Tết - “Mong một mùa bình thường”

Thứ Tư, 26/01/2022, 11:23

Có lẽ, Tết Nhâm Dần sẽ là cái Tết quá nhiều cảm xúc khi chúng ta vừa trải qua thêm một năm mệt mỏi căng thẳng vì dịch bệnh với bao mất mát, đau thương. Tết Nhâm Dần cũng sẽ là một cái Tết lặng lẽ hơn nhiều cái Tết trước khi ngoài kia, thế giới dịch bệnh, bất an vẫn đang bao phủ.

Vì thế, thêm một lần chúng ta đón năm mới đoàn viên với gia đình, với người thân và đó cũng chính là khoảnh khắc chúng ta nhìn sâu vào tâm hồn mình, lắng đọng lại những cảm xúc, suy ngẫm để bắt đầu một năm với hy vọng và yêu thương. Hơn lúc nào hết, người Việt cồn cào mong ước một cái Tết bình thường, mùa bình thường. Trong phút giây giao thừa này, chúng ta lại nhớ đến bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao. Ta mong một mùa bình thường, an lành sẽ về với mỗi người dân, với đất nước thân yêu của chúng ta. Chuyên đề Văn nghệ Công an trân trọng ghi lại những trăn trở, suy tư, những ước vọng sẻ chia của các nghệ sĩ trước thềm năm mới.

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Thắp sáng ngọn lửa nhân ái trong mùa xuân này

Tết - “Mong một mùa bình thường” -0

Chúng ta vừa đi qua năm Tân Sửu vô cùng khó khăn và đầy thách thức. Do đại dịch COVID – 19, một năm trong hòa bình mà đất nước phải chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có, trong đó tổn thất sinh mạng đã gây ra đau thương khôn xiết cho biết bao gia đình. Nhưng chúng ta đã biết tập trung nhiều nguồn lực để vượt qua khó khăn, trong đó, theo tôi, chính sức mạnh tinh thần đã tạo nên nguồn lực đặc biệt nhất. Đó là tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó, đức hy sinh và tình thương yêu con người. Lòng nhân ái, vốn là một truyền thống tốt đẹp của ông cha, càng được tỏa sáng trong hiểm hoạ. Có thể nói, trong hoạn nan, đau thương ta càng tự hào về dân tộc, về đất nước mình.

Giờ đây, chúng ta đang “thích ứng an toàn, linh hoạt” để vừa kiểm soát dịch bệnh và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Mùa xuân đến, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và trước mắt chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều gian khó. Dù vậy, chúng ta đang bước vào năm mới Nhâm Dần điềm tĩnh hơn, tự tin hơn và mạnh mẽ hơn. Bản lĩnh, ý chí, trí tuệ, sự năng hoạt của người Việt Nam lại được huy động ở mức cao hơn để bước vào trận mới. Khó khăn chưa hết nhưng mùa xuân sẽ mang đến sự tươi mới, sinh lực mới và niềm hy vọng mới.

Tôi nghĩ rằng, trong mùa xuân này, dù trong điều kiện chúng ta không thể đoàn viên đông vui như thường lệ, nhưng sự kết nối giữa mọi người với nhau là điều cốt yếu nhất. Đó là sự kết nối trái tim với trái tim, kết nối của ý chí vượt khó, cảm hứng sáng tạo và khát vọng vươn tới. Kết nối để tăng thêm sức mạnh - sức mạnh của hợp tác, sẻ chia và niềm tin cậy.

Tôi nhớ, ngày trước, ánh lửa của nồi bánh chưng trong đêm giao thừa luôn mang lại cảm giác ấm cúng, bình dị, thân thương, như vẫn thấy bóng mẹ lúi húi cho thêm củi, bỏ thêm trấu quanh nồi bánh chưng. Giờ đây, trong thời điểm COVID này, dù không thể về quê hương để được ngồi quanh nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa trong đêm giao thừa thì trong mỗi gia đình, trong mỗi con người, hãy thắp lên ánh lửa của tình thương yêu, để làm bừng sáng hơn nữa ngọn lửa nhân ái trong cộng đồng, để không ai bị cô đơn trong hoạn nạn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Chúng ta cần tình yêu hơn bao giờ hết

Tết - “Mong một mùa bình thường” -0

Tôi có một ước mơ nhỏ. Xuân này tôi sẽ đưa mẹ già đi thăm lại cánh đồng xanh, chiều về mênh mang tiếng sáo diều. Đại dịch khiến cho tôi từ bỏ cái ham muốn vô độ là suốt ngày tâm trí cứ muốn thu gom: thu gom đất đai, thu gom danh vọng, thu gom tiền bạc, thu gom... ngàn lẻ một thứ, cho đến một ngày tôi bỗng nhớ ra là mình đã hứa với mẹ lâu rồi. May mà mẹ như chiếc lá khô còn sót lại giữa cơn cuồng phong.

