Sự trỗi dậy của phim hoạt hình Việt

Thứ Bảy, 18/11/2023, 17:51

Nhắc đến phim hoạt hình, khán giả chỉ nhớ ngay các siêu phẩm đình đám của Mỹ, Nhật Bản, Pháp… Phim hoạt hình Việt vẫn là cái bóng mờ nhạt chứ đừng nói tới phim hoạt hình Việt chiếu rạp hoặc xuất khẩu. Nhưng nay, định kiến đó đang dần thay đổi khi “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” khuynh đảo màn ảnh rộng, khi chú sói Wolfoo được chào đón khắp năm châu.

Ra rạp vào giữa tháng 10, “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” trở thành bộ phim hoạt hình thuần Việt đầu tiên được phát hành thương mại. Chỉ sau ba ngày công chiếu, bộ phim đã leo lên top 3 cái tên ăn khách, sau “Đất rừng phương Nam” và phim Mỹ “Quỷ ám: Tín đồ”. Tính đến ngày 11/11 (gần một tháng phát hành), “đứa con” của nhà sản xuất Sconnect đã gần chạm mốc 5 tỷ đồng - doanh thu ngang ngửa các siêu phẩm hoạt hình của Hàn Quốc phát hành tại thị trường nước ta.

Bộ phim dài 100 phút kể về hành trình khám phá của chú sói Wolfoo 8 tuổi và cô em Lucy 6 tuổi. Một ngày, hai anh em bị hút vào một chiếc dây chuyền và đến với Linh Giới - một thế giới vô cùng kỳ diệu. Trong hành trình tìm em gái, Wolfoo đã vô tình bị cuốn vào cuộc đấu tranh khốc liệt chống lại binh đoàn quỷ dữ trên hòn đảo kỳ bí.

Dù cốt truyện tương đối đơn giản nhưng bộ phim chinh phục được khán giả nhí bởi những tình tiết mạch lạc, thú vị xen lẫn pha hài hước hóm hỉnh. Bài học về lòng dũng cảm, sự đoàn kết, yêu thương nhau được truyền tải nhẹ nhàng, gần gũi khiến các phụ huynh hài lòng khi dẫn con đi xem.

1 wolfoo.jpg -0
"Wolfoo và hòn đảo kỳ bí" đạt doanh thu khả quan ở rạp chiếu.

Đạo diễn Phan Thị Thơ cho biết bản phim chiếu rạp “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” là bước đi kế tiếp sau lộ trình dài với loạt dấu ấn của đội ngũ Sconnect. Ngay từ ban đầu, lộ trình của dự án này hoàn toàn khác với cách thực hiện và phát hành những sản phẩm hoạt hình truyền thống. Ra đời năm 2018, chú sói Wolfoo xuất hiện lần đầu trên nền tảng YouTube với phiên bản hoạt hình ngắn (khoảng 3 phút mỗi tập). Bộ phim có nội dung kết hợp giữa giải trí và giáo dục, dành cho trẻ nhỏ từ 3 đến 8 tuổi, xoay quanh cuộc sống thường nhật của chú sói Wolfoo tinh nghịch. Thông qua các câu chuyện hài hước, sáng tạo, mỗi tập phim gửi gắm những bài học theo 12 tiêu chuẩn giáo dục quốc tế.

Sau nhiều năm miệt mài sáng tạo, ekip đã đưa series này vươn ra biển lớn với hàng loạt kỳ tích. Kênh của chú sói xám thu hút hơn 100 triệu khán giả, bình quân hơn 3 tỉ lượt xem mỗi tháng trên các nền tảng ở nhiều quốc gia. Đến nay, phim hoạt hình Wolfoo đã lên tới 3.700 tập, dịch ra 20 ngôn ngữ và đang được phát tại các nền tảng mạng xã hội, truyền hình tại nhiều quốc gia. Trong đó, những khán giả hâm mộ nhiệt thành và đông đảo nhất là ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ.

Sự thành công của Wolfoo làm nên một hệ sinh thái quy mô như khu vui chơi Wolfoo City, ứng dụng trò chơi Wolfoo Games cùng sản phẩm đồ chơi, sách, âm nhạc, show truyền hình thực tế… Tính đến thời điểm này, Wolfoo là nhân vật hoạt hình Việt duy nhất gây tiếng vang khắp toàn cầu.

Thành công vang dội của chú sói Wolfoo khiến Sconnect thêm tự tin đẩy nhanh tiến độ các dự án khác. “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là dự án phim hoạt hình 3D dài đến 450 tập. Đường đi nước bước của dự án này không khác mấy so với series sói xám Wolfoo. Đầu tiên họ sẽ tung phim ngắn trên mạng xã hội để đánh giá mức độ hưởng ứng và đón nhận ý kiến đóng góp của khán giả. Nếu mọi thứ khả quan, họ sẽ sản xuất phim dài hơn, đưa tác phẩm lên truyền hình trả phí, ra rạp, gầy dựng hệ sinh thái đồng hành…

Lịch sử phim hoạt hình Việt Nam đã có tuổi đời trên 60 năm. Dù thể loại này xuất hiện khá sớm ở nước ta với các bộ phim như “Xe đạp”, “Mèo con”, “Chuyện ông Gióng”… nhưng nó nhanh chóng tụt hậu và lép vế hoàn toàn so với thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim ngắn… Về sau, các bộ phim như “Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng”, “Tít và Mít” hoặc thử nghiệm tạo hình 3D như “Dưới bóng cây”, “Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt”… gây chú ý nhưng do xuất hiện với tần suất mỏng, không đi được dài hơi khiến mong ước vực dậy nền hoạt hình nội địa rơi vào bế tắc.

