Sân khấu sôi động cùng nhạc kịch

Thứ Bảy, 16/07/2022, 13:33

"Alice in Wonderland" (Alice ở xứ sở diệu kỳ) là dự án sân khấu nhạc kịch vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam công bố vào cuối tháng 6 vừa qua. Trước đó không lâu, tác phẩm "Người cầm lái" (Nhà hát CAND),  "Sóng" (Nhà hát Tuổi trẻ) tổ chức dàn dựng, biểu diễn... đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Nhạc kịch đang mang đến một làn gió mới nhiều thú vị cho sân khấu kịch Việt Nam.

"Alice in Wonderland" là dự án kịch hiện đại dành cho giới trẻ do Nhà hát kịch Việt Nam phối hợp với POP và AIM (Viện Âm nhạc Australia) thực hiện. Lê Diệu My, nữ sinh 21 tuổi làm Tổng đạo diễn. Vở nhạc kịch sẽ do NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật cùng 2 cố vấn nghệ thuật là NSƯT Đặng Châu Anh và Nicholas Gentile. Giám đốc âm nhạc là nhạc sĩ Trần Quang Duy, 2 biên đạo múa là Samantha Cruz và Lê Minh Anh.

"Alice in Wonderland" là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng của tác giả người Anh Charles Lutwidge Dodgson được độc giả thiếu nhi trên thế giới vô cùng yêu mến. Với câu chuyện hấp dẫn, nội dung sâu sắc, mang đến những giá trị nhân văn, tác phẩm còn được chuyển thể sang nhiều loại hình: phim hoạt hình, phim điện ảnh, phim 3D, nhạc kịch…

vở nhạc kịch người cầm lái.jpg -0
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Người cầm lái” (Nhà hát CAND).

Chọn "Alice in Wonderland" là dự án trọng điểm của năm 2022, đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của "Anh cả đỏ" sân khấu kịch Việt Nam đã cho thấy tư duy đột phát mới mẻ của Nhà hát.

Theo như chia sẻ của NSƯT Xuân Bắc, Nhà hát Kịch Việt Nam đang thử thách mình với thể loại nhạc kịch đang thịnh hành trên thế giới để hướng tới sự đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, mang đến món ăn tinh thần mới cho công chúng, tiếp cận với xu hướng sân khấu hiện đại. "Đây là dự án có giá trị văn hóa, thẩm mỹ cho giới trẻ, là sân chơi cho tất cả các bạn trẻ chuyên và không chuyên phát huy năng lực của mình, miễn sao có lòng đam mê nghệ thuật và đáp ứng được yêu cầu của chương trình".

Theo kịch bản, sẽ có 25 nhân viên hóa thân vào 31 nhân vật. Dự kiến vở nhạc kịch sẽ ra mắt vào đầu tháng 10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đạo diễn Diệu My cho biết sẽ cùng các cộng sự bán 700 vé cho đêm biểu diễn để góp kinh phí xây trường cho trẻ em miền núi. Được biết, Nhà hát sẽ có những đêm diễn miễn phí dành cho các thầy cô giáo ở các trường THCS, THPT với mong muốn lan tỏa việc phát triển nghệ thuật cho giới trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chọn thể loại nhạc kịch cho dự án trọng điểm trong năm đánh dấu 70 năm hình thành và phát triển của Nhà hát Kịch Việt Nam đã cho thấy nhạc kịch đang là một xu hướng tâm huyết của những người làm nghệ thuật sân khấu. Trước đó, vào trung tuần tháng 4, Nhà hát CAND cũng đã cho ra mắt khán giả tác phẩm "Người cầm lái" - nhạc kịch đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công trình đặc biệt của Nhà hát chào mừng 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2022) và kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát nghệ thuật CAND (1982 - 2022).

Tác phẩm "Người cầm lái" được xây dựng theo hình thức giao hưởng - đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm, đồng thời phát huy di sản từ sân khấu kịch hát dân tộc qua việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc, chất liệu ngôn ngữ múa dân gian. Vì thế, nghệ thuật Opera kinh điển của thế giới sẽ hòa quyện với thi pháp sân khấu truyền thống Việt nam.

Thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh vừa là tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn, biên đạo múa của vở diễn. Đảm nhận vai Bác Hồ là ca sĩ Lê Tuân của Nhà hát CAND. Hai giọng ca của Nhà hát CAND là ca sĩ Thu Hường và Kim Long tham gia vai trò dẫn chuyện. NSƯT Minh Lương cùng lúc thể hiện 2 vai là Đức thánh Trần Hưng Đạo và Toàn quyền Đông Dương. Ca sĩ, NSƯT Thanh Tâm vào vai bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, vở diễn còn có sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhạc công của Nhà hát CAND.

Vở nhạc kịch tập trung khai thác vào hình tượng Hồ Chí Minh qua nhiều không gian, thời gian khác nhau, với tuổi thơ ở Nam Đàn, quãng thời gian theo người thân vào kinh thành Huế, khi trở thành người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước rồi trở về quê hương, chèo lái con thuyền cách mạng…

Điểm nhấn đặc biệt của vở diễn là dàn nhạc giao hưởng giữ vai trò chủ đạo, tạo ra không gian âm nhạc hoành tráng, nhưng vẫn có những thanh âm là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Các ca khúc sáng tác cho vở nhạc kịch được ê kíp dụng công đầu tư cô đọng từ những câu văn dài thành những vần thơ có vần điệu, vừa có tính kịch. Không chỉ nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả trong đợt công diễn chào mừng ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, vở diễn còn nhận được Giải xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc Toàn quốc 2022 tổ chức vừa qua.

