Remake phim Việt tại sao không?

Thứ Năm, 16/12/2021, 14:41

Nhắc tới thể loại remake, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bộ phim Việt làm lại kịch bản ăn khách của nước ngoài. Chẳng ai dám nghĩ đến một ngày, kịch bản phim Việt cũng sẽ được các nhà sản xuất trong nước để mắt đến và remake trong hình hài mới. Bây giờ, ngày ấy đã tới...

Ở Việt Nam, khán giả lâu nay vẫn mặc định phim remake là những bộ phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Không khó hiểu cho mặc định đó khi nhiều năm qua, dòng remake của chúng ta đều là những phim làm lại kịch bản của Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… Ở địa hạt phim điện ảnh thì có loạt phim hút khách như: “Em là bà nội của anh” (làm lại từ kịch bản phim “Miss Granny” của Hàn Quốc), “Tháng năm rực rỡ” (remake phim “Sunny”, Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (phim “ATM” của Thái Lan), “Ông ngoại tuổi 30”, “Sắc đẹp ngàn cân”, “Tiệc trăng máu”… Dòng phim truyền hình cũng không kém cạnh. Có thể kể đến vô số bộ phim “mượn” kịch bản xứ người đã làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ thời gian qua như: “Người phán xử”, “Cây táo nở hoa” , “Hương vị tình thân”, “Gạo nếp gạo tẻ”…  

1 nu hon than chet.jpg -0
Phim “Nụ hôn thần chết” sẽ có bản remake hiện đại hơn trong thời gian tới. 

Theo giới chuyên môn, hiểu một cách thấu đáo thì phim remake là phim sử dụng kịch bản của một phim đã ra đời trước đó làm nguồn chất liệu chính. Phim remake thường sử dụng hẳn cả cốt truyện và nhân vật của phim cũ, chỉ sửa đổi một số tình tiết hay thay đổi cách thể hiện. Mục đích của remake là cải thiện chất lượng hoặc thay đổi cách thể hiện của phiên bản cũ cho hợp với văn hóa, thị trường hay xu hướng thời đại. Do đó, việc phim Việt remake phim Việt không có gì là trái khoáy, ngược đời. Nhìn sang nền điện ảnh Trung Quốc, dễ dàng nhận ra kiểu remake “ta về ta tắm áo ta” này. Các bộ phim nổi tiếng, nhất là ở dòng cổ trang như “Tây du ký”, “Hồng lâu mộng”, “Ỷ thiên đồ long ý”, “Bến Thượng Hải”, “Anh hùng xạ điêu”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”… đều đếm không xuể bản remake trong nước. Cá biệt, có phim sở hữu đến gần chục bản làm lại như “Tây du ký”, “Tam quốc diễn nghĩa”… Để phân biệt các bản phim, người ta phải đánh số năm ra đời ngay sau tên tác phẩm, ví dụ: “Tây du ký” bản năm 1986, “Tây du ký” - 2000, “Tây du ký” - 2009, “Tây du ký” - 2011… Dù khán giả đã thuộc làu làu cốt truyện nhưng dường như xu hướng remake những phim cũ nổi tiếng trong nước vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại với điện ảnh xứ Trung.

Cách remake phim nội của điện ảnh Trung Quốc đang tạo niềm cảm hứng để các nhà làm phim Việt Nam học hỏi. Trong buổi tọa đàm trực tuyến xoay quanh chủ đề “Phim remake: Từ mô phỏng đến sáng tạo” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiết lộ hiện anh đang chuẩn bị remake bộ phim truyền hình đình đám “Đất phương Nam” bằng phiên bản điện ảnh. Phim điện ảnh “Nụ hôn thần chết” của anh ra mắt năm 2008 cũng đã có nhà sản xuất chọn lựa để remake sang một phiên bản khác hiện đại hơn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì cho hay, anh chọn  phim “Thằng Bờm” và “Số đỏ” để thể hiện lại trong thời gian tới. 

Những kế hoạch của hai đạo diễn “trăm tỷ” khiến khán giả yêu điện ảnh không khỏi bất ngờ. Bởi ai cũng biết rằng, kho kịch bản nội địa của phim Việt vô cùng thiếu và yếu. Thực trạng thiếu kịch bản đến nay vẫn chưa được cải thiện, thậm chí càng xuống dốc khi đại dịch COVID - 19 làm nền điện ảnh kiệt quệ. Chính vì thiếu kịch bản trầm trọng, giới làm phim mới tìm đến thể loại remake. Anh chỉ việc mua lại kịch bản phim ăn khách của nước ngoài là tha hồ Việt hóa.

2 dat phuong nam.jpg -0
Phim “Đất phương Nam” được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chọn làm phim remake.

