Nhà văn Kiều Bích Hậu: Tìm lối đến với bạn đọc thế giới
- Nhà văn Trần Thanh Cảnh: "Đề tài lịch sử luôn hấp dẫn tôi"
- Nhà văn Chu Thị Minh Huệ: nảy từ đá xám mà xanh
- Nhà văn Triệu Xuân: Chấm ngòi bút vào nỗi đau, niềm oan khổ của con người
Thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch và xuất bản ồ ạt ở Việt Nam. Trong khi đó, văn học Việt đến với bạn đọc thế giới lại rất hạn chế. Một số tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc thời gian qua chủ yếu đều xuất phát từ các mối quan hệ cá nhân của các nhà văn.
Vì thế, việc gần đây xuất hiện những nhà văn viết trực tiếp bằng tiếng Anh và tìm cách xuất bản ở nước ngoài khiến nhiều người chú ý, mở ra một cánh cửa để văn học Việt đến với bạn đọc thế giới. Trong đó, nhà văn Kiều Bích Hậu với tập thơ "The Unknown" (Ẩn số), viết bằng ngôn ngữ Anh, được chuyển ngữ tiếng Italia và xuất bản ở nước này hồi cuối tháng 7 năm nay là ví dụ.
Nhà văn Kiều Bích Hậu. |
Thừa nhận chúng ta có hàng ngàn nhà văn, tác phẩm tốt, nhưng những năm vừa qua, số lượng nhà văn được dịch tác phẩm giới thiệu ở nước ngoài lại "chỉ đếm trên đầu ngón tay", nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng có nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do, đó là chúng ta thiếu đội ngũ dịch giả.
"Người Việt Nam đi du học nhiều, và nhiều người trong số họ trở thành dịch giả, nhưng hầu hết dịch xuôi (do quá trình học tập ở nước ngoài, thông thạo ngôn ngữ, thẩm thấu vẻ đẹp văn hóa, văn học ở nước đó, nên họ dịch tác phẩm nước ngoài, giới thiệu cho độc giả Việt Nam). Ngược lại, người nước ngoài du học tại Việt Nam rất ít nên có ít dịch giả nước ngoài giỏi tiếng Việt. Ta tự dịch ngược thì thiếu tự tin, vì vẫn dựa vào từ điển là chính, không tư duy bằng tiếng nước ngoài, ngôn ngữ ấy chưa là máu thịt. Điều này quả thực là một thiệt thòi lớn cho đội ngũ nhà văn Việt Nam, khi sức lan tỏa tác phẩm không vượt qua biên giới"- nhà văn Kiều Bích Hậu phân tích.
Theo chị, một trong những bất lợi của hầu hết các nhà văn Việt Nam là ngoại ngữ. Hai trường hợp nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Mai Văn Phấn đều biết ít nhất ngôn ngữ thông dụng trong giao dịch quốc tế, đó là ngôn ngữ Anh.
Chính vì nhà văn Hồ Anh Thái, Mai Văn Phấn, và sau này là Nguyễn Phan Quế Mai, Di Li có thể đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, tiếp cận lượng bạn đọc hoàn toàn khác, là vì các nhà văn đó đã biết dùng ngoại ngữ để liên tục kết nối với bạn văn nước ngoài, và từ họ, biết được "lối đi" đến các nhà xuất bản nước ngoài.
"Cơ hội xuất bản ở nước ngoài luôn có, chỉ có điều cá nhân mỗi nhà văn phải tự thân vận động, hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc này để đặt mục tiêu và tiến tới mục tiêu" - nhà văn Kiều Bích Hậu nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta thiếu một “bà đỡ mát tay”, như Hội Nhà văn Việt Nam chẳng hạn, lẽ ra Hội phải trở thành cầu nối quan trọng, thường xuyên, liên tục để đưa văn học Việt ra thế giới, nhưng công việc này lâu nay không thường xuyên, thậm chí "được chăng hay chớ".
Trước ý kiến này, nhà văn Kiều Bích Hậu dẫn chứng: Hội Nhà văn Việt Nam có mối liên hệ với trên 100 tổ chức văn học quốc tế, hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản quốc tế. Bốn sự kiện "Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam" được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong những năm qua đã thu hút rất nhiều bạn quốc tế tới dự. Đó chính là cơ hội tuyệt vời để mỗi nhà văn Việt Nam chủ động kết giao với bạn quốc tế, giao lưu thường xuyên chứ không chỉ trong sự kiện đó.
