Quảng bá di sản bằng show thực tế về thời trang

Thứ Năm, 15/06/2023, 12:28

Đậm đặc chất thời trang nhưng chương trình "Fashion Tour" (Hành trình thời trang) không đơn thuần chỉ phô diễn những bộ sưu tập mới nhất. Mỗi bộ trang phục hội tụ nét đẹp, tinh hoa của mỗi miền đất, mỗi làng nghề truyền thống mà các nhà thiết kế đi qua để kể câu chuyện thấm đẫm hồn cốt dân tộc bằng truyền hình thực tế...

"Cơn khát" truyền hình thực tế về văn hóa, du lịch của khán giả chưa bao giờ dừng lại. So với các chương trình tìm kiếm tài năng như âm nhạc, hài kịch, sân khấu, ẩm thực, người mẫu… thì chương trình truyền hình thực tế gắn liền với văn hóa, du lịch bản địa còn khá khiêm tốn bởi việc sản xuất đòi hỏi nhiều công sức, kinh phí do di chuyển qua nhiều địa danh. Không ít chương trình phải bỏ cuộc giữa chừng vì khó khăn chồng chất như "Cuộc đua kỳ thú", "Chuyến đi nhớ đời", "Đi Việt Nam đi"...

Ngoài ra, đa phần các chương trình vẫn chỉ dừng lại ở mức cho nhân vật trải nghiệm, khám phá (như "Bố ơi, mình đi đâu thế", "Cuộc đua kỳ thú", "Ước mơ bốn bể là nhà", "Hai ngày một đêm"…). Do đó, sự hấp dẫn của các chương trình dạng này bị đóng khung. Nếu cùng quay ở một địa điểm nổi tiếng, việc các chương trình bị trùng lặp nội dung, hình ảnh là chuyện thường. Vì tiến độ quay, nhân vật không được trải nghiệm sâu nên dễ khiến những ai mê xê dịch, sành du lịch cảm thấy nhàm chán.

1 lua hat tren vai .jpg -0
Các người mẫu trình diễn bộ sưu tập áo dài "Lụa hát trên vai" ở đồi chè Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Ở "Fashion Tour" (bắt đầu bấm máy vào tháng 7 và phát sóng trên kênh VTV3, VTV4, Fashion TV…), điểm yếu này của truyền hình thực tế về văn hóa, du lịch sẽ được khắc phục. Đây là chương trình truyền hình thực tế kết hợp giữa thời trang - du lịch - âm nhạc, được quay tại 63 tỉnh thành trên khắp cả nước để truyền tải câu chuyện về văn hóa của người Việt qua thời trang.

Ở mùa một, nhân vật tham gia chương trình gồm năm nhà thiết kế danh tiếng Trung Đinh, La Phạm, Ngô Hoàng Kha, Quỳnh Paris, Trần Hùng cùng dàn người đẹp Hoa hậu Ngọc Châu, Á hậu Kim Duyên, Á hậu Thảo Nhi Lê… trải nghiệm văn hóa bản địa, khám phá làng nghề dệt lụa, thổ cẩm, làm guốc, làm nón… ở năm địa danh. Từ đây, họ sẽ thiết kế nên những bộ trang phục vừa mang đậm văn hóa địa phương, vừa mang dấu ấn thời đại. Tính sáng tạo, phát huy bản sắc truyền thống của từng địa phương là điểm nhấn thú vị, thu hút sự quan tâm của khán giả.

Khởi đầu hành trình là ba bộ sưu tập mang chủ đề "Lụa hát trên vai" tại làng lụa Bảo Lộc, Lâm Đồng của nhà thiết kế - nghệ nhân Trung Đinh. Anh gửi gắm vào ba bộ sưu tập ước mơ chấn hưng nghề vẽ, nhuộm trên lụa - một trong những mảng nghề thủ công tinh tế của cha ông cần lưu giữ và phát triển. Để làm nên các bộ trang phục, lụa Bảo Lộc được anh ưu ái trong khâu chọn chất liệu. Những kỹ thuật mới như nhuộm màu ombre, hội họa trên lụa… mang lại hiệu ứng thị giác bất ngờ cho người thưởng lãm, tôn vinh vóc dáng người mặc từ những chất liệu truyền thống.

"Soi mây tạc lụa" của nhà thiết kế La Phạm lại lấy cảm hứng từ các công trình kiến trúc thâm trầm của cố đô Huế như đền, chùa, đình, lăng, tái hiện vẻ đẹp hoa văn di sản đặc trưng của Huế trong sự mỏng nhẹ, óng ánh của lụa Việt Nam. Kết hợp nhuần nhuyễn nét truyền thống Việt và phong cách tối giản của thế giới, những thiết kế của La Phạm thể hiện sự giao thoa văn hóa, mang tới cho người mặc vẻ đẹp nguyên bản và vẫn đảm bảo phong cách thời thượng.

Nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha đảm nhiệm chủ đề "Sen - Sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt" tại địa danh Đồng Tháp. Bằng thủ pháp phá vỡ - tái tạo cấu trúc các trang phục cũ, những họa tiết, đường nét của hoa sen được bóp méo, vặn xoắn, nhiễu và tuôn trào như trên màn hình máy tính trong cảm hứng tương lai và công nghệ. Hai địa danh còn lại là Phú Quốc và Sa Pa gắn liền với hai bộ sưu tập mang tên "Âu - Việt: Hòa nhịp sống hiện đại" của nhà thiết kế Quỳnh Paris và "Nâng tầm giá trị dân tộc" của nhà thiết kế Trần Hùng.   

