Showbiz Việt và bài học chấp nhận lỗi sai

Thứ Sáu, 03/09/2021, 09:41

Trước mỗi sai lầm, dù lớn hay nhỏ, của một người nghệ sĩ, điều đầu tiên mà người nghệ sĩ cùng với các fan hâm mộ của họ nên làm đó chính là suy ngẫm và thừa nhận lỗi sai một cách chân thành chứ không phải là im lặng hay đùn đẩy trách nhiệm.

Chấp nhận sai lầm - chuyện xa xỉ trong showbiz Việt

Chuyện nghệ sĩ Việt "tiết kiệm lời xin lỗi" vốn đã chẳng còn trở nên xa lạ. Bởi lẽ, trước một tai tiếng, đa phần phản ứng của người nổi tiếng luôn là im lặng. Thế nhưng cho đến khi sự kiện hàng loạt sao Việt như Lê Dương Bảo Lâm, Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh,... cùng đăng tải bài viết quảng cáo cho tiền giả nhưng cuối cùng chỉ một mình mình Nam Thư mở lời xin lỗi thì vấn đề này mới được đưa lên chỉ trích gay gắt. Đáng nói là dù những bài đăng quảng cáo kia rất nhanh được gỡ bỏ nhưng không ít người ngây thơ đã kịp thấy, tin để rồi sa vào cái bẫy tiền giả, đa cấp.

Bên cạnh bài "im lặng", một cách giải quyết khủng hoảng khác được nhiều ngôi sao lựa chọn hơn đó là đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm. Phương thức này thường bắt đầu bằng việc thừa nhận sai sót là có thật nhưng trách nhiệm thì không phải do bản thân gánh vác. Quả bóng trách nhiệm được chuyền qua cho quản lý, nhân viên, công ty chủ quản hay các bên liên quan. Oái oăm hơn, ta còn từng được chứng kiến trường hợp của nghệ sĩ Đức Hải, người đã đổ lỗi việc phát ngôn dung tục, phản cảm trên trang cá nhân của mình cho hacker và…. con nuôi. Nhưng cuối cùng, hiệu quả mà nó mang lại cũng không mấy tích cực.

không ít người chịu ảnh hưởng từ những bài đăng quảng cáo tiền ảo của các nghệ sĩ dù họ đã nhanh chóng xóa đi dấu vết trên trang cá nhân.jpg -0
Không ít người chịu ảnh hưởng từ những bài đăng quảng cáo tiền ảo của các nghệ sĩ, dù họ đã nhanh chóng xóa đi dấu vết trên trang cá nhân.

Có lẽ vì rút kinh nghiệm nên mới đây, sau 3 ngày im lặng nhưng không hiệu quả, chàng ca sĩ Jack đã chính thức đăng tải lời xin lỗi lên trang cá nhân vì scandal ngoại tình trong thời gian bạn gái đang mang thai. Ngỡ như đã ổn thỏa thì chuyện lại không thể ngừng lại vì lời xin lỗi tưởng như chỉn chu, chân thành kia lại bị đánh giá là thất bại và vụng về. Nhiều người chỉ ra rằng, xuyên suốt hàng dài bao tâm sự, người ta chỉ thấy anh xin lỗi đối tác, khách hàng và fan mà không hề đề cập đến những cô gái (trong đó có cả đứa con của anh) đã bị mình làm tổn thương dù họ mới thật sự là người bị hại. Đặc biệt, cộng đồng mạng còn phát hiện bài đăng xin lỗi trên là "văn mẫu" do chính công ty của Jack soạn sẵn. Hậu quả là nó đã kích thích thêm sự phẫn nộ trong lòng nạn nhân, thúc đẩy họ tiếp tục tung ra bằng chứng tố cáo anh chối bỏ đứa con của chính mình, kéo theo cái nhìn thêm phần ác cảm từ công chúng.

Im lặng, xin lỗi hay truy cứu trách nhiệm vốn chưa bao giờ là phương thức đúng đắn như bao nghệ sĩ vẫn tưởng. Điều công chúng cần trước một vụ tai tiếng chính là thái độ chấp nhận sai lầm, lời hứa thay đổi đầy thành thật, chân thành, thứ mà không phải người nghệ sĩ nào cũng hiểu được.