Đơn cử, trong tháng 2/2019, tôi chỉ là cộng tác viên của Hội Nhà văn Việt Nam trong sự kiện "Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần IV", do tôi biết tiếng Anh, nên Hội ký hợp đồng vụ việc với tôi, nhiệm vụ đi đón các nhà văn quốc tế, chăm sóc họ trong thời gian Hội nghị.
Đó là một điều tuyệt vời đối với tôi, trong sự kiện đó, tôi đã làm quen và trò chuyện thân tình, phỏng vấn được 3 người bạn lớn: Giáo sư Gunter Giesenfeld người Đức (người bạn lớn của văn học và nhân dân Việt Nam); nhà thơ người Ý kiêm Chủ tịch Ngôi nhà thơ Como, Giám đốc sự kiện Lễ hội thơ châu Âu - chị Laura Garavaglia; nhà thơ Hungary kiêm sáng lập nhà xuất bản AB Art - anh Sandor Halmosi.
Chính từ mối quan hệ đó, chúng tôi thành bạn nghề thân thiết, rồi không chỉ trao đổi thông tin nghề nghiệp thường xuyên sau khi các bạn về nước, chúng tôi còn tích cực dịch và giới thiệu tác phẩm của nhau… Những kết quả mà chúng tôi đạt được trong năm qua thật bất ngờ!
Bìa tập thơ "Ẩn số" của nhà thơ Kiều Bích Hậu bản in tiếng Italia. |
Nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có hoạt động để dịch và in tác phẩm chọn lọc của hội viên ở nước ngoài, nhưng tôi nghĩ mỗi nhà văn cần chủ động làm việc này, không nên chỉ chờ đợi Hội Nhà văn Việt Nam, hay bất cứ tổ chức nào khác, làm việc đó cho mình.
Xuất phát từ tâm thế đó, trong vòng hai năm qua, nhà văn Kiều Bích Hậu đã quyết định trực tiếp sáng tác bằng ngôn ngữ Anh và tìm cách xuất bản ở nước ngoài. "Mùa xuân năm 2019 tôi sang châu Âu, trong khoảng thời gian đó, tôi gặp duyên, có được người bạn tri kỷ, thích trò chuyện về chữ nghĩa, thích gieo vần và sáng tạo với mỗi chữ, nên có ảnh hưởng tới tôi. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên trong tập "The Unknown" (Ẩn số) đã đến với tôi vào một đêm trong ngôi nhà giữa rừng Rotselaar (Vương quốc Bỉ), tôi chợt tỉnh ngủ giữa đêm, trằn trọc và từng câu thơ cứ hiện lên. Tôi thấy thú vị quá, nên trở dậy, bật đèn và viết vào một tờ giấy nháp. Những ngày sau đó, tôi viết thơ khi ở Bỉ, khi sang Pháp, lúc đang làm bếp, hoặc khi đợi tàu điện ngầm… Tập thơ gần như hoàn tất trong thời gian tôi ở châu Âu"- nhà văn Kiều Bích Hậu cho biết.
Nói về lý do viết bằng tiếng Anh, chị chia sẻ: "Tôi từng có một số truyện ngắn được dịch tiếng Anh, in trong nước và nước ngoài, tuy nhiên khi đọc bản dịch thì tôi không ưng ý hoàn toàn. Tôi từng nghĩ, hay là mình tự dịch truyện của mình, có thể sẽ không thất thoát ý tưởng và bảo toàn dung lượng cảm xúc. Tôi đã tự dịch truyện của mình, nhưng thấy tốn thời gian quá, trong khi tôi còn dư ý tưởng chưa viết ra thành truyện. Cho đến khi viết tác phẩm bằng tiếng Anh, tôi thấy rằng mình tiết kiệm được thời gian, kinh phí, và quan trọng là ý tưởng cũng như cảm xúc nguyên vẹn. Tôi biết Nguyễn Phan Quế Mai cũng đang làm điều này. Khi viết bằng tiếng Anh, dù vẫn nguyên liệu đó, nhưng cách thể hiện được quốc tế hóa, sẽ dễ đến với bạn đọc thế giới hơn".
