Sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh: Mùa vàng đa sắc
Sau một thời gian dài sân khấu kịch nói TP Hồ Chí Minh lâm vào tình trạng “vừa làm vừa run”, thì thời gian gần đây, sàn diễn đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục. Đầu năm 2025, làng kịch phía Nam bước vào một mùa diễn đầy sôi động với hàng loạt vở mới có đề tài phong phú, tạo nên cơn sốt vé chưa từng thấy.
Dạo quanh các sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh vào thời điểm này, có thể thấy hầu như suất diễn nào cũng kín khán giả. Đây là tín hiệu đáng vui mừng nhất vì nó chứng tỏ rằng làng kịch đã thực sự hồi sinh, rằng khán giả không hề quay lưng với kịch nói.
NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B cho hay, so cùng thời điểm, số lượng vở mới năm nay ra mắt ít hơn so với năm ngoái - chỉ khoảng 20 vở - nhưng lượng khán giả lại đông đảo hơn, lượng vé bán ra tăng mạnh. Hình ảnh những vở diễn hết vé, khán giả chen chúc kín rạp, thậm chí phải bổ sung ghế phụ không còn là ước mơ xa vời như thuở trước. Đại diện của sân khấu Thế giới trẻ cũng cho biết, nhiều khán giả ở xa đặt vé trước, nhưng nhiều suất không còn vé, họ năn nỉ xếp thêm ghế phụ để được thưởng thức vở diễn.

Sở dĩ kịch nói trở nên đắt khách chính là nhờ chất lượng kịch mục được đầu tư chỉn chu, đề tài nội dung phong phú. Mỗi sân khấu sở hữu cho mình một màu sắc không trộn lẫn để tăng tính cạnh tranh, chinh phục nhóm khán giả riêng. Từ hài kịch rộn ràng đến bi kịch lấy nước mắt, từ kịch thiếu nhi ngập tràn màu sắc đến những vở kinh dị gây tò mò - tất cả tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa dạng, làm nên mùa vàng cho làng kịch nói phía Nam dịp năm mới.
Như thường lệ, hài kịch luôn được các bầu show ưu ái cho những tháng đầu năm nên luôn có số lượng áp đảo. Nhà hát kịch IDECAF thu hút khán giả với “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài ngoại truyện” và “Cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên”. Dù mang màu sắc khác nhau nhưng đây đều là hai vở hài kịch duyên dáng, mang đậm hơi thở dân gian nhưng không kém phần hiện đại.
Sân khấu Trương Hùng Minh của “ông bầu” Minh Nhí góp mặt với hai vở hài mang phong vị Nam bộ, vừa chân chất, vừa dí dỏm mang tên “Cầu dừa đủ xài” và “Bỗng dưng trúng số”. Sân khấu Hồng Vân ra mắt vở hài “Thân sâu hồn bướm” kể câu chuyện đêm giao thừa của gia đình bà Lệ. Nếu Nhà hát Thanh niên dựng vở “Tung hoành Pattaya” thì sân khấu Thế giới trẻ có hai náo kịch hiện đại như “Anh trai say ai”, “Đại náo thành Bombay”. Sân khấu Thiên Đăng chào năm mới với hai vở "Những con ma nhà hát" và "Lộ hàng - Leaked".
Tác giả Lê Hoàng và đạo diễn Thành Lộc mang đến những tiếng cười trào phúng khi vạch trần những góc khuất của nơi làm nghệ thuật (Những con ma nhà hát) cũng như bóc phốt sự tha hóa của không ít nghệ sĩ trong giới showbiz dưới cơn lốc thị trường (Lộ hàng - Leaked). Sân khấu 5B mang đến “Đẹp bất chấp” và “Tía ơi con lấy chồng”. Sân khấu Quốc Thảo trình diễn “Đám cưới bên cồn” và “Những kẻ dị mộng mơ”.
“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Nhà hát kịch IDECAF cho hay: “Dịp đầu năm khán giả thường thích không khí vui vẻ, giải trí sau một năm làm việc mệt nhọc nên họ thích đi coi hài. Hài kịch còn dễ phục vụ cho mọi đối tượng khán giả nên cả nhà đều có thể đi coi, tăng thêm gắn kết tình cảm gia đình. Do vậy lượng vở hài luôn được chúng tôi ưu tiên số một”.
Không chỉ có tiếng cười, mùa kịch xuân năm nay còn đậm chất suy tư với những vở kịch mang chiều sâu tâm lý. Hoàng Thái Thanh tiếp tục trung thành với phong cách bi kịch qua “Tóc mai sợi vắn sợi dài”, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” hay các vở “Nửa đời hương phấn", "Cơn mê cuối cùng"... Sự chân thật trong câu chuyện về thân phận con người đã chạm đến trái tim khán giả, khiến họ không chỉ khóc thương mà còn lắng đọng với những triết lý nhân sinh.
