Rầm rộ tìm kiếm nhóm nhạc, rồi sao nữa?

Thứ Ba, 01/04/2025, 16:15

Vừa mới khởi động, chương trình truyền hình thực tế “Tân binh toàn năng” đã gây sốt với dàn cố vấn chuyên môn đến từ nước ngoài. Chương trình được kỳ vọng là bệ phóng cho những nhóm nhạc thế hệ mới, không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn đủ sức cạnh tranh với nhóm nhạc quốc tế. Nhưng liệu nhà sản xuất có mơ quá xa để rồi đi vào vết xe đổ của chương trình tìm kiếm nhóm nhạc trước đây?

“Tân binh toàn năng” được coi là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên ở Việt Nam tìm kiếm gương mặt nghệ sĩ mới toanh, sở hữu tài năng đa dạng từ hát, rap đến sáng tác, vũ đạo, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng trình diễn, ứng biến trên sân khấu… để thành lập nên một nhóm nhạc nam đúng chuẩn quốc tế. Áp dụng thể thức thi đấu và loại trực tiếp, 30 tân binh không chỉ đối đầu với nhau mà còn phải vượt qua những nhóm nhạc quốc tế để được lựa chọn vào nhóm nhạc mới. Ban tổ chức cho biết đây không chỉ là một cuộc thi, mà còn là hành trình đào tạo bài bản, khắc nghiệt, giúp các thí sinh hoàn thiện từ giọng hát, vũ đạo đến phong cách trình diễn, khả năng sáng tác và bản lĩnh sân khấu.

1 nhom the he moi.jpg -0
Nhóm “Thế Hệ Mới” mất hút khỏi showbiz sau đêm chung kết “Vote for five”.

Dù mới khởi động vòng tuyển chọn (tại TP Hồ Chí Minh ngày 15 và 16/3, tại Đà Nẵng ngày 28/3, tại Hà Nội ngày 29 và 30/3) nhưng cuộc thi thu hút hàng nghìn thí sinh và gây “bão” khi công bố vị trí giám đốc đào tạo và huấn luyện viên thanh nhạc. Ekip chương trình “chơi lớn” khi mời Hyuk Shin - nhà sản xuất được mệnh danh là “phù thủy tạo hit”, đứng sau hàng loạt bản hit của các nghệ sĩ quốc tế đình đám toàn cầu như Justin Bieber, EXO, SHINee, Dean, NCT, Super Junior… - làm giám đốc đào tạo và phát triển chương trình.

“Với kinh nghiệm dày dặn trong việc sản xuất các bản hit K-pop và quốc tế, Hyuk Shin sẽ đồng hành với ban tổ chức xây dựng lộ trình đào tạo nghiêm ngặt, kỷ luật, nhằm tạo ra những nghệ sĩ trẻ toàn năng có tri thức và bản lĩnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường âm nhạc thế giới" - đơn vị sản xuất chương trình khẳng định.

Không dừng lại ở đó, vị trí huấn luyện viên thanh nhạc cũng do bộ đôi quyền lực người Hàn Quốc Jinyoung Jang và Sungpil Kim đảm nhận. Những nghệ sĩ quốc tế sẽ cùng ba nghệ sĩ Việt Nam gồm Tóc Tiên, Soobin và Kay Trần dẫn dắt, huấn luyện 30 thí sinh. Bắt tay với nghệ sĩ ngoại quốc cho thấy tham vọng rất lớn của nhà sản xuất trong việc tạo ra một nhóm nhạc nam chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.

Việc ban tổ chức khuyến khích khán giả tìm kiếm và giới thiệu các ứng viên tiềm năng cho “Tân binh toàn năng” càng khiến chương trình được chú ý. Chiêu thức tuyển sinh mới lạ này giúp nhà sản xuất phát hiện nhiều nhân tố sáng giá, không bỏ lỡ tài năng trẻ, đồng thời đảm bảo hồ sơ thí sinh được trong sạch, không vướng bê bối. Từ đó tạo nên một nhóm nhạc thần tượng bám sát thị hiếu công chúng.