Khi lời xin lỗi chỉ là một quân bài

Đa phần đều quy chung về sự ích kỉ, tham lam của bản thân. Với một người nghệ sĩ, gật đầu thừa nhận là chấp nhận rủi ro không tính toán được thiệt hại về tiền bạc, danh tiếng, lượng người hâm mộ. Giới giải trí Việt Nam lại được đánh giá là dễ dãi, dễ bị đánh lừa và dễ tức giận nhưng cũng nhanh quên. Vì vậy, việc giữ im lặng hay xin lỗi qua loa, chờ cho những sự kiện khác đưa sai lầm của bản thân vào quên lãng luôn là phương thức giải quyết khủng hoảng hàng đầu của người nổi tiếng.

Trong thư xin lỗi của Jack, những câu từ xin lỗi ấy không được viết nên nhằm mục đích tạ lỗi mà chỉ để xoa dịu sự hoang mang, tức giận trong lòng các đối tượng có quan hệ danh tiếng, tiền bạc.  Jack có thực sự cảm thấy có lỗi trong thâm tâm không, không ai biết, nhưng thông qua những gì được anh biểu đạt công khai thì công chúng có thể thấy rõ rằng điều duy nhất anh và công ty trăn trở trong suốt ba ngày bị bóc trần sai phạm chỉ là những thiệt hại liên quan đến lợi ích của bản thân. Lời xin lỗi thực chất chỉ là quân bài đầy tính toán để "dắt mũi" dư luận. Đấy là một điều đáng buồn.

Trong khi người nổi tiếng vẫn đang bận rộn lo lắng cho danh tiếng của bản thân thì công chúng, người hâm mộ đã chịu không ít ảnh hưởng tiêu cực từ những sai lầm họ gây nên. Rõ ràng nhất có lẽ là những nạn nhân ngây thơ sử dụng kem trộn, tiền ảo được người nổi tiếng quảng cáo để rồi tiền mất tật mang. Ghê gớm hơn phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực gây nên lệch lạc về tư tưởng. Sau những chia sẻ liên quan đến tai tiếng của thần tượng, không ít bạn trẻ vẫn mù quáng khẳng định rằng ngoại tình, dùng chất kích thích, văng tục là… bình thường. Rồi cho đến lúc bao tư tưởng sai lệch ấy không chỉ còn là lời bao biện vô tư mà sẽ ăn sâu vào tâm trí các bạn trẻ, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Cố ý hay không, sai lầm người nổi tiếng gây ra vẫn luôn tác động đến một bộ phận công chúng. Điều cần phải làm  không chỉ đơn giản là viết một bài thật dài để mong cầu sự thương xót. Chấp nhận lỗi sai thành khẩn, thể hiện bằng những hành động cụ thể hay thậm chí là đền bù thiệt hại với mục đích sâu xa nhất là ngăn chặn những tác hại lâu dài mà nó có thể gây ra. Điều này sẽ chẳng bao giờ đạt được nều nghệ sĩ không thực hiện nó một cách chân thành, thật tâm.

Người hâm mộ cũng phải học cách nhận sai

Đa phần fan hâm mộ Jack là học sinh cấp 1, cấp 2, thế nhưng trước một số những công kích nhắm đến thần tượng của mình, các em vẫn cứng rắn đứng ra bảo vệ mạnh mẽ, thậm chí là phản cảm. Các em không thừa nhận thần tượng sai, kể cả khi chính anh đã thừa nhận, thậm chí các em còn truyền nhau câu: "Nếu Jack sai, fan sẽ sai cùng Jack".

Có lẽ, trong một giới giải trí mà một lời xin lỗi thành tâm dần trở nên xa xỉ, chính người hâm mộ cũng dần cũng quên mất cách để chấp nhận lỗi sai của mình. Phải nói, đây vốn cũng là một điều khó khăn với bất kì ai, chưa kể những bạn trẻ ấy vẫn đang còn trong độ tuổi chưa kiểm soát được cảm xúc, hành vi và cái tôi của bản thân. Thế nhưng chính các bạn đã không biết rằng, sự cố chấp ấy không chỉ dung túng cho thần tượng mà còn chính mình vào những mối nguy hại không ngờ.

