Chương trình phục dựng di ảnh cho các liệt sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức

Tìm lại thanh xuân thời hoa lửa

Thứ Năm, 02/05/2024, 14:35

Vừa qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB "Mãi mãi tuổi 20" đã ra mắt "Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh hoặc có công trong kháng chiến" và tự truyện "Phượng" của tác giả Phạm Kiều Phượng.

Theo thông tin từ ban tổ chức, chính hành trình đi tìm lại hài cốt người cha hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lại một bức ảnh nhỏ bị hư hại của bà Phạm Kiều Phượng đã trở thành nguồn cảm hứng cho chương trình phục dựng ảnh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Từ câu chuyện về người con gái 50 năm đi tìm cha...

Bà Phạm Kiều Phượng sinh năm 1943 tại thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có cuộc đời thăng trầm vất vả rất tiêu biểu của một phụ nữ Việt Nam trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Bà có cha là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; mẹ tham gia hoạt động Việt Minh, từng bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò; chồng là cựu chiến binh phòng không, không quân trong kháng chiến chống Mỹ. Cha bà - liệt sĩ Phạm Văn Bái, tức Đại đội trưởng Ngọc Long (1920-1951), là chỉ huy Đại đội chủ công 363 (thuộc Trung đoàn Sông Lô, Đại đoàn 312) đã hy sinh trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám khi ông chỉ huy đơn vị đánh trận ở mỏ than Mạo Khê, thuộc Chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) năm 1951.

2.jpg -1
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng cùng các thành viên trong nhóm họa sĩ trẻ của tổ chức “Trái tim người lính” giới thiệu chân dung đã phục dựng của nhà thơ, liệt sĩ Vũ Đình Văn và nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

Cũng năm đó, bà Nguyễn Thị Mai - người vợ trẻ của ông ở quê - trong một lần vận chuyển truyền đơn và tài liệu kháng chiến đã bị mật thám Pháp phát hiện, bắt giam, tra tấn, tù đày rồi dùng kế ly gián. Vì thế, cô bé Phượng mới 8 tuổi đã phải sống và lớn lên trong cảnh mồ côi cha, xa cách mẹ, phải chăm em, chăm ông nội ốm liệt giường... Trong lòng bà Phượng vẫn chưa khi nào thôi ý chí phải đi tìm lại người cha, để biết chính xác hài cốt ông được chôn cất ở đâu. Dù một bên chân đau, phải đi tập tễnh nhưng hàng chục năm liền bà đã cùng con cháu cất công đi nhiều nơi, hễ đâu có manh mối, hay tin tức, khắp các vùng Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Cuộc hành trình đi tìm cha của người con gái kéo dài gần nửa thế kỷ. Năm 2003, bà Phượng đọc được tin trên Báo Tiền phong về việc một người dân ở Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trong khi đào đất làm vườn đã phát hiện 7 bộ hài cốt, có dấu tích vũ khí và quân trang giống của bộ đội ta thời chống Pháp. Sau đó, bà gặp được Thiếu tướng Trần Văn Phác - nguyên Chính trị viên tiểu đoàn 130 thuộc Trung đoàn Sông Lô năm xưa - người đã 3 lần được mời tới mỏ than Mạo Khê để xác định thực địa nơi xảy ra trận đánh và xem những hài cốt, di vật tìm được có đúng là liệt sĩ của đơn vị hay không, Rồi, nhờ thêm sự trợ giúp, bà Phượng và gia đình đã xác định được phần mộ của liệt sĩ Phạm Văn Bái tại nghĩa trang liệt sĩ Đông Triều.

Theo chia sẻ của bà Phạm Kiều Phượng, gia đình bà hiện chỉ còn giữ được một tấm ảnh duy nhất của cha. Đó là tấm ảnh do một chủ quán phở nổi tiếng vùng tự do Sơn Dương là ông Đoàn Tỏi - vốn là người cùng quê trao tặng cho gia đình.

Theo lời kể của vị chủ quán này, khoảng năm 1947-1948, khi cùng đơn vị hành quân qua quán phở của ông, được mời ăn phở xong, Đại đội trưởng Ngọc Long đã tặng kỷ niệm chủ quán phở một tấm ảnh nhỏ của ông. Vì ảnh chụp đã lâu nên bị hư hỏng nhiều. Nhưng, đó cũng chính là tấm ảnh duy nhất để các con cháu của liệt sĩ Phạm Văn Bái hình dung được về cha ông mình, bởi khi cha hy sinh, cô bé Phạm Kiều Phượng lên 8 tuổi chỉ nhớ được hình ảnh cha "mặc áo kaki, đầu đội mũ nan, lưng đeo súng lục oai phong lẫm liệt trước đoàn quân". Đó là ký ức đọng lại sau khi bé Phượng được mẹ cho lên chiến khu thăm cha đang luyện quân tại thao trường, còn đứa em trai khi cha hy sinh vẫn chưa tròn 1 tuổi.

