Tân Việt Book ra mắt bộ sách tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam
Nhằm tri ân những người thầy đã tận tụy cống hiến, gieo mầm tri thức cho các thế hệ học sinh, Tân Việt Books thực hiện bộ sách viết về nhà giáo gồm hai cuốn: “Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ” và “Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller”.
Cuốn sách “Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ” là câu chuyện về người thầy nhập cư gốc Bolivia - Jaime Escalante. Sau 10 năm cố gắng làm nhiều nghề khác nhau trên đất Mỹ, thầy Jaime Escalante đã về giảng dạy tại một ngôi trường đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép ở Los Angeles bởi học sinh ở đây rất quậy phá, chuyên lập băng đảng, băng nhóm và chống đối việc học khiến nhiều thầy cô cảm thấy bất lực và phải chuyển trường. Nhưng bằng những phương pháp giảng dạy rất đặc biệt của mình, thầy Jaime đã kéo những học sinh cá biệt ra khỏi hố sâu của tội lỗi và đưa hơn 400 học sinh vào các trường đại học danh giá hàng đầu thế giới như Harvard, MIT, Stanford...
Câu chuyện này đã được Hollywood dựng thành phim Stand and Deliver (Đừng bao giờ nghĩ học trò mình ngu dốt) gây tiếng vang toàn cầu. Hình ảnh của ông còn xuất hiện trên tem của Mỹ. Ông đã được Tổng thống Ronald Reagan trao tặng trao “Giải thưởng Jefferson” và “Giải thưởng giáo dục xuất sắc”.
Ông còn được Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ Wulliam J. Bennett nhận xét là “người anh hùng thực sự của nước Mỹ”, “tấm gương sáng của nền giáo dục Hoa Kỳ”. Những cống hiến cho giáo dục còn được thể hiện qua câu chuyện của cô trò Anne Sullivan - Helen Keller trong cuốn sách “Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller”.
Dù đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện vẫn trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt và động lực vươn lên cho những người khuyết tật. Helen Keller được hậu thế nghiêng mình khi là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật. Nhưng ít ai biết được rằng, phía sau thành công ấy là sự hi sinh lặng thầm của cô giáo Anne Sullivan, người đã vực Helen đứng dậy từ sâu trong màn đêm đen tối.
Anne Sullivan và Helen Keller vốn là hai người xa lạ, nhưng lại giống nhau ở số phận bi thương. Nếu cô học trò Helen Keller bị mù và điếc từ nhỏ bị sốt cao do viêm màng não, khi đó, cô bé chưa hề có nhận thức về thế giới và ngôn ngữ; thì Anne Sullivan cũng đáng thương vì là người khuyết tật có cuộc sống éo le, lại thêm người thân mất hết trong trại tế bần. Nhưng Anne đã may mắn thoát khỏi trại, trải qua đợt điều trị ở trung tâm và được chữa lành. Có lẽ cũng vì thế, bà đồng cảm, thấu hiểu và thương mến Helen hơn.
Những tưởng cuộc đời đã đóng đinh vào số phận của cô gái nhỏ bé Helen sự tối tăm và cô độc khi cô bị mù và điếc. Thế nhưng, tất cả đã thay đổi từ năm lên 6 tuổi, Helen Keller gặp được Anne Sullivan. Chỉ sau khoảng 1 tháng, bằng những kĩ năng sư phạm tích góp được và hơn hết là sự đồng cảm, tình yêu thương chân thành của mình, phép màu đã xảy ra. Cô giáo trẻ Anne Sullivan đã cảm hóa được tính cách ngang ngược và khai mở tâm trí cho cô học trò Helen Keller những ý niệm về thế giới, giúp cô hiểu được ngôn ngữ mô tả.
Trong suốt 50 năm sau đó, cô giáo Anne gần như không rời xa Helen, luôn đồng hành cùng học trò của mình, lặng thầm trong từng bước tiến để cô trở thành một giảng viên, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng toàn cầu.