Tết độc lập ở các miền quê
Một mùa xuân mới lại đang về, người dân trên khắp mọi miền đang nô nức chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền. Việt Nam là đất nước có địa hình trải dài qua nhiều vùng miền, có 54 dân tộc anh em sinh sống mà mỗi vùng miền, dân tộc lại có nét đón Tết độc đáo, riêng biệt. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã tìm hiểu nét độc đáo trong ngày Tết ở một số miền quê để thấy rõ một nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc đang hiện hữu trên dải đất hình chữ S thân yêu.
Độc đáo lễ cúng xử cang
Chiều 30 Tết trong các gia đình người Mông ở Hà Giang sẽ chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho lễ cúng xử cang (theo tiếng Kinh là thần nhà). Xử cang được coi như thần hộ mệnh trong văn hóa tâm linh của người Mông. Xử cang mang tài lộc đến nhà, phù hộ sức khỏe cho gia đình, bảo vệ mùa màng và gia súc. Mỗi năm người Mông chỉ cúng xử cang một lần vào dịp Tết chính của họ. Bất cứ người Mông nào sau khi bố mẹ cho ra ở riêng đều phải có xử cang.
Cứ sau một năm trôi qua, họ lại thay áo mới cho xử cang một lần bằng cách cắt một mảnh giấy bản mới khác thay thế mảnh giấy đã cũ. Người chủ gia đình tự tay cắt những tờ giấy bản mới theo phong tục truyền thống và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong nghi lễ này, con gà trống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn kính của con người đối với các vị thần linh.
Mỗi lần thay áo mới và cầm con gà dâng lên xử cang, người đàn ông sẽ khấn rằng: “Thưa xử cang, năm cũ đã qua, năm mới đến, con là chủ hộ, con xin thay áo mới và dâng cho xử cang con gà trống to, có bộ lông đẹp nhất. Sang năm mới, xử cang phù hộ gia đình mạnh khỏe, ngô lúa đầy nhà, lợn gà đầy chuồng...”. Sau khi cắt tiết, những chiếc lông đẹp nhất ở cổ gà dính vào 3 góc tờ giấy bản dán trên bàn thờ. Tiếp đó, con gà được mang ra làm sạch để luộc. Sau khi gà chín sẽ đem nó đặt trước “xử cang” và cúng tiếp: “Thưa xử cang, con đã chỉ cho thần con gà trống to, giờ con nấu chín, xin mời thần dùng và mong thần phù hộ cho gia đình con luôn được mạnh khỏe... Sang năm, con sẽ tiếp tục dâng gà ...”.
Gà trống không chỉ là con vật quan trọng đối với người Mông trong các phong tục thờ cúng mà còn báo hiệu lành dữ, đoán định tương lai. Sau khi cúng xử cang, người Mông có tục xem chân gà và đùi gà. Chân gà tốt thì sau khi luộc xong phải có các ngón chụm đều vào nhau, các đường gân màu sắc đẹp mà không đỏ tía hoặc có màu xanh nổi lên. Bên cạnh xem chân gà người Mông còn xem đùi gà vào các dịp ăn hỏi cưới xin để xem lành dữ. Tục xem chân gà, đùi gà của người Mông là tín ngưỡng dân gian của tổ tiên người Mông từ nhiều đời trước. Nó thể hiện tầm quan trọng của con gà trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mông.
“Ăn Tết” nhiều hơn “vui Tết”
Đồng bào dân tộc Cơ Tu ở vùng cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… (tỉnh Quảng Nam) quan niệm “ăn Tết” nhiều hơn “vui Tết”, thế nên đặc trưng trong ẩm thực truyền thống là dấu ấn riêng biệt trong Tết của bà con nơi đây. Bất kể nhà khá giả hay nghèo khó thì ẩm thực truyền thống của đồng bào luôn là món ăn “chủ thể” để mời khách ngày Tết. Trong mâm cỗ ngày Tết của đồng bào luôn đủ đầy các món ẩm thực truyền thống độc đáo với rượu cần, rượu tà - vạt, rượu trđin…
Đến các bản làng của đồng bào Cơ Tu trong dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ được mềm môi bởi giọt nồng, giọt đắng của hương vị rượu cần, rượu tà - vạt, cùng các loại ẩm thực truyền thống mang nét riêng núi rừng. Đó là những món ngon luôn được đồng bào Cơ Tu ưa chuộng, như: Thịt xông khói, bánh sừng trâu, zră, thịt nướng ống,… đậm đà cùng vị tiêu rừng đầy hấp dẫn. Theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu, ngày Tết cũng là dịp để người dân và du khách cùng thưởng thức những món ngon truyền thống, qua đó cũng để vừa thể hiện tài năng chế biến ẩm thực, vừa tạo không gian vui xuân đa sắc màu, đa phong cách mang đậm tính truyền thống và hiện đại.
