“Sao Độc lập” 2024: Những tiếng vọng hào hùng từ quá khứ
Bắt đầu từ năm 2016 đến nay, “Sao Độc lập” đã trở thành chương trình thường niên được đông đảo các đồng chí lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, đảng viên và quần chúng nhân dân đón chờ trong những ngày mùa thu tháng Tám.
Chương trình gợi lại những ký ức hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, mà tiêu biểu là những tấm gương sáng ngời của các chiến sĩ cách mạng tiền bối, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trên các mặt trận.
Chào mừng Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024), Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2024) và 79 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2024), Chương trình nghệ thuật chính luận “Sao Độc lập” năm 2024 (năm thứ IX) với chủ đề “Lời Bác - lời của non sông” đã được dàn dựng công phu và mới mẻ.
Có lẽ, đây cũng là một chương trình chính luận tạo được những dấu ấn trong lòng công chúng vì sự sáng tạo và nỗ lực đổi mới của ê-kíp sản xuất, dàn dựng chương trình. Với thời lượng 80 phút, đại nhạc vũ kịch “Lời Bác - lời của non sông” được Tổng đạo diễn Tuyết Minh kết cấu gồm 3 chương và màn “Khai từ” - Việt Nam rực rỡ những mùa xuân, đã làm sống lại không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử bằng âm nhạc, bằng múa, nhạc kịch.
Điểm nhấn của màn “Khai từ” là những tư liệu vô giá trích dẫn từ 236 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in trên Tạp chí Cộng sản trải rộng khắp từ Thủ đô Hà Nội - “trái tim của cả nước” tới thành phố mang tên Bác; từ miền núi phía Bắc tới miền Trung, Tây Nguyên; từ điệp trùng dãy Trường Sơn ra tới Hoàng Sa, Trường Sa vùng biển trời của Tổ quốc.
Khán giả được lắng mình trong Chương I (Tổ quốc gọi tên mình) và Chương II (Khúc tráng ca huyền thoại). Người xem ngay lập tức bị cuốn hút trong vở đại nhạc vũ kịch mà ở đó, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc được tái hiện bằng chất liệu nghệ thuật đặc sắc. Người luôn nhìn thấu và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tinh thần anh hùng, bất khuất để đưa cách mạng nước ta đạt được những thành tựu to lớn.
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, Chương 1 đã tái hiện không khí của các đội tự vệ, đội du kích như các ATK hoạt động ngầm ở nông thôn các vùng ven Hà Nội chuẩn bị xuất thần tiến vào Thủ đô với sức mạnh của ý chí, niềm tin, khát khao mãnh liệt của cả dân tộc. Người xem cũng được lắng nghe những chia sẻ của Đại tướng Nguyễn Quyết về những ngày Tổng khởi nghĩa 19/8 lịch sử và thời khắc thiêng liêng khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Điểm nhấn của Chương 2 là những quyết sách làm nên lịch sử của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đề ra Kế hoạch tuyệt mật của Đoàn Phương Đông 1 và Đội trinh sát chi viện cho chiến trường miền Nam, thành lập Đoàn công tác đặc biệt đúng sinh nhật Bác 19/5/1959 mang tên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chi viện những cán bộ, chiến sĩ quả cảm, mưu trí nhập với các mũi trinh sát an ninh Sài Gòn - Chợ Lớn hình thành lực lượng biệt động, nhanh chóng xây dựng các tổ chức vũ trang diệt ác trừ gian, phá hủy những kho hàng, trừ khử những tên bán nước, chiến đấu với Mỹ, ngụy bảo vệ Sài Gòn, bảo vệ cách mạng, chuẩn bị sẵn sàng chờ hiệu lệnh phối hợp Tổng tiến công xuân Mậu Thân năm 1968.