Tôi có một ước mơ nhỏ. Xuân này tôi sẽ đưa bọn trẻ ngao du khắp mọi miền đất nước. Người bố ấy suốt thời gian qua chỉ ăn bữa cơm chiều với bọn trẻ vài buổi. Còn lại là những chuỗi ngày dành cho sự nghiệp, thăng tiến, họp hành, công tác, chuyển đổi số, thời đại 4.0... Cho đến khi cơn đại dịch ập tới. Những thứ phù phiếm, những chuỗi ngày mãi lo thu gom tích trữ, phút chốc trở nên vô nghĩa. Bọn trẻ đâu cần quá nhiều vật chất, chúng cần sự quan tâm. May mà cả nhà vượt qua cơn bão táp thế kỷ.

Và tôi cũng còn một ước mơ nhỏ nữa... Xuân này tôi sẽ dành hết thời gian để gặp lại những người thân yêu, những bạn bè, những đồng nghiệp quí mến, và tất cả mọi người, để nói rằng: Qua cơn bể dâu, điều đáng quí nhất và nên làm nhất, không phải là lo thu gom như thu gom sự nghiệp, thu gom tiền bạc, thu gom đất đai.... mà là trao nhau tình yêu thương, khi chúng ta còn có thể. "Tất Cả Chúng Ta Là Một. Nhiêu Đó Là Đủ Rồi".

Nếu như chúng ta quyết định rằng "tất cả chúng ta là một" thì ta sẽ thôi đối xử với người khác như cái cách mà ta vẫn làm. Nếu như chúng ta quyết định rằng "nhiêu đó là đủ rồi" thì ta sẽ chia sẻ với tất cả mọi người mọi thứ mà ta có. Và khi một xã hội từ bỏ nỗi ám ảnh thu gom và căn bệnh thành tích, xã hội ấy sẽ tiến hoá thêm một nấc cao mới, ở đó tràn đầy tình người, hạnh phúc và vững bền. Lương tri sẽ thôi mục nát, thiên nhiên và môi trường sẽ thôi bị bức hại, những đứa trẻ sẽ bớt đi những áp lực nhồi nhét để đạt thành tích, những phiên tòa sẽ bớt đi những đại án tham nhũng, đất nước sẽ phồn vinh, thịnh vượng và muôn dân sẽ sống trong hạnh phúc.

Chưa có khó khăn nào chúng ta chưa vượt qua. Chưa có gian khổ nào chúng ta chưa nếm trải. Những đau thương mất mát chỉ càng làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Và từ đó, tôi hy vọng về một nền nghệ thuật nhân văn hơn, vì con người hơn. Âm nhạc chữa lành những vết thương do đại dịch gây ra và âm nhạc đầy ắp Chân Thiện Mỹ sẽ đâm chồi và nảy nở nhiều hơn.Vì một điều thật đơn giản là chúng ta cần tình yêu hơn bao giờ hết. Vì tình yêu chữa lành mọi thứ.

Họa sĩ Đào Hải Phong: Cuối cùng, điều chúng ta cần lại rất giản dị, đó là sự bình thường

Tết - “Mong một mùa bình thường” -0

Tôi chỉ nghĩ rằng, cuối cùng, chúng ta chỉ cần trở về sự bình thường, bình là thanh bình, yên bình mà cũng vừa là bình quân. Thường là cái thường nhật, thường ngày, thông thường. Cái bình thường tưởng nghe là bình thường nhưng chúng ta không dễ để có nó. Với một nghệ sĩ sáng tác như tôi, tôi vẫn nghĩ rằng tôi chỉ làm những cái bình thường của một nghệ sĩ đã hấp dẫn rồi, đừng quá cái bình thường vì nó không hẳn còn là cái của mình nữa.

