Sự hồi luân của sen

Thứ Sáu, 08/07/2022, 19:15

Từng là Tổng biên tập một tờ báo, đã đạt những giải thưởng này nọ, và cũng đã cận kề tử sinh… Gạt sang một bên hết thảy những hư danh, bỏ qua những phù hoa công chức, để ngoài những thịnh suy thời cuộc, anh vui vầy với thi ca, một niềm vui trong veo và bất tận. Anh đã mắc vào thơ như một tơ duyên. Thơ đã giăng vào anh như một hồng ấn. Anh đã phả vào thơ một mật hương. Thơ đã triện vào anh một danh phận.

Thế là anh đã đi gần hết vòng lục thập hoa giáp của đời người. Sinh năm Nhâm Dần 1962, những năm tháng anh đã trải qua có đủ những vinh hoa của danh phận, những nấc thang của quan trường, những trầm thăng của đời sống và cả những phiêu luân của thi ca. Bước vào cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, khi đã phải trải qua cơn bạo bệnh, anh vẫn còn giữ  nguyên cái khí văn quân tử của mình.

Từng là Tổng biên tập một tờ báo, đã đạt những giải thưởng này nọ, và cũng đã cận kề tử sinh… Gạt sang một bên hết thảy những hư danh, bỏ qua những phù hoa công chức, để ngoài những thịnh suy thời cuộc, anh vui vầy với thi ca, một niềm vui trong veo và bất tận. Anh đã mắc vào thơ như một tơ duyên. Thơ đã giăng vào anh như một hồng ấn. Anh đã phả vào thơ một mật hương. Thơ đã triện vào anh một danh phận.

Ngắm một vẻ đẹp, nghe một mật thi

Những gì còn sót lại của một đời thơ, gói ghém lại trong tập thơ này ư? Những gì là dư phiêu của cuộc tình với nàng thơ, ấp iu lại hết trong tập Sen này chứ? Hay là chút gì đó còn âm ba của những con chữ, anh ủ lại trong “Chút sen còn lại” này? Tôi đã đồ rằng như thế khi hay tin anh chuẩn bị cho ra mắt tập thơ hồi tháng 10 năm ngoái 2021. Tôi cũng ngỡ rằng sau tập thơ ấy anh sẽ đốt lên thành lửa những câu thơ và quăng bút lên trời trong một cuộc chia ly với thi ca mà không hề luyến tiếc. Nhưng không. Và cho đến khi được anh ký tặng tập thơ màu cánh sen ấy, tôi thẩm…

nhà thơ hòng thanh quang tuổi 60.jpg -0
Nhà thơ Hồng Thanh Quang tuổi 60.

Thơ, với Hồng Thanh Quang là thái độ sống mà anh lựa chọn. Sen, với Hồng Thanh Quang là phẩm hạnh sống mà anh gìn giữ, cho dù hiện thực xung quanh có suy đồi, là phẩm tính sống mà anh nâng niu dẫu đời nhiều dâu bể trầm luân, là phẩm giá trong cuộc tồn sinh luôn được anh trân trọng. Anh nâng niu sen, trân quý và tôn vinh bằng những con chữ thật thà và miên luân của mình: “Dẫu cuộc đời đã khiến em chua chát/ Giữa bùn lầy vẫn ngàn ngạt mùi sen”.

Tập thơ “Chút sen còn lại” với 63 bài, là 63 bông sen được cắm trong chiếc bình tình yêu. Thơ tình đó không phải là cuộc tình mà anh đã trải nghiệm rồi thuật lại. Đó dường như là những cuộc tình trong suy nghiệm. Có những phút xao lòng trước một người con gái nào đó đọng vào trang thơ, có những giây xao xuyến trong tim anh bật hứng nảy ra thành ý thơ, có những thời khắc kích hoạt thi hứng khởi lên từ ánh mắt thoáng qua nhau, từ nụ cười thoảng qua nhau. Có khi chỉ là gót sen nhẹ bước trên con đường, có khi chỉ là làn môi hồng… cũng làm anh rung lên nhịp yêu thổn thức.

