Quý bà, quý cô, Quý Mão

Thứ Năm, 05/01/2023, 07:51

Vì sao quý bà?. Trong một cuộc giao lưu văn chương tại Thủ đô cách nay chừng hơn mười năm, MC (cây nhà lá vườn) giới thiệu với cử tọa: “Trân trọng giới thiệu quý bà Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương lên phát biểu ý kiến”. Dạo đó vào mùa đông. Tôi nhìn thấy một người phụ nữ trông rất vượng khí, với bộ khoác ngoài lịch sự màu đen, sang trọng và có phần bí ẩn, bước lên sân khấu.

Chị nói về vấn đề “Văn hóa như nền tảng căn bản của văn học nghệ thuật”. Thật lưu loát, như thể trong đầu có sẵn, không cần “phao”. Chị nói và dừng đúng giờ quy định của ban tổ chức sự kiện, mỗi người không quá 15 phút. Tôi nghĩ thầm, người này trước chắc làm nghề dạy học có kinh nghiệm đứng lớp, nên không bị cháy giáo án.

Trong lúc giải lao, làm quen mới biết trước chị dạy văn ở trường THPT (Hạ Long, Quảng Ninh, đến 14 năm). Khi tôi nói ra cái phỏng đoán của mình, chị có vẻ ngạc nhiên hỏi lại: “Sao anh biết trước em làm nghề dạy học?”. Tôi nói: “Tôi làm nghề dạy học có thâm niên nên nhìn đồng nghiệp là biết ngay!”. Thế rồi quen nhau. Nhưng dẫu sao Lê Thị Bích Hồng vẫn là xa với tôi.

nguyen-duc-nguyen-tu-trai-giam-den-trai-sang-tac-van-hoc-32-.jpg -0
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng cùng các bạn văn tại Nhà xuất bản CAND.

Mùa hè 2012, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Trại viết phê bình văn học (tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Tôi và chị đều được mời tham gia. Rồi quen và thân nhau từ dạo đó, sau khi đã từ xa đến gần. Năm 2015, nhân sự kiện Ban Nhà văn nữ (Hội Nhà văn Việt Nam) xuất bản bộ sách “Phái đẹp, cuộc đời & cây bút” (3 tập, hơn 1500 trang, NXB Hội Nhà văn, 2015), tôi có viết tặng chị bài “Lê Thị Bích Hồng - xa và gần”. Chị nói thích bài viết của tôi vì đã “đọc vị” chính xác và tinh tế đối tượng.

Cháy đến giọt cuối cùng? Nhà văn Lê Thị Bích Hồng tuổi Quý Mão (1963, sinh vào mùa hè). Quê cha ở Thừa Thiên - Huế, quê mẹ ở Bắc Ninh. Thảo nào, làm văn chương là phải, như là sự lựa chọn của số phận, cũng vì được hun đúc từ nguyên khí của bố và mẹ, đều là người của vùng địa linh nhân kiệt (“Văn chương nết đất, thông minh tính trời”, Nguyễn Du - "Truyện Kiều"). Tuổi Mão, mệnh Mộc nên làm nghệ thuật là đúng từ đầu đường đời, đường văn. Tuổi Mão là người sống duy tình, càng đúng. Tuổi Mão lại sinh vào mùa Hè như chị, nên không lạnh lùng, đóng băng. Lúc nào cũng hào phóng, hào sảng, hào hiệp cả trong sống và viết.

Sau này khi đã hiểu bạn văn nhiều tôi thấy càng quý mến chị - con người của nói và làm, của tình cảm và ý chí, của việc công và việc tư, phân minh rành rẽ, bên nào cũng đầy tròn. Người ta nói, nữ nhi thường tình. Nhưng tôi thấy nhà văn là nữ nhi nhưng ...không thường tình. Ai biết thì nể trọng quý cô Lê Thị Bích Hồng. Lúc nào cũng như một Hỏa Diệm Sơn. Danh hiệu nhà văn, với Lê Thị Bích Hồng, hàm cả nghĩa sáng tác và viết nghiên cứu/lý luận/phê bình (như bạn bè trong văn giới nói vui, người này có tài “hai tay hai súng”).

