Tháng Tư thương nhớ!

Thứ Sáu, 26/04/2024, 09:20

Tháng Tư. Tôi mang những đóa loa kèn cưỡi mây trắng vào Sài Gòn hoa lệ. Nơi ấy, gần 50 năm trước cha tôi đã trở về từ cuộc chiến tranh, để lại một phần xương thịt ngay ngã tư Hàng Xanh, trong giờ phút cả dân tộc nô nức chào mừng ngày đại thắng.

Gần cuối chiều 30/4/1975, một tràng tiểu liên của tên lính ngụy cố thủ trong ngôi nhà trước ngã tư đã tiện đứt hai chân cha khi ông đang cầm cờ hướng dẫn nhân dân xuống đường ăn mừng giải phóng. Ngay lập tức, ông được đưa tới nhà thương cấp cứu, song phần thân thể bị cắt lìa đã vĩnh viễn rời xa ông. Đồng đội và người dân thành phố Sài Gòn đã đưa phần thân thể ấy của cha tôi đi mai táng ở một nghĩa địa ngoại vi thành phố. Sau một thời gian điều trị, cha tôi được đưa về miền Bắc và vào trại điều dưỡng thương binh nặng. Năm đó tôi vừa tròn 9 tuổi.

Tháng Tư thương nhớ! -0

Trong mắt cô bé 9 tuổi, cha tôi như một người hùng. Ông ngồi trên xe lăn trong bộ quân phục bạc màu, ánh mắt nghiêm nghị, xa xôi hướng về nơi thăm thẳm nào đó. Mỗi lần có đoàn khách đến thăm, nhất là khi có các anh chị thanh niên quây quần bên cạnh, ông hào hứng kể lại khí thế ào ạt tấn công như vũ bão của quân đội ta vào miền Nam, đặc biệt là giờ phút lịch sử 30/4 năm ấy.

Những lúc như vậy, ánh mắt cha tôi sáng lấp lánh, hai tay liên tục giơ lên, hạ xuống theo từng mạch nguồn cảm xúc trào dâng mà chỉ những người trong cuộc như ông mới có được. Giọng ông lúc bổng, lúc trầm, khi khoan thai, khi sôi lên sùng sục. Và, sau cùng là những giọt nước mắt. Bao giờ cũng vậy, ông nhắc đến những người bạn chiến đấu đã hy sinh, có người chưa kịp bước vào cửa ngõ Sài Gòn, có người vừa nhận bó hoa của nhân dân khi họ ùa ra đường chào đón bộ đội giải phóng thì đã ngã xuống!

Những lúc như thế, đầu óc non tơ của tôi đâu có hiểu gì, chỉ biết nép chặt vào người ông mà òa khóc theo. Cha ôm chặt tôi vào lòng. Khẽ vuốt mái tóc khét nắng của tôi mà bảo: "Cha như thế này là còn hạnh phúc lắm, còn bao cô, chú nữa hy sinh khi họ chưa có gia đình, khi họ chưa hề được hưởng một giờ độc lập và còn biết bao người nữa giờ đây vẫn chưa tìm thấy phần mộ...".

Thấm thoát đã gần năm mươi năm trôi qua kể từ ngày ấy. Cha tôi giờ đã yếu lắm rồi, nhưng cứ đến tháng Tư là ông lại như khỏe ra, hai tay chỉ chực đặt lên hai vòng bánh xe lăn để lái chúng đến những nơi ông muốn. Năm nào cũng vậy, ông luôn dặn mẹ tôi mỗi lần đến trại điều dưỡng thăm ông, hoặc sau này khi ông đã về nhà rồi thì luôn mua những bông loa kèn trắng muốt đặt lên ban thờ để ông thắp hương cho các đồng đội.

Ông ngồi trên xe lăn, cúi đầu nghiêm nghị trước bàn thờ, thì thầm trò chuyện với những người đã khuất. Ông gọi: "...Chiến, Bình, Tưởng, Âu ơi, ở đâu về đây cùng nhâm nhi chén rượu nhạt với tớ!". Đó là những người mà cho đến tận bây giờ ông vẫn không biết họ nằm lại nơi đâu trong cuộc chiến tranh bi tráng ấy của dân tộc.

Lớn lên, tôi có vài lần được tới thành phố Hồ Chí Minh. Lần nào cha tôi cũng dặn phải đến các nghĩa trang ở những nơi tôi đến, cố gắng dò tìm tung tích những người bạn của ông mà chưa lần nào tôi làm được. Trong lòng vẫn canh cánh một nỗi buồn. Mỗi lần tôi về thăm cha, không mang theo chút tin tức tốt đẹp nào là mái đầu ông lại gục xuống, mái tóc bạc thêm ít nhiều.

Tháng Tư này, biết tôi lại vào trong đó, cha tôi gọi điện bảo hãy mang theo mấy bó loa kèn, dù không gặp ai, cũng cứ đặt bên đài tưởng niệm, đồng đội của cha nhất định sẽ về báo mộng cho con biết... Vâng lời cha, tôi dành cả buổi sáng đi lùng mua được gần trăm bông hoa, gói ghém cẩn thận rồi mang theo lên máy bay.

Đặt những bông hoa trắng muốt bên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi thầm cầu mong những đồng đội của cha đang yên nghỉ ở đâu đó hãy cho cha tôi biết để con gái ông được làm một việc nghĩa. Và, tôi cũng đã tìm được nơi một phần thi thể của cha tôi nằm lại giữa mảnh đất Sài Gòn này. Những bông hoa lại được dâng lên. Mắt tôi nhòa lệ khi thấy chỉ cách đó vài hàng bia mộ, có một cái tên "Hoàng Văn Âu - Quê quán...". Chỉ đơn giản thế thôi, một ngôi mộ liệt sĩ với hàng chân nhang luôn đầy ắp.

Nhận được điện thoại của tôi, cha lắp bắp: "...chú Âu… bạn thân nhất, cùng tiểu đội với cha, hy sinh trước khi Sài Gòn giải phóng chưa đầy một ngày!...". Thành phố Hồ Chí Minh những ngày rợp trời cờ hoa. Bến Nhà Rồng mênh mang nắng. Tôi nấn ná hồi lâu, bịn rịn như không muốn rời xa nơi này.

Tháng Tư thương nhớ làm sao!

Vũ Kim Liên
.
.