Sơn mài Nguyễn Tấn Phát với 2023 - Con mèo Xuân Quý Mão

Thứ Hai, 23/01/2023, 07:28

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất địa linh nhân kiệt Sơn Tây (Hà Nội), Nguyễn Tấn Phát thuộc thế hệ 8X đã sớm đặt được cái tên của mình trong môi trường nghệ thuật Việt Nam. Nhà ở làng cổ Đường Lâm. Lớn lên trong một gia đình nghèo khó nhưng từ nhỏ Nguyễn Tấn Phát đã đam mê hội họa. Bằng những mảnh ngói vỡ, cọng củi khô, hay chiếc bút chì, Phát vẽ mọi lúc mọi nơi, trên tường đất, trên cát hay trên mảnh giấy nhỏ...

Sau khi học hết phổ thông Phát thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Học sơn mài. Có lẽ sơn mài là một nghề đúng với sở trường năng khiếu con người anh hơn cả. Phát cũng từng có thời gian vẽ tranh trừu tượng, có những tác phẩm điêu khắc và hội họa gây ấn tượng, tạo dấu ấn riêng, nhưng đặc biệt hơn với thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật ứng dụng. Đã 2 lần Giải nhất thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ Hà Nội (2014, 2019), Giải khuyến khích Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019, chung kết triển lãm Dogma 2019…

z4009259695465_b10d8bc80838154a47e83921ddcc6616.jpg -0
Hoạ sĩ Nguyễn Tấn Phát.

Sống trong cảnh nghèo, nhưng ước muốn theo đuổi nghệ thuật không bao giờ vơi trong tâm trí Nguyễn Tấn Phát nhưng đồng thời Phát cũng đau đáu việc đưa mỹ thuật đến gần với cuộc sống đời thường. Sao cho sản phẩm vừa phải có giá trị nghệ thuật nhưng vừa phải chinh phục được những thẩm mỹ của đời sống thường nhật, trước là để đỡ đần nặng gánh kinh tế của gia đình vừa “lấy ngắn nuôi dài” cho ước mơ. của mình…

Học ở trường, học ở những người đi trước về nghề sơn mài qua các họa sĩ, nghệ nhân khắp nơi, qua sách vở, đặc biệt là những di sản văn hóa - những linh vật ở đình chùa Việt Nam.

Có năng khiếu, lại thông minh và chịu khó, Nguyễn Tấn Phát đã nhanh chóng tìm ra con đường đi đến thành công. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài, có tính đặc thù - thương hiệu của Nguyễn Tấn Phát dần chiếm lĩnh thị trường. Từ đó, Phát mở xưởng, thành lập công ty. Công ty của Phát nhận được nhiều đơn hàng từ khắp nơi trong cả nước, thu hút cả khách du lịch nước ngoài.

Có việc quanh năm, có thu nhập tốt đồng thời với tính chuyên môn cao trong nghề nghiệp và cảm hứng sáng tạo ngày một dồi dào.

Bên cạnh những sản phẩm phục vụ người không giàu, Nguyễn Tấn Phát vẫn có những tác phẩm độc đáo. Phát tạo ra những con giống: trâu, bò, gà, dê, hổ, mèo, ngựa, chó… rất đáng yêu, vừa là vật trang trí (decor) trong không gian sống, vừa có thể làm vật đựng đồ xinh sắn… rất thú vị không chỉ bởi màu sắc mà còn bởi hình dáng ngộ nghĩnh, bắt mắt của chúng. Qua hàng chục bước: từ tạo hình, phủ sơn 7-12 lớp, đánh bóng, khảm vỏ trứng hoặc vỏ trai… để tạo hiệu ứng màu… Nguyễn Tấn Phát mang toàn bộ tài hoa, tâm huyết của mình vào để tạo ra những tác phẩm như vậy. Tác phẩm của Nguyễn Tấn Phát vừa lòng nhiều tầng lớp công chúng. Tạo ra một thị trường đa dạng, có hiệu quả kinh tế.

Từ đó, nghệ sĩ phát triển doanh nghiệp, đem lại việc làm cho lao động địa phương. Chấm dứt cái nghèo của gia đình, của chính mình và nhiều người xung quanh. Thành công từ bộ sưu tập 1010 tượng trâu kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Xuân Tân Sửu 2021. Năm mới Nhâm Dần 2022 Nguyễn Tấn Phát đã cho ra đời 2022 chú hổ sơn mài đủ các dáng hình, màu sắc, kích cỡ, được công chúng đón nhận.

Song song với thành công về kinh tế, Phát không ngừng sáng tác và đã đóng góp cho nền Mỹ thuật cũng như thủ công mỹ nghệ nước nhà được nhiều tác phẩm có sức thuyết phục. Năm 2011 Nguyễn Tấn Phát nhận được giải thưởng về: “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP. Hà Nội”. Giải nhất Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014. Năm 2017, 36 tuổi, Nguyễn Tấn Phát đã được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Thủ đô được vinh danh trong năm. Chăm lo xây dựng và phát triển nghề, doanh nghiệp của mình, họa sĩ – nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát là một trong những hội viên tiêu biểu của Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội. Anh đã được Hiệp hội trao tặng Giấy khen, được Sở Công thương, UBND TP. Hà Nội trao tặng Bằng khen.

