Rủ nhau đi “nghe” kịch
Nghe chứ không phải xem. Đến địa điểm biển diễn, khán giả sẽ ngạc nhiên khi chẳng thấy sân khấu nào cả, diễn viên cũng không. Giấu mình trên gác lửng, giọng nói, tiếng cười, tiếng khóc của diễn viên vang lên, thủ thỉ họa nên chuyện đời từ những tác phẩm văn học. Hình thức mới mẻ này được gọi là kịch đọc.
Sân khấu Hồng Hạc, TP Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong thử nghiệm kịch đọc bên cạnh định dạng kịch nói truyền thống. Tối 4/6, sân khấu này công diễn số kịch đọc đầu tiên với vở “Thiên Thiên”. Là người khởi xướng dự án, đạo diễn Việt Linh cho biết: “Kịch đọc gần giống kịch truyền thanh hay kể chuyện đêm khuya nhưng kịch đọc lôi cuốn hơn nhờ sự công phu và kịch tính khi các diễn viên trực tiếp thủ vai tại chỗ, kết hợp các hiệu ứng âm thanh, âm nhạc, ánh sáng… Thay vì xem kịch, khán giả sẽ nghe và cảm, có thể tưởng tượng 100% nội dung kịch theo cảm xúc cá nhân, không bị áp đặt bởi phần nhìn như sân khấu truyền thống. Hầu hết nội dung kịch đọc dựa trên văn học nên rất thích hợp cho những ai yêu văn chương, thích chiêm nghiệm. Đây là cơ hội để các tâm hồn nghệ thuật tự do dung tưởng văn học qua âm thanh sống động, chân thực”.
Theo đạo diễn Việt Linh, kịch đọc khá phổ biến trên thế giới, nhất là ở châu Âu. Hồi sang Pháp, bà đã nhiều lần được thưởng thức kịch đọc ở các sân khấu lớn cũng như khuôn viên nhà bạn bè, đồng nghiệp. Ở nước ta, đây vẫn là loại hình xa lạ. Mong muốn công chúng có thêm một cách thưởng thức mới mẻ, giàu rung cảm và bay bổng trí tưởng tượng, bà ấp ủ việc đưa kịch đọc vào Việt Nam đã lâu nhưng đến thời điểm này mới đủ điều kiện thực hiện.
Mở màn với vở “Thiên Thiên” - tác phẩm từng gây tiếng vang bằng định dạng sân khấu kịch nói năm 2014, ekip thực hiện kịch đọc vô cùng hồi hộp. Họ không biết phản ứng của khán giả khi đón nhận “đứa con” quen thuộc trong hình hài mới sẽ như thế nào. Kịch bản “Thiên Thiên” do đạo diễn Việt Linh xây dựng từ hai truyện ngắn “Hạnh phúc là cùng” của Vũ Hồi Nguyên và “Xoa” của Tăng Song Nam. Vở kịch dùng thủ pháp “chuyện lồng trong chuyện” để tái hiện những mảnh vỡ cuộc đời xoay quanh Thiên Thiên - người phụ nữ bất hạnh và cô độc làm nghề xếp hạc giấy, kiêm công việc chuyên nghe người lạ tâm sự nỗi niềm riêng.
Mỗi “khách hàng” tìm đến Thiên Thiên mang một số phận, một nỗi niềm như cái tên phiếm chỉ của họ. Đó là bà Si, ông Teng Beng, ông Trầm Luân, cô gái trẻ, ông bố, cô giúp việc, ông chủ… Họ là kẻ lụy vì tình, ham mê tiền bạc hay kẻ cơ hội, hám danh, một người trẻ vô cảm vì thiếu đi sự quan tâm của gia đình… Họ kể, họ cười, họ khóc trước mặt Thiên Thiên. Hơn hết, Thiên Thiên là người lắng nghe chân tình, đầy an ủi để lòng họ bớt chênh chao. Muôn mặt đời sống với đủ khoảng sáng tối đan xen như chính câu chuyện đời, để khán giả tìm thấy chính mình trong những nhân vật tưởng chừng như kỳ lạ ấy.
Tác phẩm có sự góp giọng của các diễn viên: Võ Minh Lâm, Lê Chi Na, Đinh Mạnh Phúc, Bảo Kun, Như Yến, Hoàng Trung Anh, Yến Nhi, Bảo Ngân, Cẩm Tiên… Cũng như cách đây 10 năm, lần đưa “Thiên Thiên” trở lại với định dạng kịch đọc, đạo diễn Việt Linh vẫn là người cầm trịch. Không chỉ vậy, bà còn khiến khán giả ngạc nhiên khi đảm nhiệm luôn khâu tạo hiệu ứng âm thanh, tiếng động và thủ vai chính Thiên Thiên - linh hồn của tác phẩm. Bà chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đóng vai bằng giọng nói của mình. Kể từ khi du học ở Nga về thì tôi không còn đóng vai gì trên sân khấu hết, chỉ toàn chỉ đạo diễn xuất thôi. Dựng lại vở này, do chưa kịp tìm diễn viên phù hợp đóng vai Thiên Thiên, phần nữa tôi thấy mình hiểu sâu tinh thần vở kịch nên mạnh dạn vào vai chính”.
