Sân khấu bình thường mới và câu hỏi âu lo cũ

Thứ Bảy, 15/01/2022, 08:22

Sân khấu Sài Gòn chính thức tranh tài đợt 2 của Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, diễn ra từ ngày 3/1 đến ngày 17/1 tại TP. Hồ Chí Minh. Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 được tổ chức trực tiếp tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) với tiêu chí bảo đảm thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Sân khấu Sài Gòn gồm 20 đơn vị nghệ thuật, bắt đầu bước vào Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 kéo dài hai tuần với 26 vở diễn và gần 800 nghệ sĩ, được xem như một bức tranh chủ đạo cho khu vực phía Nam, vì tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các tỉnh ở Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đều không cử được đại diện tham gia. Sân khấu Sài Gòn ứng thí đợt 2 của Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, theo yêu cầu tổ chức riêng của Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 do Hải Phòng đăng cai vào tháng 11/2021 thì sân khấu Sài Gòn chưa thể phục hồi sau đợt giãn cách triền miên.

vo mua bong may.jpg -0
Một cảnh trong vở kịch “Mưa bóng mây”.

Sân khấu Sài Gòn từng được đánh giá là điểm sáng xã hội hóa sàn diễn của cả nước. Dù vài năm gần đây, các tụ điểm tư nhân giảm sút đáng kể, nhưng những thương hiệu như Sân khấu kịch IDECAF, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu kịch 5B... vẫn được công chúng tin cậy. Trong 26 tác phẩm ứng thí Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, có những vở diễn được đầu tư công phu như “Khóc giữa trời xanh”, “Cuộc hành trình tìm bức chân dung”, “Câu hò đất mẹ”, “Công lý như mặt trời”, “Mưa bóng mây”, “Tình lá diêu bông”, “Ngược gió”, “Bao giờ mẹ lấy chồng”, “Sài Gòn có một ngã tư”... Đặc biệt, món quà bất ngờ mà Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi mang đến Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 là vở diễn “Blouse trắng” phản ánh cuộc chiến chống COVID-19 căng thẳng tại đô thị lớn nhất phương Nam thời gian qua. Vở diễn “Blouse trắng” do Miên Thảo viết kịch bản, Nguyễn Hữu Tiến làm đạo diễn và Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu giữ vai trò cố vấn nghệ thuật.

Nếu như các đoàn nghệ thuật do Nhà nước quản lý đặt rất nặng vấn đề giành huy chương để làm cơ sở phong tặng danh hiệu nọ danh hiệu kia, thì sân khấu Sài Gòn lại xem liên hoan kịch nói toàn quốc là dịp kích hoạt tình yêu sân khấu của công chúng. Như tâm sự của nghệ sĩ Quốc Thảo đang làm chủ một sàn diễn mang tên mình: “Tôi quan niệm đêm diễn trong liên hoan chỉ là một đêm diễn cho thành phần khán giả đặc biệt, còn nhiều đêm diễn sau đó để thu hút khán giả mới là quan trọng. Tôi hy vọng liên hoan có thể góp phần vực dậy sân khấu, để các bạn trẻ chú ý thưởng thức loại hình sân khấu kịch nói”. Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 diễn ra vào thời điểm sân khấu Sài Gòn vừa trải qua một giai đoạn ảm đạm nhất. Vì vậy, nhiều tụ điểm kịch nói đem vở mới tham dự để hâm nóng sàn diễn. Mỗi suất diễn được bán ra khoảng 100 vé, để đo lường phản ứng của người xem, từ đó có kế hoạch thích ứng bình thường mới trong những ngày Tết Nhâm Dần 2022.

Một câu hỏi từng được đặt ra tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 1 ở Hải Phòng tháng 11/2021 lại tiếp tục được đặt ra tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 ở TP. Hồ Chí Minh tháng 1/2022, chính là chất lượng văn học khá hạn chế trong các vở diễn. Vì sao càng ngày càng ít nhà văn dự phần sáng tạo cùng giới sân khấu. Bởi lẽ, suốt sự hình thành 100 năm qua của kịch nói Việt Nam, vai trò nhà văn có ý nghĩa rất quan trọng. Vở kịch “Chén thuốc độc” được gọi là “hí kịch lối mới chia làm 3 hồi” do nhà văn Vũ Đình Long (1896-1969) sáng tác, ra mắt lần đầu năm 1921 thực sự tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển của sân khấu Việt Nam. Và suốt theo chiều dài lịch sử, giới nhà văn đã dự phần vào sự thịnh vượng của kịch nói. Thế nhưng, khi kịch nói đứng trước khủng hoảng kịch bản, thì công chúng bỗng ngỡ ngàng nhận ra sự im lặng của các nhà văn.

