Tống Phước Bảo - Nhà văn của những dòng sông

Thứ Bảy, 05/10/2024, 12:09

Sau gần bốn tháng phát động, cuộc thi viết mang tên “Câu chuyện của những dòng sông” thu hút sự tham gia của hàng trăm cây bút trên khắp mọi miền đất nước với 472 bài viết chất lượng. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 12 giải Ấn tượng. Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, giải Nhất trị giá 50 triệu đồng đã thuộc về nhà văn Tống Phước Bảo với tác phẩm “Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại”.

Mỗi dòng sông là một ngọn nguồn kiến thiết nên những nền văn minh. Đã trở thành quy luật, sông chảy đến đâu, con người xây ấp lập làng đến đó. Cứ thế, đời người đan vào đời sông để cùng nhau vượt qua bao thăng trầm dâu bể.

Nhằm tạo điều kiện để các tác giả “có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng”, báo VietNamNet đã tổ chức cuộc thi viết mang tên “Câu chuyện của những dòng sông”.

Sau gần bốn tháng phát động, cuộc thi thu hút sự tham gia của hàng trăm cây bút trên khắp mọi miền đất nước với 472 bài viết chất lượng. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 12 giải Ấn tượng. Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, giải Nhất trị giá 50 triệu đồng đã thuộc về nhà văn Tống Phước Bảo với tác phẩm “Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại”.

nhà văn tống phước bảo nhận giải nhất_nguồn ảnh hồ huy sơn.jpg -0
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trao giải Nhất cho nhà văn Tống Phước Bảo (Ảnh: Hồ Huy Sơn).

- Anh từng giành giải Nhất nhiều cuộc thi văn chương như: “Một nửa làm đầy thế giới” (NXB Văn hóa - Văn nghệ), “Thành phố tôi yêu” (báo Thanh niên), “Quê nhà yêu dấu” (tập san Áo trắng)... Cảm xúc khi trở thành quán quân cuộc thi viết “Chuyện của những dòng sông” có gì khác biệt?

+ Đối với tôi, giải thưởng lần này là một món quà bất ngờ. Khi đọc bài viết của các tác giả khác, nhất là những tên tuổi lớn mà tôi rất thần tượng họ, tôi thấy quá nhiều con sông xứng đáng được mọi người biết đến, quá nhiều câu chuyện hay khiến chúng ta thêm yêu các dòng sông quê hương. Vì mang tâm thế đó nên đến tận cuối lúc trao giải, tôi vẫn không nghĩ nhiều về giải thưởng. Chúng tôi đến buổi lễ là mong gặp nhau và được chia sẻ với nhau chặng hành trình viết về sông. Ngay khi được xướng tên, tôi thấy bồi hồi, rồi vỡ òa, tay chân lạnh run vì mừng. Cảm giác khác những cuộc thi văn chương mà tôi đã giành giải Nhất, vì đây là cuộc thi thiên về báo chí, không phải sở trường của tôi.

- Anh vừa chia sẻ báo chí không phải là sở trường của mình. Nhưng trong bài viết “Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại”, tôi nhận thấy Tống Phước Bảo đã tạm gác lại sự bay bổng, hoa mĩ vốn có trong văn phong của anh để điều chỉnh cách viết khá linh hoạt, tiết chế hơn và khách quan hơn?

+ Tôi nhớ một nhà văn đàn anh từng thẳng thắn góp ý với tôi rằng, tôi “múa chữ” quá nên dễ đánh mất cái chân phương trong văn tôi. Lúc viết tác phẩm này, tôi biết mình cần bỏ đi những “lụa là” quen thuộc khi viết tản văn hoặc những đoạn miêu tả kiểu truyện ngắn. Tôi tập trung nhìn sâu vào đời sông và trầm tích lịch sử đang bị chôn vùi dưới đáy con sông anh hùng này. Hơn hết, tôi quan sát bằng góc nhìn trẻ, một người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này mà lần đầu tiên mới biết đến con sông Lòng Tàu. Con sông vốn dĩ quá đẹp nên tôi cứ mặc nhiên kể về vẻ đẹp thuần mộc đó. Tôi tin, nguyên bản của mọi con sông trên đất Việt đều đẹp!

- Bài viết của anh không chỉ mở ra “vẻ đẹp thuần mộc” của sông Lòng Tàu mà còn kết nối người đọc với nó thông qua mối liên hệ chặt chẽ giữa cảnh và tình, quá khứ và hiện tại, thiên nhiên và con người, khi mạch lạc, lúc quyện hòa, như thể mỗi chi tiết, thông tin, sự kiện đều được anh “quy hoạch” rất bài bản?

+ Lúc phác thảo tác phẩm này, tôi cứ thả mình theo cảm xúc, để câu chữ chảy tràn trên trang viết, không kìm nén hay kiểm soát gì cả. Sau đó, tôi đọc lại và bắt đầu chỉnh sửa. Tôi tạo ra hai mảng đối xứng để khi nhắc về con sông này người ta phải “ôn cố tri tân” và tường tận chuyện sông cũng như những phận đời chọn sông để sống. Tôi phải cảm ơn những kỷ niệm trên ấp đảo Thiềng Liềng, nơi con sông Lòng Tàu chảy qua và chọn dừng lại để nhiều người từ sông mà có cuộc đời ấm no. Chính họ đã cho tôi nhiều cảm hứng để khi viết, tôi men theo đó mà bày biện chuyện của con sông một cách thuận lợi nhất. Khi cầm bút, tôi đã sống lại chính những thời khắc mình đang đi theo sông Lòng Tàu mà chạm vào rất nhiều thứ như ấp đảo Thiềng Liềng, ruộng muối thủ công, núi Giồng Chùa… Tôi nghĩ việc dung hòa được cảm xúc và kĩ thuật đã cho tôi một tác phẩm ưng ý.

