Tiếp thêm năng lượng cho chặng đường mới
Ngày 1/12 vừa qua, Bộ Công an đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". Đây là lần thứ 5 cuộc thi được tổ chức và luôn thu hút đông đảo các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an tham gia. Những thành công của các cuộc thi trong vòng hơn 20 năm qua đã tạo nên dấu ấn đặc sắc về "dòng văn học Công an" trong dòng chảy của văn học đương đại.
Để tạo được dấu ấn "dòng văn học Công an" trong lòng bạn đọc, từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an cùng với Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công 4 cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" vào các năm: 1999-2002, 2007-2010, 2012-2015, 2017-2020.
Với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị nghiệp vụ, các cuộc thi đã tạo những điều kiện tốt nhất để các nhà văn, những người cầm bút trong và ngoài lực lượng Công an có thêm nhiều cơ hội viết về hình tượng người chiến sĩ Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Cũng thông qua hàng trăm tác phẩm đã được xuất bản, giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, được chuyển thể thành phim, công chúng cả nước có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu, sự mưu trí dũng cảm cũng như những hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ Công an trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội như:
"Một thế giới không có đàn bà" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Bùi Anh Tấn), "Sát thủ online" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Xuân Thủy), "Hương ga" (dựa theo tiểu thuyết "Phiên bản" của Nguyễn Đình Tú), "Chạy án" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Như Phong), "Những cánh hoa bay" (dựa trên tiểu thuyết "Hoa bay" của Chu Thanh Hương, "Bão ngầm" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Đào Trung Hiếu)...
Đây đều là những tác phẩm tiêu biểu, đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc và một lần nữa được các nhà làm phim "tái sinh" trên màn ảnh, trở nên gần gũi, thân thuộc với công chúng cả nước.
Tại lễ phát động cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", đồng chí Trần Quốc Tỏ - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an mong muốn sau khi tổng kết cuộc thi, thông qua các tác phẩm dự thi sẽ tái hiện sinh động khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phản ánh sinh động những chiến công, thành tích, khắc họa nên hình tượng cao đẹp của người cán bộ chiến sĩ CAND: tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đó sẽ là những tác phẩm phản ánh sinh động về cuộc chiến đấu âm thầm, lặng lẽ, gian khổ nhưng rất vinh quang của cán bộ chiến sĩ CAND, những chiến công tô thắm truyền thống vẻ vang trong suốt 80 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND".
Đồng chí Trần Quốc Tỏ cũng thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn tiếp cận thực tế và có sự đồng cảm, chia sẻ với những nhiệm vụ trong công tác của lực lượng Công an, từ đó tạo nên các chất liệu sinh động, chân thực để làm nên các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".
Có thể thấy, vượt qua những bỡ ngỡ đầu tiên, các cuộc thi sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đến nay trở thành mảng đề tài hấp dẫn, được nhiều cây bút quan tâm, khai thác và cũng được nhiều người đọc yêu thích, đón nhận. Các chuyên án - vụ án nổi tiếng, kinh điển của lực lượng CAND trong suốt chặng đường gần 80 năm qua đã được các nhà văn khai thác, sáng tạo thành nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Những tác phẩm ấy không chỉ để lại dấu ấn đậm nét đối với dòng văn học CAND, mà còn trở thành chất liệu giúp các nhà biên kịch, nhà làm phim sáng tạo những tác phẩm điện ảnh đặc sắc.
Đồng chí Đỗ Triệu Phong - Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chỉ đạo cuộc thi cho biết: "Tiếp nối những thành quả đã có trong hơn 20 năm qua, trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ V này, Bộ Công an sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các nhà văn, tác giả có thể thuận tiện tiếp cận hồ sơ vụ án đã giải mật, những nhân vật trực tiếp tham gia các chuyên án, những mảnh đời, chuyện nghề… Trong 3 năm diễn ra cuộc thi, sẽ có 4 trại sáng tác và nhiều đợt đi thực tế sáng tác được tổ chức. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi cũng chú trọng mở rộng đề tài về các vấn đề an ninh phi truyền thống như: mối đe dọa về khủng bố, về dân tộc, tôn giáo cực đoan, suy thoái môi trường, thiên tai, địch họa, mối đe dọa về dịch bệnh, thất nghiệp, đói nghèo…".
