Thêm góc tiếp cận mới về tập thơ "Nhật ký trong tù"

Thứ Năm, 25/05/2023, 14:13

Với hơn 1 giờ giao lưu tại Trung tâm Sách quốc gia (24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội), sáng 18/5, bạn đọc đã hiểu thêm về tài năng, nhân cách của nhà thơ, dịch giả Quách Tấn (1910-1992) qua bản dịch tập thơ "Nhật ký trong tù".

Bản dịch với rất nhiều sáng tạo, nhất là việc có nhiều bài thơ theo thể lục bát đã mang đến một cách tiếp cận mới về tập thơ nổi tiếng của Bác Hồ. Mới đây, bản dịch đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2023).

Hai người có công lớn trong việc giới thiệu bản dịch "Nhật ký trong tù" của Quách Tấn đều có mặt tại buổi tọa đàm. Với họ dường như nhà thơ họ Quách đang "trở về", đang dõi theo và mỉm cười với các diễn giả, với gần 30 nhà báo, bạn đọc trong buổi giao lưu hết sức tình cảm và ấm áp này. Hai người đó là nhà sử học Dương Trung Quốc và PGS, TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Buổi giao lưu với rất nhiều chia sẻ thú vị, sâu sắc, rất nhiều câu hỏi mang tính gợi mở đã làm tọa đàm trở nên hấp dẫn, sôi động và ai nấy đều quên đi cái nắng nóng gay gắt (trên 40 độ) ngoài kia.

nhật ký trong tù 1.jpg -0
Buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Nhật ký trong tù" qua bản dịch của Quách Tấn.

Nâng niu cuốn sách trên tay, nhà sử học Dương Trung Quốc kể lần đầu tiên và cũng là duy nhất ông được gặp nhà thơ Quách Tấn, đó là vào 1978, trong căn nhà nhỏ của nhà thơ tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Lần ấy, cụ Quách Tấn đã "phá lệ" giới thiệu với ông bản dịch này và dặn chỉ để xem, không được nói với ai vì sợ bị người đời coi là xu thời.

Thế rồi, thời gian đằng đẵng trôi đi, năm 1992, nhà thơ Quách Tấn về với tiên tổ. Trong lòng ông có sự day dứt khôn nguôi giữa việc giữ lời hứa với người đã khuất hay sẽ giới thiệu cho bạn đọc. Cuối cùng với tâm thế và trách nhiệm của một nhà sử học, ông đã quyết định "thất hứa" với cố nhà thơ khi không chỉ giới thiệu bản dịch cho 1, 2 người mà cho cả triệu người thông qua cuốn sách dày gần 300 trang này.

Lý do mà nhà sử học đưa ra là: "Tại sao một bản dịch có giá trị như vậy lại không được giới thiệu ra ngoài. Nếu cứ giữ kín câu chuyện thì tôi cảm thấy có lỗi với lương tâm, có lỗi với bạn đọc, đặc biệt là với giới trẻ. Cuối cùng tôi đã thuyết phục nhà văn Quách Giao là con trai của cố nhà thơ để được xuất bản cuốn sách này".

Đánh giá về bản dịch của Quách Tấn, PGS, TS. Nguyễn Duy Bắc khẳng định, với lối thể hiện hoàn toàn mới lạ, với ngôn ngữ gần gũi, thuần Việt, giúp bạn đọc có cách tiếp cận mới về một tác phẩm tiêu biểu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam. Còn nhà nghiên cứu Hán học, PGS, TS. Lê Văn Toan nhấn mạnh, có lẽ chưa khi nào độc giả lại được tiếp cận bản dịch tập thơ "Nhật ký trong tù" với nhiều bài thơ lục bát như của bản dịch của Quách Tấn. Nhà thơ Quách Tấn đã có những sáng tạo riêng khi cảm nhận và lột tả chính xác ý thơ của Bác. Từng bài thơ vừa là sự thoát ý vừa lột tả chân trời nghệ thuật thênh thang, đầy ý vị trong thơ của Người để bạn đọc thấy rõ hơn nghị lực phi thường của Người trong những ngày lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch.

Có thể lấy ví dụ như trong bài "Nạn hữu chi thê thám giam" (Vợ người bạn tù đến thăm chồng), Nam Trân dịch: "Anh ở trong song sắt/ Em ở ngoài song sắt/ Gần nhau chỉ tấc gang/ Mà cách nhau trời vực/ Miệng nói chẳng nên lời/ Chỉ còn nhờ khóe mắt/ Chưa nói, lệ tuôn trào/ Cảnh tình đáng thương thật!". Còn Quách Tấn dịch: "Chàng đứng trong song sắt/ Thiếp đứng mé ngoài song/ Gần nhau trong gang tấc/  Cách nhau nghìn núi sông/ Khôn buông lời khỏi miệng/ Đành lấy mắt trao lòng/ Chưa nói đã tuôn lệ/ Cảnh tình thương thảm không?". Bản dịch của Quách Tấn khá sát với nguyên tác, đảm bảo chất thơ, tinh thần của bài thơ cũng như đảm bảo tính hướng nội vốn là đặc trưng trong thơ Hồ Chí Minh. Một điều dễ dàng nhận ra là khác với bản dịch của Nam Trân lặp từ "nói" hai lần thì bản dịch của Quách Tấn chỉ dùng từ "nói" một lần.