Đến chương trình phục dựng di ảnh...

Theo chia sẻ của Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - người khởi xướng "Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh hoặc có công trong kháng chiến", chính câu chuyện về cuộc đời và hành trình đi tìm lại hài cốt cha của bà Phạm Kiều Phượng - một thành viên tích cực của tổ chức "Trái tim người lính" đã khiến ông rất xúc động và nảy ra ý tưởng về chương trình này.

Cảm hứng từ câu chuyện con gái của một liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp nâng niu tấm ảnh duy nhất còn lại của cha như báu vật và đã dành nhiều thời gian trong hơn 50 năm đi tìm lại cha mình, ông Hưng và tổ chức "Trái tim người lính" đã kết nối với một nhóm họa sĩ trẻ tâm huyết, có trình độ về hội họa, thiết kế, đồ họa, có khả năng sử dụng công nghệ AI hiện đang làm việc online tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh... để phục dựng màu cho các di ảnh thờ và ảnh tư liệu đen trắng các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh hoặc có công trong kháng chiến.

Trước đây, do điều kiện khó khăn trong thời chiến, nhiều liệt sĩ, văn nghệ sĩ, tri thức khi hy sinh không để lại di ảnh thờ mà chỉ có "ảnh truyền thần" được gia đình nhờ vẽ lại theo trí nhớ. Nếu có ảnh thì đó cũng là những bức ảnh đen trắng khổ nhỏ, chất lượng rất hạn chế vì đã nhòe mờ, ẩm mốc, hư hỏng bởi thời gian...

Nhằm góp phần tri ân những văn nghệ sĩ, trí thức đã ngã xuống vì quê hương đất nước và những người có công trong thời chiến, bằng sự đam mê, nhiệt tình, tâm huyết, nhóm họa sĩ trẻ của "Trái tim người lính" đã phục dựng chân dung từ di ảnh đen trắng, ảnh truyền thần, thậm chí là theo mô tả của người thân để làm thành chân dung ảnh màu chân thực mà sống động, cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn mới về những người nổi tiếng, những người có công đã hiến dâng thanh xuân và cả cuộc đời mình cho quê hương đất nước.

1.jpg -0
Chân dung liệt sĩ Phạm Văn Bái phục dựng từ tấm ảnh được một người bán phở tặng lại cho gia đình.

Trước mắt, chương trình đã lựa chọn phục dựng chân dung các văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng đã hy sinh như: Nhà văn, liệt sĩ Trần Đăng; nhà thơ, liệt sĩ Trần Mai Ninh; nhà thơ, liệt sĩ Hoàng Lộc; họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân; nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm; nhà văn, liệt sĩ Nam Cao; nhà văn, liệt sĩ Thôi Hữu; nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến; nhà văn, Anh hùng - liệt sĩ Chu Cẩm Phong; nhà thơ, Anh hùng - liệt sĩ Lê Anh Xuân; nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý; nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ; nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi; nhà thơ, liệt sĩ Vũ Đình Văn... Ngoài ra, còn có chân dung được phục dựng ảnh màu của các anh hùng, liệt sĩ nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như Dương Văn Bé, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Cù Chính Lan, Tô Vĩnh Diện, Hoàng Kim Giao, Đặng Thùy Trâm...

Theo thông tin từ ban tổ chức, từ tháng 3/2024, một số chân dung các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh hoặc có công trong kháng chiến đã được giới thiệu trên diễn đàn và nhận được phản hồi tích cực của dư luận xã hội. Chương trình sẽ được nhóm họa sĩ trẻ của "Trái tim người lính" triển khai thực hiện trên toàn quốc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài bằng kinh phí xã hội hóa.

Dự kiến, số lượng ảnh cần được phục dựng có thể lên đến 10 ngàn chân dung và cần có sự tham gia của rất nhiều "tình nguyện viên" trên phạm vi cả nước. Trước mắt sẽ phục dựng ảnh chân dung cho các liệt sĩ là thân nhân của các thành viên trong Câu lạc bộ "Mãi mãi tuổi 20" như phi công, liệt sĩ Phan Trọng Văn - nguyên Đại đội trưởng bay thuộc Trung đoàn không quân 925, hy sinh ngày 2/6/1972 và liệt sĩ Nguyễn Văn Tư - nguyên Đại đội trưởng đại đội xe tăng đã hy sinh đúng ngày 30/4/1975 tại ngã tư Bảy Hiền (Sài Gòn).

Ban tổ chức chương trình cũng sẽ bàn bạc, xin ý kiến gia đình thân nhân được phục dựng ảnh của 10 liệt nữ dân quân Lam Hạ (phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, Hà Nam), có tuổi đời từ 16 đến 24 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương Hà Nam. Dự kiến, các di ảnh được phục dựng màu sẽ được công khai giới thiệu trong các sự kiện văn hóa do "Trái tim người lính" phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tại nhiều vùng, miền trên cả nước.

Nguyệt Hà
.
.