"Số hóa" bảo tàng cần thiết để thích ứng

Thứ Sáu, 27/10/2023, 15:13

Ngày nay, ở một số bảo tàng, chỉ với một vài thao tác đơn giản trên các thiết bị điện tử thông minh, khách tham quan ở bất kỳ đâu cũng có thể tìm hiểu các góc trưng bày, chiêm ngưỡng các báu vật lịch sử vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ... Việc chuyển đổi từ bảo tàng truyền thống sang bảo tàng số là một trong những thay đổi đáng kể và cần thiết để thích ứng với giai đoạn công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Đầu tháng 10 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương “Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến” (Virtual Art Exhibition Space - VAES). Được biết, dự án này được thực hiện trong vòng 2 năm, khởi nguồn từ khi dịch COVID-19 bùng phát khi các bảo tàng đóng cửa, công chúng không có cơ hội được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Không gian được xây dựng với 2 hạng mục lớn. Đó là hạng mục kiến trúc tòa hình cánh sen mô phỏng không gian vật lý sang trọng, bề thế, giàu tính nghệ thuật. Không gian triển lãm số được dựng 3D mô phỏng không gian thực tế. Ở đó, các nghệ sĩ có thể tìm cho mình cách trưng bày các tác phẩm phù hợp nhu cầu, tính sáng tạo. Ngoài ra, khách tham quan có thể tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới.

một góc không gian triển lãm trực tuyến của bảo tàng mỹ thuật việt nam.jpg -1
Một góc “Không gian triển lãm Trực tuyến” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

“Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến” phiên bản đầu tiên giới thiệu 10 triển lãm, trong đó có 7 triển lãm trưng bày các tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và 3 triển lãm của cá nhân họa sĩ. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết “Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến” không chỉ xóa đi giới hạn về không gian, kết nối các không gian mà còn góp phần chia sẻ thông tin về các tác phẩm nghệ thuật giá trị của Việt Nam đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và sức sáng tạo của đội ngũ họa sĩ đương đại.

Trước đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã vận hành phần mềm iMuseum. trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA ra mắt giúp khách có thể chủ động tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng trực tiếp và trực tuyến bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Ý. IMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm, đọc nội dung bài giới thiệu, xác định vị trí hiện vật, xem sơ đồ hệ thống trưng bày, phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc… Theo thống kê, thời điểm dịch bệnh, chỉ trong vòng 3 tháng, khách tham quan bảo tàng trực tuyến là gần 8.000 lượt người, bằng cả năm đón khách trực tiếp khi chưa có dịch.

Mới đây, không gian trưng bày trực tuyến “Di sản vô giá” về 54 dân tộc Việt Nam lần đầu được đưa lên nền tảng “Văn hóa và Nghệ thuật” của Google (Google Art & Culture), phục vụ người xem khắp thế giới chiêm ngưỡng và tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam. Theo đó, khoảng 200 bức ảnh nghệ thuật và video được tuyển chọn và sắp xếp thành một bảo tàng kỹ thuật số với thông tin giải thích và hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đây là những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Rehahn người Pháp thực hiện tại Việt Nam. Bộ sưu tập đã mang về cho nhiếp ảnh gia giải thưởng Cống hiến mà báo chí Pháp bình chọn và vinh danh công dân Pháp có thành tựu ở nước ngoài (năm 2018). Theo lời mở đầu của Google “Thông qua những bức ảnh, bộ sưu tập đưa khán giả đến những vùng đất xa xôi nhất của Việt Nam để khám phá những bức chân dung, câu chuyện và vật gia truyền nổi bật không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới”. Các bức ảnh và hiện vật “Di sản vô giá” từng được triển lãm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Được biết, Bảo tàng “Di sản vô giá” do chính tác giả thành lập ở thành phố Hội An, Quảng Nam, mở cửa miễn phí cho mọi người dân và du khách.

Theo con số thống kê, hiện nay trên cả nước có xấp xỉ 200 bảo tàng của cả nhà nước và tư nhân. Các bảo tàng đang bắt đầu ứng dụng công nghệ vào để dần bắt kịp xu thế số hóa trong công tác quản lý, quảng bá thông tin cũng như phát huy giá trị của di sản đến với đông đảo khách tham quan. Một số bảo tàng cũng đã triển khai các tour tham quan 3D trên trang web, trưng bày trực tuyến theo chủ đề, hay ứng dụng công nghệ thuyết minh Audio voice để giới thiệu hiện vật. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong ở xu hướng này.

hình ảnh các dân tộc việt nam trên bảo tàng số google arts & culture.jpg -0
Hình ảnh một số dân tộc Việt Nam trên Bảo tàng số “Google Arts & Culture”.