Chia sẻ lý do chọn phim Việt để remake, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để bắt tay remake các bộ phim Việt Nam ghi dấu ấn một thời. “Khi thị trường điện ảnh ngày càng phát triển và mở rộng thì cần đến những hướng làm phim khác nhau để phục vụ nhiều đối tượng hơn. Remake phim Việt sẽ là hướng đi tất yếu trong tương lai. Trước đây, việc remake phim Việt Nam rất khó vì khâu tìm nguồn để trả bản quyền cho tác phẩm cũ rất khó khăn. Bây giờ thì đã có những đơn vị, đại diện để mình trả bản quyền. Điều đó giúp mở cánh cửa cho những người có nhu cầu remake phim nội và tạo cơ hội tận thu cho “cha đẻ” tác phẩm gốc” - anh phân tích.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chọn “Thằng Bờm” (1987) và “Số đỏ” để remake vì nhận thấy các vấn đề được nêu trong hai bộ phim này vẫn nóng hổi, phù hợp với cuộc sống đương đại hôm nay. Anh tâm sự: “Kho tàng phim Việt Nam ngày xưa có một số phim có thể remake. Nhưng thú thật, khi tôi lựa chọn một bộ phim để remake thì nó tùy thuộc thị hiếu khán giả. Thông thường, người ta remake vì hai lý do. Thứ nhất, tác phẩm gốc hấp dẫn số đông khán giả. Thứ hai, đạo diễn có hứng thú với phim cũ đó. Giới đạo diễn như chúng tôi cũng chưa tìm thấy chìa khóa để làm lại tác phẩm ngày xưa cho nó phù hợp với thị trường hiện tại. Thành ra phải chờ một đạo diễn nào đó có hứng thú với phim cũ thì mới có phim remake như thế ra đời”.

Cả hai đạo diễn đều nhận định rằng, với thị trường điện ảnh phát triển như hiện nay, khán giả chẳng mấy quan tâm phim này là phim remake hay không remake mà họ chỉ quan tâm đến chất lượng của nó. Phim có đáng xem hay không, đem lại cho mình cảm xúc ra sao và mình nhận được thông điệp gì từ bộ phim đó? Đích đến với người làm phim cũng chỉ là mang đến bộ phim hay cho khán giả. Với giới biên kịch, khi remake những bộ phim tốt, họ học hỏi được nhiều điều hay vì làm việc trên nền một kịch bản tốt.

Phải công nhận rằng phim remake đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và dần dỡ bỏ định kiến của khán giả bằng những tác phẩm chất lượng. Nó không còn là kiểu làm phim “ăn sẵn”, “ăn theo” mà có sự đầu tư và sáng tạo rất cao. Giải Oscar và các giải thưởng điện ảnh trong nước đều có hạng mục vinh danh phim remake như một sự ghi nhận xứng đáng cho những người theo đuổi thể loại này. Mới đây, “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được vinh danh ở giải thưởng “Ngôi sao xanh” và “We choice”. Tiến sĩ Lý luận điện ảnh Đào Lê Na cho biết không ít phim remake trở thành kinh điển trên thế giới. Ở Việt Nam, nhiều bản remake còn có sức hút vượt hẳn bản gốc. Đơn cử như “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được người Hàn khen trội hơn nguyên tác. Khi ra mắt ở Nhật Bản, khán giả Nhật rất thích thú và phát hành hẳn đĩa riêng dành cho “Em là bà nội của anh” dù Nhật Bản cũng có bản remake phim “Miss Granny” của Hàn Quốc. Càng đáng mừng hơn nữa khi một bộ phim được thu băng đĩa là khá hiếm hoi với nền điện ảnh Nhật.

Sự “mát tay” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khi quay phim remake làm lại từ kịch bản nước ngoài đã khiến khán giả đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuỗi dự án remake phim Việt xưa của họ. Hai đạo diễn đều không quan trọng chuyện kịch bản mới hay cũ mà họ hướng đến giá trị của phiên bản mới với tâm huyết: Bản mới sẽ tiến xa hơn bản gốc. Khán giả vô cùng hào hứng và ngóng chờ phiên bản remake của những bộ phim Việt đình đám một thời sẽ được thể hiện như thế nào dưới bàn tay của đạo diễn “trăm tỷ”.

Không dừng lại ở đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn nuôi mơ ước xa hơn: “Biết đâu một ngày, nếu biên kịch Việt Nam có kịch bản hay thì các bộ phim Việt Nam sẽ được chính các nhà làm phim nước ngoài remake lại. Đó không phải là ước mơ xa xôi gì vì thử nhìn sang điện ảnh Nhật Bản, Hàn Quốc mà xem. Họ từng “cắp cặp” đi học Hollywood, và giờ đây phim của họ được cả thế giới remake lại”.

Phan Thi Uyên
.
.