Tôi nghe nắng tắt trong bình hoa sen
Bừng lên sắc cuối rồi thinh lặng tàn

Tôi đã xúc cảm về sen khóc, sen tàn... khi thưởng tranh sen của một họa sĩ. Một bông sen tàn, nhị rữa nhưng không có cái cảm giác của tử biệt từ những cánh hoa rụng rơi mà ta lại cảm rõ sự hồi luân. Sen khóc mà không thấy nỗi buồn trần ai mà ta lại thấy sự lộng lẫy của những giọt lệ sen, tràn đầy hỷ lạc. Đó là mật sen. Bởi sen không chỉ là sen mà trong sen đó có mật pháp. Là sen đấy mà không thấy sen đâu. Đôi khi không có hình tướng sen nhưng lại rất sen. Mật sen ấy đã đánh thức những cảm xúc của con người với thiên nhiên, với kiếp nhân sinh...

Còn sen của Hồng Thanh Quang là dư sen, những bông sen còn sót lại của mùa, những cánh hoa còn sót lại của sen cũng đủ để đánh thức trong anh những rung cảm về một miền yêu. Sen cuối ngày hay sen lạc mùa của chàng thi sĩ đương cạn thời trai. Anh có ủ sen vào trong từng con chữ của mình để xuất bút những vần thơ ngạt ngào hương sen? Sen của anh không phải của mùa hạ mà là sen đã ngả vào thu: “Đôi mắt sẽ mở như lần thứ nhất/ Sen Tây Hồ nở giữa vàng thu”. Thu trong Hồng Thanh Quang đã thành tuyệt cảm từ thuở “Khúc mùa thu” với “người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”.

Sen trong anh giờ mới bật nở khi đang tuổi xế chiều: “Những cánh sen lạc mùa lại trắng/ Giữa Tây Hồ khi đêm ngả vào xanh”. Trên đầm sen héo tím lại rộn rã nhịp tim sâm cầm vì hiện lên gương mặt em, dù chỉ là thấp thoáng: “Trên cánh đồng của tôi âm thầm tan mùa hạ/ Lá sen che gương mặt trăng rằm. Nếu không phải là dư sen thì tại sao: Vẫn còn lại từ mùa sen năm ngoái/ Chút dư hương trong ấm trà trưa…/ Mãi còn lại từ mùa sen năm ngoái/ Một chập chờn sa ngã hóa thiêng liêng. Và Sen cuối mùa, thơm bàn tay thiếu nữ/ Những giọt sương dưới nắng vỡ thành mơ; Mai sau biết có bao giờ/ Ủ trong nhụy ấy câu thơ muộn màng”.

bìa tâp thơ chút sen còn lại của nhà thơ hồng thanh quang.jpg -0
Bìa tập thơ “Chút sen còn lại” và một góc trong ngôi nhà của nhà thơ Hồng Thanh Quang.

“Chút sen còn lại” của Hồng Thanh Quang còn là luyến sen nữa. Anh là người đàn ông có trái tim mùa thu. Anh là Khúc mùa thu, mà sen lại thuộc về mùa hạ. Nhưng mẫn cảm với cái đẹp nên dẫu thu thì vẫn nhiều luyến sen và níu sen. Và nhạy cảm với mùi hương nên dẫu đêm thì vẫn còn quyến sen: “Còn bình sen thức cùng ta/ Nửa đêm chợt tỉnh hương hoa dịu dàng”. Rồi “Chiếc lá sen héo khô/ Ủ hương mùa thu cũ” để “Thấm sâu nỗi nhớ vào hương cốm/ Gói hờ nhan sắc lá sen tơ”. Chút dư sen còn sót lại của mùa trước vẫn đủ để đắm phiêu và yêu mê: “Chỉ ở dưới đáy ao còn ẩn náu/ Gốc mùa sau hôi hổi một linh huyền”…

