Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ V:

Sức hút của một đề tài

Thứ Năm, 06/04/2023, 13:00

Hơn hai mươi năm qua, cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đã trở thành một giải thưởng có bề dày và uy tín, lan tỏa rộng rãi trong đời sống văn học nước nhà. Sau 4 mùa giải thành công, lần này, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc thi và khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ V, giai đoạn 2022-2025 (từ ngày 7 - 20/4).

Sân chơi của các nhà văn trong và ngoài lực lượng

Có thể nói, sau 4 mùa tổ chức, cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đã trở thành một sân chơi lớn của các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an. Đặc biệt, cuộc thi thu hút được lực lượng nhà văn tham gia đông đảo và chất lượng, từ các nhà văn gạo cội đã thành danh như nhà văn Hữu Mai, Hồ Phương, Ma Văn Kháng, Văn Phan, Ngôn Vĩnh… đến thế hệ nhà văn trẻ đã định hình được vị thế của mình như Bùi Anh Tấn, Nguyễn Đình Tú, Di Li…

1 cuộc thi nhận được sự hướng ứng của đông đảo các nhà văn.jpg -0
Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các nhà văn.

Ngoài ra, cuộc thi này cũng đã thu hút, bồi dưỡng, định hướng được những cây viết trẻ như, Trần Đức Tĩnh, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học, Chu Thanh Hương, Tống Phước Bảo… những nhân tố sau đó trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc thi cũng phát hiện ra một số tác giả trẻ tài năng khác như Đức Anh, Phan Đức Lộc, Bùi Tuấn Minh…

Thực tế cho thấy đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đã và đang là đề tài hấp dẫn, được nhiều cây bút quan tâm, khai thác và cũng được nhiều người đọc yêu thích, đón nhận. Các chuyên án, vụ án nổi tiếng, kinh điển của lực lượng CAND trong suốt chặng đường gần 80 năm qua đã được các nhà văn khai thác, sáng tạo thành tác phẩm văn học có giá trị. Những tác phẩm ấy không chỉ để lại dấu ấn đậm nét đối với dòng văn học CAND, mà còn trở thành chất liệu giúp các nhà biên kịch, nhà làm phim sáng tạo những tác phẩm điện ảnh có giá trị.

Nhiều bộ phim truyền hình, điện ảnh được chuyển thể từ các tác phẩm văn học đã mang hình ảnh, cuộc sống người cán bộ, chiến sĩ CAND đến gần hơn với đông đảo quần chúng nhân dân: "Một thế giới không có đàn bà" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Anh Tấn), "Sát thủ online" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy), "Hương ga" (dựa theo tiểu thuyết "Phiên bản" của nhà văn Nguyễn Đình Tú), "Chạy án" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Như Phong), "Những cánh hoa bay" (dựa trên tiểu thuyết "Hoa bay" của nhà văn Chu Thanh Hương), "Bão ngầm" (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đào Trung Hiếu)…

Bên cạnh đó, giá trị của cuộc thi đã góp phần không nhỏ định vị dòng văn học CAND trong dòng chảy văn học nước nhà.

Khai mở những vùng đất mới

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND, Bộ Công an tiếp tục đồng hành với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ V, phản ánh hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nam và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND, trong đó thể hiện đậm nét công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND, nhất là đấu tranh với các loại tội phạm mới, tội phạm phi truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Đây là cuộc thi sáng tác văn học nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn, những người cầm bút trong và ngoài lực lượng CAND viết về hình tượng người chiến sĩ Công an đẹp trong lòng dân, về gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

2 nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình, góp phần lan tỏa vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cand.jpg -0
Nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình.

Trong cuộc thi sáng tác văn học lần này, Bộ Công an sẽ nghiên cứu và tạo điều kiện để các nhà văn, tác giả có thể thuận tiện tiếp cận hồ sơ vụ án đã giải mật, những nhân vật trực tiếp tham gia các chuyên án, những mảnh đời, chuyện nghề… làm chất liệu trong các sáng tác; với mong muốn các tác phẩm tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, giúp người dân hiểu Công an hơn, yêu Công an hơn. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi chú trọng mở rộng đề tài về các vấn đề an ninh phi truyền thống: mối đe dọa về khủng bố, dân tộc, tôn giáo cực đoan, suy thoái môi trường, thiên tai, địch họa, mối đe dọa về dịch bệnh, thất nghiệp, đói nghèo…

Nhà xuất bản CAND sẽ là cầu nối để các tác giả có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận và khai thác các hồ sơ giải mật, giúp các nhà văn có cái nhìn chân thực, chất liệu phong phú, hiểu sự gian nan, sự hy sinh, lòng dũng cảm, mưu trí của lực lượng Công an trong quá trình khám phá ra các vụ án. Và đây đúng là một miền đất mới đầy hứa hẹn, vô cùng hấp dẫn đối với các nhà văn, nhà biên kịch… trong và ngoài lực lượng.

