Sân chơi mới cho điện ảnh Việt vươn mình
Ngày 3/9/2024, bộ phim “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh được xướng tên trong danh sách tranh giải Phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) Venice. Trong 5 năm gần đây, điện ảnh Việt đã có “sân khấu” mới trên trường quốc tế bằng chính những khung hình bàng bạc hơi thở truyền thống, đậm chất Việt.
Sự trở mình mạnh mẽ
Bộ phim “Mưa trên cánh bướm” của Dương Diệu Linh được chọn công chiếu tại LHP Venice 2024 tại Tuần lễ Phê bình quốc tế cùng sáu bộ phim khác tại rạp Sala Perla, Ý trước khi ra mắt tại LHP quốc tế Toronto ngày 10/9. Các phim này đã vượt qua 700 phim đầu tay khác để có tên dự ở Tuần lễ Phê bình quốc tế. Đây là hạng mục chuyên giới thiệu những phim đầu tay và những tài năng điện ảnh mới của điện ảnh thế giới.
“Mưa trên cánh bướm” kể về Tâm, một nội trợ trung niên (Tú Oanh thủ vai) tìm đến thầy bùa online mong chồng quay về khi ông đang ngoại tình. Bộ phim khai thác các chủ đề về tính nữ, truyền thống văn hóa và mối quan hệ gia đình, được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh hài hước, tâm lý và mang yếu tố hiện thực huyền ảo. Bộ phim được các công ty tại Việt Nam, Singapore, Philippines, Indonesia hợp tác sản xuất. Tờ IndieWire khẳng định “"Mưa trên cánh bướm" thật sự rất mê hoặc” và “Dương Diệu Linh đã tạo nên nhiều hình ảnh khó quên trong bộ phim đầu tay, khiến cô trở thành một nhà làm phim tiếp nối thời kỳ bùng nổ của điện ảnh Việt Nam trên quốc tế (sau “Bên trong vỏ kén vàng” và vài phim khác)”.
Gần đây, phim Việt có mặt tại các LHP quốc tế đã không còn là câu chuyện xa lạ. Nhiều nhà làm phim trẻ cũng sẵn sàng thử sức ở sân chơi lớn này. Cuối tháng 5/2023, “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân giành chiến thắng hạng mục Caméra d'Or dành cho phim đầu tay xuất sắc tại LHP Cannes 2023. Tháng 2/2024 “Cu li không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân đoạt giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Berlin, và cũng vừa nhận giải Phim hay nhất hạng mục phim châu Á tại LHP châu Á Đà Nẵng 2024.
Vào năm 2022, “Tro tàn rực rỡ”, tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn “Củi mục trôi về” và “Tro tàn rực rỡ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khắc họa tình yêu và nỗi đau của những người phụ nữ ở vùng đồng bằng Nam Bộ, do Bùi Thạc Chuyên làm đạo diễn, được chọn vào đề cử hạng mục chính thức tại LHP Quốc tế Tokyo, tranh giải cùng 14 phim khác đến từ Nhật Bản, Chile, Kazakhstan, Macedonia, Iran, Lebanon.
Danh sách phim Việt được xướng tên tại các sân chơi quốc tế còn được tiếp nối bằng những tác phẩm như “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy - chiến thắng hạng Phim hay nhất tại LHP quốc tế Busan 2019; “Đêm tối rực rỡ” của Aaron Toronto đạt giải “Câu chuyện xuất sắc nhất” và “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” tại liên hoan phim Santa Fe 2022. Hay “Song Lang” của Leon Lê cũng từng khuấy đảo nền điện ảnh nước nhà với hơn 50 giải thưởng lớn nhỏ. Nhìn rộng hơn, trong khoảng 5 năm gần đây, những bộ phim điện ảnh Việt theo xu hướng làm phim độc lập đã có “sân khấu” mới, nơi sự sáng tạo, văn hóa truyền thống, thiên nhiên, con người xứ sở được tập trung thể hiện trên màn ảnh.
Việt Nam trên màn ảnh
Có thể nói, văn hóa là yếu tố mạnh mẽ thu hút khán giả, đồng thời là công cụ hiệu quả để quảng bá văn hóa, du lịch của mỗi quốc gia. Trên màn ảnh, yếu tố bản sắc Việt không chỉ nằm ở phục trang, bối cảnh, đạo cụ hiển hiện ngay trước mắt người xem. Mà sâu xa hơn, đó phải là tinh thần quê xứ, hồn cốt dân tộc, những đức tính biểu tượng ngàn đời của con người Việt Nam dẫu qua bao luân lạc đổi dời. Chính những điều đó mới thực sự nói lên bản sắc Việt trên màn ảnh.
Bước vào một bộ phim Việt, khán giả sẽ chẳng tìm kiếm hình ảnh về văn hóa, con người của một quốc gia nào khác. Do đó, hành trình khám phá và tôn vinh văn hóa Việt dường như là chiếc kim chỉ nam cho điện ảnh nước nhà có thể tự tin tìm được con đường độc đạo, chinh phục các liên hoan phim, giải thưởng uy tín hay có cơ hội định danh, “xuất khẩu” ra nước ngoài.
