Thế giới "Vô cực" của họa sĩ Bùi Mai Hiên

Thứ Năm, 03/11/2022, 16:26

Từ ngày 3/11 đến ngày 8/11/2022, tại không gian Art Space - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu - Hà Nội), diễn ra triển lãm "Vô cực" của họa sĩ Bùi Mai Hiên. Là họa sĩ chuyên về tranh sơn mài trừu tượng danh tiếng, khoảng 10 năm trở lại đây, vì lý do bất khả kháng, họa sĩ Bùi Mai Hiên chuyển hướng sang vẽ chất liệu sơn dầu và acrylic.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên chia sẻ rằng, bà vô cùng hạnh phúc khi sau 10 năm trăn trở đã tìm ra lối đi mới mẻ cho mình bằng việc chìm trong "thế giới vô cực" của thiên nhiên...

"Vô cực" là triển lãm cá nhân lần thứ 2 của họa sĩ Bùi Mai Hiên, trưng bày gần 50 tác phẩm chất liệu acrylic được họa sĩ vẽ theo trường phái trừu tượng trong vòng 2 năm trở lại đây. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên của họa sĩ Mai Hiên cách đây đã 25 năm, lúc đó bà còn trẻ, lại đang sung sức với chất liệu sơn mài vốn ít phụ nữ theo đuổi vì độ khó, sự cầu kỳ. Nhưng Mai Hiên với niềm đam mê mãnh liệt của mình đã dấn thân, gắn bó với sơn mài trong một quãng đường dài hơn 20 năm. Bà vẽ miệt mài đồng thời giới thiệu nghệ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới qua những tác phẩm của mình. Bà liên tục có những triển lãm nhóm với bạn bè hội họa trong và ngoài nước, tranh sơn mài của bà được khách nước ngoài tìm mua nhiều.

1.jpg -0
Họa sĩ Bùi Mai Hiên.

Một lý do khiến đến giờ họa sĩ Mai Hiên mới tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 2 được bà chia sẻ, đó là sau triển lãm cá nhân lần đầu đó, bà cảm thấy mình chưa có gì mới mẻ, khác biệt. Chỉ khi phải bắt buộc thay đổi chất liệu vẽ, mày mò và chinh phục nó trong vòng 10 năm qua, bà một lần nữa đã khám phá ra chính mình. Trên con đường mới với chất liệu mới, lại nhận được sự động viên, khích lệ tích cực từ bạn bè hội họa, bà mới quyết định tổ chức triển lãm và lấy tên là "Vô cực" để giới thiệu đến công chúng về sự thay đổi này.

Nói về triển lãm "Vô cực" lần này của họa sĩ Bùi Mai Hiên, PGS. TS Trang Thanh Hiền - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: "Những bức tranh với chất liệu acrylic mà họa sĩ Bùi Mai Hiên thể hiện trong 2 năm trở lại đây như những bài thơ về thuở hồng hoang. Ở đó, không còn níu giữ những nét bút, dấu vết của người sáng tạo mà chỉ còn tinh thần được bừng trên mặt toan. Những sắc lam, vàng, đỏ quyện hòa, mở ra một không gian vô tận về chiều kích, bừng cháy lên ngọn lửa đam mê đến cuồng si với hội họa của một người đàn bà - nữ họa sĩ Bùi Mai Hiên...".

Ở dòng tranh chất liệu mới này, họa sĩ Bùi Mai Hiên vẫn say mê với chủ đề thiên nhiên như hàng chục năm nay bà đã vẽ và gắn bó qua các chuyến đi thăm thú, rong chơi đến mọi miền Tổ quốc, nhưng là vẽ với bút pháp siêu thực, trừu tượng. Bà vẽ mây, mưa, biển, núi, rong rêu, những con sứa, cát xoáy, sa mạc… hay một khoảnh khắc nào đó của trời đất  hoặc suy nghĩ chợt nảy ra trong trí tưởng tượng phong phú của người họa sĩ.

Với những mảng màu rực rỡ, tươi vui và tràn đầy sức sống, bà gọi tên thế giới sáng tạo ấy là "Vô cực", bởi theo bà, thiên nhiên, vũ trụ mà bà cảm nhận là không giới hạn, là trường tồn mãi mãi, đối lập với sự hữu hạn của con người. Thông điệp mà bà muốn gửi gắm là: Chúng ta - những con người quá đỗi bé nhỏ với sự hữu hạn của một đời sống - hạnh phúc biết bao khi được sống trong một vũ trụ thật đẹp đẽ như thế.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên cho biết, chất liệu acrylic có đặc điểm là mau khô, sắc màu hiện đại, rực rỡ được bà áp dụng những kỹ thuật mới để cho ra đời những tác phẩm mà người ngắm nhìn chỉ biết nhận xét rằng nó rất phiêu du, tự do, phóng khoáng nhưng cũng hết sức lạ lùng. Trong số hàng trăm tác phẩm ra đời trong vài năm qua, những tác phẩm có mặt tại triển lãm như "Biển bao la xanh", "Sự di tản của rong rêu", "Cơn lũ đi qua", "Giấc mơ của nhà sứa", "Nhà sứa đi trẩy hội", "Theo dòng phù sa", "Mưa thu", "Mưa cao nguyên", "Mơ thấy đêm là thác đổ", "Trường Sơn Đông"… khiến người xem không khỏi tò mò: "Không biết người họa sĩ này đã áp dụng kỹ thuật gì để sáng tạo ra những tác phẩm đáng ngạc nhiên như vậy?".

