Trầm Hương Các

Thứ Hai, 14/07/2025, 08:42

Ở thành phố Nha Trang có một thư phòng đặc biệt mang tên "Trầm Hương Các" (Gác Trầm hương)

Nhẹ bước lên mấy bậc thang gỗ, bạn lọt vào một nơi "giản dị mà không giản đơn". Thư phòng có bài trí trang nhã mà ấm cúng, trang trọng mà gần gũi, thâm u mà tĩnh tại. Ngoài ô cửa kính, gió biển Nha Trang lồng lộng trên tán lá. Ánh nắng chiều lọc qua lớp rèm mỏng, nhàn nhạt chiếu xiên qua làn khói trầm mảnh như tơ tỏa lên từ chiếc đỉnh ngà, uốn lượn như dòng ý nghĩ chưa đặt thành lời.

Đây như là một thế giới riêng của người chính nhân, không buộc ràng, không phô trương. Đây cũng là nơi ta có thể ngồi xuống, nhấp một ngụm trà, lắng nghe bằng hữu, lắng nghe chính mình - giữa ký ức và hiện tại, giữa ước mơ và giới hạn...

Trầm Hương Các -0
Ông Nguyễn Văn Tưởng giới thiệu với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về các hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Trầm Hương, phường Nam Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đã gọi là căn gác của trầm hương thì trầm tất nhiên hiện diện rất nhiều. Song không như những tay chơi chạy theo "nhiều nhất, to nhất", hiện vật làm từ trầm hương được đặt nơi đây đều là sự dụng công, dụng tâm của chủ nhân - thâm trầm, thanh sạch và đầy khí chất. Trầm Hương Các giống một thánh thất của hương và gỗ, nơi hiện vật ít nhưng tinh, vừa là tạo tác từ bàn tay nghệ nhân, vừa là kết tinh của thiên nhiên, thời gian và linh khí đất trời.

Từ miếng trầm thô mộc, đến khối kỳ nam hiếm quý, từ chuỗi hạt thiền định đến tượng khắc tinh xảo, trong đó, đáng chú ý nhất là chiếc quạt trầm hương phiên bản đặc biệt - món quốc lễ của Việt Nam dành tặng các vị nguyên thủ về dự Hội nghị APEC 2017 - mỗi thứ đều tôn vinh vẻ đẹp trầm mặc mà sang quý của trầm hương.

Mùi hương lan nhẹ trong không khí, không xâm lấn mà quyến rũ, khiến người có mặt không chỉ nhìn bằng mắt, mà cảm bằng tâm, thấy từng mạch nhựa rừng đã hóa thành hơi thở của tĩnh lặng. Trầm Hương Các quả thực không đơn thuần là một thư phòng, mà là một không gian nghệ thuật sống động, nơi trầm hương được tỏa sáng như một phần hồn sâu lắng của văn hóa Á Đông.

Chủ nhân của Trầm Hương Các là ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa. Trong thư phòng từng tiếp những vị quốc khách, thượng khách, và hôm nay giản dị là những tân khách, ông cười hiền. Khoan thai mà rắn rỏi, ở ông toát lên sự hào sảng, đĩnh đạc của bậc chính nhân, như thể mang theo phong thái của gió biển, hương rừng và thế núi. Bằng giọng nói trầm ấm mà sôi nổi mỗi khi nhắc đến trầm hương, câu chuyện mở ra cả với những điều xa xưa và hiện đại.

Hai thập kỷ gắn bó với trầm, ông không chỉ là một nhà sưu tầm, một doanh nhân. Ông sống cùng, thở cùng và chiêm nghiệm từng lớp hương sâu kín của sản vật quý này. Có lúc, ông ví trầm như người bạn tri kỷ, có lúc lại gọi là "hơi thở thiêng của rừng già", "linh khí của trời đất". Những câu chuyện ông kể liên miên lôi cuốn người nghe như khám phá một kho tàng, từng lớp trầm tích lịch sử trầm hương.

"Tôi có thể nói mãi không hết về trầm" - ông cười - "vì càng hiểu, càng thấy trầm không chỉ là sản vật mà là một di sản, một văn hóa, một thần khí. Trầm hương - kỳ nam có thể kết nối, hun đúc những giá trị thiêng liêng đặc biệt của trời đất, của vũ trụ để truyền thừa cho muôn đời sau. Cũng bởi vậy, khói trầm là không thể thiếu trong những nghi lễ tôn nghiêm của hầu hết các tôn giáo lớn, không thể vắng trong những nghi thức quan trọng của những bậc quyền quý, quân vương…".

Có lẽ không dễ tìm một doanh nhân đang kinh doanh trầm lại khẳng khái nói rằng: "Tôi rất vui vì hiện nay có hàng nghìn công ty làm trầm. Có thể bước đầu còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết về chất lượng, sự thật-giả, song tất cả những yếu tố này rồi sẽ được định lượng, kiểm tra bằng sự phát triển của khoa học, công nghệ. Điều quan trọng là chúng ta sẽ thấy sự phát triển của một ngành trầm hương mang chiều sâu văn hóa đất nước Việt Nam và là niềm tự hào của người Việt, với những giá trị thiêng liêng, cao quý mà trời đất ban cho dải đất này".

