ý kiến trên, nhà báo Thiên Hương, giám khảo khách mời đêm trình diễn trang phục văn hóa dân tộc, đánh giá: “Đêm diễn mang đến bữa tiệc mãn nhãn với các bộ trang phục được đầu tư chu đáo. Nhưng tôi thấy chất thời trang chưa nhiều. Một số bộ không những không tôn cá tính, nét đẹp người mặc mà còn làm mất luôn đường nét xinh đẹp của các cô gái”.

Lâu nay, trang phục dân tộc là phần thi hấp dẫn khán giả nhưng luôn đối mặt với ồn ào tranh cãi không hay. Sáng tạo cái mới trên nền cái cũ dĩ nhiên khiến công chúng soi xét khắc khe. Sự sáng tạo quá đà của nhà thiết kế khiến nhiều bộ bị lai căng, chắp vá hoặc không khác gì trang phục cho đêm hội hóa trang. Người ta không thể chấp nhận sự đi đôi kém duyên của áo yếm và áo bà ba hay việc cho người đẹp mặc áo bà ba nhưng phía dưới lại không mặc quần.

Khó chịu nhất vẫn là những bộ trang phục lấy cảm hứng ẩm thực, ăn theo tiếng vang của bộ “Bánh mì” của HHen Niê. Các người đẹp dâng lên loạt món ăn bằng trang phục như bánh tráng, bún nước lèo, mắm Châu Đốc, bánh tráng trộn, bánh xèo, hủ tiếu... Có cảm tưởng Việt Nam có bao nhiêu món ăn thì các nhà thiết kế đua nhau khoe bằng hết. Đáng nói là cách thể hiện kém tinh tế, thiếu sáng tạo và thiếu cả tính thời trang. Thực tế món ăn ra sao thì họ “trang phục hóa” y chang như vậy rồi khoác lên mình các cô hoa hậu. Thân thể các cô chìm ngỉm, thậm chí bơi giữa tô bún hay quầy thức ăn to đùng.

Những chủ đề văn hóa linh thiêng hoặc tế nhị, nhạy cảm cũng là điều gây tranh cãi triền miên khi thí sinh vô tư đưa vào thiết kế. Cách đây vài năm, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam khiến dư luận một phen dậy sóng với bộ trang phục lấy cảm hứng từ bàn thờ gia tiên. Khủng khiếp hơn khi nhà thiết kế trẻ còn hồn nhiên lấy khung ảnh thờ để người đẹp bày chình ình khuôn mặt khi trình diễn. Phần lư hương thì biến thành... chân váy! Chưa hết vụ “bàn thờ gia tiên” thì các trang phục mô tả văn hóa đi cầu tõm của dân miền Tây, chú lợn đất... khiến công chúng cười ra nước mắt. Không hiểu các nhà thiết kế trẻ tính gửi gắm thông điệp gì trong những bộ trang phục kỳ quặc ấy.

Nâng cao và chăm chút cho phần thi trang phục dân tộc là điểm sáng đáng ghi nhận của các cuộc thi hoa hậu. Nó làm cho sân chơi nhan sắc bớt nhàm chán với những phần thi na ná, qua đó tạo đất cho các bộ trang phục mang đậm tiếng nói dân tộc được thỏa sức trưng trổ. Điều quan trọng là làm sao để tiếng nói cá nhân và dấu ấn sáng tạo của nhà thiết kế trẻ vừa được phát huy trên nền tảng truyền thống, vừa bám sát sự chuyển động của cuộc thi quốc tế...

Mai Quỳnh Nga
.
.