Tết non rồi Tết lại già

Chủ Nhật, 12/01/2025, 12:25

Gió lao xao trở mình trên cành quất trĩu trái trong khu vườn đầy nắng ngọt. Bà cụ thẫn thờ dưới mái hiên ngó ra con đường trước ngõ, thấy mùa mới sắp sửa gõ cửa ghé chào. Ngoái lại bảy mươi cái xuân đã đi qua đời mình, tự dưng lòng bà tràn đầy e sợ khi biết trời kia chẳng níu nổi cơn gió Chạp. Nói cho rành rọt, từ ngày gói ghém theo chồng, dường như cả đời bà đã luôn sợ một chữ "Tết".

Tết là điều gì đó nghe ghê gớm lắm. Mọi thứ của Tết phải mới mẻ, đẹp đẽ để cả năm được may mắn, suôn sẻ. Hồi đó nghèo héo hon, ăn bữa nay lo bữa mai mà quanh năm làm gì cũng cố dành dụm cho Tết. Nuôi con gà trong sân, thèm thịt lắm nhưng chép miệng đợi Tết. Bữa cơm độn nửa khoai, sắn, dằn bụng để dành bao gạo ngon chờ Tết. Ráng chắt bóp may bộ áo dài, ủi thẳng thớm treo tủ ngắm đỡ thèm. Được biếu bộ ấm chén đẹp, gói kỹ càng trong hộp, cất mãi tới ngày mùng Một đem ra pha trà.

untitled-4.jpg -1
Tết sum vầy.

Chắt chiu quanh năm, chừng đầu tháng Chạp vẫn xắn ống quần mà chạy, lo sắm sửa chớ không kịp Tết. Đồng tiền chia nhỏ, ngồi tính muốn bạc đầu vì khoản nào cũng cần dùng. Sợ Tết lù lù sau lưng nhưng mấy đứa con không có quần áo mới, trong bếp thiếu thẩu thịt heo ngâm mắm, trên ban thờ gia tiên chưa đủ đòn bánh tét, ổ bánh tổ. Lỡ khách tới nhà mà khay bánh mứt vắng miếng bánh nổ bánh in, pha tách trà chẳng phải danh trà Mai Hạc, thì muối mặt biết giấu vào đâu.

Nín nhịn thiếu thốn bao lâu để dồn hết cho Tết, nên tới ra Giêng đồ ăn thức uống còn đầy. Bánh tét cắt lát đem chiên lên giòn rụm thơm phức, mỗi bữa ăn kèm dưa món củ kiệu mằn mặn, đơn giản thế mà mọi người mê lắm. Thịt heo ngâm mắm cuốn bánh tráng nướng kèm rau xà lách, ngò rí trồng ngoài vườn, chu choa ngon chi ngon lạ lùng.

Tết thời đó, dù thiếu trước hụt sau nhưng vẫn có cái luôn đủ. Đó là những ngày cuối Chạp tụ lại cùng nhau nhổ cỏ quanh vườn, cùng nhau phơi kiệu phơi hành. Cả nhà xúm xít, người lau lá chuối, người chẻ lạt tre, người ngâm nếp ngâm đậu, rồi hồ hởi gói bánh. Mấy đứa con nít chạy vòng quanh reo hò. Đó là mỗi đêm Giao thừa ngồi quanh bếp lửa canh nồi bánh tét, bánh tổ. Bao giờ, dịp nào, đói hay no, khóc hay cười, tất cả thành viên đều có mặt. Chu choa vui chi vui lạ lùng.

Và Tết hồi xưa lắc đó, bà cụ nhớ miết tới chừ, luôn là những mùng đầu năm rủ nhau đi coi bài chòi. "Thà rằng ăn mắm mút dòi/ Cũng nghe bài chòi cho sướng cái tai". Người quê bà thường nói thế, đùa mà thiệt. Nghèo tiền nghèo bạc chớ chẳng nghèo tiếng hát lời ca. Suốt một năm trời lấm lem bùn đất ruộng đồng, loanh quanh với gà gáy heo kêu, mãi tới Tết mới có dịp ngồi trên chòi cao hóng nghe tiếng trống chầu giòn giã, ngóng chờ anh Hiệu hô con bài tới bằng những câu hát, điệu hò hay ho. Thắng được một ván bài chòi là sảng khoái vô cùng, tự dưng quên bẵng bao mệt nhọc của cuộc sống đời thường. Tết vì thế trở nên rộn ràng đáng mong chờ hơn hẳn.

*

Ngày con cái trưởng thành, đã đành bà cụ hết phải lo toan cơm áo, vậy mà vẫn thoáng sợ Tết. Ngó đi ngoảnh lại thấy đời mình đã bước tới đoạn đường gần cuối, mỗi mùa xuân sang sẽ dày thêm một tuổi, biết còn được nhiêu ngày ở cạnh cháu con. Người ta biểu càng già càng vững chãi, bình tâm. Có sóng gió nào là chưa qua! Chuyện người nói nhẹ như gió thoảng thế thôi, chớ những kẻ thiết tha yêu đời ai mà chẳng sợ phải rời xa nhân thế. Người sợ cứ sợ, Tết tới cứ tới.

Tết bây chừ là Tết phai, Tết không còn Tết lắm. Cuộc sống thong thả, hình như chỉ cần tiền bạc dư dả thì thứ gì cũng dễ dàng mua được. Bà cụ qua nhà người họ hàng đặt mấy đòn bánh tét dâng lên ban thờ, gọi là chưng cho có Tết. Mớ củ kiệu, cà rốt heo héo mua sẵn ngoài chợ đem bỏ mắm, làm thẩu dưa món. Rồi cũng để đó, có đứa nào ngó ngàng tới đâu. Quê vẫn là quê nhưng người ta đã bớt mặn mà tụ họp bày biện gói bánh, nấu nướng.