Trong khoảng gần 40 bộ phim ra rạp hàng năm, giữa vô số các đề tài thiên về giải trí với yếu tố giật gân, kinh dị, tâm lý xã hội xoay quanh drama gia đình… để đảm bảo tính thương mại thì vẫn có một bộ phận nhà làm phim đi tìm sự khác biệt bằng văn hóa dân tộc. Họ ít nhiều phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro. Để có những góc toàn mướt mắt, đại cảnh kỳ vĩ, bật lên vẻ đẹp thơ mộng, mộc mạc, hoang sơ là sự dụng công đầy thiện chí.
Đó là một phương Nam nghĩa tình với những con người chân chất, những cánh đồng bạt ngàn “Đất rừng phương Nam”, “Lật mặt 5: 48h”, những dòng sông hiền lành cô quạnh chảy trôi những phận đời “Tro tàn rực rỡ”. Là chốn thị thành xô bồ với những sự thật và bi kịch về nạn bạo hành gia đình diễn ra trong bối cảnh đám tang truyền thống “Đêm tối rực rỡ”, với những khu ổ chuột ẩm thấp bám víu bởi những con người nằm ở rìa xã hội “Ròm”. Là phương Bắc hùng vĩ với những bản làng quanh co, khói bếp bảng lảng bay sau từng lớp núi trùng điệp “Chạm vào hạnh phúc”, “Cha cõng con”, “Bên trong vỏ kén vàng”. Là một miền Trung dịu dàng yên ả với làng quê gợi lên bao ký ức tươi đẹp “Mắt biếc”, “Giao lộ 8675”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…”.
Chúng ta có quyền tự hào vì những lát cắt tinh hoa ẩm thực Việt trong “Mùi đu đủ xanh”, “Giấc mơ gỏi cuốn”… Màu sắc bản địa đậm đặc trong “Song Lang”, “Tro tàn rực rỡ”, “Bên trong vỏ kén vàng” hay mới đây là “Mưa trên cánh bướm”… tất cả đã tạo nên nét độc đáo và riêng biệt, thú vị và lôi cuốn để chạm đến những giải thưởng danh giá. Điểm chung của những bộ phim có thể chinh chiến, ghi dấu ấn trên trường quốc tế đều… bàng bạc hơi thở làng thôn, khơi gợi những giá trị nguyên bản của văn hóa, đậm đà chất Việt.
Chinh phục sân khấu quốc tế bằng sự riêng biệt
Nghiễm nhiên điều này chẳng dễ dàng vì những bộ phim tôn vinh các yếu tố bản địa luôn đòi hỏi kinh phí đầu tư, quá trình nghiên cứu dày công kỹ lưỡng, thậm chí đòi hỏi những quyết định mạo hiểm, bền chí kiên trì. Trần Thanh Huy mất 8 năm ròng cho đến khi “Ròm” ra rạp. “Bên trong vỏ kén vàng” kéo dài bốn năm từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành.
Tái hiện những giá trị từng là ngôi đền thiêng của ký ức, các nhà làm phim phải chấp nhận sự đánh giá khắt khe, kỹ tính hơn từ giới chuyên môn lẫn người xem. Những bộ phim điện ảnh theo khuynh hướng độc lập, vì là món ăn kén “thực khách” nên doanh thu phòng vé càng mong manh. Nếu bỏ qua bài toán thương mại thì sẽ không thể xác lập sức ảnh hưởng của một nền điện ảnh. Thế nhưng nói như một số đạo diễn chấp nhận dấn thân rằng, nếu ngại khó mà chùn chân mỏi gối thì chẳng bao giờ có thể chạm được điều rực rỡ nhất trong nghệ thuật. Với nỗ lực và cả sự may mắn, nhiều bộ phim đã tìm được cầu nối đến với thị trường nước ngoài.
Nhịp cầu giao thương để đưa phim Việt đi xa đã có thêm nhiều tín hiệu tích cực. Phần lớn những bộ phim đoạt giải không “đao to búa lớn” với những vấn đề vĩ mô mà đi vào phản ánh, lý giải những câu chuyện đời sống, số phận con người, nhất là những bi kịch con người phải trải qua theo cách đời thường và “con người” nhất. Cùng với cách kể chuyện mới lạ, mang dấu ấn riêng trong từng góc máy, cảnh quay, các đạo diễn trẻ đã có được sự sáng tạo đáng ghi nhận ở đề tài, nội dung mang bản sắc Việt nhưng lại chứa đựng thông điệp chung mà quốc tế quan tâm.
Để có được sự ghi nhận này là cả một hành trình dài nỗ lực không ngừng của các đạo diễn trẻ. Họ cần nhận được sự hỗ trợ của những quỹ đầu tư điện ảnh, có mối quan hệ tốt với mạng lưới làm phim khắp nơi để được đầu tư kinh phí sản xuất, kỹ thuật hậu kỳ đạt chuẩn quốc tế nhằm hoàn thành bộ phim, cũng như tìm được đầu ra, giúp phim đến được các LHP quốc tế, chiếu thương mại ở nhiều nước.
Có thể nói đây chính là thời điểm vàng của điện ảnh Việt khi xuất hiện một thế hệ đạo diễn trẻ tài năng, miệt mài sáng tạo, đam mê làm nghề. Nếu có được bệ đỡ tốt, những nhân tố mới của điện ảnh Việt sẽ còn có cơ hội phát triển, vươn xa. Chúng ta cần kiên trì định danh “chất Việt” cho nền điện ảnh, bằng những khung hình đẹp tựa áng thơ, bâng khuâng xáo động khán giả trong và ngoài nước bởi câu chuyện văn hóa độc bản.