Trả lời thắc mắc này, họa sĩ Bùi Mai Hiên cười bảo, vì lý do "bí mật nghề nghiệp" cho nên bà chưa thể tiết lộ, chia sẻ về kỹ thuật này. Chỉ biết rằng, có thể ở Việt Nam bà là người đầu tiên sử dụng nó trong sáng tạo và bà vẫn phải tiếp tục đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện và phát triển kỹ thuật đặc biệt ấy.

Bà chia sẻ: "Tôi là người không chịu được cái cũ, không chấp nhận mình giống người khác. Trước đây với sơn mài, tôi đã tìm ra sự phong phú của sơn mài và đã "phiêu" cùng sự bao la, mênh mông của thế giới ấy, thì bây giờ sau nhiều năm trăn trở, tôi lại tìm ra điều đó ở chất liệu acrylic với sự hòa quyện, tan chảy, lan tỏa mà không phụ thuộc vào hình, nét hay bố cục. Và tôi sẽ không nói là tôi đã làm như thế nào đâu! Việc tìm ra lối đi mới này khiến tôi rất hạnh phúc và ào ạt năng lượng để vẽ! Gần đây tôi vẽ nhanh và luôn sợ cảm xúc sáng tạo trôi qua đi mất khi mình chưa kịp ghi lại nó. Chất liệu acrylic đã giúp tôi đáp ứng được điều này. Bạn bè làm nghề khi đến xem loạt tranh mới này của tôi cũng nói với tôi rằng, tôi đã tìm thấy chính mình với acrylic rồi!".

2.jpg -0
Một số tác phẩm trong triển lãm "Vô cực" của họa sĩ Bùi Mai Hiên.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên đã dành cả cuộc đời đắm mình trong hội họa. Bà từng chia sẻ rằng, nghệ thuật đã "cứu rỗi" đời bà, cùng bà vượt qua nỗi đau khổ, vất vả hay cô đơn. Suốt những năm tháng đã qua của cuộc đời mình, bà chỉ "nghiện" vẽ, chỉ làm một công việc duy nhất là vẽ.

Bà tâm sự: "Tôi là một người vẽ trung thực với cảm xúc của mình. Chính vì thế mọi người có thể thấy nghệ thuật của tôi là chuyển tải cuộc đời tôi. Khi xưa, trong lúc đau khổ tôi đã vẽ seri "Cơn giông Hà Nội", rồi seri "Đi qua cơn giông". Sau đó, tôi có một tình yêu mới, một gia đình mới và lúc đó những "cơn giông" ấy không trở lại nữa. Tranh của tôi chỉ còn hình tượng những người phụ nữ tươi vui, hạnh phúc: hạnh phúc bên gia đình, bên con cái, giữa thiên nhiên… Sau này, tôi bị dị ứng sơn mài với 3 lần ngất xỉu trong lúc làm việc, tôi đành phải chia tay sơn mài và có 10 năm chìm đắm vào thiên nhiên trước khi "bùng nổ" với seri "Vô cực" này! Với acrylic, có nhiều khi tôi thực sự cảm thấy run rẩy, toát mồ hôi trước một bức vẽ, giống như tại thời điểm đó, mọi năng lượng mà cơ thể tôi có đều bị "rút cạn" và chuyển vào tác phẩm…".

Sau mấy bận bị dị ứng với sơn ta khiến bà ngất đi hồi lâu mới tỉnh, lại trải qua cú sốc tình cảm khi bố mẹ qua đời, trí nhớ của bà suy giảm rất nhiều. Họa sĩ Bùi Mai Hiên cảm thấy mọi thứ quanh mình trở nên… mơ hồ. Bà rất hay quên việc, quên người và có nhiều khi cảm thấy ký ức của mình như bị xóa sạch. Ngay cả tên triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tên là gì, bà cũng không nhớ được nữa. Bà đã phải rèn luyện trí nhớ bằng cách ghi chép tỉ mẩn, đi học piano, học hát để cân bằng tâm trí và khiến mình an vui, nhẹ nhõm hơn.

Có thời gian, bà còn mở lớp vẽ cho các bé thiếu nhi. Trò chuyện với những em nhỏ trong sáng, vô tư như một cách để tiếp thêm năng lượng và kết nối với cuộc đời. Bên cạnh đó, bà đã dành nhiều thời gian đi rong ruổi trên các cung đường cùng người bạn đời để khám phá thiên nhiên, con người, những vùng đất và văn hóa. Yêu thiên nhiên, luôn tràn đầy cảm hứng với những đám mây biến ảo trên trời, bà nhiều lần đến với Sa Pa vào các thời điểm khác nhau trong năm để quan sát và ngắm mây bay.

Bà kể: "Ở Sa Pa, có khi tôi ngồi từ sáng đến tối chỉ để ngắm mây: mây từ thung lũng đi lên, qua các bản, qua ruộng nương của đồng bào và thay đổi theo thời tiết nắng mưa. Tôi cũng phát hiện ra những vầng mây ở Phú Quốc chứa đựng vẻ đẹp kỳ ảo mà không nơi nào có được, trong mắt tôi có lẽ là đẹp nhất trần gian, nhất là ở phía Nam đảo. Thế giới "Vô cực" của tôi cũng là muốn truyền tải vẻ đẹp không giới hạn ấy đến với mọi người và niềm hạnh phúc của con người khi được sống trong thế giới tươi đẹp ấy. Cho dù, sự tồn tại của mỗi người trên trần gian so với vũ trụ chỉ là một… tích tắc!".

Nguyệt Hà
.
.