Sân khấu 5B cũng tạo dấu ấn với vở chính kịch “Bồ công anh” - một tác phẩm mang đề tài xã hội, đào sâu những góc khuất của cuộc sống hiện đại. Những vở mang sắc màu liêu trai, tiên hiệp hay màu sắc dân gian như "Chấn động tam giới" (Sân khấu Trương Hùng Minh) và “13 Đức thầy - Đức thầy 13” (Sân khấu Thiên Đăng) đều tạo nên cơn sốt vé.
Dù đại đa số khán giả có thói quen xem hài kịch vào đầu năm mới nhưng vài năm trở lại đây, những vở kịch có yếu tố kinh dị, tâm linh vẫn được công chúng đưa vào danh sách “món ăn tinh thần” đầu xuân. Thế nên không lạ khi số vở kinh dị công diễn mùa Tết Ất Tỵ vừa qua đều “cháy” vé. “Căn phòng câm lặng” hay “Người vợ ma” của sân khấu Hồng Vân là một trong số đó. Sân khấu Thế giới Trẻ mang đến "Escape room: Căn nhà ma quái", một vở diễn đầy kịch tính, lôi cuốn những khán giả ưa thích thể loại giật gân, bí ẩn.
NSND Hồng Vân lý giải: "Sân khấu đang trẻ hóa dần với lớp khán giả trẻ, và họ chẳng tin những chuyện hên xui kiêng cữ nữa. Khán giả trẻ thích món lạ miệng, thích cảm giác mạnh. Tất nhiên mình không phải chỉ dựng vở toàn hồn ma bóng quế để hù dọa khán giả mà phải lồng vào chút nhẹ nhàng, lãng mạn hay bài học giáo dục nhân văn để người ta nhìn nhận lại chính mình”.
Kịch cho thiếu nhi cũng rộn ràng khi được nhiều sâu khấu khai thác. Đầu năm 2025, Sân khấu nhỏ 5B tung vở “Trạm cứu hộ động vật” dành cho trẻ mầm non, tiểu học cùng gia đình. Vở diễn kể về cuộc chiến chống lại nhóm thợ săn của cô y tá và muôn loài động vật trong khu rừng. Ngoài ra, sân khấu này còn dàn dựng vở “Cây bút thần” mang màu sắc dân gian kết hợp cải lương, tạo nên một không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt cho khán giả nhí. Trong khi đó, sân khấu Quốc Thảo lại đưa thiếu nhi đến thế giới kỳ ảo với vở nhạc kịch “Hành tinh nâu”, mang đến thông điệp về tình yêu thiên nhiên và lòng nhân ái.

Ngoài đề tài, nội dung phong phú để tiếp cận nhiều nhóm khán giả hơn, theo NSND Mỹ Uyên, một yếu tố quan trọng khiến kịch nói năm nay hút khách là nhờ thông điệp nhân văn, tích cực được gửi gắm trong mọi tác phẩm. Dù là một vở đại náo, hài kịch nhưng “Bỗng dưng trúng số” vẫn hướng đến góc nhìn nhân văn, truyền tải thông điệp: khi con người ta chỉ cần biết đủ là hạnh phúc.
Tác phẩm xoay quanh việc ông Tư bỗng dưng trúng số độc đắc. Những tưởng cả nhà sẽ nhờ tấm vé số mà lên đời, thoát khỏi kiếp công nhân nghèo khổ nhưng cuối cùng cả nhà ông Tư gây ra đủ tình huống dở khóc dở cười để rồi mất tất cả chỉ vì không biết sử dụng đồng tiền. Không phải là thọc lét để khán giả cười trong vô nghĩa, không chỉ là hù ma dọa quỷ hay bi lụy sướt mướt, dù vở thuộc thể loại nào cũng khơi dậy những gì “Người” nhất.
Đạo diễn Ái Như - “bà bầu” của những vở bi kịch chia sẻ: “Miễn vở diễn làm tâm hồn họ trong sáng hơn, nhìn cuộc đời trìu mến hơn thì họ sẽ mua vé xem chứ không câu nệ, kiêng cữ gì cả. Khóc xong để thấy đời tươi sáng hơn, trân trọng những khoảnh khắc mà mình có”.
Ông Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng sân khấu TP Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Sự phục hồi ngoạn mục của làng kịch TP Hồ Chí Minh nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025 chứng minh rằng các sân khấu đã và đang nỗ lực đổi mới để dàn dựng những vở diễn chất lượng, phù hợp với thời đại, bắt kịp thị hiếu khán giả.
Các nghệ sĩ đã biết cách cân bằng giữa yếu tố giải trí và giá trị nghệ thuật, mang đến những tác phẩm không chỉ hấp dẫn mà còn có chiều sâu. Việc đổi mới còn là cơ hội để người làm sân khấu thăm dò nhu cầu khán giả, để từ đó tùy theo sở trường của mỗi đơn vị mà xây dựng những kế hoạch dài hơi. Chính kế hoạch đó giúp sân khấu khẳng định bản sắc và luôn đi được đường dài chứ không phải là trò may rủi, được mùa năm này, mất mùa năm sau.