Dưới định dạng kịch đọc, vở kịch nói quen thuộc “Thiên Thiên” như được khoác lớp áo mới. Trong không gian quán cà phê nho nhỏ và ấm áp, không còn nhìn thấy hình ảnh hay hành động, biểu cảm của diễn viên dưới ánh đèn sân khấu, mọi cảm xúc, suy tưởng của thính giả được chìm đắm trong giọng thoại của diễn viên, trong tiếng cười, tiếng nức nở, bằng âm nhạc hay ánh sáng nửa hư nửa thực… Thính giả khép mắt lắng nghe thế giới nội tâm rộng mở bên trong của chính mình. Hình thức kịch đọc cũng đặt ra nhiều quy định để việc thưởng thức tác phẩm được trọn vẹn nhất. Khán giả phải đến đúng giờ. Nếu trễ coi như đành lỡ hẹn. Để dòng âm thanh dù là nhỏ nhất cũng chạm đến cõi lòng thính giả, công chúng phải giữ cho không gian hoàn toàn im ắng.
Hiểu rõ đây là loại kịch không dành cho đám đông nên buổi khai trương của sân khấu Hồng Hạc vẫn mang tính chất thăm dò, thử nghiệm. Khán phòng giới hạn 50 khán giả vậy mà trước đó ekip vẫn lo ế vé. Thực tế, khán phòng nhanh chóng được lấp đầy. Nhiều người muốn mua vé vào trải nghiệm cũng đành phải ra về. Sau buổi biểu diễn, đạo diễn Việt Linh cùng dàn diễn viên mới ra chào và có phần giao lưu để khán giả hiểu thêm về tác phẩm cũng như kịch đọc.
NSƯT Võ Minh Lâm (thủ vai ông Trầm Luân) cho hay so với hình thức sân khấu thông thường, kịch đọc khiến anh và các bạn diễn toát mồ hôi hột. “Tụi tôi áp lực dữ lắm vì thấy kịch đọc khó quá. Lúc này, mọi lợi thế về ngoại hình, phục trang bắt mắt, các kỹ thuật sân khấu bổ trợ thu hút người xem đều phải giấu hết. Chỉ còn mỗi giọng thoại, phải làm sao dồn hết “công lực” để phát huy cao nhất chất giọng, nói tròn vành rõ chữ mà thật diễn cảm, tâm lý để người nghe hình dung được nhân vật trọn vẹn nhất. Chưa kể đọc kịch phải hết sức tập trung, lơ là chút là dễ nhìn chạy hàng chữ, đọc sai hay hơi ấp úng là đứt mạch cảm xúc ngay”.
Là thính giả trải nghiệm buổi công diễn đầu tiên, ca sĩ Tấn Sơn chia sẻ: “Tôi từng được chị Việt Linh tỉ tê vài lần về kịch đọc nhưng vẫn chưa hiểu lắm cho đến khi tận "tai" thưởng thức thì mới thấy sự thú vị, khác lạ của nó. Khi không xem gì cả, khi không có yếu tố "hình" thì bỗng dưng "tiếng" đi vào tai ra một cách lạ kỳ, khó tả, đôi khi như lạc vào một cõi xa xôi nào đó của câu chuyện”. Cũng lần đầu đi nghe kịch đọc, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Phúc Tiến cho hay loại hình này giúp cảm xúc của mình thăng hoa và đầu óc giàu chiêm nghiệm hơn so với các loại hình khác. Ông xuýt xoa: “Hóa ra, “kịch đọc” đúng là "kịch độc". Độc đáo và độc nhất - ở Việt Nam chưa ai làm. Chuyện kịch “Thiên Thiên” đa dạng, đa sắc, đau buồn chứ không phải loại chuyện kịch vui vui thường thấy nhưng vẫn thu hút nhiều người xem. Ánh đèn mê hoặc chuyển theo từng màn kịch. Không gian thiết kế cũng đầy tính kịch và điện ảnh”.
Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả tiếp thêm động lực để sân khấu Hồng Hạc tiếp tục cuộc chơi với kịch đọc. Chương trình kịch đọc của sân khấu Hồng Hạc sẽ diễn định kỳ vào tối thứ ba giữa tháng và cuối tháng. Ngày 18/6, vở kịch đọc thứ hai mang tên “Visa” sẽ ra mắt công chúng. Kịch bản được lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Hải Miên.
Theo đuổi hình thức trình diễn mới mẻ nhưng gọn nhẹ này, đạo diễn Việt Linh hy vọng kịch đọc có thể áp dụng linh hoạt ở nhiều không gian khác nhau như trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hoạt động ở các câu lạc bộ, thậm chí là ở các gia đình… Với những đặc trưng nổi bật, kịch đọc được kỳ vọng sẽ là một cú hích cho văn hóa đọc. Việc chọn các tác phẩm văn học đặc sắc để thể hiện giúp kịch đọc dễ dàng đưa khán giả đến gần khám phá và cảm nhận nét đẹp văn chương. Từ đó giúp công chúng, đặc biệt là giới trẻ, yêu thêm các áng văn, trân quý giá trị tinh túy mà văn chương mang lại.