Thời trang trong phim truyền hình: Yếu tố quan trọng còn bị xem nhẹ

Thứ Bảy, 18/09/2021, 10:58

Thời trang từ lâu đã trở thành một phần quan trọng góp phần tạo nên sự hoàn hảo cho một tác phẩm, kể cả trong lĩnh vực truyền hình hay điện ảnh. Tuy nhiên, tại thị trường phim truyền hình Việt Nam, thời trang vẫn chưa được xem trọng. Nhiều bộ phim dù nội dung rất hấp dẫn nhưng vẫn bị khán giả chê bởi mặt hình ảnh không được đầu tư.

Không chỉ vì một khung hình đẹp

Truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc là hai nền phim truyền hình chú trọng đầu tư về mặt thời trang, đặc biệt với giới làm phim Hàn Quốc. Trước mỗi bộ phim, phía nhà sản xuất sẽ cùng bàn luận với ekip của diễn viên để lựa chọn những bộ trang phục phù hợp với tác phẩm nói chung và với mỗi phân đoạn nói riêng. Từ đó, diễn viên không chỉ bộc lộ tốt bối cảnh, tính cách của nhân vật mà còn giúp cho tổng thể khung hình thêm đồng bộ, đẹp mắt.

gái già lắm chiêu thành công một phần nhờ vào sự hoành tráng của trang phục.jpg -0
Bộ phim “Gái già lắm chiêu” thành công một phần nhờ vào sự hoành tráng của trang phục.

Một trong những tác phẩm Hàn Quốc làm tốt điều này nhất phải kể đến bộ phim truyền hình "Mine". Trong phim, mỗi nhân vật đều được gán cho mình một bảng màu, thương hiệu, phong cách trang phục đại diện cho tính cách, vị thế của bản thân. Không những vậy, ở một số phân đoạn tập trung vào khắc họa chuyển biến trong nội tâm hay các dấu mốc lớn của phim, trang phục của nhân vật còn có sự tương tác với cả bối cảnh lẫn cốt truyện. Từ đó, dù chỉ là phim truyền hình nhưng "Mine" vẫn khiến người xem vô cùng mãn nhãn về thị giác.

Tuy nhiên, trang phục không chỉ được trưng dụng vì một khung hình đẹp hay bổ sung độ sâu cho phân cảnh. Sự đầu tư về khía cạnh trang phục còn là chiến lược kinh doanh nhằm gia tăng số tiền đầu tư cho phim và lợi nhuận của các nhãn hàng thời trang. Đúng hơn, từ ban đầu, nhà sản xuất sẽ định vị độ thành công của tác phẩm, đối tượng khán giả của phim có mối quan tâm với phân khúc sản phẩm nào, từ đó trao đổi và nhận sự tài trợ trang phục từ các nhãn hàng có đối tượng khách hàng tương tự.

Kết quả của nó không còn nằm trong dự tính mà được thể hiện rất rõ trên những con số tổng kết hằng năm. Thương hiệu Roger Vivier tăng vọt về doanh số của chiếc clutch đính pha lê sau khi nó được Kim Hee Ae diện trong "World of the Married". Sản phẩm của Tod's cũng tăng trưởng doanh thu sau khi Son Ye Jin diện đồ của nhãn hàng trong "Crash Landing on You". Thậm chí thị trường hàng nhái cũng trở nên vô cùng sôi nổi với hàng loạt bản nhái được rao bán ngay sau khi một trang phục nào đó xuất hiện trên khung hình truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc. Từ đó chỉ ra rằng, sự đầu tư của trang phục không chỉ quảng bá truyền thông cho tác phẩm mà còn là bước đi nâng cao doanh số của nhãn hàng thời trang.

Sự thờ ơ của dòng phim Việt

Trong 3 năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự tiến bộ của phim truyền hình Việt Nam trong khâu nội dung. Vị thế của phim truyền hình Việt đối với khán giả ngày càng được củng cố trở lại. Tuy nhiên, trái ngược với mặt nội dung, khía cạnh hình ảnh vẫn bị nhiều nhà sản xuất vô tình bỏ lơ. Kéo theo đó là nhiều "hạt sạn" khiến khán giả phải chê cười. Gần đây nhất có lẽ là trang phục của diễn viên Phương Oanh trong "Hương vị tình thân".

Đầu tiên phải nói, hiệu ứng truyền thông do trang phục của diễn viên không phải hiếm tại thị trường phim truyền hình Việt Nam. Tiêu biểu nhất phải kể đến cơn sốt thời trang của tác phẩm "Về nhà đi con". Khi mà lúc bấy giờ, bất cứ trang phục nào được Bảo Thanh và Quỳnh Nga sử dụng trên màn ảnh đều trở thành chủ đề hot khiến chị em bàn tán và săn lùng. Có thể nói, những bộ trang phục này tuy chưa làm tốt việc tạo nên sự hài hòa màu sắc trong tổng thể khung hình nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ thể hiện rõ tính cách, nội tâm nhân vật trong những thời điểm. Nhưng "Về nhà đi con" chỉ là một trong số lượng nhỏ những tác phẩm khai thác tốt yếu tố phục trang.

trong mine, trang phục của nhân vật không chỉ thể hiện tính cách nhân vật mà còn tạo nên tổng thể hòa hợp với bối cảnh.jpg -0
Trong bộ phim “Mine”, trang phục của nhân vật không chỉ thể hiện tính cách nhân vật mà còn tạo nên tổng thể hòa hợp với bối cảnh.