Chị say mê sáng tác văn xuôi (các tập truyện, ký: “Vệ đê trong đêm trăng”, “Nơi ấy là Trường Sa”, “Đợi nhau ở Khau Vai”). Nhưng văn giới đánh giá cao cây bút nữ này lại chính qua những cuốn sách thể hiện sở trường: “Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” (chuyên luận), “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (tiểu luận - phê bình), “Những người tự đục đá kê cao quê hương” (nghiên cứu - phê bình), “Bản sắc văn hóa Tày trong tản văn Y Phương” (lý luận - phê bình), “Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - Truyền thống và hiện đại” (nghiên cứu), “Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo” (lý luận - phê bình), “Hoa chuối đỏ miền rừng Phja Bjoóc” (nghiên cứu - phê bình), “Y Phương - Sáng tạo văn chương từ cội nguồn” (lý luận - phê bình), “Điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh cách mạng” (lý luận - phê bình). Chín công trình này chị công bố trong vòng mười năm (2010-2020).

Nhiều khi tôi cứ vân vi rằng, không hiểu người phụ nữ viết văn này lấy đâu ra sức lực và thời gian để làm được chừng ấy công việc, như núi, đến đấng mày râu cũng phải ngả mũ... chào thua. Là phụ nữ, hẳn chị phải rất đảm lược để cơm lành canh ngọt, đã đành. Lại còn như ngọn lửa ấm giữ cho nếp nhà riêng luôn dồi dào hồng khí. Đúng là tề gia nội trợ và có chí... bình văn nghiệp. Riêng chí tiến thủ của nhà văn, thì có thể là một tấm gương. Tinh thần vượt khó và cầu thị đã giúp chị nghị lực, cao vọng đạt tới học hàm, học vị cao (PGS.TS). Hiện chị là giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Một nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín và thành tựu.

Người xưa nói, hai bàn tay (mười ngón) thì đầy. Khi tôi viết bài báo nhỏ này tặng chị, thì “văn sản” (nghiên cứu/ lý luận/phê bình) của chị đã đầy hai bàn tay. Nhưng tôi biết cái nội lực, sở trường của nhà văn này sẽ còn hiến tặng độc giả, có khi còn thêm một bàn tay nữa.

Lê Thị Bích Hồng, trong mắt tôi và bạn bè văn chương là biểu trưng cho động hướng tinh thần “cháy đến giọt cuối cùng”. Nhà văn đã nhận nhiều giải thưởng văn học của các cấp/ ngành trong vòng mười năm qua. Suy nghĩ về nghề văn, chị chia sẻ chân thành: “Văn chương cho tôi sức mạnh vịn đỡ thiêng liêng và giúp tôi hướng đến cái Đẹp, cái Thiện... Với tôi, viết văn là một cách tri ân cuộc đời” (Tự bạch). Các tác phẩm nghiên cứu/lý luận/ phê bình của nhà văn đi rất đúng hướng thời đại: lấy văn hóa làm nền tảng, làm chân tủy của văn học nghệ thuật. Vì đúng hướng (chiến lược/phương pháp) nên tác giả có thể đi đường dài, gặt hái nhiều thành quả chữ nghĩa.

img_1669331478166_1669331497450.jpg -0
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng tuổi Quý Mão.

