Tháng ba, đắng ngọt hạt cà phê

Thứ Sáu, 17/03/2023, 15:10

Tháng ba về, hoa cà phê nở trắng xóa một vùng. Cao nguyên ngào ngạt hương thơm trong tiếng bầy ong rủ nhau đi lấy mật. Lễ hội Cà phê về mang cái rộn ràng cho người dân Ban Mê, mang niềm hân hoan cho người nông dân lam lũ giữa nắng gió bazan rát bỏng...

Lần thứ hai hoa hậu H’Hen Niê trở thành đại sứ truyền thông của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (diễn ra từ ngày 10 đến 14/3). Hồi chưa nổi tiếng, chưa có cơ hội được làm đại sứ như bây giờ, cô thiếu nữ Ê Đê vẫn cùng người làng bắt xe đò lên tận trung tâm Ban Mê để đón chào, hưởng ứng lễ hội. Niềm háo hức, tự hào của một người con cao nguyên ngày nào được nhân lên gấp bội khi nay H’Hen có cơ hội rộng mở hơn để giới thiệu đặc sản quê hương đến bạn bè thế giới.

Như bao người trong buôn, nhà H’Hen có một rẫy cà phê rộng mênh mông. Ba trồng từ hồi H’Hen mới lọt lòng. Năm 1994, thu được 80 kí cà phê đầu mùa, ba tậu ngay chiếc cối xay mới toanh. Lẫm chẫm biết đi, H’Hen đã thấy hạt cà phê trải dài khắp sân phơi. Lớn lên một chút, cô đã mang gùi theo ba mẹ lên rẫy trẩy chồi, cào lá, bón phân, hái trái… Những túm hoa trắng xóa hay chùm quả đỏ mọng mê hoặc cô bé yêu rừng, yêu núi. Cô thương giọt mồ hôi của cha mẹ rơi trên đất đỏ bazan.

1 hhen nie.jpg -0
Hoa hậu H'Hen Niê song ca tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Cà phê lớn lên theo H’Hen, gắn bó với cô như một người bạn thiếu thời. Những buổi chiều lên rẫy phụ ba mẹ, cô nắm lấy lá cà phê, thủ thỉ tâm tình như người bạn nhỏ. “Này cây ơi, nay mình đi học được điểm 10 đấy. Mình có giỏi không nào?”. “Cây ơi, con mèo mướp không hiểu sao lại bỏ ăn, nằm một xó”. Chuyện trường chuyện lớp, chuyện nhà chuyện cửa, cô đều mách với cây. Cô mong cây yêu buôn, yêu làng mà cho quả thật sai, để người làng bớt khổ. Mùa rẫy nào cà phê trĩu quả, giá cao, cả nhà H’Hen vui lắm. Ba mẹ có tiền đong gạo, còn chị em H’Hen sẽ được mẹ sắm cho tấm áo mới. Mất mùa, rớt giá, góc nhà sàn lặng lẽ như tờ, nỗi u hoài lo lắng hằn lên mắt mẹ cha. Như Hen nói, cô biết ơn cây cà phê bởi nhờ cây mà cô khôn lớn, được ăn học đàng hoàng.

Trở thành hoa hậu, nổi tiếng gần xa, nhưng mỗi lần về buôn, việc đầu tiên của cô là vào nhà xem có việc gì phụ mẹ. Xong đâu đấy, thể nào cô cũng xắn gấu quần chạy ra rẫy thăm những “người bạn cây”. Mỗi mùa, cà phê mang một vẻ đẹp riêng. Từ khi là chùm hoa trắng đến lún phún trái non xanh mởn như hạt cát, rồi trái lớn dần chuyển từ màu vàng sang đỏ…, tất cả đều mê hoặc nàng hậu đến nao lòng. Sao cô yêu mảnh đất bazan nắng gió này đến thế? Vị cà phê, hương cà phê ngấm vào huyết quản. Dẫu xuôi về phố thị, ngao du khắp năm châu, cô vẫn nhớ quay quắt vị cà phê quê nhà.

H’Hen trải lòng: “Tôi biết uống cà phê từ rất sớm. Buổi sáng, cả nhà cùng nhau pha cà phê vào một cái thố rất lớn. Người lớn uống nước đầu, khá đặc và đậm vị. Người trẻ thì pha thêm sữa hay gì đó tùy thích. Còn nước cuối khá nhạt thì lũ trẻ con như H’Hen được hưởng. Cuộc sống của tôi gắn liền với hạt cà phê nên mình hiểu được sự khó khăn, nhọc nhằn của bà con nông dân, cũng như hiểu hương vị tuyệt vời mà cà phê mang lại. Vậy nên khi thành đại sứ Lễ hội Cà phê, tôi mong muốn làm hết sức mình để lan tỏa thông điệp đó đến với mọi người”.