Tương ứng với điều kiện kinh tế mỗi gia đình, trên mâm đón khách có nhiều hay ít ẩm thực bày biện, thể hiện tấm lòng hiếu khách của gia chủ trong năm mới. Thường thì trước Tết một tháng, đồng bào tranh thủ việc gia đình để vào rừng kiếm tiền chuẩn bị cho Tết. Khi con thú, con nai không còn được săn bắt, ẩm thực truyền thống của đồng bào vùng cao thường được thay thế bằng thịt, cá. Tất cả đều được chế biến theo đúng truyền thống, hoặc là xông khói, hoặc là phơi khô, nướng ống…
Tùy theo mỗi vùng người Cơ Tu sinh sống, ngoài món ăn truyền thống thông thường, ngày Tết còn dọn món ẩm thực đặc trưng. Ví dụ, người Cơ Tu ở Nam Giang chuộng món zră (thịt thọc nhuyễn nướng trong ống), Cơ Tu ở Đông Giang ưa món zêệ pơrtâr (thịt nấu đông) hay người Cơ Tu ở Tây Giang thích món trum (thịt gói lá chuối)… Dẫu vậy ẩm thực vùng nào cũng đều mang đậm hương vị của núi rừng. Trong ngày Tết, người Cơ Tu thường dọn rất nhiều ẩm thực truyền thống, thể hiện tấm lòng hiếu khách, chào đón năm mới và là dịp để thể hiện khả năng chế biến, quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống với du khách.
Ngày lễ không được uống rượu
Đồng bào dân tộc Chơ Ro, Mạ, Stiêng, Kơ Ho, Chăm… ở Đồng Nai không có tục lệ ăn Tết như người Kinh ăn Tết Nguyên đán vào những ngày cố định. Trong một năm đồng bào có nhiều lễ hội và những lễ hội đó được coi như những ngày Tết. Người Chơ Ro, Mạ, Stiêng, Kơ Ho có nhiều lễ hội trong năm, như: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa, mừng nhà mới…
Trong lễ hội đâm trâu, một con trâu khỏe bị buộc vào cột, một thanh niên trai tráng cầm lao phóng vào thân trâu rồi dùng dao chặt dần 4 chân cho đến khi nó ngã khụy xuống. Họ xẻ thịt nó rồi nấu nướng cho những người dự lễ hội ăn rồi lại xé ra các mảnh nhỏ xiên vào các que tre chia cho các gia đình trong làng. Tuy nhiên vì tính dã man nên lễ hội đâm trâu dần bị tẩy chay còn các lễ hội mừng lúa (Yang Va), mừng nhà mới (Yang Vri) hằng năm vẫn được tổ chức. Ngoài những món ăn rất ngon như cơm lam, bánh dày, thịt rừng nướng…, người Chơ Ro mở đầu những bữa tiệc này bằng rượu cần.
Trái ngược với người Chơ Ro, người Chăm lại cấm uống rượu. Người Chăm có lễ hội Tolak Bala (cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi) rất đặc sắc. Lễ hội này diễn ra ở thánh đường, người Chăm mang thức ăn của nhà ra thánh đường ăn chung. Thức ăn chính của lễ này là cốm nổ, bánh, trái cây nhưng không được ăn thức ăn mặn (động vật). Lễ hội trong tháng 3 sinh nhật Mohamed là lễ hội lớn nhất trong năm. Lễ hội này cũng tổ chức ở thánh đường trong 2 ngày. Ngày thứ nhất đồng bào mặc trang phục đẹp đến thánh đường đọc kinh và thi đọc kinh Koran. Đến trưa thứ hai thì ăn liên hoan. Cả làng ăn chung ở thánh đường, thức ăn do mọi người mang đến, ai có gì mang nấy. Lễ này có thể ăn đủ mọi thứ thức ăn của người Chăm nhưng tuyệt nhiên không được uống rượu.
Trồng nêu đón Tết
Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ Thượng tiêu là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.
Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. Nhưng cũng có quan niệm, trang trí cây nêu thật đẹp, thật bắt mắt để đón tổ tiên về đúng nhà mình ăn Tết. Cách trang trí cây nêu là một cây tre dài 6m, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh.
Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết. Nhưng với hầu hết những người miền Trung, cây nêu hiện nay được xem là biểu tượng Tết về với mỗi nhà. Thế nên ai cũng mua những chùm bóng điện nháy đủ màu, thật rực rỡ để trang trí.Cây nêu, càng dựng cao càng lấp lánh, càng phát ra muôn nghìn tia sáng hồng tía rực rỡ muôn màu càng đẹp, càng duyên dáng lộng lẫy.