Trước đó không lâu, trung tuần tháng 3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch thuần Việt "Sóng" lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ của Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt khán giả. Mặc dù thời gian thực hiện vở diễn gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 nhưng cuối cùng, tác phẩm vẫn đến được với khán giả một cách tốt nhất có thể.

vở nhạc kịch sóng lấy nguyên mẫu từ cuộc đời của 2 nhà thơ xuân quỳnh  lưu quang vũ.jpg -0
Vở nhạc kịch “Sóng” lấy nguyên mẫu từ cuộc đời của 2 nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

Ca khúc "Thuyền và biển" được lấy làm chủ đề xuyên suốt vở diễn. Các nhạc sĩ đã phổ nhạc cho 10 bài thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ như "Sóng", "Nếu ngày mai em không làm thơ nữa", "Tự hát"… Ngoài phần lời đều sử dụng thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ thì những bức thư tình của cặp vợ chồng nhà thơ tài hoa này cũng được biên kịch đưa vào nhạc kịch.

Tham gia dàn dựng vở diễn là những nghệ sĩ tên tuổi như tổng đạo diễn - NSƯT Cao Ngọc Ánh, đạo diễn sân khấu Duy Anh, nhạc sĩ Minh Đạo, Tường Văn, thiết kế sân khấu Phùng Nam Thắng… Nhạc kịch "Sóng" không chỉ mang một câu chuyện đầy chất thơ lên sân khấu mà Nhà hát Tuổi trẻ kỳ vọng sẽ đặt một nền móng chuyên nghiệp hóa cho nhạc kịch Việt Nam.

Có thể nói, nhạc kịch đang "nóng" dần lên trên sân khấu từ những dự án đáng chú ý được các Nhà hát kịch thực hiện thời gian gần đây. Kể từ vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam là "Cô Sao" (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) được dàn dựng và công diễn lần đầu năm 1965 thì nhạc kịch đã có hơn nửa thập kỷ hình thành và phát triển. Tuy nhiên, đây vẫn là loại hình sân khấu mới mẻ với số đông công chúng.

Thời gian gần đây, nhạc kịch được dàn dựng nhiều hơn đã dần đưa loại hình này tới gần nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Trong số đó, không thể không nhắc tới dự án HOPE của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi với 3 vở nhạc kịch "Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối", "Mộng ước không xa vời" với tổng cộng 35 đêm diễn liên tục tại L'Espace.

Nhiều vở diễn nhạc kịch của Việt Nam chuyển thể từ tác phẩm nước ngoài như "Những người khốn khổ" (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), "Bầy chim thiên nga" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Chuyện người lính" (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp Xưởng kịch và nghệ thuật ATH)…

Ngoài ra, phải kể tới những vở nhạc kịch "thuần Việt" như "Dế mèn phiêu lưu ký" (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh), "Tiên Nga" (Sân khấu kịch Idecaf), "Hà Nội xưa và nay", "Tôi đọc báo sáng nay" (Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long), "Trại hoa vàng", "Sóng" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Người cầm lái" (Nhà hát CAND)…

Nhạc kịch tại Việt Nam vẫn là một thể loại khá mới mẻ với nhiều người nên đồng nghĩa với việc mảnh đất ấy còn khá nhiều tiềm năng. Những ưu thế của loại hình nhạc kịch đã được khẳng định qua sự thành công từ sân khấu thế giới. Đó là sân khấu truyền thống với lời thoại, diễn xuất kết hợp cùng âm nhạc, vũ đạo sẽ giúp khán giả cùng lúc cảm nhận nghệ thuật ở nhiều loại hình khác nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nhạc kịch vẫn chứa đựng những khó khăn mà không phải sân khấu nào cũng có thể thực hiện được. Diễn viên tham gia nhạc kịch vừa phải biết diễn xuất, biết ca hát và thể hiện vũ đạo. Để tìm được vài chục người có thể tham gia một vở nhạc kịch không hề đơn giản. Hầu hết những nghệ sĩ khi tham gia vào một vở diễn đều phải trải qua một quá trình đào tạo để hoàn thiện các kỹ năng. Sự thiếu vắng đội ngũ đạo diễn, biên kịch trong nước cũng là một rào cản phát triển của loại hình sân khấu này.

Ngoài ra, nhạc kịch luôn đòi hỏi yêu cầu cao về âm nhạc, phục trang, ánh sáng thiết kế sân khấu… nên đầu tư cho sân khấu nhạc kịch cũng tốn kém hơn so với các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, nhạc kịch Việt Nam đã ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của những người làm sân khấu. Bên cạnh những vở kịch có nội dung kinh điển thì đã có những vở nhạc kịch đề tài hiện đại gần gũi với đời sống. Dù mỗi vở diễn có sự thành công khác nhau nhưng nhạc kịch đã ngày càng có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu sân khấu Việt.

Khánh Thảo
.
.