Sự sơ sài trong yếu tố thời trang của truyền hình Việt thường nằm ở hai yếu tố, bao gồm kinh phí làm phim hạn hẹp và thái độ thờ ơ với khía cạnh này của nhà sản xuất.

Đa phần quần áo của nhân vật trong phim truyền hình đều được chính diễn viên mang theo. Phạm Thế Anh - người làm trong lĩnh vực truyền thông từng chia sẻ: "Mua trực tiếp bởi diễn viên hoặc nhà sản xuất, mượn trực tiếp hoặc gián tiếp qua stylist và đặt hàng riêng nhà thiết kế, thương hiệu là 3 hình thức phổ biến ở Việt Nam". Thế nhưng, phương thức diễn viên tự chuẩn bị vẫn là chính. Vì vậy nên chúng ta mới có những câu chuyện như Quỳnh Nga chuẩn bị 3 va li quần áo cho vai diễn của mình, vợ NSND Công Lý phải chi 300 triệu để chuẩn bị trang phục cho chồng dù cát xê chẳng có bao nhiêu. Nhưng cũng vì tự chuẩn bị trang phục nên mới xảy ra không ít thảm họa thời trang trên màn ảnh bởi các diễn viên không phải ai cũng có một gu ăn mặc đẹp huống chi là bắt kịp và dẫn đầu xu hướng.

Một phần khác là do các nhà làm phim còn dễ dãi trong khâu chọn trang phục. Tất nhiên, chi phí sản xuất hạn hẹp là nguyên nhân quan trọng khiến trang phục được đẩy ra ngoài rìa. Nhưng không thể phủ nhận, những tính toán, trao đổi về khía cạnh này cũng còn ít trong môi trường quay phim. Tới nay, sự tính toán trang phục ở mức tối đa cũng chỉ dừng ở việc quần áo sẽ thể hiện tính cách, công việc, môi trường sống của nhân vật, chưa đào sâu vào bối cảnh khung hình, nội tâm nhân vật. Thậm chí, việc dàn dựng bối cảnh, cân bằng màu sắc cho khung hình phim truyền hình còn chưa được quan tâm tận tình mà chỉ đơn giản là "tiện đâu đặt đấy".

Phải tiến bộ hơn để theo kịp với thời đại

Phim ảnh là bộ môn nghệ thuật chú trọng khía cạnh hình ảnh, vì vậy, việc đầu tư cho mặt hình ảnh một cách chỉn chu là vô cùng quan trọng. Sự phát triển đồng điệu trong khía cạnh hình ảnh ở nhiều tác phẩm truyền hình không chỉ thu hút thêm khán giả và các nhà đầu tư mà còn trở thành vũ khí văn hóa, khẳng định vị thế truyền hình Việt Nam ra thế giới. Người ta thường bảo: "Đừng đánh giá một quyển sách chỉ qua bìa của nó", nhưng nếu bìa quyển sách không đủ hấp dẫn để thu hút người đọc chạm đến chúng, cơ hội được đánh giá cũng sẽ thấp đi.

Những năm qua, truyền hình Việt Nam đã có tiến bộ, nhưng như vậy là chưa đủ. Chúng ta vẫn còn đang đi chậm hơn so với tốc độ tiến bộ của truyền hình thế giới nói chung, và điều đó khiến ta cần phải tiến bộ hơn nữa. Để làm được điều đó, chúng ta cần khắc phục từng chút một những điều còn thiếu sót, cải thiện những khía cạnh đã đạt được mức độ ổn định. Trong đó, trang phục, bối cảnh là hai yếu tố vẫn còn bị xem nhẹ ở truyền hình Việt Nam mà không chỉ diễn viên, thiết kế trang phục mà chính đạo diễn, biên kịch hay nhà  sản xuất cũng cần chú trọng hơn.

Trong 5 năm gần đây, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đã có sự đầu tư hơn về mặt trang phục và nhận được nhiều trái ngọt. Một số bộ phim gây được tiếng vang lớn nhờ sự chỉn chu trong mặt hình ảnh có thể kể đến như phim "Gái già lắm chiêu", "Cô ba Sài Gòn", "Mẹ chồng"... Trái ngọt này đã dần được giới truyền hình nếm thử những lần đầu tiên với "Về nhà đi con", "Quỳnh búp bê", "Hướng dương ngược nắng"... Và chỉ cần sự đầu tư nhiều hơn, đồng đều trong đa số tác phẩm được lên sóng, việc chuẩn bị cho một phần hình ảnh tươm tất hơn ắt hẳn sẽ thành một thói quen hiển nhiên đối với người lầm phim về sau.

Khải An
.
.