Hay trong bài "Nạn hữu đích chỉ bị" (Mền giấy của người bạn tù) Nam Trân - Băng Thanh dịch sang thơ tứ tuyệt, riêng Quách Tấn dịch sang thơ lục bát, vừa đảm bảo vần điệu lẫn ý tứ bài thơ. Nam Trân - Băng Thanh dịch: "Quyển xưa, sách mới bồi thêm ấm/ Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn/ Trướng gấm, giường ngà, ai có biết/ Trong tù bao kẻ ngủ không an". Còn Quách Tấn dịch: "Sách xưa sách mới bồi chồng/ Dù mền giấy vẫn hơn không có mền/ Biết chăng màn gấm ấm êm/ Bao nhiêu kẻ thức suốt đêm trong tù".

Hay trong bài "Bệnh trọng" (Bệnh nặng) nếu Nam Trân dịch: "Ngoại cảm" trời Hoa cơn nóng lạnh/ "Nội thương" đất Việt cảnh lầm than/ Ở tù mắc bệnh càng cay đắng/ Đáng khóc mà ta cứ hát tràn". Còn Quách Tấn dịch: "Cảm ngoài mưa nắng trời Hoa/ Thương trong đất Việt nước nhà lầm than/ Bệnh trong lao, khổ muôn vàn/ Khóc tuy đáng khóc vẫn tràn tiếng ca". Hai câu đầu trong bản dịch bài thơ "Bệnh nặng" của Quách Tấn có thể xem là hay nhất vì dịch sát văn bản, thay từ Hán Việt bằng cụm từ thuần Việt thể hiện mối tương quan giữa ngoại cảnh tâm cảnh trong văn bản thơ. Rõ ràng thấy được bản dịch của Quách Tấn dễ cảm thụ hơn.

nhật ký trong tù 2.jpg -1
Cuốn sách "Nhật ký trong tù" qua bản dịch của Quách Tấn.

Bài "Vãn cảnh" (Cảnh chiều hôm) của Quách Tấn là một bài dịch hay, sát nguyên tác, giữ được chất thơ nhưng không lặp lại về từ ngữ. Nam Trân dịch: "Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình/ Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình". Còn Quách Tấn dịch: "Mai khôi hé cánh, rụng cành/ Hoa tàn, hoa nở vô tình cả hai/ Cửa lao lọt chút hương trời/ Bất bình đưa kể với người trong lao".

Trong bài "Nạn hữu xuy địch" (Bạn tù thổi sáo), Nam Trân dịch: "Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu/ Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu/ Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi/ Lên lầu ai đó ngóng trông nhau". Còn Quách Tấn dịch: "Bỗng nghe tiếng sáo thê lương/ Trong tù thổi khúc tư hương não nùng/ Quan san mắt nghẹn muôn trùng/ Nhớ thương giục bước lầu hồng lên cao". Rõ ràng, bản dịch của Quách Tấn đã chuyển từ thơ tứ tuyệt sang thơ lục bát, nhịp thơ từ 4/3 chuyển sang 2/4, 2/4, 2/3, dịch sát ý đặc biệt ở hai câu cuối.

Hiện nay, tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ đã được dịch và đến với gần 50 quốc gia trên thế giới, trong đó đáng chú ý Ấn Độ còn có 2 bản dịch bằng tiếng Anh và tiếng Hindi nhưng không phải bạn đọc nào ở trong nước cũng thấu hiểu từng ý tứ trong thơ của Bác. Vì vậy, bản dịch của Quách Tấn với từ ngữ uyển chuyển, sử dụng đa dạng ngôn ngữ thuần Việt, trong đó có nhiều bài theo thể lục bát - một thể loại dễ đọc, dễ nhớ và dễ cảm nhận - sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu và thêm trân trọng tài năng thơ ca của Bác. Thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống của Việt Nam, đã được Đại thi hào Nguyễn Du sử dụng khi viết "Truyền Kiều" và giờ đây Quách Tấn đã sử dụng để tôn vinh thơ ca Việt. Quách Tấn đã khiêm tốn khi không để là "dịch" mà lại để là "phỏng dịch" tập thơ "Nhật ký trong tù" và việc "phỏng dịch" đã cho phép người dịch được tung tẩy dịch theo cảm xúc của mình.

Chắc chắn rồi đây sẽ còn có những bản dịch mới về tập thơ này, tuy nhiên dấu ấn của Quách Tấn là không hề nhỏ. Chỉ cần nhắc lại chi tiết Quách Tấn sợ người đời coi là "xu thời" khi công bố bản dịch này đủ thấy nhân cách của một tài năng.

Ngô Khiêm
.
.