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, lễ hội lần này mở rộng hơn về quy mô so với những lần tổ chức trước đó. Hình thức thể hiện cũng đổi mới theo xu hướng hội nhập quốc tế, gắn với phong cách hiện đại nhằm làm nổi bật chủ đề. Diễn ra sau ba năm bị tạm hoãn do dịch COVID-19 nên lễ hội thu hút rất đông người dân địa phương lẫn du khách gần xa. Khắp nẻo đường Ban Mê chật kín người xe đi trẩy hội. Ngoài các hoạt động quen thuộc như Ngày hội uống cà phê miễn phí, lễ hội đường phố, hội thảo phát triển cà phê và kết nối giao thương quốc tế, hội thi nhà nông đua tài… lễ hội năm nay có nhiều điểm mới như: Cuộc thi video giới thiệu về cà phê với chủ đề “Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột” với trị giá phần thưởng cho giải nhất lên đến 300 triệu đồng; biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Đam San”; lễ hội ánh sáng; triển lãm ảnh nghệ thuật; hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê… Tại ngày khai mạc, H’Hen Niê hóa thành nữ thần Mặt Trời. Cô diện bộ trang phục thổ cẩm đỏ, tượng trưng cho màu của hạt cà phê chín, đầu đội vòng hoa cà phê. Nàng hậu song ca nhạc phẩm “Cùng nhau ta thắp sáng”, thể hiện niềm tự hào quê hương và đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Tây Nguyên hiếu khách, chào đón du khách từ khắp nơi đến với thủ phủ cà phê.

2 thieu nu e de.jpg -0
Các thiếu nữ Ê Đê diễu hành chào đón Lễ hội.

Điều H’Hen hơi hối tiếc chính là hồi đại diện Việt Nam đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017. Cô thật thà thú nhận mình cứ ngỡ cà phê chỉ là đặc sản ở Đắk Lắk, là loạt thức uống mang tính địa phương nên cô không chú trọng giới thiệu đến bạn bè thế giới. Cô hướng đến những gì có tính phổ quát hơn, được người nước ngoài quan tâm hơn. Thế nên, dự án nhân ái của nàng hậu ở Miss Universe năm đó chỉ xoay quanh việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em dân tộc thiểu số. Đến khi lọt top 5 và trở về Việt Nam, kết bạn với hoa hậu các nước, cô mới thấy cà phê phát triển mạnh ở nhiều quốc gia. Bạn bè hoa hậu đều rất thích loại thức uống đầy đam mê, tỉnh thức này. Nàng hậu bằng chữa “quê” bằng cách về buôn, gói ghém ít cà phê gửi tặng bạn bè nước ngoài. Cô còn gửi kèm bộ phin rồi chỉ họ cách pha cà phê đen đá bằng phin. Vì muốn mọi người thưởng thức hương vị cà phê đúng chuẩn như hương vị mình đã cảm nhận nên H’Hen không ngần ngại chỉ cách pha đúng như cô pha. Khỏi phải nói ai cũng thích thú với kiểu pha cà phê của Việt Nam. Bạn bè thi nhau chụp hình, khen cà phê ngon quá, lạ quá.

Kể từ đó, H’Hen mới ý thức việc quảng bá cà phê đi khắp muôn nơi. Bởi đó không chỉ là cách làm thương hiệu đơn thuần mà xa hơn, nó sẽ giúp chính gia đình cô và bà con trong buôn bớt nhọc nhằn. “Mỗi lần về quê đúng mùa thu hoạch, tôi sẽ lựa chọn những quả cà phê đẹp nhất để chụp hình đăng lên mạng xã hội cho mọi người chiêm ngưỡng. Trang phục đi diễn hay đi sự kiện, ngoài thổ cẩm của người Ê Đê, tôi cũng ưu tiên xiêm áo lấy cảm hứng từ cây cà phê. Không phải là dân chuyên về trồng trọt nhưng vì tình yêu với hạt cà phê, tôi tự mày mò, học hỏi kiến thức để giúp gia đình mình thay đổi cách trồng, cách chăm sóc, chế biến để cà phê đạt năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao nhất. Có vậy, hạt cà phê mới giữ được trọn vị để chinh phục người sành sỏi, yêu loại thức uống này” - hoa hậu cho biết.

Giữa ngày hội náo nhiệt, vẫn còn chút ưu tư nặng trĩu. Bởi như H’Hen tâm sự, người nông dân vẫn còn lắm lam lũ mà hạt cà phê chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Niềm vui nỗi buồn của họ đặt để hết vào giá cả vụ mùa còn lắm bấp bênh. Thương hiệu cà phê Việt chỉ là một đốm rất nhỏ trên bản đồ cà phê thế giới. Điều này được bàn đi tính lại trong vô số hội thảo lớn nhỏ và ngay cả trong Lễ hội Cà phê năm nay nhưng lối ra vẫn còn lắm chông gai.

Vườn nhà H’Hen vẫn còn nguyên màu xanh cà phê. Nhưng đi qua đồi núi cao nguyên nắng gió, dễ nhận thấy màu xanh ấy đã thay bằng những màu xanh khác. Đó là màu của sầu riêng, mắc ca, chanh dây… Giá cà phê vẫn như cũ trong khi vật tư nông nghiệp, giá phân bón leo thang. Giữa muôn trùng khó, người ta chọn cái gì chóng mang lại miếng cơm manh áo. Sầu riêng, mắc ca được giá. Dân Tây Nguyên đổ xô nhau chặt bỏ cà phê để thi nhau trồng. Tự hỏi Đắk Lắk liệu còn được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam khi diện tích loại cây này đang dần thu hẹp?

Phan Thi Uyên
.
.