Ấy là lẽ thường, nhìn tới nhìn lui, ngó xuôi ngó ngược toàn người già ngồi lại với nhau. Mỗi đứa con đều phải vật lộn ở những phương trời xa lạ. Chuyện học hành, chuyện mưu sinh, ra đời đối nhân xử thế có chuyện gì là dễ dàng đâu. Cả năm bộn bề đua chen, chỉ mong mấy ngày Tết để nghỉ ngơi, ngủ một giấc trọn vẹn. Dù có về quê thì còn những cuộc gặp mặt bạn bè, thăm viếng họ hàng, dạo chơi hò hẹn. Thời gian sức lực đâu ngồi xếp bằng với mớ lá chuối lạt tre, bó gối gật gù canh nồi bánh lem nhem tro khói.

photo-0-15178463409621764750858.jpg -0
Chợ hoa ngày Tết.

Tết bây chừ là Tết non, tới ngọn lửa cũng không già. Đêm Giao thừa còn ai chất đống củi giữa sân để thổi bùng ngọn lửa rực đỏ ấm áp đón năm mới. Sân lát gạch hoặc tráng nền, bếp nấu ga hoặc dùng điện, người bận ngủ hoặc dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh. Đòn bánh tét mua ở chợ chín sượng nguội ngắt, ổ bánh tổ không tự tay làm thì sao biết được độ dẻo của bột hay ngửi thấy hương gừng hương nếp hấp chín. Câu bài chòi vẫn ở đó giữa gió xuân nồng nàn nhưng tiếng trống chầu hình như đã bớt đi chút giục giã. Người lớn, trẻ con đâu còn hối hả chen chân tranh nhau chỗ ngồi trên cái chòi tre mái lá để đòng đưa chân mà nghe câu hò.

Có mấy cái mùa xuân, căn nhà trống trơn vắng lặng bởi đám con của bà bận đi du lịch… trốn Tết. Ở nhà làm chi quanh đi quẩn lại nhiêu đó việc nhạt nhẽo năm nào cũng trải qua. Xách ba lô lên và đi, những cung đường mới lạ thú vị đang chờ người khám phá. Dạo nọ, con gái út của bà ngỏ lời rủ má cùng đi. Bà muốn lắm chớ, một lần được ghé khung trời khác coi cái Tết của người ta hương vị thế nào. Ngặt nỗi bước chân thời gian rệu rã níu lại ở mái hiên nhà mình. Ban thờ cần mâm cơm ấm cúng ba ngày đầu xuân. Thôi đành, bà cụ cứ làm người giữ cánh cửa yêu thương, có nắng gió nơi đâu đẹp bằng nắng gió trên quê hương mình.

*

Bà cụ e ngại mùa xuân đếm tuổi đời trên mái tóc màu mây, nhưng thực lòng vẫn thiết tha chờ Tết. Tết như một lời nhắc nhớ dành cho những người đi xa, dầu đang muôn việc muôn ngả, tạm gác lại thôi để còn kịp tấm vé khứ hồi. Chỉ cần mấy đứa con trở về nhà, nhìn thấy mặt nhau, ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm, vậy thôi là đủ thỏa mãn, đủ bù đắp cho quãng thời gian đằng đẵng đợi mong. Hóa ra Tết không hẳn là sắm sửa gì mới, bày biện gì đẹp, ăn món gì ngon. Mà Tết muôn đời gói gọn trong hai chữ đoàn viên. Tựa như những cánh chim thiên di bay về, thành lệ, in sâu vào tiềm thức đau đáu của mỗi đứa con xa nhà. Sum vầy là ước vọng lớn lao hơn mọi thứ.

Ngó đám vạn thọ bắt đầu nở vài bông tròn xoe vàng nghệ, bà cụ lọt tọt đạp xe xuống chợ mua mớ bánh tổ, bánh in. Cứ phải có mấy loại bánh đó thì mới đúng là Tết. Biết đâu lại như năm ngoái năm tê. Tết thì chẳng ăn đâu, đợi tới lúc vào thành phố xa lắc lơ rồi, con út bèn điện thoại hỏi nhà còn ổ bánh tổ nào không. Gói ghém gởi vào cùng biết mấy thương yêu. Chân lý giản đơn bao đời, phải đi thiệt xa mới thấm thía nỗi nhớ nhà, thưởng thức qua bao món ngon thức lạ trên đời rồi chợt thèm một chút phong vị quê cha. Ra Giêng, ăn lát bánh tổ chiên ngoài giòn rụm trong dẻo mềm vị ngọt lịm thơm hương gừng, ngó vậy chớ mà ngon, mà nhớ quê rưng rức.

Bà cụ hì hụi đem mùng mền áo gối ra giặt và trải phơi trên sào hứng nắng, nhẩm đếm thử đã đủ dùng cho tất thảy con cháu còn chưa thấy bóng dáng mặt mày. Xuân về, nắng mật thênh thang theo về. Rồi người cũng sẽ về. Ai chán chê hay ai lo sợ Tết như bà cụ, rốt cục vẫn hớn hở đón chào. Lo gì, như trái trên cành qua thời non xanh sẽ chín ngọt, Tết lỡ phai rồi tới lúc Tết lại đậm đà.

Ny An
.
.