Thêm những giai điệu tự hào
Bên cạnh sự xuất hiện ở các lĩnh vực như văn học, điện ảnh, sân khấu… hình tượng người chiến sĩ CAND ngày càng sinh động, chân thực hơn trong các tác phẩm âm nhạc. Cùng với lịch sử ra đời và trưởng thành của lực lượng CAND, âm nhạc luôn song hành và để lại tác phẩm dấu ấn ở mỗi giai đoạn. Và có lẽ, với các nhạc sĩ, đề tài người chiến sĩ CAND hấp dẫn nhưng cũng đầy thử thách thú vị.
Gắn với lịch sử 78 năm trưởng thành và phát triển của lực lượng CAND, đời sống âm nhạc Việt Nam đã ghi nhận những “Bài ca đi cùng năm tháng” viết về người chiến sĩ Công an như “Người Công an thân yêu” (Văn Cao), “Chúng ta là chiến sĩ Công an” (Trọng Bằng), “Từ một ngã tư đường phố” (Phạm Tuyên), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn), “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” (Nguyễn Đăng Nước), “Chúng tôi là người chiến sĩ Công an Việt Nam” (Trần Gia Cường)…
Cùng với sự sôi động và phát triển không ngừng của đời sống âm nhạc, mảng ca khúc về hình tượng người chiến sĩ CAND cũng ngày thêm phong phú thông qua hoạt động thiết thực, ý nghĩa của các cuộc thi, trại sáng tác ca khúc...
Khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong việc góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, bồi dưỡng lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống văn hóa, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân cho cán bộ chiến sĩ, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Để bổ sung và làm phong phú thêm mảng ca khúc về lực lượng CAND, nhiều năm qua, Bộ Công an đều đặn tổ chức “Trại sáng tác ca khúc và tác phẩm múa” cho các văn nghệ sĩ. Đây cũng là những dịp để các nghệ sĩ có điều kiện tiếp cận, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của lực lượng CAND, từ đó chuyển tải vào những tác phẩm ý nghĩa với lời ca hay, giai điệu đẹp.
Thực tế, nhiều nhạc sĩ đều cho rằng, đề tài người chiến sĩ CAND thú vị, hấp dẫn nhưng không dễ viết, thậm chí là một thách thức không nhỏ. Nhưng, nhìn vào kết quả của những trại sáng tác ca khúc mà Bộ Công an tổ chức thời gian gần đây, chúng ta lại có không ít niềm vui, hy vọng.
Vừa qua, Trại sáng tác ca khúc và tác phẩm múa về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” năm 2022 với chủ đề “75 năm khắc ghi lời Bác” do Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) tổ chức hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ nêu Sáu điều dạy CAND (11/3/1948 – 11/3/2023) đã được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp. Đợt 1, Ban tổ chức phối hợp với Công an các tỉnh tạo điều kiện cho 25 tác giả, nhạc sĩ, biên đạo múa trong và ngoài lực lượng CAND thâm nhập thực tế tại Công an các tỉnh Lâm Đồng, Phú Yên và Quảng Ngãi. Đợt 2 diễn ra tại khu vực phía Bắc.
Tham gia trại sáng tác có 40 văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều nhạc sĩ tên tuổi như PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Trọng Đài, biên đạo múa Tuyết Minh, nhạc sĩ Lê Minh Sơn… Kết quả của Trại sáng tác đã có 226 ca khúc, 13 kịch bản múa, 112 tác giả ngoài lực lượng CAND và 29 tác giả công tác trong ngành tham gia. Ban tổ chức đã trao 8 giải A, 16 giải B và 30 tác phẩm xếp loại chuyên đề cho các tác phẩm xứng đáng.
Trước đó, tại dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập lực lượng CAND (19/8/1945 -19/8/2020) và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ (19/8/2005 – 19/8/2020). Bộ Công an phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi ca khúc tiêu biểu về đề tài CAND nhằm phát hiện, lực chọn những ca khúc có chất lượng, phục vụ đời sống văn hóa văn nghệ trong CAND, tôn vinh các tác giả, tiếp tục quan tâm sáng tác ca khúc về đề tài CAND, về phong trào thi đua bảo vệ ANTQ và bình yên cuộc sống. Ban tổ chức đã nhận được số lượng tác phẩm kỷ lục là 370 tác phẩm của 163 nhạc sĩ, tác giả trong đó có 51 nhạc sĩ, tác giả trong CAND. Trong đó có 250 ca khúc mới chưa được công bố, sử dụng, 70 ca khúc đã đoạt giải, khen thưởng tại các cuộc thi. Đã có 10 giải A, 12 giải B, 15 giải C và 20 giải chuyên đề tặng cho các tác giả có ca khúc tiêu biểu.