Ca ngợi cái bình thường là điều tôi rất thích, chính trong bài hát của nhạc sĩ Văn Cao, “Mùa xuân đầu tiên”, ông đã viết: “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”. Cuộc đời của các bậc tiền bối cũng bị va đập nhiều, họ nhiều âu lo và cuối cùng họ cũng chỉ cần sự bình thường mà thôi. Mùa xuân này, tôi nghĩ, kể cả những người mang trọng trách lớn lao hay những người bình thường, cuối cùng cũng chỉ mong muốn sự bình thường, được ra đường gặp gỡ nhau, chia sẻ, chúc tụng nhau một ly rượu, một lời chào, lời chúc năm mới bình an.

Đôi khi con người cứ mải chạy theo những ước vọng cao xa, mong muốn rất nhiều nhưng cuối cùng lại chỉ thèm có một sự giản dị. Đại dịch COVID-19 không từ một ai, từ nguyên thủ quốc gia đến một người bình thường đều có thể bị nhiễm. Điều đó cho thấy rằng, con người hoàn toàn bình đẳng trước dịch bệnh, anh không thể dùng quyền lực hay tiền để tránh được. Tôi vẫn suy nghĩ rằng, dịch bệnh nó sẽ làm thay đổi nhiều suy nghĩ của loài người, họ sẽ lắng lại và tự vấn, có nên thế không, có cần thế không, có phải làm thế không. Tết này sẽ là cái Tết mà ai cũng sẽ dành thời gian để ngẫm, rằng mình đã sống đúng chưa, mình có ân hận, tiếc nuối gì không và mình có nên làm tiếp điều gì nữa không?

Và có một câu hỏi mà ít người giải mã được, tôi cũng không ngoại lệ là cuối cùng chúng ta sống, làm việc để làm gì? Câu hỏi đó sẽ giày vò một số lớp người nào đó trong xã hội, có khi họ nghĩ sẽ phải làm nhiều điều tốt hơn vì chúng ta không có nhiều thời gian trong cuộc sống này nữa, có người vội vã làm gì đó để sám hối với chính mình. Đâu đó cũng ẩn hiện những suy nghĩ rằng, biết đâu chúng ta vô nghĩa rất lâu rồi mà chúng không biết mình vô nghĩa.

Xã hội ngày nay vẫn là một xã hội buồn khi người ta mang một cái thước đi đo rất nhiều giá trị khác nhau. Điều đó không bình thường và không bình đẳng. Họ chỉ tôn vinh ai kiếm được nhiều tiền, ít bàn đến vấn đề ai đóng góp được điều gì cho xã hội. Mỗi người có một giá trị nhưng hôm nay chỉ nhìn thấy những giá trị hiện hữu chứ không nhìn những giá trị vô hình. Đại dịch này là tai họa mà mẹ thiên nhiên trừng phạt hay con người trừng phạt con người? Tôi nhìn COVID này như là chúng ta bị một trận đòn và buộc nhân loại phải nhìn lại. Nếu còn thời gian để sống, chúng ta sẽ làm những việc có ý nghĩa hơn, sống tử tế hơn và yêu thương nhiều hơn.

Đạo diễn Trần Lực: Nghệ thuật sẽ giúp xoa dịu những vết thương

Tết - “Mong một mùa bình thường” -0

Gia đình tôi có 4 thế hệ sống cùng nhau, dù đi đâu thì đến ngày Tết cũng về tụ họp. Năm nay, đặc biệt hơn, khi dịch bệnh đang hoành hành, chúng tôi lại có nhiều thời gian hơn bên gia đình. Chắc hẳn ai cũng mong một cái Tết như ngày xưa, thoải mái, tự do, đi chơi, đi du lịch nhưng cuộc sống đã thay đổi và chúng ta phải luôn thích ứng với nó. Tết này, ta biết trân quý hơn những khoảnh khắc bên gia đình và những người thân yêu, chúng ta hạnh phúc vì vẫn còn có nhau, được ngồi bên người thân ăn một bữa cơm, uống trà và nói chuyện cùng nhau. Tết có lẽ chỉ gói gọn trong gia đình nhỏ của mình, ấm áp, yêu thương.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi thứ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Và chúng ta bình tĩnh đón nhận nó, để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Điều tôi trăn trở trong thời gian qua là làm thế nào để đưa sân khấu đến được với khán giả. Bởi sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung là một món ăn tinh thần rất quan trọng, khi mọi người ở nhà nhiều và luôn cảm thấy bất an, thì nghệ thuật sẽ giúp họ cân bằng, xoa dịu những vết thương. Những người làm nghệ thuật bằng mọi cách hãy đưa tác phẩm của mình đến gần với khán giả, đó là hành động thiết thực nhất để cùng mọi người vượt qua đại dịch. Mỗi người, hãy làm tốt công việc của mình. Các nhà khoa học tìm mọi cách sản xuất ra những loại vắc xin mới để chống lại các biến thể của COVID-19, còn chúng ta, những người làm nghệ thuật hãy sáng tạo để có tác phẩm đến với khán giả. Cuộc sống là vậy, chúng ta phải chấp nhận và mạnh mẽ vượt qua nó.

