Thấy gì qua sự cố facebook

Thứ Năm, 14/10/2021, 22:44

Có lẽ tôi là một trong số ít người đã thoát khỏi ứng dụng facebook trên thiết bị di động và đi ngủ trước 22 giờ (giờ Việt Nam) vào cái đêm ngày 4 tháng 10. Một đêm có thể là dài nhất với nhiều cư dân mạng kể từ 16 năm nay (facebook ra đời năm 2005).

Khi thức dậy vào sáng ngày hôm sau, tôi đã được đọc những dòng startus đầy bất ngờ từ bạn bè về sự cố của mạng xã hội này. Nó không giống như xúc cảm thường thấy sau một trận cầu đỉnh cao, sau một trận mưa sao băng, trăng máu hay đêm giao thừa sang năm mới… Cho dù, trên những dòng trạng thái đó họ chỉ nói về các sự cố như không truy cập được, không thể đăng tus, không thể liên lạc với nhau qua messenger… nhưng nó cho thấy một sự thảng thốt, hốt hoảng ngỡ như chúng ta đã mất facebook.

người dùng tại nhiều quốc gia không thể đăng nhập vào facebook-nguồn zingnew.vn.jpg -0
Đêm 4-10, người dùng tại nhiều quốc gia không thể đăng nhập vào Facebook.

Để trả giá cho nỗi lo ấy của chúng ta, tập đoàn công nghệ của ông chủ Mark Zuckerberg đã mất khoảng 163.565 USD/phút, đó là chưa kể đến những thiệt hại cho các dịch vụ kinh doanh dựa trên nền tảng của mạng xã hội này đối với mỗi cá nhân. Một cái giá không hề rẻ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang làm kinh tế bị ảnh hưởng. Nhưng, nếu nhìn ở một góc độ khác, coi sự cố đó là một bài test, một cảnh báo thì liệu khoản "học phí" này chắc gì đã là đắt với mỗi chủ nhân của chiếc smart phone  trên toàn cầu. Điều quan trọng: bài học ấy là gì?

Face book đang là hơi thở của khoảng 2,6 tỉ người trên thế giới. Đó là nơi người ta nói, cười, khóc lóc, lập ngôn, khởi nghiệp, vận động tranh cử, vận động quyên góp từ thiện, trao đổi công việc, tìm thấy bạn đời, tiễn biệt nhau… facebook như một dãy phố văn minh cho những ứng xử, lời lẽ có cánh, facebook cũng là một cái chợ tuỳ tiện; facebook làm người ta bị cuốn theo làn gió thanh xuân của những hot trend nhưng cũng có thể sống "mục ra", "rỉ đi" bởi sự nghèo nàn, quanh quẩn, bí bách, vặt vãnh… của những thói quen thời công nghệ. Nhiều lúc, ai trong số chúng ta cũng đã từng nghĩ: Hay là thôi, không chơi face…

Mặc dù có một vị thế như vậy nhưng công bằng mà nói, mạng xã hội này vẫn chưa thể thiết lập được một kiểu văn hoá mới đối với xã hội. Bởi lẽ, như chính những người điều hành facebook thừa nhận, họ cũng mới chỉ bắt đầu cuộc phiêu lưu này như hình ảnh "trần nhà dang dở" mà vài năm trước đây ông Nakul Patel (Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Workplace by Facebook thuộc Facebook) từng nhắc tới: "Cho dù chúng tôi đạt được mức doanh thu, đã mua nhiều công ty khác như Instagram, WhatsApp… nhưng chúng tôi luôn nghĩ mình chỉ mới đi 1% đoạn đường. Chúng tôi muốn mình phải khiêm tốn và trần nhà mở liên tục nhắc nhở chúng tôi về điều này". Facebook còn tiếp tục tìm tòi, sáng tạo thì sẽ còn nhiều điều thú vị khiến hàng triệu cư dân trên toàn cầu say sưa trải nghiệm.

Nhưng, ở một góc nhìn khác, sự cố này cũng giúp chúng ta có cơ hội nhìn nhận lại vị thế của nó bấy lâu nay. Thậm chí, ông Evan Greer, Giám đốc tổ chức Fight for the Future (Mỹ) còn cho rằng: "Đây là thời điểm then chốt nhằm thúc đẩy giới lập pháp Mỹ hành động và phê chuẩn đạo luật bảo vệ dữ liệu riêng tư thật sự. Đó là điều quan trọng nhất giới chức có thể làm vào lúc này để hạn chế tác hại từ facebook. Trực tiếp quản lý thuật toán của họ rất khó, nhưng có thể ngăn facebook tận dụng mọi dữ liệu thu thập được cho các thuật toán nội bộ" (theo Vnexpress.net).

