Thêm biện pháp làm "sạch" không gian mạng

Thứ Năm, 20/04/2023, 11:32

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa quyết định thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Cùng với những quy định trong Luật Điện ảnh bắt đầu có hiệu lực, sự ra mắt của Tổ công tác được kỳ vọng sẽ thêm một biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng phim chiếu mạng kém chất lượng nở rộ như hiện nay.

Chặn phim mạng độc hại

Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng gồm 10 thành viên, Tổ trưởng là ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh. Hai Phó Cục trưởng là bà Nguyễn Thị Thu Hà và ông Đỗ Quốc Việt làm Tổ phó, cùng 7 thành viên khác. Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản đối với đề nghị công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

1.jpg -0
Một cảnh trong phim “Gia đình cục súc”.

Đăng tải công khai tên doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Cấp hoặc thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng. Kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng.

Tiếp nhận thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim trên không gian mạng. Tiếp nhận đầu mối, thông tin liên hệ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng. Yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng dừng, gỡ bỏ phim vi phạm. Yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm. Yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm…

Về phổ biến phim trên không gian mạng, trong một tham luận với góc nhìn của một nhà quản lý, Tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nghe nhìn, công nghệ truyền thông, sự kết nối của internet… làm cho người xem phim có thể thỏa mãn được nhu cầu của mình ở bất cứ nơi đâu, trong nhiều hoàn cảnh và điều kiện, tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong hoạt động phổ biến phim. Ngoài sự phong phú, đa dạng ở thể loại, nội dung phim, mức độ cập nhật, chất lượng kỹ thuật của thiết bị nghe nhìn như âm thanh… phim trên không gian mạng còn có không ít lợi thế khác biệt khi so sánh với môi trường truyền thống như sự riêng tư, tiện lợi khi chủ động về thời gian, đa dạng về hình thức, dịch vụ, chi phí thấp… Và đặc biệt phát huy hiệu quả khi dịch bệnh COVID – 19 bùng phát. Vì thế, nhu cầu xem phim trên internet ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Số lượng nền tảng ứng dụng xem trực tuyến, ngoại tuyến, website phổ biến phim trên internet làm bùng nổ thị trường phổ biến phim trực tuyến. Trong số đó có cả các nhà cung cấp nội địa và nước ngoài.

Cùng với sự bùng nổ của phim chiếu mạng là bất cập trong nội dung những sản phẩm này. Phim điện ảnh, phim truyền hình có đề tài gì thì phim chiếu mạng có đề tài đó. Nhưng có lẽ vì sản xuất nhanh hơn, phát hành dễ hơn mà những bộ phim này có rất nhiều sạn, thậm chí là rác. Với mục đích câu khách để mang về quảng cáo, những bộ phim này thường xuyên có những cảnh hở hang phản cảm hay bạo lực…

Trong giai đoạn rạp chiếu phim đóng cửa vì dịch bệnh COVID – 19, phim chiếu trực tuyến đã trở thành sự lựa chọn của không ít khán giả. Khi đó, web drama hài cũng tràn ngập với “Gia đình cục súc”, “Bí mật 69”, “Chuyện xóm đào”, “Cô giáo tôi là trùm cuối” … Nhưng quá khó để tìm được một sản phẩm đáng xem. Hầu hết đều là những tiếng cười nhạt nhẽo với những chi tiết làm quá và không thiếu những lời thoại thô tục. Những pha gây cười kiểu tự nhiên chủ nghĩa, thông qua những chuyện nhạy cảm như đùa cợt giới tính, giả trai/gái, chuyện phòng the… Nội dung hời hợt, thiếu đầu tư, dàn dựng sơ sài, diễn xuất gượng ép, vụng về khiến những sản phẩm này thực sự là những thảm họa trên không gian mạng.

Không chỉ có vậy, đề tài bạo lực học đường được khai thác triệt để trong “Bạn trai tôi là trùm trường”, “Giang hồ học đường”, “Trùm trường đại chiến” … Nhiều khán giả lo ngại rằng, có lẽ những phim ngắn, web - drama này đã góp phần khiến cho những vụ việc về bạo lực học đường xảy ra liên tục ngoài đời thời gian vừa qua.