Sân khấu Lucteam của tôi có một năm khó khăn trong bối cảnh sân khấu gần như đóng băng vì dịch bệnh. Nhưng khi có cơ hội, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng với tinh thần xả thân. Lucteam đã khá thành công với vở bi kịch cổ đại “Antigoni”, một dự án của Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ, có 2 đêm diễn, mặc dù khán giả ít thôi nhưng ít nhất chúng tôi cũng được gặp gỡ khán giả, được cháy và thỏa niềm đam mê của mình trên sân khấu.

Tôi vẫn ấp ủ những dự định sẽ đưa các tác phẩm lên nền tảng số để sân khấu vẫn đến được với khán giả và mình vẫn được làm nghề. Nếu chờ dịch bệnh hết rất khó và điều hết sức quan trọng, mỗi lần dịch bệnh vãn thì lượng khán giả không được như ngày xưa. Mới đầu sẽ khó khăn, nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta mạnh dạn và kiên trì, khán giả rồi sẽ quen xem Lucteam trên các nền tảng số. Chúng ta sẽ luôn sống và không ngừng hy vọng. Năm mới bắt đầu và tôi mong rằng, những tác phẩm đang “cất kho” của Lucteam như “Bạch đàn liễu” “Antigoni” sẽ sớm ra mắt khán giả trong thời gian tới. Hãy lạc quan lên và đón chờ ngày mai.

Nhà văn Thiên Sơn: Gói ghém vết thương để nghĩ về ngày mai và những niềm hạnh phúc

Tết - “Mong một mùa bình thường” -0

Năm 2021 với nhiều khó khăn và bất trắc khép lại. Nhưng, như một lẽ thường, trong những ngày Tết đặc biệt này, chúng ta phải gói ghém lại vết thương, phải nghĩ về ngày mai và những niềm hạnh phúc.

Như mọi cái Tết, với một người xa quê như tôi, chỉ muốn kết thúc công việc để trở về quê, sống trong căn nhà của bố mẹ, thăm lại mộ ông bà tổ tiên, bên những người thân ruột thịt và bạn bè, được bước đôi chân trần trên những cánh đồng ngập tràn cỏ và hoa trải dọc triền sông phẳng lặng. Ở đó, tôi như gặp lại tuổi thơ đã mất, gặp lại quê hương mà tôi mong nhớ suốt đời. Và đó cũng là những ngày để ngẫm nghĩ lại những gì đã qua, định hướng cho những ngày sắp tới. Với chúng tôi, Tết là về nhà, gặp lại quê hương, bố mẹ, người thân, gặp lại tiền nhân, những người đã chết và gặp lại cả ký ức đời người cứ mỗi ngày thêm dày lên.

Sau cơn đại dịch như trận đại hồng thủy, đến giờ những mối đe dọa vẫn tiềm tàng. Bất kỳ lúc nào, và bất cứ ở đâu trên đất nước cũng có thể bất ngờ xuất hiện một đợt dịch mới. Ai trong chúng ta, chỉ một chút sơ suất cũng có thể trở thành nạn nhân của COVID. Cuộc sống đầy bất trắc và khó lường. Nhưng có lẽ vì thế, chúng ta càng phải biết yêu hơn, trân trọng hơn những gì mình đang có. Dành nhiều thời gian hơn để yêu thương mọi người và chăm sóc bản thân mình. Hãy sắp xếp lại cuộc sống, mong cầu những điều giản dị và an lành.