- Những trải nghiệm anh vừa tâm sự giúp tôi giải mã được lý do Tống Phước Bảo luôn viết rất ấn tượng về thành phố mang tên Bác. Nhưng để tạo nên sự độc đáo so với những bài viết trước của chính mình cũng như của các tác giả khác, hẳn anh đã trăn trở nhiều khi chọn sông Lòng Tàu?

+ Trong chuyến đi thực tế từ sông Sài Gòn đến nhánh rẽ Lòng Tàu, tôi thấy TP. Hồ Chí Minh quá đẹp, nhất là lúc chúng tôi nhìn từ lòng sông ngược về khu trung tâm. Một nét đẹp mà bấy lâu nay tôi chưa bao giờ cảm nhận được. Con sông Lòng Tàu cũng cho tôi nhiều câu chuyện khiến tâm thức mình trỗi lên một cảm xúc dâng tràn giữa quá khứ đan xen câu chuyện lịch sử và thời đại. Hơn hết chính là tấm lòng của những người dân trên ấp đảo Thiềng Liềng nồng hậu đón tiếp chúng tôi trong những ngày lưu lại đây. Ở TP. Hồ Chí Minh mà kiếm được đảo xa bốn bề là sóng nước thì thật thú vị. Từ con sông này, nước đổ ra biển Đông, cũng từ con sông này, nước chọn ở lại kết tinh thành muối. Dân ở đây vẫn làm muối thủ công. Tôi thấy có sự chan hòa giữa sông, muối và người. Ngay lúc đó, tôi biết mình vừa gặp được con sông mà lòng muốn viết.

- Và chính những “cảm xúc dâng tràn” ấy của anh đã phần nào đó lan tỏa những năng lượng ấm áp yêu thương vào tâm hồn độc giả khi đọc bài viết vỏn vẹn 2.000 chữ này. Giả sử thể lệ cho phép dung lượng dài hơn chút nữa, Tống Phước Bảo sẽ viết thêm những điều gì?

tuyển tập chuyện của những dòng sông.jpg -1
Tuyển tập “Chuyện của những dòng sông”.

+ Nói thật thì ban đầu khi tôi thả mình theo cảm xúc, tôi viết ra tận 4.500 chữ. Cảm giác khi viết xong như mình trút được tất cả nỗi lòng với con sông này. Chuyện sông cũng như chuyện người cứ mênh mang ngấm vào tâm trí tôi từ khi rời Lòng Tàu về lại đất liền. Nhưng, cuộc thi có quy định và tiêu chí nên tôi buộc phải cắt bớt đi, chỉ chọn lại những câu chuyện súc tích nhất, để mọi người có thể đọc và hiểu rõ nhất. Để viết về sông thì không biết bao nhiêu là đủ bởi đó là tình cảm dạt dào nhất trong rất nhiều tình cảm mà chúng ta may mắn có được trong cuộc đời.

- Có phải vì “viết về sông thì không biết bao nhiêu là đủ” nên phần lớn các tác phẩm của Tống Phước Bảo thường xuất hiện hình ảnh những con sông: Mòn Mỏi, Cố Giang, Từ Cô, Côi Cút, Tứ Thời, Lai Vung, Long Hậu ... và giờ là sông Lòng Tàu. Vậy mối quan hệ giữa những con sông hư cấu và những con sông có thực trong dòng chảy tâm tưởng của anh?

+ Tôi nghĩ, người Việt ai cũng có một con sông cho riêng mình. Từ sông, chúng ta lớn lên, lấy sông làm nơi mưu sinh, ở lại cùng sông. Cũng có người chọn rời sông mà lên phố thị. Tuy vậy, ký ức về sông là thứ khó có thể phai mờ trong hành trình sống. Tôi cũng vậy vì quê gốc mình miền Tây nên tâm tưởng luôn có con sông ngay sau nhà ngoại. Khi viết, tôi mang con sông đó vào làm chất liệu. Đời người xuôi ngược, trở về rồi ra đi, rồi gặp thêm các con sông khác. Tôi cố gắng tạo ra nhiều con sông khác nhau bằng những cái tên nửa thực, nửa ảo để độc giả có thể sống lại ký ức sông của mình, chứ không “mắc cạn” vào con sông của tôi.

- Thật khó để không bị “mắc cạn” bởi những con sông da diết trong trang văn Tống Phước Bảo. Anh dự định sẽ kể tiếp điều gì để độc giả vừa “sống lại ký ức sông của mình”, vừa thấy được sự mới mẻ của các dòng sông cũng như ngòi bút của anh?

+ Xin mượn phần kết trong tác phẩm của tôi để trả lời câu hỏi này: “Sông không bao giờ thiếu chuyện để kể. Trăm ngàn con sông trên khắp dải đất hình chữ “S” này là muôn vàn trầm tích nối dài từ thuở khai hoang cho đến ngày nay”. Chuyện sông như chuyện người, mỗi ngày trôi qua đều có điều mới mẻ để người viết lấy đó làm chất liệu. Dĩ nhiên để kể chuyện sông thì chí ít chúng ta phải song hành cùng đời sông. Mà đời sông như là đời người. Người đi vào thời đại 4.0 thì sông cũng lòng vòng dòng trôi trong nhịp thở thế giới phẳng. Tôi vẫn sẽ viết về sông với góc nhìn từ phố thị và của một người trẻ.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của nhà văn Tống Phước Bảo. Chúc anh dồi dào bút lực!

Phan Đức Lộc (thực hiện)
.
.