Siết chặt hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng: Hình ảnh và trách nhiệm trước công chúng

Thứ Sáu, 22/03/2024, 15:27

Lâu nay, hoạt động quảng cáo trên Internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ đã gây ra hiện tượng quảng cáo tràn lan, thiếu chính xác và gây bức xúc dư luận. Trước tình trạng này, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo của người có tầm ảnh hưởng.

Người nổi tiếng phải chứng minh đã sử dụng sản phẩm quảng cáo

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo của người có tầm ảnh hưởng. Cụ thể, bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2, Điều 36 như sau: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”...

untitled-4.jpg -1
NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, những đề xuất bổ sung từ phía cơ quan quản lý đã cụ thể với đối tượng là những người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng xã hội trong việc quảng cáo. Lâu nay, không ít người nổi tiếng đã vô tình hoặc bỏ qua sự kiểm nghiệm thực tế để quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Một điều đáng nói là, trước đó Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, chúng ta chưa có chế tài để ràng buộc, xử lý với người quảng cáo sản phẩm trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật.

Nên khi được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất đưa quy định về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng” (trong đó có nghệ sĩ) vào nội dung dự kiến.

Việc này yêu cầu người quảng cáo sản phẩm phải là người tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về nội dung mình cung cấp. Điều này nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đối với chủ thể khi tham gia hoạt động quảng cáo, phát huy lợi thế về sức ảnh hưởng tích cực, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến xã hội.

Có thể nói, cuộc cách mạng về công nghệ với sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử đã khiến hoạt động mua bán của người dân có nhiều thay đổi so với cách thức thông thường. Nếu như trước đây, các nghệ sĩ nổi tiếng thường được các nhãn hàng mời xuất hiện trong các clip, chương trình quảng cáo, rồi các clip này phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh... Mối quan hệ chính khi ấy chỉ là người tiêu dùng và người sản xuất ra sản phẩm. Tuy nhiên, khi mạng xã hội xuất hiện với lượng người sử dụng tăng vọt thì các thương hiệu nhận ra rằng đây chính là môi trường kinh doanh vô cùng thuận lợi. Đặc biệt, khi “bắt tay” với người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng trong công chúng... thì hiệu quả kinh doanh cao hơn bất kỳ hình thức quảng cáo nào.

Còn với người nổi tiếng, ban đầu, việc cho ra mắt những trang cá nhân chỉ với mục đích chia sẻ thông tin, giới thiệu những hoạt động nghệ thuật sắp ra mắt với mục đích đưa hình ảnh của mình đến gần công chúng hơn... Nhưng, giờ đây, khá nhiều trang cá nhân của nghệ sĩ, người nổi tiếng trở thành trang bán hàng, quảng cáo sản phẩm. Khán giả cũng quen thuộc với hình ảnh một nghệ sĩ nào đó giới thiệu livestream bán hàng thay vì việc chia sẻ về cuộc sống, sự nghiệp. Các sản phẩm được nghệ sĩ quảng cáo thì “thượng vàng hạ cám”, từ mỹ phẩm, thời trang đến thuốc, thực phẩm chức năng...

Trong vô vàn người nổi tiếng kiếm tiền từ việc quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội thì đã có không ít vụ việc sản phẩm không đúng như quảng cáo, khiến công chúng bức xúc. Hài nhất, các nghệ sĩ sẵn sàng “bán mình”, trở thành bệnh nhân của đủ loại bệnh để quảng cáo cho những sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng. Điều đáng nói, thuốc hay thực phẩm chức năng ấy không hề có công dụng như giới thiệu.

Không vì lợi nhuận mà “bán rẻ” uy tín

Công chúng Việt luôn dành tình cảm yêu thương, ngưỡng mộ đối với nghệ sĩ, những người có tầm ảnh hưởng. Vì thế, việc học/làm/nghe theo những người đó cũng là điều dễ hiểu. Nhất là với một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận với thông tin thì đôi khi họ tin tưởng tuyệt đối vào những điều người nổi tiếng phát ngôn trên mạng. Nhưng, sự thật thì luôn cách xa quảng cáo. Nghe người nổi tiếng, không ít người dân mất tiền cho những sản phẩm kém chất lượng. Uống sữa giúp giảm mất ngủ, đau lưng nhưng tốn bội tiền vẫn không hề thuyên giảm. Những lời quảng cáo chắc như đinh đóng cột “uống khỏi ngay” rốt cuộc cũng chỉ có... trên mạng. Không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng dính vào những lùm xùm quảng cáo.

người nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động quảng cáo.jpg -0
Người nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động quảng cáo.

Trong đó diễn viên, MC Cát Tường từng không ít lần bị dư luận bức xúc vì quảng cáo cho sản phẩm sữa với những công dụng... trên giời hay gián tiếp giới thiệu dịch vụ mê tín dị đoan. NSND Hồng Vân cũng từng lên tiếng xin lỗi khán giả sau khi quảng cáo cho một sản phẩm thảo dược có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết nhưng sản phẩm này đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) "tuýt còi" vì không đúng sự thật. Hoa hậu Mai Phương Thúy xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm giảm cân bị thu hồi giấy phép. Ca sĩ Phương Mỹ Chi quảng cáo cho một sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc...

Một điều dễ thấy từ những vụ việc này là sau khi sản phẩm bị tố chất lượng không như quảng cáo, phần lớn những người nổi tiếng chỉ xin lỗi công chúng hoặc lẳng lặng xóa clip quảng cáo. Mặc dù, rõ ràng, hậu quả để lại là ảnh hưởng lớn đến tiền bạc, sức khỏe của người dân. Nguyên nhân từ việc lâu nay chúng ta chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với việc này.

Việc siết lại những quy định về việc người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tiến sĩ, NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia cho rằng “Tôi rất ủng hộ cơ quan chức năng siết lại việc quảng cáo với người nổi tiếng bởi gần đây, nhiều nghệ sĩ chiếm sóng quảng cáo tràn lan rất phản cảm. Bản thân tôi từng khuyên anh em, đồng nghiệp và học trò cần phải thận trọng trong việc quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Ví dụ như trước khi giới thiệu cần phải yêu cầu nhãn hàng đưa ra các giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng từ phía cơ quan chức năng. Đừng vì lợi nhuận mà “bán rẻ” tên tuổi của mình. Bởi, nếu có việc gì xảy ra thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của cá nhân nghệ sĩ đó”.

Luật sư Lê Văn Kiên, Văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì cho rằng “Quyền khai thác hình ảnh cá nhân là của mỗi người. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng sản phẩm vi phạm nội dung đăng ký, lừa dối người tiêu dùng... thì phải xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật cả người sản xuất và người chuyển tải sản phẩm. Nhất là sản phẩm giới thiệu thông qua những người nổi tiếng thì mức độ ảnh hưởng hay hậu quả để lại rất lớn”.

Chắc chắn rằng, cùng với việc pháp luật hóa hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng, hoạt động này sẽ bớt ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, trước khi luật đi vào thực tế thì điều có thể thực hiện được luôn và quan trọng nhất là ý thức của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Trước khi quyết định chia sẻ thông tin về một hàng hóa nào đó, người nổi tiếng cần có kiến thức về sản phẩm, kiến thức pháp luật để không vô tình tiếp tay cho quảng cáo “láo”. Đặc biệt, không “bán rẻ” uy tín đã xây dựng bằng tài năng, tâm huyết sau một thời gian dài lao động nghệ thuật của mình.

Khánh Thảo
.
.