Chia sẻ tâm sự của một người viết lâu năm gắn bó với lực lượng Công an và đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống", nhà văn Nguyễn Như Phong bộc bạch: "Tất cả các cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" và các cuộc thi "Cây bút vàng" tổ chức trong hơn 20 năm qua tôi đều tham gia và đã đạt được một số giải thưởng. Viết về lực lượng CAND - đó là một lực lượng khác biệt, có những nét đặc thù rất riêng và xưa kia rất bí ẩn, nhưng bây giờ cánh cửa đã rộng mở để người dân có thể hiểu hơn về người cán bộ chiến sĩ CAND.
Trong xã hội có nhiều biến chuyển mau lẹ và khó đoán như hiện nay, chưa bao giờ người chiến sĩ CAND phải đối mặt với những nguy hiểm nhiều như bây giờ: đó là những thủ đoạn ngày một tinh vi, xảo quyệt, tàn nhẫn của các loại tội phạm hình sự; đó là sự cám dỗ, mua chuộc bằng đồng tiền, bằng vật chất của các thế lực tội phạm kinh tế... Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn sáng tác. Tuy nhiên, để nhà văn có được tác phẩm hay, đề nghị lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, Bộ Công an, tạo những điều kiện tốt nhất, tối đa để nhà văn xâm nhập thực tế và được cung cấp những tài liệu tốt nhất.
Sở dĩ tôi có một kho tài liệu cực kỳ phong phú là vì trong suốt một thời gian dài làm phóng viên Báo Công an Nhân dân, tôi được tham gia gần hết các chuyên án lớn, được tham gia những buổi họp tuyệt mật, được gặp gỡ các trinh sát, cùng anh em đi săn bắt tội phạm... thì mới có được kho tư liệu ấy để viết nên các tác phẩm sau này được dựng thành các loạt phim "Cảnh sát hình sự". Nếu không có tư liệu, không có cách gì viết hay được, đặc biệt là đối với thể loại truyện ký...".
Còn Trung tá Bùi Tuấn Minh - một cây bút sung sức đang nỗ lực đi sâu khai thác mảng đề tài này tâm sự: "Đây là cơ hội để tôi và những nhà văn, tác giả trong lực lượng Công anh nhân dân tiếp tục thể hiện tình yêu với ngành, với đồng đội, với nền văn học Công an theo cách chân thực, toàn diện và sâu sát nhất. Khi trải mình trên từng trang viết cũng là lúc chúng tôi - những người chiến sĩ Công an cầm bút muốn góp sức để tái hiện những khó khăn, vất vả, những hi sinh, cống hiến của những đồng chí, đồng đội đang từng ngày, từng giờ giữ bình yên cuộc sống.
Cơ cấu giải thưởng:
"Đối với thể loại tiểu thuyết:
- 03 giải A mỗi giải trị giá 50.000.000 đồng
- 04 giải B mỗi giải trị giá 30.000.000 đồng
- 05 giải C mỗi giải trị giá 20.000.000 đồng
- 7 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 10.000.000
"Đối với thể loại truyện và ký:
- 02 giải A mỗi giải trị giá 40.000.000 đồng
- 03 giải B mỗi giải trị giá 20.000.000 đồng
- 05 giải C mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng
- 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 7.000.000 đồng
"Địa chỉ nhận tác phẩm: Nhà xuất bản Công an Nhân dân, số 100 Yết Kiêu, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Email: xuatbancongan@gmail.com
"Thời hạn nhận tác phẩm: Từ 1/12/2022 đến hết ngày 15/4/2025 (theo dấu bưu điện hoặc thời gian gửi email)