Thần tượng và giới hạn

Thứ Bảy, 15/01/2022, 07:51

Ngày 6/1/2022, bài rap “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu đã trở thành ngữ liệu trong đề thi của học sinh lớp 12,  môn ngữ văn của Trường THCS -THPT Trần Cao Vân, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Người ra đề đã đặt ra yêu cầu với người thi: “Trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình về câu hát: "Mang tiền về cho mẹ/ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ"".

Tôi nhớ không lầm, trong mấy ngày qua, hai câu ráp này cũng đang rất hot trên mạng xã hội. Người ta nhắc đến nó bằng một sự trân trọng, thấm thía. Thậm chí, nhiều người còn hài hước chế ảnh chàng Đen Vâu (thay vì ôm con cá như trong bài hát) là ôm cọc tiền, ôm một hộp thực phẩm chức năng, ôm bình rượu, hay ôm… những sản phẩm mà một chị bán hàng online nào đó đang rao bán trên mạng.

Chuyện một bài hát đi vào đề thi ngữ văn kể ra cũng không có gì bất ngờ. Còn nhớ hồi đầu năm 2021, lời bài hát “Đom Đóm” của Jack - ca khúc khi đó đang gây “sốt” cộng đồng mạng cũng được đưa vào đề thi lớp 11 trường THPT Trần Văn Ơn (TP. Hồ Chí Minh). Chuyện “bắt trend” của đề thi môn văn đang xuất hiện ngày càng nhiều, có lẽ nó là một xu thế đổi mới để làm tươi tắn hơn cho môn học luôn bị kêu ca là khuôn sáo, luôn bị chậm hơn so với tốc độ của thông tin và giải trí. Bản thân anh chàng có phong cách biểu diễn độc đáo này cũng rất có duyên với các kì thi trong mùa thi năm 2021. Khi đó, Báo Tuổi trẻ từng đăng một bài viết có tựa đề: “'Nhà tiên tri” Đen Vâu lại không cố ý đoán trúng đề thi môn văn” (sau 3 lần anh ra MV có gợi liên tưởng đến đề thi môn ngữ văn sau đó). Điều này càng khiến cho vị thế và tầm ảnh hưởng của nam rapper này được nâng cao hơn.

Thần tượng và giới hạn -0
Cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trước ngôn ngữ mạng - nguồn ảnh chungta.

Ngẫm ra, trong một xã hội bùng nổ thông tin, chúng ta đều hiểu rõ không phải lúc nào tốc độ chia sẻ cũng đồng nghĩa với giá trị thực của nó. Hay nói cách khác, chúng ta đang dễ dàng đón nhận cái mới, cái lạ, chấp nhận cả sự phá vỡ cú pháp, quy phạm, phá cách, lệch chuẩn… như một sự thay đổi không khí chứ không nhất thiết là cái đẹp về mặt thẩm mỹ và sâu sắc về mặt tư tưởng.

Khi bàn về vấn đề này, tác giả Ngọc Mai trên Báo Pháp luật Việt Nam từng nhận định: “Đành rằng, cách thức ra đề mở, mới mẻ, sáng tạo, bước ra khỏi những quy tắc cũ là một xu hướng đáng ghi nhận trong giáo dục hiện nay, nhưng có thể thấy, điều quan trọng nằm ở cách chọn lọc những gì để ra đề. Nhiều câu hát có phần lời sai ngữ pháp, thiếu chất thơ, thiếu tính nghệ thuật, cổ súy cho sự ủy mị, ướt át quá mức trong tình yêu nam nữ… có thể ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, tư duy và thị hiếu thẩm mỹ của các em về lâu dài”. Có thể thấy, tác giả đã phân tích rõ ràng: Ngoài nội dung của lời hát thì ngữ pháp, giọng điệu cũng sẽ tác động đến giới trẻ trong môi trường giáo dục.

Thật sự rất khó có thể kiểm soát được ngôn ngữ của giới showbiz. Thậm chí, các từ khoá của họ trong các chương trình giải trí còn nghiễm nhiên trở thành một loại “thành ngữ”. Trong khi, giới trẻ đã rất chuộng từ lóng “hot” kiểu như: “ngon vãi”, “sợ vãi”; “Tí nữa thì toang!”, như “Thanh xuân như một ly trà/ Uống xong một cái hết bà thanh xuân” (phim “Về nhà đi con”).

 Ngay trong chương trình truyền hình "Bài hát Việt", một vị giám khảo cũng từng khen thí sinh: "Chị rất chúc mừng em đêm nay!". Nhiều tờ báo cũng giật những cái tít không rõ ràng về nghĩa, phản cảm, kiểu như: “Thầy giáo “bày mưu” giúp học sinh giành điểm cao môn ngữ văn”; "Cảnh sát hình sự rởm đang nhận tiền bị bắt"… Trong khi đó, ở môi trường giáo dục, mọi đề thi, giáo trình đương nhiên được người học coi là chuẩn giá trị. Những gì được nhà trường sử dụng đồng nghĩa với việc nó thừa nhận cả về nội dung và hình thức (ngữ pháp, ngữ nghĩa).