1 vo kich blouse trang.jpg -0
Vở kịch “Blouse trắng” phản ánh cuộc chiến chống COVID-19.

Văn học có ba thể loại trọng yếu: văn xuôi, thơ và kịch. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng “kịch là thể loại khó nhất trong văn học”. Thực tế đã chứng minh, những tác phẩm tiêu biểu của sân khấu Việt Nam đều từ kịch bản do các nhà văn cung cấp. Sau phát súng hiệu của nhà văn Vũ Đình Long, một tên tuổi khác là nhà văn Vi Huyền Đắc (1899-1976) đã làm dậy sóng sàn diễn với những vở kịch như “Uyên ương” viết năm 1927, “Hai tối tân hôn” viết năm 1929, “Ông Ký Cóp” viết năm 1937, “Lệ Chi Viên” viết năm 1943…

Đã có một giai đoạn, rất nhiều nhà văn xuất sắc tham gia vào thể loại kịch. Thậm chí, không ít nhà văn hoặc nhà thơ từng giữ vai trò chủ chốt trong hoạt động sân khấu như Thế Lữ (1937-1989), Hoàng Cầm (1922- 2010) hoặc Lưu Trọng Lư (1911-1991). Không thể nói khác hơn, chính các nhà văn đã tạo ra phần xương cốt cho mỗi tác phẩm kịch nói. Nếu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) không viết kịch thì sân khấu không thể có các tác phẩm lừng lẫy như “Vũ Như Tô”, “Những người ở lại” hoặc “Lũy hoa”. Nếu nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003) không viết kịch thì sân khấu cũng không thể có những tác phẩm kinh điển như “Rừng trúc”, “Con nai đen” hoặc “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Ở giai đoạn đổi mới, kịch nói cuốn hút công chúng xếp hàng đến rạp cũng nhờ nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948-1988) chuyển sang viết kịch. Cũng thời điểm ấy, còn có những gương mặt nhà văn viết kịch xuất sắc như Xuân Trình (1936-1991), Nguyễn Khắc Phục (1947-2016), Nguyễn Anh Biên (1937- 2019), Xuân Đức (1947-2020).

Còn ở miền Nam thì sao? Rất nhiều nhà văn cũng xem việc viết kịch là một phần của sự nghiệp cá nhân. Trước năm 1975, nhà văn Lý Văn Sâm (1922-2000) có các vở kịch “Người đi không về”, “Trong một ngày vui”, “Nửa mảnh trăng thề”. Sau năm 1975, nhà văn Ngọc Linh (1935 - 2002) có các vở kịch “Đêm khuya về với mẹ”, “Ngôi nhà của chúng ta” hoặc “Vết thương ngày cũ”.

Vài năm gần đây, chỉ còn lác đác vài nhà văn lặng lẽ viết kịch như Nguyễn Hiếu, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Quang Vinh, Bích Ngân… Vì sao như vậy? Các nhà văn quay lưng với kịch nói vì thù lao ít ỏi chăng? Hay chính giới sân khấu không còn muốn dan díu với giới văn chương? Khi đắc cử Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi đề ra hai mục tiêu phải phấn đấu là “phối hợp thường xuyên với Hội Nhà văn Việt Nam để nâng cao chất lượng văn học sân khấu” và “thường xuyên tổ chức các hội thảo tọa đàm về kịch bản văn học”. Đáng tiếc, ý tưởng ấy suốt 2 năm qua, vẫn còn nằm khiêm nhu trên giấy.

Trước đây, Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học đều có ban chuyên môn về kịch. Tuy nhiên, hiện tại dường như cảm thấy công việc ấy nên giao hết cho Hội Sân khấu Việt Nam hoặc Viện Sân khấu nên không ai đoái hoài. Hãy nhớ rằng, dù chỉ bất chợt ghé qua, nhưng nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) vẫn khiến những người yêu kịch rất hào hứng đón nhận.

Đã đến lúc các nhà văn phải quay lại với kịch nói. Bởi lẽ, kịch nói là thể loại xung kích nhất trong đời sống văn hóa. Tiên trách kỷ hậu trách nhân, các nhà văn phải tự nguyện nhận lấy trách nhiệm đóng góp cho kịch nói. Bởi lẽ, văn học là đòn bẩy cho những hoạt động sáng tạo khác và vai trò của nhà văn luôn được đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác tin cậy. Đạo diễn – Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh luôn cho rằng, Bông Sen Vàng mà ông nhận được từ bộ phim “Thị xã trong tầm tay” là giải thưởng ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình, vì “Liên hoan phim năm 1984 ấy, có các giám khảo là những nhà văn hàng đầu đất nước như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận”.

Tuy Hòa
.
.