Từ cuộc thi này, những tác phẩm xuất sắc đã có điều kiện lan tỏa trong đời sống văn hóa nghệ thuật của lực lượng CAND cũng như làm phong phú thêm mảng ca khúc về hình tượng người chiến sĩ Công an như “Tình yêu lính Công an” (An Hiếu), “Bài ca những anh hùng thầm lặng” (Hiền Anh), “Vinh quang thầm lặng” (Đậu Hoài Thanh), “Lặng thầm những bước chân” (Đức Trụ), “Dưới ánh quân kỳ” (Đào Tiến) …
Nhìn vào số lượng tác giả, tác phẩm dự thi có thể thấy đề tài người chiến sĩ Công an vẫn là “mảnh đất màu mỡ” cho những người viết nhạc trong và ngoài lực lượng khai thác, theo đuổi. Theo đánh giá tổng quát của ban giám khảo, các ca khúc dự thi đều bám sát chủ đề, nội dung tư tưởng, đặc biệt phản ánh sinh động, đầy đủ phong trào “Công an học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Đặc biệt, các tác phẩm cũng đã ca ngợi những tấm gương sáng trong lực lượng CAND với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi của CBCS Công an… Dù thực tế, những công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ Công an không dễ để đi vào lời ca, giai điệu nhưng các ca khúc đều đảm bảo chất lượng nghệ thuật, đề tài nội dung phong phú, bám sát vào đời sống thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng CAND.
Thay vì tập trung vào một mảng nhiệm vụ dễ thấy như hình sự, ma túy, thì gần đây những mảng công tác khác như Cảnh sát PCCC&CNCH, giao thông, trại giam, hậu cần, môi trường, Công an các địa phương, đơn vị… cũng đã đi vào ca khúc rất “ngọt” và đầy cảm xúc. Từ đó, hình ảnh người chiến sĩ Công an xuất hiện trong âm nhạc cũng phong phú hơn. Từ những chiến sĩ âm thầm lặn lội bám bản bám làng nơi vùng sâu, vùng xa, đến những người Công an vất vả nơi đồng bằng, trung du hay thành thị. Từ những chiến công vinh quang hiển hách đến hi sinh thầm lặng không dễ tỏ bày đều đã được các nhạc sĩ chia sẻ thông qua những ca khúc dễ đi vào lòng người. Về thể loại hình thức, tiết tấu, ca từ, giai điệu của các ca khúc cũng phong phú, đa dạng, mang hơi thở đương đại nhưng vẫn gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của nhiều vùng miền.
Với vai trò là Ban giám khảo nhiều Trại sáng tác, các cuộc thi ca khúc, PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng hình tượng người chiến sĩ CAND đã được thể hiện sinh động qua nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm đã lan tỏa những tấm gương sáng trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTQ và bình yên cuộc sống. Về hình thức thể hiện, các tác giả đã có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại.
Không chỉ từ các Trại sáng tác, các cuộc thi mà chính thực tế cuộc sống chiến đấu, công tác của các chiến sĩ CAND đã mang đến cảm xúc dạt dào cho các nhạc sĩ. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID - 19, hình ảnh người chiến sĩ Công an không ngại vất vả hiểm nguy đi vào tâm dịch đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác âm nhạc. Và gần đây, tấm gương 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH anh dũng hi sinh đã khiến cảm xúc trào dâng để nhiều nhạc sĩ cho ra đời những ca khúc cảm động như “Ngày đồng đội ra đi” (Đức Tuyết), “Mặt trời trong biển lửa” (Nhạc Tuấn Anh, thơ Vân Anh), “Ngược chiều bình an” (An Hiếu)…
Một điều đáng mừng là Công an nhiều đơn vị, địa phương cũng đã quan tâm đến vai trò của văn học nghệ thuật, đến sự đóng góp của ca khúc trong việc lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ CAND nên đã tổ chức những cuộc thi, đợt sáng tác ý nghĩa như Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Cà Mau, Công an tỉnh Hưng Yên, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)… Đây là cơ hội để các văn nghệ sĩ thêm hiểu, thêm yêu công việc của các chiến sĩ Công an. Từ đó góp phần đa đạng hóa loại hình, thể loại và có thêm nhiều ca khúc hay về sự cống hiến, hi sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, trong đấu tranh bảo vệ ANTQ và phòng, chống các loại tội phạm.