Ở một câu chuyện khác, mấy ngày nay dư luận đang quan tâm đến việc tay vợt nổi tiếng Novak Djokovic được đồng ý cấp giấy miễn trừ y tế để có thể tham dự Australian Open 2022 (mặc dù anh ta không tiết lộ tình trạng tiêm vaccine phòng COVID-19 mà vẫn được phê duyệt). Sự việc trở nên thật sự nghiêm trọng khi cả thế giới đang siết chặt kiểm soát lây nhiễm.

Thần tượng và giới hạn -0
Giới trẻ đang rất chuộng tiếng lóng với tốc độ chia sẻ rất nhanh - nguồn ảnh agilaai.com

Cựu Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia, Stephen Parnis nhấn mạnh: "Tôi không quan tâm anh ta chơi quần vợt giỏi cỡ nào. Nếu Djokovic từ chối tiêm chủng, không thể để anh ta nhập cảnh. Việc cho phép ngoại lệ sẽ tạo ra thông điệp xấu tới hàng triệu người khác". Câu nói này không chỉ đúng với riêng trường hợp của ngôi sao Djokovic, với riêng các giải thể thao trong bối cảnh hiện nay mà nó còn là một sự cảnh báo với mỗi chúng ta: “Việc cho phép ngoại lệ sẽ tạo ra thông điệp xấu tới hàng triệu người khác”. Rõ ràng, trong văn hoá ngay cả với thần tượng cũng không thể có ngoại lệ, cần có một giới hạn nhất định để tránh những nguy cơ như thế.

Ngẫm ra, trong một xã hội mà mọi hình ảnh, lời nói, cử chỉ rất dễ trở thành thông điệp bởi tốc độ chia sẻ. Rapper Đen Vâu, Novak Djokovic hay vị trọng tài nào điều khiển trận đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu cũng rất dễ trở thành đối tượng để soi xét, để tôn sùng hay mổ xẻ. Đương nhiên, người nổi tiếng có trách nhiệm phải giữ gìn hình ảnh để không phụ tấm lòng của những người mến mộ nhưng từ một góc độ khác, chính chúng ta cần có một giới hạn : Không phải sự chia sẻ, hành động nào của người nổi tiếng cũng đồng nhất với chân lý. Việc dư luận có thể mổ xẻ, bóc tách từng câu, từng chữ, từng cử chỉ của những người nổi tiếng để đưa vào cuộc tranh luận cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng, dù đứng ở quan điểm bình luận nào, trước hết phát ngôn và hành động ấy phải tuân thủ các quy định của pháp luật, các quy tắc chuẩn chỉ của ngôn ngữ, các yêu cẩu của khoa học hàn lâm.

Có người từng thốt lên trên mạng xã hội: Hoá ra, văn chương nghệ thuật, ca dao, dân ca các bài học đạo đức xưa nay đã lép vế trước các hot trend lan toả trên Facebook. Thú thật, trong sự dễ dàng lan toả đó, có cả những cái chạm tay bấm like hoặc share của mỗi người trong số chúng ta hôm nay.

Xin hãy nghĩ đến sự ô nhiêm và giữ gìn, bảo vệ “môi trường” cho tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) như việc giữ gìn hành tinh xanh của chúng ta. Đừng quên, thứ để lại cho mai sau không phải là điểm số, là triệu lượt view mà là sự trong sáng, giàu có của ngôn ngữ. Và điều quan trọng hơn, là giúp cho mọi người hiểu được giá trị của từng câu, từng chữ ấy ứng với những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc đời mỗi chúng ta.

Nói theo thần tượng, nghĩ theo thần tượng âu cũng là quy luật thường thấy trong thời đại thông tin. Như cái cách người ta để tóc, ăn mặc theo style của thần tượng trong phim ảnh. Nhưng đừng quên, bạn phải là chính mình, từ điều nhỏ nhất ấy là lời ăn tiếng nói.

 Nhà trường chính là nơi dạy cho người trẻ có chính kiến, có tư duy độc lập để bước ra cuộc sống làm chủ được vị trí công việc, làm chủ được cuộc đời mình (chứ không chỉ trang bị cho họ kiến thức). Sẽ là quá sớm để chúng ta kết luận việc suy tôn những bài hát thành luận điểm, chủ điểm bình luận, nghị luận sẽ đem lại lợi ích như thế nào, bất cập gì. Nhưng thiết nghĩ, dù với người nổi tiếng nào, với câu nói được dư luận quan tâm chia sẻ đến đâu, vẫn cần có một giới hạn. Giới hạn ấy được đối sánh với những chuẩn mực như với một người bình thường nhất. Thần tượng cũng phải có giới hạn!

Lương Việt
.
.