"Táo quân" và "cú tát lật mặt" khán giả
Cư xử như thế nào là quyền của nghệ sĩ và đối đãi với nghệ sĩ như thế nào cũng là quyền của công chúng. Những gì mà nghệ sĩ nhận được chính là vì họ xứng đáng nhận được, đừng bao giờ trách khán giả, bởi khán giả chính là thước đo đúng đắn phẩm chất, tài năng, sự cống hiến của nghệ sĩ đối với xã hội.
Cách hành xử của một nghệ sĩ hài tên tuổi được cư dân mạng mang ra bàn luận ngay trong những ngày đầu năm mới. Ngầm ví chương trình "Táo quân" là chiếc bánh chưng, người làm ra chiếc bánh chưng là người nghệ sĩ và tức là người mẹ, còn khán giả là những đứa con, Tết nào cũng trông đợi "bánh chưng" nhưng cứ ăn xong là chê người mẹ không biết gói, NSƯT Xuân Bắc đã khiến nhiều người phẫn nộ về thái độ thiếu chừng mực của mình cùng những lời lẽ kém duyên, nếu không nói là có phần xấc xược trong một bài viết trên trang Facebook cá nhân của mình. Nhiều người đánh giá, thái độ của Xuân Bắc là nông nổi, thiếu khôn ngoan và đòi "phong sát" nghệ sĩ này.
"Táo quân" - Ngày càng kém duyên
Thật hiếm có một chương trình nào được nhà đài ưu ái tới 20 năm qua như "Táo quân". Cũng thật hiếm có một chương trình nào được người dân đặt nhiều kỳ vọng như "Táo quân", vì công bằng mà nói, nhiều chương trình "Táo quân" đã nói lên được tiếng nói của người dân, đã phản ánh những bức xúc của dư luận xã hội, phản ánh được những góc khuất, những hạn chế, những thực trạng cần phải giải quyết, thậm chí dám động chạm tới cả những nhân vật, những vị trí nhạy cảm trong "thiên đình". Nhưng cũng giống như một món ăn, ăn mãi cũng nhàm, nhiều khán giả đã không còn chờ đợi chương trình "Táo quân" vào đêm 30 như hơn chục năm trước.
"Táo quân" đã bị chê nhạt và nhảm từ vài năm nay. Nhưng thay vì làm mới mình, ê kíp "Táo quân" dường như vẫn giữ nguyên bộ khung, giữ nguyên những gương mặt xuất hiện từ ngày đầu. Có câu, "thầy già, con hát trẻ", để nói rằng, trong nghệ thuật, cái mới, cái sáng tạo luôn luôn được đề cao, chú trọng. Khán giả luôn khao khát được xem những cái mới và một người nghệ sĩ đích thực với lòng tự trọng nghề nghiệp cũng như nếu thực sự tôn trọng khán giả thì nhất định phải biết làm mới mình.
Thế nhưng, ít ai nhận thấy điều mới mẻ trong những chương trình vài năm gần đây, đặc biệt là "Táo quân" 2023.
Vẫn là một "anh Hoàng" mệt mỏi, vẫn là Nam Tào - Bắc Đẩu với hai gương mặt cũ rích, vẫn là thiên lôi, vẫn là khỉ đầu chó, vẫn là những mảng miếng hài nhạc chế... Nhưng cái cách mà đạo diễn cũng như các nghệ sĩ thể hiện những bức xúc của xã hội trong chương trình thì thực sự kém duyên, thậm chí bất nhẫn. "Lòng xào dưa" là câu chuyện của một cá nhân bé nhỏ, nó xảy ra hằng ngày và hiện hữu khắp nơi, nó không đáng gì để mà phải đưa ra làm mảng miếng gây cười.
Vì sao tôi nói bất nhẫn, vì câu chuyện đã kết thúc đối với hai gia đình trong cuộc từ khá lâu rồi, thời gian đủ để họ trở lại cuộc sống bình thường, đủ để những người xung quanh quên đi, thì đúng vào cái thời khắc cả gia đình nhà người ta sum họp, thậm chí có thể là đại gia đình sum họp ăn tất niên và thưởng thức "Táo quân", thì câu chuyện ấy một lần nữa được đem ra chế giễu, mà lại chế giễu hẳn trên sóng đài truyền hình quốc gia, có khác nào một cú tát vào tất cả những người liên quan trong câu chuyện đó. Tôi cho rằng, đó là một sự kém duyên. Không những kém duyên mà còn sử dụng câu từ kém văn minh mà không tiện nhắc ra đây vì bản thân người viết khi nhắc đến cũng thấy ngượng.
Chưa hết, việc hai người đàn ông đánh giá cơ thể của phụ nữ bằng những từ "bưởi", "mướp", nó cũng tương tự như là một hành động thô tục. Văn hóa bình luận này có lẽ sẽ hợp lý hơn ở những tiểu phẩm hài mang tính chất hội chợ lô tô, hơn là một chương trình được chiếu vào khung giờ vàng vào thời khắc quan trọng nhất trong năm đón chờ năm mới.
Nhiều khán giả cho biết, chương trình "Táo quân" năm nay, họ không đủ kiên nhẫn để xem hết 30 phút, có người chuyển kênh ngay lập tức khi chi tiết "lòng xào dưa" được tái hiện. Và tựu trung lại thì cả chương trình đều già nua cũ kỹ đến từ những gương mặt diễn viên, từ các miếng hài quen thuộc từ năm này vắt sang năm sau. Thế nhưng, khi bày tỏ quan điểm của mình cho rằng "Táo quân" ngày càng nhạt, nên kết thúc được rồi, thì lập tức, dư luận vấp phải "cú tát lật mặt" từ nhân vật chính là Nam Tào - tức nghệ sĩ Xuân Bắc.