Chương 3 là hai ca khúc được Tuyết Minh sáng tác riêng cho chương trình, đó là hành khúc “Người lính an ninh biệt động Sài Gòn” tri ân những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ quốc trong trận xuân Mậu Thân năm 1968 và trường ca “Lời Bác - lời của non sông”. Trường ca là khoảng lặng tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tình cảm thiêng liêng, niềm xúc động sâu lắng hòa cùng nhân dân cả nước “đáp lời sông núi” như những ngày thu năm xưa với nhiều hoạt động tri ân đền ơn đáp nghĩa ở khắp mọi miền đất nước, thể hiện niềm tin sâu sắc vào thế hệ hôm nay sẽ bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà cha anh đã dày công vun đắp.
Với chủ đề “Việt Nam tôi chưa đẹp thế bao giờ”, những ca khúc “Ba Đình nắng”, “Chúng con canh giấc ngủ cho Người”, “Lá cờ”, “Giai điệu tự hào”, “Tuổi xuân dâng Đảng”, “Một vòng Việt Nam”, “Lá cờ Đảng”... đã tạo nên một không khí vui tươi, tràn đầy niềm tin vào tương lai của đất nước.
Tổng đạo diễn chương trình, biên đạo múa Tuyết Minh xác định “Sao Độc lập” là chương trình nghệ thuật chính luận, nên yêu cầu về lịch sử, tính thời sự và yếu tố nghệ thuật phải được hòa quyện, tinh tế. Những nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục Cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng và đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những chiến sĩ an ninh biệt động Sài Gòn đã hy sinh trong chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968 đã được phác họa, tôn vinh một cách chân thực, xúc động. Những người nghệ sĩ cùng với những tác phẩm đi cùng năm tháng như tiếng nói tri ân của người dân Việt Nam tới những Anh hùng giải phóng dân tộc, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ và cả những Anh hùng thời kỳ đổi mới đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc riêng để tận hiến cho sự phát triển và cho bình yên của đất nước.
Tuyết Minh nói, chị đặc biệt chú ý đến nhân vật trung tâm của chương trình. Ngay khi nhận lời mời xây dựng kịch bản và Tổng đạo diễn, chị đã nghiên cứu, đi thực tế và tìm kiếm các nguồn thông tin, tư liệu để có thể tái hiện một cách chân thực nhất những câu chuyện của quá khứ trên sân khấu hôm nay. Những chuyến về nguồn, những cuộc gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử như Đại tướng Nguyễn Quyết (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, người trực tiếp cùng quân và dân Hà Nội tiến hành Tổng khởi nghĩa 19/8) khi Đại tướng đang chuẩn bị bước sang 103 tuổi để ghi nhận những khoảnh khắc sống động, chân thực đời thường nhất đã góp phần làm nên thành công của chương trình. Ngoài ra, cũng chính chị đã trực tiếp tiếp cận 236 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in trên Tạp chí Cộng sản, để viết nên màn “Khai từ” xúc động và thời sự.
Có thể nói, “Sao Độc lập” một lần nữa tái hiện lại những thước phim hào hùng của lịch sử bằng những ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng, phong phú. “Sao độc lập” sẽ là một chương trình nghệ thuật được mong chờ vào dịp tháng Tám lịch sử. Đó cũng là nỗ lực của Tổng đạo diễn chương trình, biên đạo múa Tuyết Minh cùng các nghệ sĩ, để nhắc nhớ thế hệ hôm nay không được phép lãng quên lịch sử.
“Sao Độc lập” đã trở thành chương trình thường niên, được đông đảo các đồng chí lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức cùng đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân đón chờ vào những ngày thu tháng Tám. Với nội dung nghệ thuật đặc sắc, khắc họa những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhiều thế hệ người Việt Nam anh hùng trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Những giá trị ấy đã và đang tiếp thêm ngọn lửa truyền thống để các thế hệ hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng, xây dựng và bảo vệ đất nước ta bền vững, hùng mạnh, trường tồn. Chương trình do Tạp chí Cộng sản và Bộ Công an chỉ đạo thực hiện, với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Đào Mác, Hồng Nhung, “hoàng tử ballet” Cao Chí Thành, NSƯT Quang Khải...