Tình yêu qua chiến tranh

Thứ Năm, 04/08/2022, 15:19

Những lá thư tình thời chiến bạc màu thời gian nhưng chứa đựng trong đó những ký ức xúc động của những người lính năm xưa. Những lá thư như một dấu tích còn lại của tình yêu đã vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh, ở đó, chúng ta cảm nhận được sự dũng cảm, chân thành của những người lính và trên tất cả là sự hy sinh vì một lý tưởng cao đẹp, “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.

Những lá thư ấy đang được trưng bày trong triển lãm “Tình yêu qua chiến tranh” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Sức mạnh của những lá thư

Những lá thư đã ố vàng bởi thời gian được các chủ nhân giữ gìn cẩn thận như là báu vật, bởi đó là cứu cánh cho họ trong thời chiến, khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá mong manh. Như bà Thanh Hồng, vợ cố nhạc sĩ Trần Hoàn khẳng định: “Nếu không có những lá thư, tôi đã chết”. Bà Trương Thị Sẻ, Kim Sơn, Ninh Bình lại cho rằng: “Thật lòng mà nói, không có những bức thư của ông ấy thì tư tưởng của tôi có khi không vững vàng”. Còn bà Lady Borton khẳng định: “Những lá thư bạc màu vì thời gian này là lịch sử, nó là “vàng ròng” khi chúng ta muốn tìm hiểu và tìm lại nhân chứng của một thời”.

Những lá thư được viết chân thành và cảm động, xuất phát từ tình yêu, nỗi nhớ thương của người trong cuộc. Những lá thư có khi viết vội trên đường hành quân, giữa mưa bom bão đạn, cũng có khi được viết giữa đêm khuya thanh vắng, dưới ánh trăng... Những lá thư còn lại là tình yêu, nỗi nhớ.

untitled-7.jpg -0
Bà Thanh Hồng - vợ cố nhạc sĩ Trần Hoàn.

Trong trưng bày lần này có cuốn hồi ký của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam gồm hơn 500 lá thư họ đã viết cho nhau từ năm 1950, khi còn là bạn bè, rồi thành người yêu, sau đó là chồng vợ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, vợ nhà văn Vũ Tú Nam chia sẻ: “Chúng tôi may mắn giữ được hầu như toàn bộ những lá thư viết cho nhau từ năm 1950 trở đi. Những lá thư đầu tiên được chuyển tay nhờ các đồng chí giao liên vì lúc đó chưa có tem bưu điện, những tờ giấy đã ố vàng, nhiều trang bị nhòe mực đã được cất giữ trong đáy ba lô bộ đội rồi chuyển sang chiếc vali cũ nát, đi sơ tán khắp nơi, may mà không bị đạn bom hủy hoại. Tổng cộng 500 bức thư, nếu có dịp giở ra đọc thấy lại nhiều điều... Chúng tôi thấy sống lại những năm tháng kháng chiến, những tấm gương dũng cảm của đồng bào, bộ đội, những kỷ niệm về các đồng nghiệp là nhà văn, nhà báo ở Hà Nội và các vùng quê thân thiết của chúng ta”.

Năm 1948, bà Thanh Hương là một cán bộ phụ nữ của Liên khu IV tới tiểu đoàn ông Vũ Tú Nam diễn thuyết, khi bà đi, bà viết thư lại cho mọi người, đơn vị giao ông Nam nhiệm vụ viết thư trả lời. Rồi dần dần hai người yêu nhau. Năm 1952, hai người đính ước. Nhưng thời gian ở bên nhau không nhiều và tình cảm của họ được gìn giữ qua những lá thư.

Còn mối tình của nhạc sĩ Trần Hoàn và bà Nguyễn Thị Thanh Hồng lại gắn liền với âm nhạc. Ông là nhạc sĩ nổi tiếng từ thời chống Pháp, còn bà Thanh Hồng là người con gái xinh đẹp giỏi giang xứ Nghệ, từ nhỏ đã tham gia Cách mạng và hoat động trong Hội Phụ nữ. Họ gặp nhau và trở thành vợ chồng năm 1950. Nhưng cũng như nhiều cặp vợ chồng trí thức thời chiến, họ luôn trong hoàn cảnh xa cách. Vì vậy, những lá thư và những trang nhật ký là cầu nối để họ gửi gắm tình cảm.

Tình yêu và sự xa cách cũng là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nhiều bài hát nổi tiếng, trong đó có bài “Lời người ra đi”. Có mặt tại buổi giới thiệu trưng bày “Tình yêu qua chiến tranh”, bà Hồng chia sẻ: “Năm 1967 nhạc sĩ Trần Hoàn vào chiến trường Trị Thiên - Huế, từ đó mỗi tháng tôi nhận được một lá thư của ông, còn tôi gửi thư khó hơn, phải năm, sáu tháng ông mới nhận được hồi âm. Nếu không có thư thì tôi đã chết rồi. Ngày đó xa nhau lâu ngày, người Bắc nhớ người Nam, người Nam lo cho người Bắc. Day dứt lắm. Nếu không có những lá thư ấy, tôi không thể nào để sống, để tỉnh táo làm việc và nuôi 4 đứa con”.