Kỳ vọng là vậy nhưng không phải giấc mơ nào cũng dễ dàng trở thành hiện thực. Hơn một thập kỷ qua, thị trường âm nhạc Việt Nam không ngừng nỗ lực tìm kiếm, đào tạo và lăng xê các nhóm nhạc thần tượng được nhào nặn theo mô hình quốc tế. Công ty của ca sĩ Đông Nhi, diễn viên - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, ca - nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ… không ngừng cho ra đời các nhóm nhạc được đào tạo theo mô hình nước ngoài, nổi bật nhất là mô hình K-pop. Lime, LipB, 365 DaBand, D1Verse, Zero9, T.A.S, Uni5, Monstar… là những nhóm nhạc Việt điển hình đi theo mô hình đào tạo của xứ sở kim chi. Song các nhóm chỉ tồn tại được một thời gian ngắn thì tan đàn xẻ nghé.

Với kiểu tìm kiếm, đào tạo nhóm nhạc bằng chương trình truyền hình thực tế, chúng ta từng có “Vote for five” năm 2022. Đây cũng là chương trình đấu loại theo kiểu “sống còn” và trao quyền lựa chọn cho khán giả để tìm ra sáu gương mặt mới xuất sắc nhất cho nhóm nhạc nam mang tên Thế Hệ Mới. Nhóm nhạc sở hữu đầy đủ kỹ năng hát, rap, nhảy, sản xuất âm nhạc. Thế nhưng, dù không mang tham vọng vươn tầm quốc tế mà chỉ đặt mục tiêu chinh phục thị trường trong nước, sáu thành viên Alex Dương, Gusty, Jayden, Cường Bạch, Jiroh và Jbin của nhóm Thế Hệ Mới cũng không thể để lại dấu ấn.

Đại diện nhóm từng thể hiện quyết tâm: “Ngoài vấn đề chuyên môn âm nhạc, nhóm còn tìm hiểu kỹ thị trường, thị hiếu khán giả. Trước sự bão hòa của thị trường và sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, điều nhóm cần làm là chọn hướng đi phù hợp, có sự khác biệt và tạo ra những sản phẩm chất lượng”. Nhưng đã ba năm trôi qua, cái tên của nhóm vẫn xa lạ với nhạc Việt bởi không có một tác phẩm nào nổi bật.

Ngay cả nhóm nhạc của loạt nghệ sĩ đã có tên tuổi, bước ra từ gameshow “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng”, “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng không khiến công chúng yên tâm về lời hứa hoạt động đường dài. Nếu phía “chị đẹp” có nhóm Lunas (gồm các thành viên Ninh Dương Lan Ngọc, Diệp Lâm Anh, Khổng Tú Quỳnh, Trang Pháp, Huyền Baby), nhóm VibeQueens (gồm Lưu Hương Giang và Phương Vy) thì phía “anh trai” có nhóm Mopius (gồm 4 thành viên Quang Hùng MasterD, Dương Domic, Hurrykng và Jsol), Best Five (Hiếu Thứ Hai, Isaac, Rhyder, Đức Phúc và Quang Hùng MasterD), B.O.F (Jun Phạm, S.T Sơn Thạch, BB Trần, Kay Trần và Bùi Công Nam).

Khán giả từng kỳ vọng những chương trình này sẽ đem đến một làn gió mới, khi quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng với phong cách đa dạng. Nhưng rồi, những nhóm nhạc kiểu này lại bị liệt vào top “nhóm nhạc một bài" bởi họ chỉ phát hành một ca khúc chào sân rồi sau đó “lặn mất tăm" như nhóm Lunas với bài “Moonlight” hay nhóm B.O.F với bài “Tết đỉnh nóc”. Các thành viên đều đã thành danh và có lịch hoạt động riêng nên việc sắp xếp để luyện tập, biểu diễn cùng nhau rất khó.