"Cú tát lật mặt" khán giả
Trong một bài viết "Cát tát của mẹ" trên trang cá nhân của mình, ngay thềm năm mới, khi chương trình "Táo quân" vừa kết thúc, Xuân Bắc đã mượn câu chuyện ngụ ngôn hàm ý rằng: Đứa con năm nào cũng mong chờ người mẹ gói bánh chưng cho ăn, nhưng cứ ăn xong là chê mà không biết mẹ mình đã vất vả như thế nào để làm ra được một chiếc bánh chưng, từ khâu chọn nếp, chọn thịt, chẻ lạt, rửa lá dong... Trẻ con đọc cũng có thể hiểu rằng, Xuân Bắc ví von chương trình "Táo quân" như chiếc bánh chưng cổ truyền hằng năm mọi người dân đều mong đợi, nhưng khán giả (đứa con) cứ ăn xong là chê mẹ (tức nghệ sĩ), lập tức bị người mẹ (nghệ sĩ) tát cho lật mặt "đầu quay như đĩa hát".
Đây là một thái độ theo nhiều người đánh giá là ngạo mạn, không đúng với ứng xử của một Giám đốc nhà hát cũng như một nghệ sĩ đang được làm hồ sơ xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Chưa hết, nghệ sĩ này còn có những lời nói "xóc óc" khiến dư luận dậy sóng. Ý rằng người mẹ mắng đứa con, không muốn ăn bánh chưng thì có thể ăn các loại bánh khác, thậm chí "ăn bánh phu thê cho nó hợp phong thủy"... Còn nhiều lời lẽ không đúng mực dành cho khán giả mà không ai nghĩ rằng được thốt ra từ một Nghệ sĩ Ưu tú, một nghệ sĩ đã có tên tuổi nhờ khán giả, trong đó có một sự "răn đe" mà tôi nghĩ sau này sẽ đi vào "kinh điển scandal" của Xuân Bắc: "Tát cho một phát đầu quay như đĩa hát".
Cơ bản là Xuân Bắc đã nhầm vai. Nghệ sĩ này cho rằng, "Người mẹ" là nghệ sĩ và khán giả là "con", trong khi đó khán giả mới chính là "người mẹ". Hằng năm, nghệ sĩ là những "đứa con" dâng "bánh chưng" cho ăn, và nếu bánh chưng ngon thì được khen và bánh chưng dở thì bị chê là điều hết sức bình thường. Chỉ thấy ngạc nhiên một điều, Xuân Bắc là nghệ sĩ lâu năm đứng trên sân khấu, bản lĩnh nghề nghiệp cũng như bản lĩnh đối diện trước dư luận lẽ ra phải dày dạn, không những thế lại đảm trách nhiệm vụ quản lý một đơn vị nghệ thuật lớn, mà lại có lối hành xử nông nổi và thiếu tính chuyên nghiệp như lớp vậy, thật sự đáng tiếc.
Mối quan hệ giữa công chúng và nghệ sĩ là mối quan hệ win - win. Người cung cấp sản phẩm, người hưởng thụ sản phẩm và phải trả tiền. Người dân xem nghệ sĩ biểu diễn tại sân khấu trực tiếp cũng như trên các nền tảng mạng xã hội đều không miễn phí. Hiểu thấu đáo điều này thì các nghệ sĩ mới xác định chính xác vị trí của mình, trách nhiệm xã hội của mình, chứ không phải là "nhập vai Nam Tào lâu quá" rồi cũng nghĩ mình là Nam Tào ngoài đời thật để từ đó có những suy nghĩ và thái độ hành xử phản cảm như Xuân Bắc. Điều này thật sự đáng chê trách.
Không ai khắt khe hơn khán giả, nhưng cũng không ai bao dung hơn khán giả. Phẫn nộ là thế nhưng dư luận cũng đã từng tha thứ cho rất nhiều những nghệ sĩ từng mắc sai lầm, miễn là họ có thái độ cầu thị, biết "quay đầu là bờ". Bởi thế, dư luận cũng đã dịu lại khi Cục Nghệ thuật biểu diễn có động thái kịp thời chấn chỉnh và Xuân Bắc cũng đã lên báo thanh minh, "xin lỗi khán giả vì đã gây hiểu nhầm". Tất nhiên chỉ là "xin lỗi vì đã gây hiểu nhầm", chứ không phải là xin lỗi vì đã mượn câu chuyện bánh chưng để mắng khán giả, theo cách nói như của giới trẻ nói hiện nay thì là "mình xin lỗi được chưa?".
Cư xử như thế nào là quyền của nghệ sĩ và đối đãi với nghệ sĩ như thế nào cũng là quyền của công chúng. Những gì mà nghệ sĩ nhận được chính là vì họ xứng đáng nhận được, đừng bao giờ trách khán giả, bởi khán giả chính là thước đo đúng đắn phẩm chất, tài năng, sự cống hiến của nghệ sĩ đối với xã hội.
Dù sao thì tôi cũng như nhiều khán giả kỳ vọng ở Xuân Bắc nhiều hơn thế, để xứng đáng với việc nghệ sĩ này được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.