Những năm tháng nhạc sĩ Trần Hoàn ở chiến trường Trị Thiên - Huế, dù bận trăm công ngàn việc, ông vẫn luôn dành cho gia đình tình cảm vô cùng thắm thiết. Mở đầu thư, ông luôn gọi tên vợ, “Em Hồng” hoặc “Em Thanh Hồng”. Đọc thư ông viết cho vợ, luôn thấy sự thẳng thắn, rõ ràng, quan tâm đến từng công việc cụ thể nơi hậu phương.

“Em đừng lo lắng quá. Đời còn dài, đồng thời cũng cố gắng hết sức có thể cố gắng được. Làm được như thế là được rồi, chỉ cần như thế thôi…”.

Những lá thư thầm lặng

Có những lá thư của những con người thầm lặng, họ gặp nhau và yêu nhau từ trong chiến tranh, rồi cũng vì chiến tranh mà họ xa nhau. Tôi gọi đó là những lá thư thầm lặng, bởi họ không phải là những người nổi tiếng. Họ là những người dân bình thường, ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và, những lá thư của họ vẫn còn lại sau bao nhiêu năm, như một lời nhắc nhở về một ký ức dù đau thương nhưng nặng tình người.

untitled-8.jpg -0
Những câu chuyện tình xúc động nảy nở trong bom đạn chiến tranh.

“Anh tặng tôi chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Tôi tặng anh chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Chúng tôi đã mật ước, nếu tôi nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là anh đã hy sinh và tôi đi lấy chồng”… Đây là tâm sự của bà Vũ Thị Lui (Q.Hà Đông, TP Hà Nội) về người yêu của bà (liệt sĩ Trần Minh Tiến).

Năm năm từ lúc nhận lời yêu cho đến khi ông hy sinh, chưa đến 20 lần gặp mặt, tình yêu của ông bà có nhiều cung bậc cảm xúc. Ròng rã suốt 8 năm, từ năm 2000 khi con đã lớn, sau 51 chuyến từ Hà Nội vào Quảng Trị, bà Lui đã tìm thấy nơi ông Tiến ngã xuống và đưa hài cốt ông về nghĩa Trang Đường 9, TP Đông Hà, Quảng Trị. Cho đến nay, ông Tiến như một thành viên đang sống và không thể thiếu trong gia đình bà Lui.

“Anh có một thói quen là viết trước, sau đó điền ngày. Anh nói lên ý nghĩ và cách tôi phải xử sự ra sao khi anh ở trong B. Lúc nào anh cũng sợ tôi ế chồng, sợ người yêu chờ đợi, quá lứa lỡ thì”. “Đêm nay anh ra trận và anh linh cảm rằng mình không thể trở về”, bà Lui nói về bức thư cuối cùng mà ông Tiến gửi cho bà. Có lẽ vì thế, người ta gọi tình yêu của hai người là “tình yêu không tuổi”, bởi tình yêu ấy đi qua chiến tranh và cho đến bây giờ, bà vẫn giữ những kỷ vật của người yêu, vẫn sống với những kỷ niệm của mình, vẫn chăm lo hương khói và trò chuyện với người đã mất mỗi ngày, vẫn đều đặn đi thăm mộ ông dù đường xa cách trở, dù tuổi già đã đến.

Còn bà Lê Nguyệt Bảo - Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Những lá thư trở thành sức mạnh tinh thần to lớn giúp vợ chồng tôi cùng gia đình vượt qua những tháng ngày gian khó nhất, còn nhận được thư chồng nghĩa là chồng mình còn sống. Nhiều lần đọc thư chồng chỉ biết khóc nhưng rồi phải cất ngay để hối hả với công việc, con cái và bộn bề lo toan. Còn với chồng, những cánh thư hậu phương được anh gìn giữ như là báu vật.”

Với bà Sẻ, những lá thư đã giúp bà mạnh mẽ sống và nuôi con trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Cưới nhau được một tuần, ông Thông trở về đơn vị, sau đó là những lần về phép vội vàng và ít ỏi. Không có thời gian bên nhau, họ luôn mượn những lá thư để gửi gắm nỗi niềm, động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc, vượt qua khó khăn. Tháng 1/1962, ông hành quân vào Nam thì tháng 5 bà Sẻ sinh một bé gái. Và đó cũng là lần ông ra đi mãi mãi. Từ khi cưới, thời gian là chồng vợ của ông bà chỉ 3 năm, nhưng thời gian họ thực sự ở bên nhau chỉ vỏn vẹn 1 tháng 2 ngày...  Kỷ niệm còn lại chỉ là những lá thư và bà ở vậy nuôi con.

Còn rất nhiều những lá thư thời chiến, những lá thư của tình yêu, mà trong mỗi lá thư là một câu chuyện tình cảm động của những người lính. Những lá thư riêng tư, giờ đã trở thành câu chuyện của lịch sử, của ký ức, giúp con cháu hôm nay hiểu được một phần quá khứ hào hùng và nhiều mất mát, nhưng nặng tình của ông cha. Hiểu về quá khứ, ta biết trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống hôm nay.

Linh Nguyễn
.
.