Không thể phủ nhận, các cuộc thi tìm kiếm nhóm nhạc đã mang đến những giọng ca triển vọng, những màn trình diễn mãn nhãn và cả những câu chuyện đầy cảm xúc. Khán giả Việt từng không ít lần hào hứng đón chờ sự xuất hiện của những nhóm nhạc tân binh sáng giá. Thế nhưng sau những màn ra mắt hoành tráng, phần lớn các nhóm nhạc này đều biến mất trong im lặng, chỉ để lại chút dư âm nhạt nhòa. Lần này, với “Tân binh toàn năng”, dù nhà sản xuất “chịu chi” với tham vọng khá lớn nhưng những cú vấp trước đây khiến công chúng trở nên e dè về tương lai nhómngay sau khi chương trình khép lại.

2 giam doc dao tao.jpg -1
Chương trình “Tân binh toàn năng” gây chú ý khi mời “phù thủy tạo hit” Hyuk Shin làm giám đốc đào tạo.

Phân tích nguyên nhân thất bại của nhóm nhạc Việt, nhạc sĩ Hoài Sa - người từng ngồi ghế nóng trong các cuộc thi, liên hoan tìm kiếm nhóm nhạc thẳng thắn cho rằng: “Từ các cuộc thi, các nhóm nhạc chất lượng được phát hiện là điều rất đáng vui mừng. Nhưng việc anh có thành danh hay không sau một cuộc thi là điều không ai dám hứa chắc, ngay cả ban tổ chức. Không phải chúng ta đoạt giải trong một cuộc thi là chúng ta có ngay tờ giấy bảo chứng rằng: mình sẽ tồn tại được với nghề, sẽ thành công trong thị trường âm nhạc, vì thị trường âm nhạc rất khắc nghiệt”.

Trong khi các thị trường âm nhạc lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc có những hệ thống đào tạo bài bản, chặt chẽ, giúp các nhóm nhạc có đủ thời gian rèn luyện và định hình phong cách, thì ở Việt Nam, việc tạo ra một nhóm nhạc lại diễn ra quá vội vàng trong hai, ba tháng. Khâu tuyển chọn và thi thố có thể khắt khe, nhưng sau khi đội hình được công bố, những nhóm nhạc này lại bị “đem con bỏ chợ”, thiếu một hệ thống hỗ trợ chuyên nghiệp, không có công ty quản lý đủ mạnh đứng sau để đầu tư chiến lược phát triển dài hơi.

Thậm chí, ngay cả những cái tên được đánh giá cao sau các cuộc thi cũng nhanh chóng rơi vào trạng thái "đóng băng" hoặc tan rã. Điều này cho thấy một thực tế phũ phàng rằng, dù có tài năng và xuất phát từ một cuộc thi lớn, nhưng nếu không có sự đầu tư dài hơi, các nhóm nhạc Việt vẫn rất khó tồn tại. Thành ra các cuộc thi chỉ mang tính biểu dương và ghi nhận tài năng, chứ không phải một bệ phóng đúng nghĩa giúp nhóm nhạc có điều kiện hoạt động chuyên nghiệp như ca sĩ solo.

Dù các nhóm nhạc tồn tại ngắn ngủi, các cuộc thi tìm kiếm vẫn liên tục ra đời vì nhiều lý do. Trước hết, đây là một hướng đi mang lại hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. Các chương trình này tạo ra nội dung giải trí hấp dẫn, thu hút lượng lớn người xem, từ đó mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất qua quảng cáo, tài trợ. Bên cạnh đó, thị trường luôn có sẵn nguồn thí sinh trẻ tài năng mong muốn theo đuổi đam mê, khiến các chương trình này không bao giờ thiếu nhân tố mới. Thế nên việc tìm kiếm cứ tìm kiếm, còn sau đó thí sinh có trở thành “thần tượng toàn cầu” như ban tổ chức hô hào hay không thì đó là chuyện về sau.

Phan Thi Uyên
.
.