Ngay từ năm 1997, Bảo tàng đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm quản lý, không ngừng đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu những giá trị tài liệu, hiện vật, đồng thời đa dạng các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt cho khách tham quan. Đặc biệt, năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu 3 trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, “Đèn cổ Việt Nam” và “Linh vật Việt Nam” với mục đích giới thiệu trưng bày rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước. Sau đó, bảo tàng xây dựng trưng bày ảo 3D với các chủ đề: “Việt Nam thời tiền sử”, “Văn hóa Đông Sơn”, “Triều Ngô”. Đặc biệt năm 2021, trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” giới thiệu 20 bảo vật quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng. Việc ứng dụng công nghệ số để thiết kế nội dung chương trình như sử dụng hình ảnh 3D, video, âm nhạc, trưng bày ảo… giúp chương trình tham quan trực tuyến hấp dẫn, sinh động hơn. Các bảo tàng địa phương cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đang triển khai xây dựng đề án số hóa. Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh thiết kế chương trình tham quan 3D tour để thúc đẩy sự tiếp cận của khách tham quan với bảo tàng. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lại tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam trong một container mô phỏng đặt ở ngoài trời… Không chỉ sử dụng các công nghệ 3D, nơi đây còn kết hợp cả công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh… nhằm thể hiện phần nào tính chân thật của các nhà tù xưa.

Khái niệm “Bảo tàng số”, “Bảo tàng thông minh”, “Bảo tàng ảo” không còn xa lạ, tuy nhiên mức độ chuyển đổi thế nào và nội dung chuyển đổi còn tùy thuộc vào từng bảo tàng ở từng lĩnh vực, địa phương. Theo cơ quan chuyên môn, một số công nghệ mới phục vụ cho trưng bày như: Công nghệ website 3D: giúp tạo ra các bảo tàng 3D trên website phục vụ tham quan, trải nghiệm. Công nghệ thực tế ảo VR: có thể tạo ra các di tích 3D cho khách tham quan bằng công nghệ mới nhất VR, công nghệ thực tế ảo tăng cường AR: Tạo ra các app, địa điểm, trưng bày ảo cho khách tiếp cận, tham quan bằng thiết bị di động. Công nghệ thực tế ảo VR360 giúp người xem có thể tham khảo qua view để thu hút.

Quan trọng như vậy nhưng quá trình số hóa bảo tàng vẫn gặp phải không ít khó khăn. Ở một số bảo tàng, thiết bị cũ và lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu. Còn một bộ phận nhân viên bảo tàng chưa có đủ trình độ công nghệ để vận hành, xử lý các kỹ thuật hiện đại. Một trong những trở ngại đặt ra với các bảo tàng trong việc xây dựng và duy trì các nền tảng công nghệ số là kinh phí. Kinh phí phục vụ cho việc số hóa này không nhỏ cho những khâu như mua sắm, lắp đặt, vận hành các thiết bị công nghệ. Số tiền này chủ yếu được trích từ nguồn ngân sách hàng năm của các đơn vị nên việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ vì mỗi đơn vị có tình hình tài chính khác nhau. Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa. Tại nhiều cuộc hội thảo, đại diện lãnh đạo các bảo tàng đều mong muốn cần sớm có cơ chế chính sách quy định về tài chính để các đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Có thể nói, hơn bao giờ hết, việc ứng dụng công nghệ số ở lĩnh vực bảo tàng, di sản là vô cùng cần thiết. Sự chuẩn hóa hệ thống dữ liệu hiện vật bảo tàng sẽ giúp cho các bảo tàng có thể kết nối, chia sẻ thông tin thuận lợi, hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn sự kết nối giữa di sản với du lịch ngày càng mạnh mẽ và có thể mang về nguồn thu đáng kể thì số hóa bảo tàng sẽ góp phần tạo nên trải nghiệm thuận tiện, dễ chịu cho du khách.

Khánh Thảo
.
.