Quản lý cả tiền kiểm và hậu kiểm

Không chỉ hài nhảm, nhạt, câu khách rẻ tiền, nguy hiểm hơn, thời gian gần đây, trên các nền tảng như Youtube hoặc phim chiếu mạng có nhiều video ngắn khai thác đề tài phản cảm như bán dâm, những tình tiết loạn luân gây sốc, những mối quan hệ kiểu tình tiền kiểu “suger baby - sugar dady” (cô gái trẻ và đàn ông già) …

2.jpg -0
Tràn lan cảnh “nóng” trong phim chiếu mạng.

Ở đề tài này, sự việc lạm dụng những cảnh nóng, hở hang, bạo lực lại càng phổ biến. Đã từng có giai đoạn, không khó để khán giả ở mọi lứa tuổi có thể tìm thấy những web drama kiểu “Gái già ngàn đô” kể về 3 cô gái làm nghề bán dâm cao cấp. Họ là những cô gái nhan sắc, ăn mặc sành điệu và ở trong những căn hộ sang trọng. Đi cùng với nội dung là những tập phim, clip với tiêu đề phản cảm mang tính câu khách như “Con gái lộ clip thác loạn, mẹ già ở quê trụy tim vì sốc”, “Hú hí cùng gái xinh trong công ty”…

Cùng với đó là những hình ảnh các cô gái mặc đồ thiếu vải, uốn éo chèo kéo khách. Ngoài ra, thời gian qua, một số phim do các tổ chức ngoài nước cung cấp phim đến người xem tại Việt Nam chưa được thẩm định, phân loại theo quy định của Luật Điện ảnh Việt Nam. Trong đó, có một số phim mang những hình ảnh, nội dung sai trái về chủ quyền biển đảo Việt Nam, sai lệch về lịch sử Việt Nam như “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Bà Ngoại trưởng”, phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” …

Vấn đề quản lý phim trên không gian mạng đã trở nên “nóng” hơn bao giờ hết và được đưa vào bàn luận ở nhiều cuộc họp của cơ quan chức năng. Bởi thực tế lâu nay, chỉ cần một thiết bị điện tử được kết nối, thì một em nhỏ cũng có thể xem bất cứ thứ gì trên mạng. Trong khi đó, không khó để tìm thấy những nội dung nhảm nhí, phản cảm, phi giáo dục ngày càng nhiều trên mạng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng này thì hậu quả vô cùng nặng nề, nhất là với thế hệ trẻ.

Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng đã có những quy định cụ thể với loại hình phổ biến phim đặc thù này. Đó là, trong Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã lựa chọn 2 cách đó là tiền kiểm và hậu kiểm để quản lý phim trên không gian mạng. Tiền kiểm tức là chặt chẽ hơn trong các quy định đối tượng được cấp phép phổ biến cũng như danh sách phim và mức phân loại trước khi phổ biến. Khâu hậu kiểm sẽ áp dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn và gỡ bỏ những phim vi phạm.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành 2 Nghị định nhằm triển khai các nội dung được quy định tại Luật Điện ảnh 2022. Đó là Nghị định 128/2022/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2023. Nghị định 131/2022/NĐ – CP quy định cụ thể 15 nội dung của Luật Điện ảnh mới, trong đó có nội dung về điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng, có hiệu lực từ 1/1/2023.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 71/2022/NĐ - CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, quy định doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền với loại hình dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua internet) cần được cấp phép như doanh nghiệp trong nước và bắt buộc làm thủ tục để hình thành pháp nhân đại diện tại Việt Nam để chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.

Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, ngoài 3 Nghị định về quản lý phim trên không gian mạng có hiệu lực thì việc ra mắt tổ công tác đã cho thấy sự quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm “sạch” không gian mạng. Hy vọng rằng, những biện pháp mạnh mẽ đó sẽ góp phần làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế những thứ độc hại, nhảm nhí có cơ hội tràn lan, gây nên những hệ lụy đáng tiếc trong nhận thức, giáo dục văn hóa.

Khánh Thảo
.
.