Nguyễn Tấn Phát cho biết, hồi đầu để tìm hiểu sâu rộng thị trường anh đã làm việc tại các cửa hàng trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ ở khu phố cổ của Hà Nội. Từ đó anh hiểu sâu hơn về nghề, tiếp cận được nhu cầu của công chúng mỹ nghệ, mỹ thuật đương thời. Anh còn tạo ra những đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, khuyên tai… mang dấu ấn riêng của mình nhờ ứng dụng sơn mài lên vỏ dừa, vỏ gỗ. Gỗ là chất liệu chính vì nguyên liệu truyền thống sơn mài là cốt gỗ, độ bám của sơn lên gỗ rất tốt, được ưa chuộng.

hoa.jpg -0
Một tác phẩm mèo trong bộ tác phẩm đón xuân Quý Mão của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát.

Trong một lần trò chuyện tôi hỏi, nên gọi anh là họa sĩ, nghệ nhân hay doanh nhân, Nguyễn Tấn Phát cười bảo: anh chỉ muốn mọi người gọi là Phát, đó là một cái tên để nhận biết là mình, còn thì hoạ sĩ, nghệ nhân hay gì nữa không quan trọng. “Tôi cần được làm việc, tôi muốn làm hết khả năng để có những hiệu quả tích cực cho lĩnh vực ngành nghề tôi theo đuổi và giá trị cộng đồng”.

Phát nói với tôi, anh bén duyên với mỹ thuật truyền thống từ nhỏ, khởi nguồn từ những thú chơi của con nít, như chơi trò trốn tìm sau những cột đình to, rồi khi lại tha thẩn lấy gạch vẽ bắt chước những hoa văn phù điêu trên cột kèo. Những hình tượng, phù điêu sơn mài đã ngấm vào tư duy thẩm mỹ của Phát lúc nào không hay. Chọn nghề này bởi anh mong muốn đưa sơn mài ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống, phát huy hết thế mạnh, giá trị của sơn mài.

“Điêu khắc sơn mài ứng dụng là con đường của tôi” - Anh nói vậy. Với nền tảng rất cơ bản được học từ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Nguyễn Tấn Phát đã thoả sức sáng tạo, phát triển được nhiều sản phẩm tới tầm một tác phẩm mỹ thuật. Nó được hình thành không chỉ mồ hôi công sức của người lao động mà còn là tài hoa của người nghệ sĩ.

Phát cho biết anh không chỉ tư duy về màu sắc, hình dáng, nhiều sản phẩm anh đã tự tay đục đẽo (tạo hình) để có được một sản phẩm có hồn, sống động nhất. “Tác giả phải tận tâm hết mức, làm chủ từ khi phác thảo đến khi hoàn thiện". Là một hoạ sĩ sơn mài nhưng Nguyễn Tấn Phát lại rất hứng thú với công việc điêu khắc. “Điều này rất cơ bản, vì trước khi có một lớp da đẹp, bức điêu khắc cần có một tạo dáng hấp dẫn”. Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Chất liệu Phát dùng thường là sơn ta truyền thống, nhưng là một hoạ sĩ sơn mài đương đại và hoạt động trong nhiều lĩnh vực: mỹ thuật chuyên sâu, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, du lịch... Phát cũng làm sơn mài một cách đa dạng. Sơn mài của Phát luôn tuân thủ cách làm truyền thống vì nó tạo nên sự khác biệt của sơn mài Việt Nam với sơn mài nước khác, Phát cũng kết hợp sơn Nhật, hoặc chất liệu sơn mới để tạo ra nhiều sản phẩm có hiệu ứng thẩm mỹ độc đáo, đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống.

Anh cho biết anh không có thời gian đọc sách theo kiểu trước đây, do một ngày có 24 tiếng thì đã dành 17 tiếng cho đục gỗ và làm sơn. Nhưng trong khi làm việc anh lại nghe sách nói (sách điện tử), ở đó có nhiều câu chuyện mang lại kiến thức phong phú.

Nguyễn Tấn Phát là người dung hòa được giữa thỏa mãn đam mê sáng tạo cá nhân với thị trường của những người sưu tập, bởi anh cho rằng mỗi vật sẽ có giá trị khi được đặt đúng vị trí. “Khi làm một sản phẩm tôi luôn có một cái nhìn khách quan, sản phẩm đặt ở đâu, làm cho ai. Có lẽ tư duy đó ảnh hưởng do 20 năm nay tôi luôn tham gia các cuộc thi thiết kế mẫu, sáng tạo mỹ thuật. Tôi luôn đồng hành và cân bằng cả hai lĩnh vực là nghệ thuật chuyên sâu và mỹ thuật ứng dụng”. Sản phẩm của Nguyễn Tấn Phát vừa có chất Việt và sáng tạo đa dạng đương đại, phạm vi khách hàng của Phát khá rộng từ các bạn trẻ đến người cao tuổi. Đặc biệt là người nước ngoài, họ rất thích những sản phẩm chứa đựng trong đó những câu chuyện dân gian Việt Nam.

Nguyễn Tấn Phát có một gia đình nhỏ, anh bảo, anh luôn cố gắng làm một họa sĩ chăm chỉ và là một người chồng người cha tốt, có thể giúp đỡ cha mẹ và rộng hơn nữa là đem lại việc làm, giúp phần cải thiện một phần đời sống cho cộng đồng làng xóm….

“Điều thú vị nhất của một nghệ sĩ là sự tưởng tượng, mường tượng trước một tương lai tươi sáng. Tôi đang khát khao bằng khả năng làm nghệ thuật của mình có thể làm được nhiều điều tích cho cộng đồng. Đưa giá trị Việt vươn xa thế giới!”. Anh nói vậy trong khi đang bận rộn cho ra đời những con mèo với đủ mọi hình dáng kích thước và màu sắc cho Xuân Quý Mão, năm mới 2023.

Trần Thị Trường
.
.