“Văn là người”? Như cổ nhân thường nói, tôi nghĩ, rất sát sao với trường hợp nhà văn Lê Thị Bích Hồng. Một người bất kỳ có năng khiếu văn chương, viết ra được vài ba cuốn sách đọc được, cũng chưa nói lên điều gì to tát. Tài và tâm (Nguyễn Du - “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”), là hai mặt của một tờ giấy. Quen biết và hiểu thấu bạn văn của mình, tôi càng quý trọng cái tình đời, tình người của đồng nghiệp. Trong đời sống, chị là người chu đáo, rộng lượng và hào hiệp. Chị quan tâm đến bạn bè nghề văn một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết. Câu chuyện tôi chứng kiến về ứng xử của nhà văn với một cây viết đặc biệt “đi từ trại giam đến trại viết” của Bộ Công an, mới nghe có vẻ hoang đường. Nhưng sự thật một trăm phần trăm.

Số là, Nguyễn Đức Nguyên (sinh 1962), đã qua quân ngũ, tham dự chiến đấu ở biên giới phía Bắc, sau giải ngũ, lao động tự do kiếm sống. Nhưng đôi khi con người ta “lạc lối” vì tiền. Nguyên bị bắt vì phạm tội vận chuyển trái phép ma túy, nhận án tử hình. Do sa sẩy nhiều lần nên có  22 năm 9 tháng, qua 4 lần bị bắt, ra vào trại giam 4 lần, có 500 ngày ngồi trong phòng biệt giam, chờ án tử hình, cuộc đời Nguyên tưởng như ngọn đèn lay lắt trước gió, sắp phụt tắt. Nhưng hạnh phúc đã đến với người tử tù, anh được Chủ tịch nước xét giảm án tử hình xuống chung thân. Thế là cơ hội trở về với cuộc sống vẫn còn.

Năm 2015, Nguyễn Đức Nguyên được đặc xá. Anh được phát hiện từ cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do Tổng cục VIII, Bộ Công an tổ chức. Anh được mời tham dự trại sáng tác Cây bút Vàng của Bộ Công an (4/2016, tại Đồ Sơn, Hải Phòng). Tiểu thuyết “Núi Mẹ” của anh được NXB Công an nhân dân ấn hành, 2017. Tôi và nhà văn Lê Thị Bích Hồng cũng được mời dự trại viết này. Nhiều buổi sáng và chiều, bên bờ biển của thành phố Hoa phượng đỏ, chúng tôi đã hàn huyên với tác giả “Núi Mẹ”. Sau đó, khi chị viết bài phê bình tác phẩm, liền được/bị ai đó can gián “không nên dây vào” (!?). Nhưng tôi biết tính cách của chị vốn trung thực, trung thành, trung dũng với chính nghĩa nên mặc lòng ai nói vào nói ra.

Trong bài viết chan chứa tình cảm của chị, tôi đọc thấy: “Văn chương thực hiện sứ mệnh cao cả. Văn chương đánh thức phần người tiềm ẩn trong mỗi cá thể. Với Nguyên, văn chương còn là nơi vịn bám, cứu rỗi, kéo anh ra khỏi cuộc sống vốn ngột ngạt, tù túng... của kẻ đánh mất tự do và quyền công dân. Biết đây là cơ hội tốt cho mình, Nguyên đã vịn câu chữ đứng lên, đã tìm một luồng ánh sáng ở cuối đường hầm”.

Tôi biết rất rõ, người khuyên chị “chân thành” đừng viết, là ai. Nhưng thôi, chuyện cũ qua rồi cứ để nó lạc trôi đi theo thác lũ thời gian. Ký ức lương thiện không được phép, không có chỗ để lưu giữ những chuyện không muốn viết, kiểu như thế. Ăn cơm mới nói chuyện cũ, đôi khi có cái ý vị của nó, cũng là cách biểu thị mối thâm tình của bạn văn. Bài báo nhỏ này, như món quà Xuân, tôi viết tặng nhà văn Lê Thị Bích Hồng - một quý bà tuổi Mão, cộng tác viên thường xuyên và thân thiết của Báo Văn nghệ Công an.

Hà Nội, 1/12/2022

Bùi Việt Thắng
.
.