Sáng tạo trên chất liệu văn hóa bản địa

Thứ Bảy, 15/02/2025, 14:55

Trong dòng chảy không ngừng đổi mới của các ngành nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ đã lấy chất liệu từ văn hóa bản địa để sáng tác, tạo nên khác biệt/ độc đáo trong tác phẩm của mình. Có thể nói, văn hóa bản địa Việt Nam là một “vỉa quặng” giàu có, phong phú để các nghệ sĩ khai thác. Đó là con đường bền vững để đưa nghệ thuật Việt đi ra thế giới mà vẫn luôn giữ được bản sắc của mình.

Từ chất liệu bản địa để đi ra thế giới

Trong cuộc thi UOB Painting of the Year tại Việt Nam (cuộc thi dành cho hội họa uy tín hiện nay, tác phẩm “Dòng chảy” của nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường đoạt giải cao nhất (hạng mục Nghệ sĩ thành danh) và được chọn tham dự triển lãm tại National Gallery Singapore - Bảo tàng nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á. Hai vật liệu bản địa là than đá và bột gạo được họa sĩ Nguyễn Việt Cường sử dụng để kể câu chuyện về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Than đá Quảng Ninh tượng trưng cho ngành công nghiệp khai khoáng từ đồng bằng sông Hồng, bột gạo đại diện cho sản phẩm nông nghiệp từ đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ phản ánh sự vận động công - nông nghiệp từ đô thị đến ngoại thành, mà còn gửi gắm những trăn trở về sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa khai thác và bảo tồn, giữa con người và thiên nhiên.

ngh%3f si nguy%3fn vi%3ft cu%3fng bên tác ph%3fm dòng ch%3fy.jpg -0
Nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường bên tác phẩm “Dòng chảy”

Họa sĩ Việt Cường chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng văn hóa bản địa là kho tàng phong phú và độc đáo. Việc đưa các yếu tố này vào tác phẩm không chỉ là cách gìn giữ mà còn tái hiện văn hóa Việt theo cách hiện đại và cá nhân. Việc lồng ghép văn hóa bản địa vào sáng tạo nghệ thuật giúp tác phẩm trở thành cầu nối, thúc đẩy sự đối thoại giữa quá khứ và hiện tại. Đây là cách tôi nhấn mạnh rằng, dù thế giới ngày càng toàn cầu hóa, nghệ sĩ vẫn có trách nhiệm bảo vệ và làm mới những giá trị truyền thống. Hơn nữa, điều này cũng tạo cơ hội để khán giả quốc tế hiểu thêm về văn hóa Việt Nam qua góc nhìn độc đáo”.

Không chỉ Nguyễn Việt Cường mà trong hội họa, có nhiều nghệ sĩ đã sử dụng chất liệu bản địa cho những tác phẩm của mình, tạo nên những dấu ấn độc đáo trong đời sống mỹ thuật đương đại. Vào tháng 10/2024, họa sĩ Lý Trực Sơn trình làng một triển lãm ấn tượng mang tên “Đất” sử dụng chất liệu đất và đá. Gần 50 tác phẩm được ông lấy cảm hứng từ đất và đá, các nguyên liệu từ đồi núi các vùng miền Việt Nam được nghiền nát, trộn keo rồi vẽ lên toan.

Nhà điêu khắc Đào Hải Châu cho rằng, họa sĩ Lý Trực Sơn bằng ngôn ngữ nghệ thuật đã biểu hiện được thái độ nhận thức về những giá trị thẩm mỹ truyền thống của người Việt trong dòng chảy mỹ thuật. “Khi xem những tác phẩm của anh, thông qua những bề mặt xù xì, thô ráp, tôi đọc được cái duyên dáng, vẻ đẹp lặng lẽ tinh tế mà không phô trương, đó là một yếu tố quan trọng của thẩm mỹ người Việt”.

Và hành trình trở về nguồn cội

Mới đây, trong không gian triển lãm ở 22 Hàng Buồm - Hà Nội, họa sĩ Thu Trần và nghệ sĩ trình diễn Tây Phong trình làng một triển lãm sắp đặt ấn tượng mang tên “Mưỡu”. Với Thu Trần, văn hóa bản địa là một nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo mới của chị. Từ đất, từ tơ và bây giờ là từ ca trù, cây dứa… để chị kể câu chuyện hôm nay. Triển lãm “Mưỡu” truyền tải nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua hội họa gói gọn cảm xúc trong ngôn ngữ thi ca là những bài ca trù của người xưa.

“Mưỡu” trưng bày 35 tác phẩm trên chất liệu giấy dứa và giấy dó thô sần. Hai chất liệu kết hợp với nhau vừa có độ nhám và là giấy làm thủ công từ tự nhiên, bền màu sắp đặt cùng 3 cụm tác phẩm ấn tượng từ lụa. Họa sĩ Thu Trần cùng nghệ sĩ Tây Phong yêu “Ca Trù” sẻ chia với người thưởng lãm thông qua hai loại hình nghệ thuật là: Hội họa - Sắp đặt và nghệ thuật trình diễn. Từ “Mưỡu” phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, đời sống của người Việt từ xưa đến nay. Nó không chỉ là thuật ngữ đơn thuần mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc của dân tộc. Nó còn là một phần hình thức ca trù, loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và thế giới.

trung bày mu%3fu c%3fa h%3fa si thu tr%3fn l%3fy cam h%3fng t%3f ca trù.jpg -1
Trưng bày “Mưỡu” của họa sĩ Thu Trần, lấy cảm hứng từ ca trù.