Thu hút lực lượng sáng tác trẻ

Cuộc thi mới chỉ bắt đầu nhưng đã thu hút sự tham gia của nhiêu cây bút, trong đó có nhiều cây bút trẻ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".

Lần đầu tiên tham dự cuộc thi tiểu thuyết, truyện ngắn và ký về đề tài này, nhà văn Lê Văn Ngọc ở Công an tỉnh Tuyên Quang, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã có đề cương cho cuốn tiểu thuyết của mình mang tên "Lửa hồi sinh". Anh chia sẻ, anh viết về những góc khuất trong cuộc sống chiến đấu của những chiến sĩ PCCC và CNCH như một cách để tri ân đồng đội của mình. Đó là những điều bình dị hàng ngày như việc huấn luyện nghiệp vụ thường xuyên dưới mọi điều kiện thời tiết, quá trình làm nhiệm vụ dù đêm hay ngày, những khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ khi đối diện với ngọn lửa hung dữ để cứu người. Tất cả những điều đó đều được khắc họa qua từng số phận nhân vật cụ thể, sinh động.

Tác giả trẻ Kiều Duy Khánh cũng lần đầu tham gia cuộc thi. Anh dấn thân vào một đề tài khốc liệt khác, đó là cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở vùng biên giới giáp Lào của các chiến sĩ CAND. "Mắt khói" đã có đề cương, kể về một Thượng úy Công an được điều về làm Trưởng Công an xã Phiêng Luông. Việc bố trí điều động Hải cùng 3 đồng chí Công an huyện giỏi đánh án ma túy về các xã đang nổi cộm về tệ nạn nghiện hút và buôn bán ma túy nằm trong kế hoạch của chuyên án ZA173. 4 xã như 4 gọng vó chặt đứt dần những đường dây vận chuyển ma túy của tên trùm Tấn thọt. "Mắt khói" không chỉ là cuộc chiến khốc liệt trên trận địa ma túy mà còn là câu chuyện đời thường với tình yêu và những mối quan hệ giằng níu của họ. Đó là một bức tranh đời thường của những người chiến sĩ CAND.

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh hiện công tác tại Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng. Chị đã xuất bản 13 tác phẩm thơ, trường ca, truyện ngắn và bút ký và 1 tập thơ tại Canada. Nhà văn Phạm Vân Anh cũng đã giành được hơn 20 giải thưởng báo chí, văn học, âm nhạc và điện ảnh cấp toàn quốc. Lần này chị gửi đề cương tiểu thuyết "Dưới tán rừng Ja Boóc" kể về những cống hiến của một tiểu đội CAND vũ trang năm 1977 được sự chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh CAND vũ trang đã giúp đỡ, cưu mang gần 10.000 người dân Campuchia chạy trốn khỏi sự truy đuổi, lùng giết của Khmer Đỏ. Trong suốt 7 năm, từ năm 1977 đến 1985, họ đã giúp đỡ bà con lập nên 12 ngôi làng bên dòng sông Sa Thầy, dưới tán rừng Ja Boóc. Dựa vào đại ngàn, dựa vào ân tình và sự giúp đỡ của chính quyền, Công an vũ trang và nhân dân Việt Nam để xây dựng cuộc sống mới, huấn luyện kỹ chiến thuật cho đàn ông thành lập lại lực lượng chiến đấu, quay trở về giải phóng quê hương.

Tác phẩm dự thi thuộc thể loại tiểu thuyết, truyện ký và ký; là tác phẩm chưa xuất bản hoặc chưa in trọn vẹn trên các báo, tạp chí. Bản thảo dự thi được đánh máy rõ ràng, một mặt trên khổ giấy A4 hoặc được gửi đến Ban tổ chức dưới dạng file mềm. Dung lượng tối thiểu từ 50.000 từ (80 trang A4). Mỗi tác giả có thể gửi một hoặc nhiều tác phẩm dự thi và có thể gửi một hoặc nhiều lần. Ban tổ chức bắt đầu nhận bản thảo dự thi sau lễ phát động (1/12/2022) và kết thúc ngày 15/4/2025 (theo dấu bưu điện hoặc thời gian gửi email).

Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 8/2025. Địa chỉ nhận tác phẩm: Nhà xuất bản CAND, số 100 Yết Kiêu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (Email: xuatbancongan@gmail.com). Cuộc thi sẽ trao 3 giải A cho thể loại tiểu thuyết, 2 giải A cho truyện và ký, 4 giải B cho tiểu thuyết và 3 giải B cho truyện và ký...

V.Hà
.
.