Tìm giải pháp cho nhữngvấn đề nóng về xuất bản

Thứ Sáu, 21/07/2023, 15:27

Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2023-2027) đã thành công tốt đẹp, bầu ra Ban Chấp hành khóa mới gồm 37 ủy viên. Tại Đại hội, nhiều ý kiến tham luận đã cùng phân tích, làm rõ thực trạng, đồng thời đưa ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề "nóng" của ngành xuất bản trong thời gian hiện nay.

Hướng đến "tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa"

GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng đã đến lúc ngành xuất bản phải tập trung tư duy, kinh nghiệm để nghiên cứu nội hàm của ba yêu cầu "tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa" để từng bước kiên quyết, khoa học và sáng tạo triển khai trong thực tiễn những năm sắp tới, nỗ lực tạo nên diện mạo mới, chất lượng mới của xuất bản hiện đại Việt Nam. Theo ông, ngành xuất bản giậm chân tại chỗ trong sự vận động và phát triển nhanh, mạnh của xuất bản thế giới là đồng nghĩa với sự tụt hậu.

xuất bản 1.jpg -0
Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V ra mắt Đại hội.

"Phải chăng, cần nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống các nhà xuất bản hiện nay để tạo ra một hệ thống mới, thống nhất trong đa dạng theo chiều dọc, tạo ra được các tập đoàn xuất bản, các tổ hợp xuất bản - báo chí (đã xác định trong Chỉ thị 42-CT/TW), xây dựng lại và phát triển vững chắc các thương hiệu của nhà xuất bản theo hướng tổng hợp và chuyên sâu, chuyên ngành. Có lẽ vì thế nội hàm "tinh gọn" không phải ở việc thêm, bớt, cho ra đời hay "xóa sổ" một vài nhà xuất bản. Công việc thật khó, quá nhiều việc phải tư duy, phải tổng kết thực tiễn để chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai của xuất bản. Song, tương lai bao giờ cũng xuất phát từ hiện tại", GS.TS. Đinh Xuân Dũng phân tích.

Cũng theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, khi nghĩ đến yêu cầu "chất lượng" của xuất bản thực chất là đề cập một cách toàn diện các khâu của quy trình xuất bản. Song, có lẽ, điểm đích quan trọng nhất là sản phẩm, là xuất sản phẩm. Để "đồng hành" với sự vận động và phát triển của xã hội hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiếp nhận, xuất bản phải hiện diện, "chiếm lĩnh" tất cả các lĩnh vực của đời sống.

"Hiện đại hóa không chỉ dừng lại ở công nghệ, kỹ thuật. Nền tảng của nó không chỉ ở đó, mà đối với xuất bản hiện nay là cả một quy trình khép kín, hiện đại hóa con người, hiện đại hóa quy trình xuất bản từ việc xây dựng nền tảng công nghệ, tạo ra sự phát triển đồng thời cả xuất bản truyền thống được hiện đại hóa và xuất bản điện tử ở thế phát triển vững chắc, hiệu quả cả về mặt văn hóa và kinh tế", GS.TS. Đinh Xuân Dũng lý giải.

Phát triển văn hóa đọc - động lực cho xuất bản phát triển

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng khẳng định, một nền văn hóa đọc phát triển phải dựa trên sự phát triển của ba trụ cột, là sự ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước; của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội, nhưng trọng tâm và là mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc chính là từ mỗi thành viên trong xã hội. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ; đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

xuất bản 2.jpg -1
Các ý kiến tham luận tại Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề "nóng" của ngành xuất bản hiện nay.

Từ đó, ông đề nghị thành lập một Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam trực thuộc Chính phủ do một Phó Thủ tướng phụ trách; trong Luật Xuất bản sửa đổi và bổ sung sắp tới cần bổ sung Điều khoản về phát triển văn hóa đọc; Hội Xuất bản Việt Nam nên tổ chức tiến hành nghiên cứu định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc; ngành xuất bản cần hợp tác với ngành giáo dục để xây dựng Danh mục tài liệu (xuất bản phẩm) theo chủ đề, môn học, lớp học để làm giải pháp nền tảng phục vụ cho việc đổi mới dạy và học có dùng tài liệu xuất bản hiện nay; ngành văn hóa bổ sung tiêu chí xây dựng tủ sách trong gia đình vào tiêu chí chung của Xây dựng gia đình văn hóa.