Với một thần tượng, sự ủng hộ của fan là một điều vô cùng quý giá. Sẽ làm sao nếu giữa lúc ngờ vực bản thân nhất, người nghệ sĩ vẫn nhận được sự bảo vệ bất chấp của fan. Liệu ai có thể nhận ra lỗi lầm nếu vẫn có hàng trăm người, hàng ngàn người khẳng định bên tai rằng hành động đó không hề sai trái. Liệu ai sẽ tự nguyện thay đổi nếu vẫn có vô vàn người chiến đấu vì khuyết điểm của chính mình. Và rồi trước sự dung túng mù quáng ấy, sai lầm cứ tiếp tục lặp lại, chọn đến một ngày chẳng còn có thể quay đầu. Hậu quả rõ ràng nhất có thể tham khảo án tù của ngôi sao Hàn Quốc Seungri vừa nhận được, người mà đến nay, không ít người hâm mộ vẫn quả quyết phủ nhận sai lầm dẫu cho mọi bằng chứng từ quá khứ đến hiện tại đã được thu thập đầy đủ và trình ra trước tòa.

Còn với người hâm mộ, chấp nhận thần tượng sai không chỉ là giúp họ có cái nhìn thiện cảm hơn từ công chúng mà còn cho bản thân một lối thoát khi lỡ đặt niềm tin nhầm người. Sẽ chẳng ai trách bạn nếu bạn yêu mến một người nhưng bị lừa đối bởi hình tượng hoàn hảo của họ, nhưng mọi chuyện sẽ dần trở nên nghiêm trọng hay thậm chí vượt ngoài tầm kiểm soát nếu bạn hành dộng mù quáng vì niềm tin, tình cảm của mình. Liệu chăng nếu một ngày, bạn gặp khó khăn vì đồng tiền người nổi tiếng quảng bá, bệnh tật vì mỹ phẩm người nổi tiếng khuyên dùng hay thậm chí đối diện với pháp luật vì bảo vệ thần tượng, họ có còn đứng chung chiến tuyến với bạn hay chỉ chọn cách im lặng?

Cuối cùng thì, mối quan hệ thần tượng - người hâm mộ luốn tác động hai chiều với nhau. Nếu muốn thần tượng thay đổi theo hướng tích cực, người hâm mộ có thể chủ động thúc đẩy thần tượng chấp nhận sai lầm, thật tâm hối lỗi thay vì chỉ mù quáng tin tưởng và bảo vệ họ. 

Trong thời gian nghệ sĩ Hoài Linh gặp phải lùm xùm liên quan đến số tiền quyên góp từ thiện, NS Tấn Hoàng từng đứng ra khuyên nhủ người đồng nghiệp rằng: "Nếu các em sai thì cứ nói hết sự thật với công chúng là tôi sai và nói rõ lý do vì sao tôi sai thì mới thuyết phục được mọi người. Các em đừng nói vòng vo, người ta khó chấp nhận lắm. Nếu sai cứ nói thẳng và nói đúng vì sao sai thì khán giả còn tha thứ cho mình, còn uy tín của mình sau này". Theo NS Tấn Hoàng, nếu nghệ sĩ biết nhận sai và xin lỗi, dân tộc Việt Nam ắt sẽ có lòng vị tha.

Nghệ sĩ Duy Phương cũng từng bộc bạch: "Đối với tôi, có lỗi thì xin lỗi là chuyện bình thường. Mình nhận thức được hành động của mình là không đúng, bậy bạ thì mình phải xin lỗi". Quan điểm của nghệ sĩ Duy Phương, đã xin lỗi thì phải xin lỗi thật chân thành chứ không chỉ làm cho có lệ. Một lời xin lỗi sẽ được khán giả cảm thông và yêu thương hơn về sau.

 

Khải An
.
.