Vẻ đẹp danh thắng quê hương hiện lên choáng ngợp mà gần gũi với màn biểu diễn thời trang ngoài trời. Sau khi hoàn thành bộ sưu tập, các nhà thiết kế, nhân vật tham gia sẽ biến thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ hoặc công trình kiến trúc, văn hóa độc đáo, những khu nghỉ dưỡng ấn tượng trở thành sàn catwalk giới thiệu bộ sưu tập. Những tà áo dài tung bay trên đồi chè Bảo Lộc xanh mướt hay chiếc váy hiện đại lấy cảm hứng từ thổ cẩm người Thái, người Mường thấp thoáng bên những ngọn núi tai mèo… không chỉ tôn vinh sự sáng tạo của nhà thiết kế mà còn quảng bá cảnh đẹp đất nước. Giọng hát của ban nhạc và ca sĩ trình diễn live góp phần tạo nên trải nghiệm thời trang, thưởng ngoạn du lịch, âm nhạc trọn vẹn cho khán giả.

2 lang nghe.jpg -1
"Fashion Tour" là chương trình truyền hình thực tế hiếm hoi chú trọng giới thiệu và tìm hướng duy trì các làng nghề.

Một tín hiệu đáng tự hào là những năm gần đây, bằng tài năng và dấu ấn cá nhân của mình, người trẻ Việt Nam đang góp sức, tích cực quảng bá văn hóa nước nhà đến khán giả trong và ngoài nước. Khán giả nước ngoài cũng dần quan tâm đến các chương trình giải trí, âm nhạc Việt giao thoa giữa hiện đại và giá trị văn hóa truyền thống mang đậm chất nghệ thuật của Việt Nam. Điển hình như MV "See tình" của Hoàng Thùy Linh "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội toàn cầu thời gian gần đây. Các clip trải nghiệm du lịch, ẩm thực, văn hóa do những bạn trẻ Việt sản xuất trên YouTube như "Khói lam chiều", "Ẩm thực mẹ làm", "Quy ẩn điền viên"… thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận của khán giả ngoại quốc.

Do đó, không ngạc nhiên khi ekip cầm trịch "Fashion Tour" là những gương mặt còn rất trẻ và năng động, đó là Uy Lê (đảm nhiệm vai trò biên tập - phó đạo diễn), Hiền Nguyễn (biên tập), MC Khánh Vy… Họ khôn khéo kết hợp câu chuyện thời trang và âm nhạc - là xu hướng của giới trẻ hiện nay, để làm nên một chương trình truyền hình thực tế giàu ý nghĩa, chứ không đơn thuần chỉ giải trí. Để quảng bá giá trị văn hóa và danh thắng đất nước đến bạn bè quốc tế, MC Khánh Vy dẫn dắt chương trình bằng song ngữ Việt - Anh, điều hiếm thấy ở một sân chơi truyền hình thực tế.

Uy Lê cho biết: "Chúng tôi chọn cách tiếp cận khán giả theo hướng "giải trí tuệ", có nghĩa là vừa giải trí vừa có tính trí tuệ sau mỗi khám phá, trải nghiệm của người tham gia. Với cách thức trải nghiệm bằng năm giác quan "nghe, nhìn, ngửi, nếm, chạm", các nhà thiết kế và khách mời tham gia cảm nhận trọn vẹn những giá trị văn hóa của từng địa phương. Sau khi giải mã thành công, những mảnh ghép tương ứng với năm giác quan tạo thành bức tranh hoàn chỉnh mang đặc trưng vùng miền, từ đó khơi dậy nguồn cảm hứng, truyền đạt thông điệp sâu sắc nhất khi sáng tạo bộ sưu tập. Đây cũng là cách giới trẻ dễ dàng cuốn vào chuyến phiêu lưu thực tế đầy màu sắc".

Đứng sau lưng những người trẻ là đội ngũ ban cố vấn gồm những tên tuổi kỳ cựu trong giới truyền thông và làng thời trang: nhà báo Trần Nguyễn Thiên Hương, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, MC Quỳnh Hoa.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: "Với vai trò cố vấn chương trình, người đang làm công tác giảng dạy, tôi nghĩ "Fashion Tour" sẽ là một hình thức truyền tải kiến thức sinh động và hiện đại về văn hóa cho các em học sinh, sinh viên. Cấu trúc của mỗi tập phim đều có một bộ phận nghiên cứu. Họ gặp gỡ những nhà nghiên cứu, sử học, văn hóa học, nghệ thuật của từng vùng. Sau đó chọn lọc và viết nên kịch bản cho chương trình. Bởi vậy trong chương trình sẽ tập hợp vô vàn những câu chuyện mà có khi chính người Việt Nam cũng chưa biết. Tôi kỳ vọng "Fashion Tour" mang lại sự thay đổi mới mẻ cho chương trình truyền hình thực tế. Thông qua chương trình, giới trẻ sẽ có những hiểu biết và từ đó dấy lên niềm tự hào về đất nước, dân tộc mình để góp phần vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị đó. Ngoài trình diễn thời trang và khám phá văn hóa làng nghề, chương trình còn gây quỹ thiện nguyện để cấp vốn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn muốn khôi phục lại làng nghề truyền thống, trao học bổng cho học sinh nghèo có đam mê về nghệ thuật, thời trang".

Mai Quỳnh Nga
.
.