Tìm nghệ thuật trong cái ảo

Thứ Năm, 30/03/2023, 09:43

Thời gian vừa qua, làng giải trí Việt xôn xao với sự kiện ca sĩ ảo, được xây dựng bằng trí tuệ nhân tạo, có nghệ danh là Ann, ra mắt MV đầu tay có tên "Làm sao nói thương anh". Sau 9 ngày tung ra sản phẩm âm nhạc này, MV đạt gần 170 ngàn lượt xem trên Youtube, một số lượng khiêm tốn so với thời đại giải trí trực tuyến hôm nay, song không hẳn là con số bi quan cho một nội dung đầu tiên của một nhân vật mới toanh.

Sự tò mò dành cho Ann ban đầu là khá dễ đoán khi AI (trí tuệ nhân tạo) đang là từ khoá thời thượng. Song, trên thực tế, Ann không phải là ca sĩ ảo đầu tiên ở Việt Nam. Trước Ann, ở Lễ hội âm nhạc Hozo 2022 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cũng đã giới thiệu 2 ca sĩ "siêu thực" là Michau và Damsan. Hai nhân vật này được tạo ra bởi công nghệ thực tế ảo (AR) và trí tuệ nhân tạo. Cũng khá nhiều khán giả đã ra sân khấu tò mò xem Michau và Damsan có làm nên khác biệt gì không. Sau Hozo, cả hai dường như chìm nghỉm đúng như dư âm không quá ấn tượng của lễ hội âm nhạc này.

Tìm nghệ thuật trong cái ảo -0

Trên thế giới, nghệ sĩ ảo xuất hiện cũng khá lâu, với ban nhạc Gorillaz lừng danh từ Anh quốc những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, Gorillaz khác biệt rất xa với những ca sĩ, nhóm nhạc ảo thời nay ở chỗ, đứng sau Gorillaz là những nghệ sĩ thực thụ. Họ lựa chọn cách đứng sau những nhân vật hoạt hình được tạo ra như đại diện của bản thân mình để tạo hiệu ứng thu hút sự quan tâm của công chúng. Còn ngày nay, đứng đằng sau các nhân vật ảo trong thế giới showbiz lại không phải là các nghệ sĩ thực thụ thể hiện mà chỉ là đội ngũ lập trình viên. Giọng hát của các ca sĩ ảo thời đại này cũng không phải giọng người thật mà là một sự tổng hợp các chất giọng được trí tuệ nhân tạo chắt lọc và tuyển lựa.

Với cơ sở như thế, liệu có thể nhận định rằng, nhiều người đã và đang quá lời khi gọi các dự án âm nhạc cho các ca sĩ ảo là "dự án nghệ thuật"? Dường như đang có sự đánh lẫn, thậm chí là thiếu hiểu biết về nghệ thuật khi đánh giá quá lời như vậy. Và nếu chỉ nhìn vào doanh số từ các ca sĩ ảo đang thành công ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà điển hình là Lạc Thiên Ý (Trung Quốc), Aespa (Hàn Quốc) để cho rằng đó chính là nghệ thuật thì có lẽ đang tồn tại sự lầm lẫn tai hại giữa giải trí, công nghiệp giải trí với nghệ thuật chân chính.

Đồng ý là công chúng hoàn toàn có thể thần tượng một nhân vật không có thật ngoài đời như chuột Mickey, Super Mario… nhưng điều đó không có nghĩa là một ca sĩ ảo đông đảo người thần tượng sẽ là… nghệ sĩ. Cơ bản, bản chất của nghệ thuật cần phải đến từ cái "chân". Cái "chân" ấy nằm ở cảm xúc, ở thể nghiệm và trải nghiệm, ở biểu đạt và biểu hiện, ở thái độ thực hành nghệ thuật và ở tư duy nghệ thuật… Trí tuệ nhân tạo có thể học được kiến thức và kinh nghiệm từ con người qua thu thập dữ liệu lớn từ cộng đồng, song không bao giờ có thể học được cái "chân" trong xúc cảm và lối tư duy của loài người.

Tìm kiếm tính nghệ thuật trong các dự án ca sĩ ảo may ra chỉ còn lại ở ca khúc mà ca sĩ ấy thể hiện, nếu như ca khúc ấy được viết ra bởi nhạc sĩ là con người thật. Nhưng không may, khi mà công nghệ đã tạo ra được các ứng dụng sáng tác âm nhạc, sáng tác văn thơ, kịch bản nhờ vào trí tuệ nhân tạo, sản phẩm mà chúng tạo ra khó có thể nào đạt đến tiêu chuẩn "chân, thiện, mỹ" của con người.

Điều đáng khen duy nhất của nỗ lực xây dựng những ca sĩ như Ann chính là lối tư duy, cách hành động cũng như khả năng, trình độ kiến thức của đội ngũ kỹ thuật đằng sau hậu trường. Họ tỏ ra nhanh nhạy, đúng như thế hệ GenZ, để bắt kịp xu hướng thời đại. Nhưng từ cái đáng khen mang tính công nghệ ấy, càng cần phải nhớ rằng nghệ thuật không dễ dàng như thế. Người ta có thể thích giọng nói "chị Google" nhưng người ta không có nhu cầu tìm kiếm hình tượng "chị Google" làm gì cả. Đơn giản, vì đó là một ảo tưởng không thực. Và những gì không chân thực, nó không thể là nghệ thuật, một di sản được hun đúc dày công của loài người qua ngàn năm.

Văn Đoàn
.
.