Và nếu như dịp này cần phải nói một điều gì đó về cái chung thì tôi nghĩ: Dường như đã lâu lắm rồi, con người đã quên đi nhiều điều giản dị. Giờ là lúc phải nghĩ lại việc con người đã đối xử với thiên nhiên như thế nào? Phải có hành động để cải thiện môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nghĩa là phải kiến tạo lại cả một nền tảng mới cho sự tồn tại. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có một tương lai tốt đẹp. Và chỉ có như vậy, mới có thể không phải đối mặt với hoàn cảnh thảm sầu còn khủng khiếp hơn trên con đường đi về phía trước.

Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Yêu thương và sẻ chia, đó chính là văn hóa cội nguồn của dân tộc

Tết - “Mong một mùa bình thường” -0

Tôi vừa chụp bộ ảnh “Hà Nội những ngày cuối năm”, mặc dù đường phố được trang trí rực rỡ nhưng bên cạnh đó vẫn là một không khí trầm buồn. Không buồn sao được khi hàng ngày những bất an vẫn cận kề, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, chúng ta vẫn phải gồng mình lên. Mùa xuân đến, tôi tin nó sẽ mang theo những niềm hy vọng.

Tôi luôn hướng ống kính của mình đến những điều tích cực. Tôi vừa chụp bức ảnh bên cạnh ngôi nhà ở phố Hàng Buồm bị phong tỏa có một bác già vẫn cặm cụi ngồi làm việc, sửa khóa. Sắp tới, tôi sẽ làm bộ ảnh về Hà Nội, những tháng ngày không quên, để sau này nhìn lại sẽ hiểu hơn về Hà Nội.

Có một điều tôi nhận thấy, qua một năm biến động, tôi vẫn luôn cảm nhận được những ấm áp, yêu thương xung quanh chúng ta. Tôi lắng lại suy nghĩ về những việc mình đã làm và đang làm nhiều hơn, cảm thấy những gì mình cần đóng góp nhiều hơn. Tôi cố gắng làm những gì có thể để mang đến những điều tích cực cho xã hội, như một triển lãm online về trung thu, tôi gặp rất nhiều bạn nhỏ thích thú tìm hiểu về trung thu, mang lại niềm vui nho nhỏ cho các em. Tôi cũng dự định sẽ xuất bản một cuốn sách về trung thu. Tôi nghĩ, khi cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra.

Trong triển lãm ảnh Di sản Toàn quốc, tôi may mắn giành được giải Nhất, nếu không có thời gian hệ thống lại thì tác phẩm ảnh của tôi thiếu cô đọng. Có lẽ đây là khoảng lặng cần thiết cho tôi và cho mỗi người chúng ta. Nhìn lại lịch sử, đất nước chúng ta phải trải qua những thời khắc khó khăn hơn, nguy khốn hơn nhưng chúng ta đều vượt qua, trong khó khăn, chúng ta đã luôn đoàn kết, nghĩ ra nhiều phát kiến để chiến thắng giặc ngoại xâm, như 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Và bây giờ, khi đối diện với dịch bệnh, chúng ta luôn đoàn kết, chia sẻ và yêu thương đùm bọc nhau. Tôi đã chụp được những khoảnh khắc yêu thương như thế trong thời gian qua, những người đi phát cơm ở các khu cách ly. Có một câu chuyện rất cảm động về một chị ở phố Lê Duẩn, cứ chiều đến chị lại ra phát cơm cho những người cơ nhỡ ở công viên Thống Nhất, mọi người xếp hàng rất trật tự, đảm bảo khoảng cách, người già được phát trước. Chị làm hàng ngày như thế, rất cảm động.

Tết này tôi lại vác máy đi lang thang chụp ảnh, vẫn tiếp tục công việc của mình. Sau một năm nhiều biến động, lo lắng và mất mát, ai cũng cần những khoảng lặng bình yên bên gia đình và những người thân yêu, thảnh thơi uống một chén trà, gặp mặt người thân. Chúng ta hạnh phúc vì còn có nhau. Tôi tin chúng ta sẽ vượt qua mọi nguy khốn khi xung quanh chúng ta, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn với những yêu thương và sẻ chia. Đó chính là văn hóa cội nguồn của dân tộc.

Bảo Linh (ghi)
.
.