Trong mấy giờ đồng hồ không thể truy cập vào ứng dụng ấy, chúng ta đặt ra một cách nghĩ phản tỉnh về sự thiết yếu, về khả năng "thoát face", điều mà khó có thể dứt ra được trước sức hút mạnh mẽ của nó. Nhưng ở phía ngược lại, có quan điểm mạnh mẽ cho rằng đây sẽ là cơ hội để facebook tự thay đổi, hoàn chỉnh hơn. Giáo sư Gautam Hans, Đại học Vanderbilt (Anh) nhận định: "Tôi nghĩ facebook sẽ vẫn sống sót, nó quá mạnh mẽ và bền bỉ. Thật khó tưởng tượng đến một thế giới không có facebook, nhưng chắc chắn sẽ có sự thay đổi về cách nhìn nhận từ xã hội và cấu trúc của mạng xã hội này. Những công cụ rõ ràng nhất để kiểm soát facebook cũng sẽ có nhiều hạn chế, nhưng giới lãnh đạo facebook sẽ không thể mãi phớt lờ áp lực như hiện nay" (theo Vnexpress.net).

chuyên gia truyền thông cho rằng trấn thành, thủy tiên, đàm vĩnh hưng nên nhận sai  sau những lùm xum sao kê-nguồn ảnh danviet.vn.jpg -0
Chuyên gia truyền thông cho rằng Trấn Thành, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng nên nhìn thẳng vào sự thật sau những lùm xùm “sao kê”.

Bị thức giấc giữa đêm 4/10 đó và không thể lướt face, một người bạn của tôi đã nghĩ đến viễn cảnh vĩnh viễn mất đi sự kết nối với bạn bè trên mạng xã hội. Anh nằm vắt tay lên trán, ngẫm xem trong số gần 5.000 bạn bè ai là người mà anh ấn tượng nhất, ai là người đang cơ cực, vất vả nhất và điều gì khiến anh ấn tượng nhất sau 10 năm chơi face. Khi tôi hỏi: Anh đã thu được gì từ đêm "không face" đó? Anh trả lời: Suy cho cùng, có đi đến đâu cũng là để trở về đối diện với chính mình.

Thực ra, trong mấy tiếng đồng hồ đó chúng ta vẫn có thể lướt web, đọc báo nhưng nói như ông Doug Madory,  chuyên gia của Công ty Kentik (Mỹ): "Với nhiều người, facebook là internet". Chúng ta có cảm giác bị lạc đường, bị tách rời khỏi một diễn đàn, khỏi một thế giới văn minh. Nó tương tự như những đêm mất điện ở thành phố, như khi người dân các vùng lũ bị cô lập hay gần đây nhất hay các vùng bị giãn cách xã hội. Sự cố không mong muốn nào cũng có thể xảy ra, bạn có thể bị chia cắt ngay với những người thân, với hàng xóm, láng giềng… điều đáng nói là khi đơn độc ấy, bạn sẽ nhận ra mình đã tích luỹ được bao nhiêu tri thức, kĩ năng, thái độ sống từ quá trình kết nối bấy lâu nay. Nói cách khác, sự đối diện với chính mình là khi ta đã tách bạch những nền tảng gắn kết chỉ còn lại là lương tri con người.

Ngẫm ra, sự đối diện với chính mình đó mới là điều to tát. Những ngày gần đây, chỉ cần gõ từ khoá "sao kê" trên google chúng ta đã nhận được khoảng 185.000.000 nội dung bài viết có liên quan. Chắc chắn, đó là một điều mà sau này người ta sẽ còn nhắc nhiều về giới nghệ sĩ cũng như tìm ra một cách giám sát, quản lý về tài chính minh bạch hơn. Khi anh không còn làm theo trào lưu, khi không bị sự câu thúc, anh có đủ động lực, dũng khí để làm những việc tốt đẹp không? Từ những băn khoăn đặt ra, người viết nhận thấy có những điều đáng suy ngẫm.

1. Một ứng dụng được tạo nên chỉ có thể tồn tại lâu bền nếu nó đáp ứng được những mong muốn, đem lại tiện ích của số đông. Nếu một ngày nó bị xoá sổ hẳn có một nền tảng khác ra đời để đáp ứng nhu cầu đó. Bởi thế, điều cần thiết nhất chính là cách chúng ta sử dụng, cách chúng ta thiết lập những suy nghĩ riêng thay vì sự phụ thuộc vào các chức năng, sự lợi dụng vào các kẽ hở của ứng dụng.

2. Không chỉ bản thân những người điều hành, quản lý mạng xã hội facebook mà với cả những ai đang coi facebook là nền tảng để kinh doanh, để quảng bá hình ảnh của mình cũng cần thay đổi để hoàn thiện hơn. Sức sống của bất kể một group nào cũng phụ thuộc vào niềm tin mà nó nhận được từ ứng xử trung thực, bảo đảm quyền riêng tư, trân trọng con người.

3. Sẽ có nhiều sự gợi ý, nhiều suy nghĩ sau sự cố của facebook. Nhưng có lẽ để tồn tại lâu bền, facebook phải trở thành văn hoá, một nền tàng văn hoá vững chắc, mang bản sắc từng quốc gia, dân tộc thay vì chỉ là một tiện ích thông thường như chúng ta vẫn thấy. Để mang lại lợi ích bền vững cho nhà điều hành, cho từng quốc gia, dân tộc, từng cá nhân, mạng xã hội có nhiều tài khoản số 1 thế giới cần tìm ra hướng đi rõ ràng, có sự đầy đủ, phong phú hơn.

Hãy chờ đợi sự thay đổi của facebook và hãy bắt đầu những thay đổi của chính chúng ta từ ngày hôm nay, kể cả một cuộc sống "không face"…

Phương Việt
.
.