Lan tỏa trầm trong văn hóa Việt đối với ông là một giấc mơ đang thành hình bởi theo ông, khi nhiều người cùng làm trầm là đất nước đang đi lên, là giá trị thiêng liêng của trầm hương - thứ hương thơm từng dành cho vua chúa, thiền sư - đang dần đến gần hơn với đồng bào, nuôi dưỡng tâm hồn, thanh lọc cuộc sống, hun đúc nên những giá trị tốt đẹp. Với một người có tầm nhìn xa và suy nghĩ sâu, ông hiểu rằng trầm không chỉ để bán - trầm là để sống, và khi càng nhiều người Việt được "thưởng trầm" là càng nhiều người tìm thấy và phát huy bản ngã tốt đẹp trong chính mình.

Một điều nữa khiến ai có dịp được trao đổi với chủ nhân của Trầm Hương Các đều khâm phục và xúc động trước tấm lòng của ông đối với đất nước, với dân tộc là chuyện ông đã không tiếc tiền của để phục dựng, tổ chức những Lễ dâng Trầm quy mô rất lớn ở Nha Trang, ở Côn Đảo nhân những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước - những sự kiện mang chiều sâu văn hóa lớn, chạm đến trái tim của mọi người, kết nối những người Việt đã sống và đã hy sinh vì giang sơn gấm vóc, vì cuộc sống hòa bình hôm nay; kết nối người Việt trong nước và trên thế giới; kết nối trời đất và những vị thần…

Bởi vậy, chưa bao giờ trong lịch sử, tối 30/4/2019, trên Quảng trường 2/4 bên bờ biển Nha Trang dào dạt sóng, không gian khoáng đạt rộng lớn mà vẫn ngát hương trầm lan tỏa nhẹ như mây khói, sâu như tiếng vọng từ trời cao. Những nén trầm được thắp lên không chỉ để tôn vinh một sản vật quý, mà còn là cách người dân đất Khánh Hòa gửi gắm lòng thành kính với tổ tiên, với khí thiêng trời đất đã hun đúc nên hương trầm kỳ diệu.

Khói trầm bay lên linh thiêng, như nâng bước những tâm hồn Việt hướng về cội nguồn. Đó vừa là hương - vừa là khí phách, là bản sắc, là tinh hoa lặng lẽ mà dân tộc Việt đã ấp ủ trong tâm khảm suốt bao đời. Trên quảng trường hôm ấy, trầm hương đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh là linh khí nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trầm Hương Các -1
Lễ dâng Trầm trong chương trình nghệ thuật "Trầm Hương Khánh Hòa - Linh khí của trời đất" được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa ngày 30/4/2019.

Tương lai - đó luôn là hướng đi và đích đến bởi nó là quy luật vận động của cuộc sống. Đối với chủ nhân Trầm Hương Các, chính từ căn gác này, ông đã từng bước hoạch định, khơi mở, triển khai và chấn hưng ngành kinh tế trầm hương của nước nhà. Bằng tầm nhìn rộng mở và lòng kiên trì hiếm có, ông đã đưa trầm hương từ chốn rừng sâu thầm lặng bước ra ánh sáng kinh tế hiện đại, từ một sản vật mang màu sắc huyền thoại trở thành ngành hàng có giá trị cao, mang bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Thương hiệu Trầm Hương Khánh Hòa với bề dày lịch sử hàng ngàn năm giờ đã thức tỉnh sau giấc ngủ dài và từng bước quay lại chinh phục thế giới như đã từng. Với Nguyễn Văn Tưởng, phát triển kinh tế trầm hương không chỉ là làm giàu cho đất nước, mà là gìn giữ và nâng tầm một di sản linh thiêng, để thứ hương của đất trời tiếp tục lan tỏa trong đời sống hôm nay. Đó cũng là bệ phóng để ông tiếp tục thực hiện những hoài bão lớn lao mới, sâu sắc và đầy tính nhân văn: Xây dựng Làng Hòa Bình và Sáng Tạo - một không gian văn hóa đặc biệt, nơi con người được sống chan hòa với thiên nhiên, nghệ thuật và những giá trị văn hóa bản địa.

Gắn với trầm hương như một biểu tượng linh thiêng, dự án không đơn thuần là kiến trúc hay đầu tư, mà là một giấc mơ về cộng đồng sống an lành, sáng tạo, tĩnh tại trong tâm hồn và giàu bản sắc trong hành xử. Đó là một đại dự án giấc mơ mang dáng dấp của tương lai, nhưng lại bắt rễ rất sâu trong lòng đất Việt. Và người thắp lên giấc mơ đó chính là chủ nhân Trầm Hương Các Nguyễn Văn Tưởng - một con người vừa biết tìm vàng trong thân cây, vừa biết thắp lửa trong lòng người.

Rời khỏi Trầm Hương Các, bước chân tân khách như chậm lại theo khói trầm vẫn còn lặng lẽ lan trong không khí. Một buổi chiều với cuộc trò chuyện - bên cạnh những lời chia sẻ về nghề, về gỗ, về hương… là một hành trình ngắn mà sâu, dẫn người ta đi từ cội rừng trầm Khánh Hòa đến những tầng văn hóa trầm tích trong lòng người Việt. Chắc chắn, như biết bao vị quốc khách, thượng khách khác từng có cơ duyên được ghé thăm nơi đây, ai ra về cũng mang theo một điều gì đó trong tâm tưởng: Một niềm cảm hứng mới, một nỗi suy tư xưa cũ, hay đơn giản là một đốm hương âm ỉ đã bén trong lòng - hương của trầm, hương của văn hóa, hương của người tử tế.

Đinh Vũ Hồng Phương
.
.