Bên cạnh đó, trong thời gian ở châu Âu, do chỉ dùng ngôn ngữ Anh với bạn hữu, người thân nên chị cũng rèn cho mình tư duy bằng tiếng Anh. Dần dần, "dòng thơ tiếng Anh cứ thế tuôn trào, tôi chỉ việc viết nó ra thôi. Khi làm thơ bằng tiếng Anh, tôi thấy mình đã vượt lên một bậc về năng lực viết. Giống như mình đã chiến thắng chính mình vậy. Khi tôi viết được bài thơ đầu tiên, cảm hứng dâng trào, sung sướng âm ỉ đến vài ngày. Bởi trước đó, năm 2018, tôi đã đặt bút viết một truyện ngắn bằng tiếng Anh, nhưng đang viết dở thì máy tính bị hỏng, tôi cứ chờ chữa máy tính và rồi thời gian qua đi, truyện ngắn đó vẫn dở dang. Nay bỗng dưng viết liền cả chục bài thơ tiếng Anh thì tôi thấy rằng, việc này không còn bất khả. Tôi cần dấn tới, không để nó trôi đi".
"Ẩn số" là tập thơ đầu tay của tác giả Kiều Bích Hậu, với 33 bài thơ tình giàu cảm xúc. Nhà thơ - dịch giả Laura Garavaglia là người đã chuyển ngữ sang tiếng Italia. Đây là tập sách thứ hai của Việt Nam mà NXB iQdB Edizioni by Stefano Donno chọn in. Trước đó là hợp tuyển thơ "Sông núi trên vai" của Việt Nam, đã phát hành đầu năm và được bạn đọc Italia đón nhận, các nhà phê bình đánh giá tốt.
Về tập thơ "Ẩn số", nhà thơ - dịch giả Laura Garavaglia nhận xét: "Đó là giọng nói của một người phụ nữ Việt, người ''với một giọng nói khác biệt'' tìm kiếm trong tình yêu sự khẳng định bản thân, giải phóng khỏi các định kiến giới tính và bất bình đẳng vẫn hiện diện trong xã hội. Tôi rất vui khi được dịch những câu thơ của cô ấy từ nguyên bản tiếng Anh.
Tập thơ "The Unknown" (Ẩn số) của Kiều Bích Hậu là những câu thơ mà tác giả dành cho người đàn ông cô yêu, ở rất xa vì cô sống ở lục địa khác, sự hiện diện của cô được cảm nhận nhờ ký ức về những khoảnh khắc bên nhau, những khoảnh khắc mà thơ ca hồi sinh mãnh liệt, từ đó nổi bật những tâm trạng khác nhau và thường trái ngược nhau, chắc chắn là bởi vì tình yêu, trong một cảm giác đa diện".
Theo nhà văn Kiều Bích Hậu, việc tìm cho mình một lối đi để nhanh chóng tiếp cận với độc giả nước ngoài luôn có những khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn nhất chính là khi bắt đầu. Dẫn chứng từ trải nghiệm cá nhân, là khi đối diện một từ nào đó chưa thể diễn tả trọn nghĩa, chị có ý muốn tra từ điển. Nhưng lập tức chị gạt bỏ nó, bởi theo chị việc tra từ điển sẽ khiến dòng tư duy trở ngược về thói quen cũ, tư duy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Chị tự yêu cầu mình phải đạt bằng được mức tư duy hoàn toàn bằng tiếng Anh thì viết mới mượt mà, trơn tru được. Vậy nên, thay vì tra từ điển để tìm từ diễn đạt cho đủ, chị đã viết ra từ đầu tiên nảy đến trong đầu, để mạch viết được liên tục. Một khó khăn nữa là vấn đề quảng bá tác phẩm.
"Khi chúng tôi thống nhất sẽ xuất bản tác phẩm ở một nước nào đó, tôi cần làm việc liên tục với nhà xuất bản, phải theo lộ trình quảng bá của họ. Nếu tôi thiếu ngoại ngữ, sẽ rất khó làm việc này. Nếu tôi không chịu bỏ thời gian để cùng tương tác, sáng tạo các phương pháp quảng bá sách, theo đuổi các sự kiện thì tôi không thể có tác phẩm bán được ở nước ngoài"- tác giả "Ẩn số" chia sẻ.