Họa sĩ Thu Trần chia sẻ: “Tôi mê những âm hưởng ca trù nhưng tôi suy nghĩ rất lâu về việc mình sẽ thực hiện thế nào, cách thức ra sao. Những trăn trở đó kéo dài nhiều năm và bây giờ đã đến lúc tôi thực hiện nó. Bộ sắp đặt trong triển lãm uốn lượn và những sắc hồng đào, hồng tuyết, những không gian trong đó kéo tới 3 cụm kén tơ lụa vương vấn, khi đào nương nhả tơ những cung bậc rứt từ ruột gan”.

Chị chia sẻ về chất liệu dứa độc đáo của mình được chị thu gom từ đồng bào ở Nghệ An, Thanh Hóa và chở lên Lương Sơn (Hòa Bình). Bà con ở đó có nhóm làm giấy thủ công, chị tìm nguyên liệu và đến đó cùng họ tạo ra một loại giấy phù hợp với tinh thần sáng tạo của Thu Trần. “Các chất liệu tôi sử dụng sẽ phù hợp với không gian nghệ thuật của tôi, một không gian mang đậm văn hóa bản địa nhưng đã được sáng tạo mới mẻ, hiện đại. Đó là sự kết nối mạch nguồn của ông cha với đời sống hôm nay”.

Cùng với “Mưỡu”, tại thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Thu Trần và nghệ sĩ trình diễn Tây Phong cũng trưng bày triển lãm “Té Tất Té Đak” (Đẻ đất đẻ nước) lấy cảm hứng từ pho sử thi đồ sộ “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường. Đất Mường có bề dày văn hóa, từ đời sống, phong tục tập quán con người nơi đây đã được ghi tạc vào chủ thể “Người” với các nghi lễ vòng đời được xuyên suốt. Thông qua các roóng mo, phục vụ các sinh hoạt tín ngưỡng.

“Hòa Bình là vùng đất cổ, nơi minh chứng các di chỉ và truyền thống văn hóa của người Mường cách đây hàng vạn năm tộc người ấy được coi là khởi thủy là gốc rễ cội nguồn của người Kinh, vốn đã phần nào mất đi một phần những nguyên sơ. Những nguyên sơ ấy lại được giữ gìn trong những áng sử thi, câu Mo Mường, được lưu giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Sử thi cùng những âm hưởng linh thiêng từ tiếng chiêng vang vọng khắp cõi Mường, nơi đất trời hoài thai nặn ra hình hài cỏ cây vạn vật con người, chúng tôi cùng nhau khởi nguồn về sử thi “Té Tất Té Đak” làm tiền đề cho câu chuyện nghệ thuật cá nhân”. Họa sĩ Thu Trần chia sẻ.

Những bộ tác phẩm như: “Hang động” trên giấy để mô tả về thuở hồng hoang khi con người còn nguyên thủy, xuất phát từ hang Đồng Nội Hòa Bình. Bộ tranh “Sinh nở” từ sử thi thấy (Đẻ đất - Đẻ nước) từ đó mà ra những câu chuyện hình thành con người... Bộ sắp đặt lụa 15 tác phẩm “Mường trời” là khi người chết được rước lên trời về cõi vĩnh hằng…. Và trên hết là hình ảnh con người qua pho sử thi bất tận bởi nó cần được cựa mình, mở rộng những chiều kích để được sống và một lần nữa xé kén sinh ra với không gian hội họa, sắp đặt và trình diễn… sử dụng ngôn ngữ hội họa trừu tượng, trên chất liệu, đất, đá, giấy, lụa... qua 40 tác phẩm, để biểu hiện một tinh thần mới của đất Mường, kể lại cho thế hệ sau một tiếp biến mới của sử thi “Té Tất Té Đak” bằng ngôn ngữ nghệ thuật trong nhịp sống đương đại.

Họa sĩ Thu Trần, trong hành trình thực hành nghệ thuật luôn lấy điểm tựa là văn hóa bản địa, của đất, của nước, của tơ lụa, của ca trù, văn hóa Mường… để kể câu chuyện về đời sống đương đại. Với chị, đó là cách nối dài đời sống của những di sản ông cha để lại.

Rõ ràng, văn hóa bản địa với những vẻ đẹp giàu trầm tích đa dạng và phong phú đang trở thành một nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo. Có thể nói đó là một vỉa quặng không bao giờ cạn để nghệ thuật đương đại Việt Nam có thể khai thác, mang đến những tiếng nói mới trong nghệ thuật và hơn thế, đưa nghệ thuật Việt đi ra thế giới.

Mỹ Hiền
.
.