Khán giả nhí không mấy ưa thích phim hoạt hình Việt vì tạo hình nhân vật khá sơ sài, cách làm phim kiểu cũ với công nghệ lạc hậu, phim nào cũng na ná nhau mà không để lại dấu ấn riêng. Đa phần phim đều có nội dung giáo lý nặng nề chứ không hồn nhiên, hóm hỉnh, phù hợp với tâm lý trẻ em. Do vậy, không khó hiểu khi thống trị phòng vé vẫn là “Bí kíp luyện rồng”, “Truy tìm Nemo”, “Frozen”, “Pokemon”, “Coco”, “Up”… Không ngoa khi nói rằng: miếng bánh béo bở ấy đều dâng cho các ông lớn ngoại quốc!

Thật ra năm 2018, phim hoạt hình “made in Việt Nam” đã rục rịch thử nghiệm trên màn ảnh rộng. Tuy không phát hành thương mại, nhưng series 3 tập “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh đã đặt những viên gạch đầu tiên để phim hoạt hình “made in Việt Nam” mạnh dạn chinh phục màn ảnh rộng. Ngay sau phát súng mở màn này, đời sống của phim hoạt hình Việt khá rộn ràng với hàng loạt tác phẩm đậm bản sắc Việt gây chú ý.

Nhóm DeeDee có series 7 tập về các nữ tướng dưới trướng Hai Bà Trưng, phim “Đại Vương: Xin hãy tiết chế” (khai thác về cuộc đời Trần Hưng Đạo), “Yêu Kiều” (lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du)... Nhóm Đuốc Mồi nổi bật với dự án "Việt sử kiêu hùng" - dự án phim dã sử theo phong cách diễn họa "animation". Đến nay, nhóm đã cho ra mắt hàng chục tập phim diễn họa lịch sử ấn tượng như: “Tử chiến thành Đa Bang”, “Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang”, “Huyết mạch Trần gia”…

Qua lăng kính của người trẻ, các nhân vật hiện lên theo tạo hình mỹ thuật hiện đại. Họ nhanh chóng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ xảo, đồ họa, âm thanh, chuyển động... để tạo nên sự sinh động, cuốn hút cho các nhân vật. Tuy vậy, các sản phẩm trên vẫn chỉ là thước phim ngắn phổ biến trên mạng xã hội.

2 trang quynh.jpg -1
 Hình ảnh trong phim "Trạng Quỳnh thời nhí nhố".

Từng có nhiều đơn vị ôm tham vọng đưa hoạt hình thuần Việt ra rạp như dự án phim “Hành trình nhân quả”, “Tôi là Bê -tô”, “Dưới bóng cây: Hành trình trở về”… Tuy hẹn ngày công chiếu nhưng đến nay, các dự án này đều bặt vô âm tín. Bắt tay làm phim chiếu rạp, đạo diễn Phan Thị Thơ phải thừa nhận: “Việc đưa hoạt hình ra rạp vô cùng khó, vì tiêu chuẩn cao và khắt khe hơn so với làm phim cho các nền tảng giải trí nhanh. Bên cạnh đó, việc phải “so găng” với các “bom tấn” hoạt hình nước ngoài khiến nhà sản xuất e dè về khả năng thu hồi vốn”.

Theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Huệ, Giám đốc Trung tâm CG Trainning - nơi chuyên đào tạo họa sĩ thiết kế, tạo hình nhân vật phim hoạt hình và nội dung game tại TP Hồ Chí Minh, sở dĩ phim hoạt hình trong nước vẫn lẹt đẹt theo sau các thể loại khác là bởi thiếu kịch bản, thiếu nhân lực, nguồn kinh phí lại ngất ngưởng trong khi công nghệ cũ kỹ lạc hậu. Cùng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn, Trưởng nhóm Đuốc Mồi cho hay: “Nhóm tôi chỉ làm với hình thức diễn họa chiếu YouTube phục vụ miễn phí cho khán giả nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc huống hồ là phim phát hành thương mại ở phòng vé”.

Giới làm nghề kỳ vọng sự thành công ngoạn mục của “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” sẽ là cột mốc để phim hoạt hình Việt bùng nổ thời gian tới, trước mắt là chinh phục công chúng ở rạp, xa hơn là vươn tầm quốc tế. Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng đây là mảnh đất hứa bắt đầu hấp dẫn người tài khi công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, xóa nhòa mọi khoảng cách.

Hiện nay, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, số lượng công ty trong và ngoài nước tập trung vào mảng phim hoạt hình và nội dung game chỉ khoảng hơn 100 nhưng số lượng không ngừng tăng trưởng. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết những bộ phim hoạt hình nổi tiếng như “Igor” (Hãng Sparx Animation Studio - Pháp), “Mickey Twice Upon A Christmas” (Walt Disney - Mỹ) hay “Madagascar”, “Ice Age”, “Brave”… đều có đóng góp quan trọng của những nghệ sĩ hoạt hình, chuyên gia diễn hoạt đến từ Việt Nam.

Rõ ràng tài năng của giới làm hoạt hình Việt Nam không hề thua kém thế giới, điều quan trọng là làm sao lôi kéo họ trở về làm hoạt hình nội địa. Do vậy theo giới chuyên môn, để tháo gỡ khó khăn và giúp phim hoạt hình Việt làm nên chuyện, ngoài sự nỗ lực của các đơn vị sản xuất cần có sự chung sức của cộng đồng, đơn vị tư nhân và nhà nước.

Mai Quỳnh Nga
.
.