Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Những năm 1990, cái tên Trần Gia Bảo đã là sự ngưỡng mộ của chúng tôi, bởi hồi ấy khắp các mặt báo dành cho học sinh, sinh viên, tên chị đã rầm rộ với loạt bài viết, truyện ngắn rất ấn tượng. Khi tôi quay lại với câu chuyện viết lách sau 15 năm từ thời sinh viên, thì Trần Gia Bảo đã là Phó tổng biên tập của một tờ báo lớn ở TP Hồ Chí Minh.
“Bảo chị” và tôi
Trần Gia Bảo là cây bút 7X ghi đậm dấu ấn với nhiều bạn đọc yêu thích văn chương tuổi mới lớn, nhất là dòng văn học thiếu nhi. Cuối năm 2024, với bộ sách “Chuyện kể trước giờ đi ngủ”, Trần Gia Bảo đã vinh dự được trao giải C tại Giải thưởng Sách Quốc gia. Đây chính là một phần thưởng xứng đáng cho hành trình bền bỉ cùng dòng văn học này.
Nếu như có dịp gặp Trần Gia Bảo, tin chắc sẽ nhận thấy một nụ cười luôn thường trực nở trên môi của cô nữ sinh Trường Trưng Vương. Nụ cười mà bao nhiêu năm, từ lúc tôi còn làm CTV của các ấn phẩm Khăn quàng đỏ, Mực tím, Nhi đồng đến bây giờ vẫn vậy. Tươi tắn hết cỡ.

Hai chị em hay gọi nhau Bảo chị và Bảo em, đấy là cách chúng tôi í ới nhau mỗi khi có việc. Có những trưa tôi đói meo vì lịch làm việc dày, chị biết được liền gói đồ ăn cẩn thận gởi qua cho tôi. Thoảng khi lâu quá chẳng gặp nhau vì ai cũng bộn bề công việc lại nhắn tin tỉ tê nhau, rủ rê nhau phải thương chính mình, cho bản thân mình được nghỉ ngơi bằng những chuyến đi “chữa lành” lại tâm hồn mình.
Nhưng, dù có cố gắng sắp xếp đến đâu thì các chuyến đi của chị em chúng tôi vẫn có khoảnh khắc bất chợt phải ôm laptop làm công việc, hay cầm chiếc điện thoại nói thao thao bất tuyệt tận cả tiếng đồng hồ. Những lúc như vậy, Trần Gia Bảo lại cười xòa, thôi kệ, cứ còn vui được khắc giây nào thì trọn vẹn khắc giây đó. Đời ai cũng có những lúc phải bận rộn. Nếu một ngày nào đó mình không bận rộn ắt hẳn là mình hết xài được rồi em ơi! Nhưng, phàm đã là sống, thì sống hết mình, ai lại muốn mình trở thành “hết xài” với cuộc đời này.
Có một điều, tôi chưa bao giờ kể cho Bảo chị nghe, hồi ấy tập truyện “Quay đi và khóc” khiến đám học trò chúng tôi giành giật kinh khủng. Thậm chí đến nỗi có đứa mượn tận 3 ngày chưa trả, cô thủ thư phải lên hẳn lớp học để đòi lại. Bởi, hàng dài những cái tên đang đăng kí chờ đợi được đọc. Khi đó, chúng tôi làm gì có điện thoại thông minh, cũng chẳng phải nhà nào cũng có tivi để xem, nên sách là quý nhất, như chính người bạn tâm tình, nhất là lúc chúng tôi đang ở ngưỡng mới lớn, nhiều câu chuyện “tình học trò” đều lấy trang văn mà chia sẻ cảm xúc. Tập truyện “Quay đi và khóc” lan truyền qua miệng mỗi đứa đọc xong, khiến đứa khác cứ háo hức, đọc và tìm thấy sự tinh nghịch, hồn nhiên lẫn những mơn man buồn của vụng dại tình đầu. Nói thật, có hai người trong bút nhóm Vòm Me Xanh ngày ấy khiến tôi mê như điếu đổ là Trần Gia Bảo và Trần Đình Thọ. Chính hai cái tên này khiến năm lớp 10, tôi bắt đầu gởi tác phẩm về tờ Báo Mực tím với hy vọng trở thành một trái me trong bút nhóm. Ấy thế mà cho tới bây giờ, ước mơ ấy chưa thành hiện thực.
Mãi đến năm 2019, khi tôi đã tập tễnh quay lại với viết lách thì mới đọc trọn vẹn một tác phẩm của Trần Gia Bảo. Tập truyện “Những ngôi làng trên triền dốc” khiến tôi thích thú, bởi ở đó, một không gian núi rừng cùng câu chuyện của loài kiến đầy trong trẻo. Loài kiến đen sống ở làng Bồ Công Anh, bám vào những hạt bồ công anh để gió cuốn đến làng Hoa Xuyến Chi, rồi thành lập làng Hoa Chi Anh. Chàng Kiến Hôi đã có một hành trình sống đầy ắp những yêu thương với tinh thần sống vì cộng đồng. Thông điệp truyện khéo léo lồng vào các tình huống của Kiến Hôi, của các làng mang tên những loài hoa đầy thơ mộng. Từ đó, Trần Gia Bảo như được khơi nguồn với dòng văn học thiếu nhi. Chị bắt đầu viết nhiều, in nhiều, và đắm đuối ở mảng đề tài này.