Hồng Thanh Quang là người đàn ông đa sầu, đa cảm trong thơ và náo nhiệt trong đời. Trong “Chút sen còn lại” này, tôi thấy anh hiện lên vẫn nguyên một Hồng Thanh Quang của chàng trai thuở chớm yêu, mới biết rung động đầu đời: “Giữa thu, sen vẫn hồng như hạ/ Ta già, nguyên một trái tim non”. Vẫn là Hồng Thanh Quang đau cạn nguồn thơ trước những run rủi cuộc đời. Với anh, “Sống có nghĩa là nguyên gương mặt cũ/ Trong dễ dàng và trong những long đong” (Độc hành khúc). Cái thiên tính ấy không phải tự nhiên có được nên đâu dễ dàng có thể mất đi. Nó do anh lựa chọn và quyết giữ mặc cho những vạn biến ngoài kia.

Sự hồi luân của mỹ cảm

Sen, là một vẻ đẹp, nói theo cách đương đại là đẹp không góc chết, đẹp không tỳ vết. Ở giác độ nào cũng toát lên cái đẹp phiêu thẳm và riêng sắc của mình. Lúc ban mai, khi chiều tà và ngay cả trong đêm tối cũng vẫn không thôi đẹp. Ở trạng thức nào cũng ánh lên sự tôn quý, thanh tao vào ưu mật của mình. Khi bừng nở, lúc hé nụ và cả khi rũ tàn cũng vẫn không nguôi đẹp.

Sen, một vẻ đẹp không thể phủ nhận. Ca dao thấy sen đẹp ở tinh thần thanh cao tao quý không nhiễm ô. Việt Nam lấy sen làm quốc hoa của mình để tỏ bày hồn cốt dân tộc. Còn Hồng Thanh Quang thấy sen là vẻ đẹp đức hạnh của những người phụ nữ. Sen trong thơ Hồng Thanh Quang không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp một loài hoa mà đó là biểu tượng phẩm tính người phụ nữ Việt, như anh nói. Đó là mẹ, là vợ và những người phụ nữ anh yêu thương trong đời và trân quý trong thơ. Nhất là sau những ngày bạo bệnh mà anh đã kinh qua. Đó là bông sen đọng lại trong cuộc đời anh, những bông sen không nở theo mùa và hương bay ngược gió.

Trở lại với những câu hỏi ở đầu bài viết, có phải "Chút sen còn lại" là dư ba của niềm phiêu hứng với thi ca mà Hồng Thanh Quang bắt nhịp được? Không. Cái thi hứng ấy vẫn vẹn nguyên và miên phiêu trong anh. Cũng không phải đốt lên thành lửa ngút lên trời trong một cuộc giã biệt không luyến lưu với thơ ca, càng không phải là hạ thủy những cánh thuyền sen của niềm thi hứng xuống dòng sông mỹ cảm, chỉ là anh lựa từ trong rừng dữ liệu bản thảo những bài thơ đã từng viết có chứa từ khóa sen hoặc liên trong những ngày giãn cách xã hội để cho ra tập thơ này.

Nếu trước hồ sen, trong phăng phắc một lá sen già, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trầm ngâm đầy triết lý: “Hỡi người hái sen kiếp trước/ Kiếp này có hóa bình không?”,  thì thi sĩ Hồng Thanh Quang ngắm bình sen, nghe nắng tắt, rung động một niềm yêu: “Chút sen còn lại như tình/ Bừng lên sắc cuối rồi thinh lặng tàn”. Cái suy tư của Nguyễn Quang Thiều xuyên không vượt ngàn trùng luân thì cái rung động của Hồng Thanh Quang sẽ hồi luân lại thiên tính sen trong một nhịp khắc rất đỗi vô thường của thời không. Cái suy tư của Nguyễn Quang Thiều thăm thẳm ngàn sâu thì cái rung động của Hồng Thanh Quang như một chớp sáng lóe lên trong một sátna. Nắng còn phải tắt trong bình hoa để tàn sen ánh lên cái vẻ đẹp lạ thường. Mấy ai thấy, thấu và cảm được cái ánh sáng ấy của sen…

Lê Bảo Âu Long
.
.