"Về phía cộng đồng xã hội, tôi xin đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước ngành xuất bản cần liên tịch phối hợp với các tổ chức hội, đoàn, các tổ chức xã hội nghề nghiệp để cùng tổ chức các hoạt động góp phần phát triển văn hóa đọc như các cuộc thi, vận động sáng tác, Giải thưởng sách, Giải thưởng sách theo giới, theo địa bàn hành chính, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Cuộc thi lớn lên cùng sách, Hội sách, Đường sách…", ông Lê Hoàng nhấn mạnh.

Để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình, theo bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books cần giải quyết 3 vấn đề: Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức của cha mẹ về sự cần thiết của việc đọc sách cho con và dạy con đọc sách từ sớm. Thứ hai, thay đổi nhận thức của các cha mẹ, gia đình là một việc lớn cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp bộ, ban, ngành trung ương.

Cụ thể, cần tạo ra một chương trình lớn mang tầm quốc gia về hoạt động, cần phát động xây dựng mỗi nhà một tủ sách, mỗi doanh nghiệp một tủ sách, để sách luôn hiện hữu trong mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp. Thứ ba, các cơ quan, doanh nghiệp, các hội, đoàn thể... cần có các hoạt động đầu tư, ưu tiên cho hoạt động đọc, truyền bá và lan tỏa văn hóa đọc đến từng cán bộ trong cơ quan ban ngành của mình để văn hóa đọc thật sự thẩm thấu vào bên trong suy nghĩ của mỗi người, khi đó hành động đọc trong mỗi gia đình sẽ tự được hình thành và phát triển.

Cần những hành động thiết thực để bảo vệ sách thật

Ông Nguyễn Văn Phước, CEO First News - Trí Việt nhận định, những cuốn sách giả in lậu ngày một tinh vi đến nỗi thậm chí nhiều người trong ngành xuất bản cũng khó phát hiện được vì giống tới 95% so với sách thật - nên chắc chắn - bạn đọc sẽ rất khó phát hiện được khi đặt mua từ các sàn thương mại điện tử hay các nhà sách bán sách giả nếu không so sánh trực tiếp với một cuốn sách thật khi nhận hàng.

Đối với một số tác phẩm nổi tiếng như: "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi mà vui sống", "Hành trình về phương Đông", "Hạt giống tâm hồn", "Khác biệt hay là chết", "Nghĩ giàu làm giàu"… các "trùm in lậu" ở Hà Nội đã cho sắp chữ lại hoàn toàn giống sách thật, đồng thời đầu tư thêm vào khâu in ấn để chất lượng sách lậu được tốt và trông sắc nét hơn. Dù vẫn còn lỗi chính tả, sai sót nội dung ở một số trang nhưng những cuốn sách giả nói trên vẫn rất khó phân biệt thật - giả đối với những độc giả thông thường.

Chính vì vậy, người đứng đầu First News đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy lùi vấn nạn sách giả. Hội Xuất bản Việt Nam cần tăng cường công tác ngăn chặn chống hàng giả, hàng nhái, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bằng cách phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số thông qua thúc đẩy đào tạo chính quy về thương mại điện tử và kinh tế số, phối hợp với các địa phương, và các đơn vị liên quan cũng như cần phát động nhiều chiến dịch truyền thông hơn nữa nhằm thay đổi tư duy, từng bước đổi mới, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của sách giả, cũng như nói "không" với các ấn phẩm phái sinh vi phạm tác quyền.

"Tôi đề nghị chúng ta cần nâng mức xử phạt đối với tội danh in, phát hành sách giả, sách lậu hoặc có những biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn thể hiện tinh thần quyết liệt nói "không" với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Rất cần đổi tội danh làm sách lậu thành tội làm hàng giả và xử lý theo tội danh này mới có sức răn đe với người vi phạm", ông Phước nhấn mạnh.

Ngô Khiêm
.
.