Sống và viết hết mình vì thiếu nhi
Có lần, hai chị em được mời về Gia Lai để đứng lớp bồi dưỡng sáng tác cho các cây bút thiếu nhi của tỉnh. Sau hai ngày lên lớp, Trần Gia Bảo lại cần mẫn chỉnh sửa từng bài thơ, truyện ngắn ngây ngô nhưng có ý tứ của các em để mang về Báo Khăn quàng đỏ, Nhi đồng, Rùa vàng đăng. Đêm ngồi cùng gió núi lạnh ngắt chị bảo bây giờ mà các em còn mê văn chương, còn vượt những quãng đường xa để tụ về Hội trường của Hội VHNT Gia Lai ngồi học ngay ngắn thì đó đã là một điều đáng mừng. Bởi trong quá nhiều hình thức giải trí, chọn văn chương đó là lựa chọn cần được hun đúc, tạo niềm tin và nâng đỡ hết mình. Để từ những ngô nghê này, 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa văn chương sẽ có những gương mặt kế thừa. Dẫu lớp học khi đó hơn 40 học sinh, nhưng chỉ cần 1 người, chị cũng đến và dốc lòng. Bởi với chị, thiếu nhi là lứa tuổi cần một sự nắm tay dìu dắt trong hành trình đam mê. Từ bước chân bỡ ngỡ hôm nay, để đi vạn dặm mai sau, chí ít ngay từ bây giờ cần tắm tưới các em bằng những niềm khích lệ như thế. Mãi tận 11 giờ đêm, chị vẫn gọt giũa bài để chuyển về tòa soạn cho kịp số báo in liền kề, cho nóng sốt, cho niềm vui các em được trọn vẹn với lớp học này.

Những ngày cuối tháng 3 này, Trần Gia Bảo lại vừa cho ra mắt tập truyện thiếu nhi “Mùa hè có tuyết” do NXB Kim Đồng ấn hành. Tập truyện nhỏ nhắn, xinh xắn với phần minh hoa đẹp của Hân Phạm nhanh chóng thu hút sự quan tâm của phụ huynh và các em nhỏ. Câu chuyện chú mèo tên Louis sống cùng cô chủ nhỏ là du học sinh trên nước Mỹ sinh động qua giọng văn pha chút nghịch ngợm và tài hóa thân như thật của chị đưa các độc giả nhí khám phá xứ sở cờ hoa đầy lôi cuốn. Trong hành trình ngao du xuyên bang cùng cô chủ của mình, Louis đã làm quen thêm nhiều bạn mới, gặp lại em gái Loli sau bao ngày xa cách và chứng kiến điều đặc biệt có một không hai khi tuyết rơi giữa mùa hè. Trần Gia Bảo có thế mạnh miêu tả kĩ càng hành động, và tình tiết truyện được dựng lên hợp lý với loài mèo. Độc giả nhí như tìm thấy chính con mèo nhà mình nuôi trong câu chuyện của Louis. Phải quan sát kĩ, chơi với mèo như một người bạn thân thiết và hơn hết là tình yêu với con vật nhỏ nhắn, khôn lanh này mới có được những câu văn đầy ấn tượng khi viết về mèo. Cảm xúc là thứ không thể đánh lừa độc giả. Từng bước đi chầm chậm sát vách tường, những cái ịn mũi vào tấm cửa kính, cái liếm mép khi chén no say hộp pa-tê, hay cái khịt mũi ra chiều nũng nĩu của mèo, cả cái cạ đầu vào lưng cũng được khắc họa rõ và thật, như những đặc tính cố hữu của loài mèo.
Chuyến đi của chú mèo nhỏ cùng mami và những người dì còn được lồng vào các câu chuyện trên đường để từ đó toát lên lòng nhân hậu giữa người và người, giữa người và động vật, giữa động vật với nhau. Yêu thương chẳng có rào cản, ngay cả không cùng tiếng nói chung, giống loài chung. Chỉ có yêu thương mới khiến con người ta sống hạnh phúc. Một điều đặc biệt nữa trong tập truyện lần này là tính du ký của tác phẩm. Ở mỗi vùng đất trong hành trình xuyên bang của chú mèo Louis, là mỗi nét đẹp thiên nhiên lẫn sự sống tươi mới của con người nơi đấy. Đôi khi chính yếu tố này mới khơi gợi trí tò mò và háo hức của độc giả nhí. Các em tha hồ tưởng tượng những cảnh đẹp của một đất nước cách Việt Nam nửa vòng trái đất.
Trần Gia Bảo có thể nói là người viết sống gần gũi với thiếu nhi nhất, bởi công việc đang phụ trách và những chuyến đi trao học bổng, làm thiện nguyện đều là dành cho thiếu nhi mồ côi, các bé học sinh khó khăn. Đôi chân của chị đã đi qua rất nhiều vùng sâu và xa để đến với các em. Đôi tay chị cũng đã dìu dắt, nâng đỡ rất nhiều em cho đến ngày trưởng thành và có công việc ổn định. Mới đây thôi, đôi tay ấy nửa đêm chờ sáng để cùng tôi vận động suất học bổng đặc biệt cho một em sinh viên nghèo của Đại học Huế. Mãi đến tận những ngày trước Tết, chúng tôi đã hoàn thành phần trao học bổng, với chị xong việc này mới là cái Tết thanh thản của lòng mình.
Hôm ngồi ăn cháo đậu giữa phố đi bộ Long Xuyên nhân chuyến về giao lưu cùng sinh viên của Trường Đại học An Giang, tôi hỏi chị lấy đâu ra năng lượng mà cười tươi từ sáng đến tối, cũng cái điệu cười sang sảng hồn hậu, chị bảo với chị là nhờ viết cho thiếu nhi mà đời chị luôn vui mỗi ngày.