Quan họ - Tiếng hát họ nhà quan
"Bắc Bling" của Hòa Minzy tạo thành một cơn sốt, do vẻ đẹp văn hóa, lịch sử được lồng ghép khéo léo, duyên dáng và vui nhộn trong MV. Tuy nhiên sự kết hợp táo bạo đưa rap vào không gian quan họ, khiến cho có người lo MV này phá quan họ... Từ sự kiện văn hóa này, ta thử tìm hiểu thêm về quan họ.
Sao gọi là "Quan họ"?
Dù phổ biến và thân quen nhưng quan họ có nghĩa là gì vẫn là câu hỏi nhiều người đặt ra. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Bưu phát hiện thấy trong tác phẩm "Sinh tế Trường Lưu nhị nữ" của đại thi hào Nguyễn Du viết từ thế kỷ XVIII đã có từ quan họ:
Đội thế thần thì quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà quả đá.

Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa.
Vậy quan họ đây phải chăng là anh em, bạn bè Nguyễn Du, con cháu nhà quan danh gia vọng tộc, kéo nhau đi chơi.
Trong hát Sắc bùa ở Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng có câu: "Nay mừng quan họ đông vãn xuân lai". Hát sắc bùa chỉ đi hát chúc những người có chức sắc, đỗ đạt, quan lại và khá giả, nên quan họ chỉ những người thuộc tầng lớp trên.
Đến Ngô Tất Tố, trong tác phẩm của ông trước 1945 thì từ “quan họ” được dùng khiến bạn đọc hiểu rõ ràng hơn. Trong một bài báo, Ngô Tất Tố viết: "Số là ở làng Du Lâm, họ Nguyễn của ông T và ông Đ thuần túy là một quý tộc, đã lắm quan lại đông người hơn hết các họ bách tính… Đối với họ Nguyễn, dân làng Du Lâm quen gọi bằng tiếng quan họ".
Đến tiểu thuyết "Lều chõng", Ngô Tất Tố miêu tả gia đình họ Trần chuẩn bị đón tiếp ông nghè vinh quy đã dùng nhiều từ quan họ: "Các ông, bà cô cậu trong quan họ đã tấp nập"; "Mấy ông quan họ chuyên việc tiếp khách, ai nấy nhễ nhại mồ hôi"… Như vậy, qua Ngô Tất Tố, một nhà nho đất Bắc Ninh cũ, "chúng ta biết ở nông thôn có nhiều họ nhà quan hay họ của những người được trọng vọng đều được gọi một cách tôn vinh là quan họ". Qua đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Bưu nhận định: Trong buổi đầu và có thể một chặng đường dài, sinh hoạt quan họ đích thực là một sinh hoạt văn nghệ trong các họ nhà quan, do các quan họ tổ chức. Do đó làn điệu và lời ca được sáng tác và sử dụng đều khuôn theo một mẫu mực nhất định.
Nhà nghiên cứu Toan Ánh, một người quê Bắc Ninh trong bài "Hội Lim với tục hát quan họ" cũng cho biết, tương truyền hát quan họ do Hiệu Trung Hầu Nguyễn Đình Diễn (Đốc đồng trấn Thanh Hóa, dưới triều Lê Cảnh Hưng) đặt ra để mua vui lúc tuổi già. Hiện lăng mộ của ông vẫn còn trên đồi Lim, nơi diễn ra lễ hội quan họ nổi tiếng hàng năm. Ông dựa vào lối hát ví Kinh Bắc đặt ra lối hát quan họ này để cho trai gái hát với nhau trong những buổi gặp gỡ.
Hát quan họ lúc đầu chỉ có ở mấy xã thuộc tổng Nội Duệ như Lũng Giang, Lũng Sơn… sau lan dần ra nhiều xã thuộc các huyện Tiên Du, Võ Giàng và sang cả đất Bắc Giang bên kia sông Cầu.
Tác giả Toan Ánh dẫn lời một cụ già làng Lũng Giang, nơi có đồi Lim cho hay: "Theo các cụ tôi truyền lại thì… quan họ là những người có họ hàng với quan Hầu và hát quan họ là lối hát của nhà quan Hầu tập cho những người này đầu tiên".
Cho đến nay có nhiều lý giải về từ quan họ nhưng chúng tôi thấy rằng chưa có một lý giải nào thuyết phục hơn cách hiểu mà các nhà nghiên cứu trên đây đưa ra. Quan họ là kiểu hát của nhà quan, họ nhà quan, sau được lan rộng và phổ biến trong dân gian.
Lịch thiệp kiểu nhà quan
Từ lối hát ban đầu đầy khuôn phép, chủ yếu là hát thờ, hát chúc… quan họ được người dân tiếp nhận, phát triển thành lối ca hát gắn với tâm tư, tình cảm, đời sống lao động nên đề tài được mở rộng về tình yêu nam nữ, tình nghĩa giữa con người với con người. Do đó quan họ có đến mấy trăm làn điệu và hàng nghìn lời ca. Nhưng dù phát triển mạnh vượt xa khỏi khuôn khổ nhà quan ban đầu, quan họ vẫn mang cốt cách nhà quan, hiểu theo nghĩa là trang nhã, lịch thiệp trong lời ca và trong ứng xử, trong lối chơi quan họ.
Để chơi quan họ, mỗi người phải trải qua một quá trình được dạy dỗ, rèn cặp công phu của những người đi trước, đến 15-16 tuổi đã biết đủ lối, đủ câu, tức là thuộc hết lối ca hát và có thể ca hát được khoảng 200 bài quan họ, không những có lời khác nhau và có nhạc điệu khác nhau. Bên cạnh đó là những quy tắc ứng xử sao cho duyên dáng, lịch thiệp, khiêm nhường mà tự tôn trong giao tiếp.

Các liền anh, liền chị ấy khi đi hát quan họ thì luôn mặc đẹp, nữ thì nón thúng quai thao, mặc áo mớ bảy mớ ba, áo tứ thân điều, yếm đào xẻ con nhạn, thắt lưng hoa lý, khuyên vàng, xà tích bạc; nam thì áo lụa, áo the, quần ống sớ, ô lục soạn. Và họ nói với nhau những lời hoa mỹ, ý nhị.
Chẳng hạn khi quan họ nữ là khách, quan họ nam mời ăn sẽ nói rằng: 'Hôm nay liền chị có lòng sang chơi bên đất nước nhà em, anh em nhà em chạy được mâm cơm thì đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa vừng, mâm đan, bát đàn xin mời đương quan họ dựng đũa lên chén, để anh em chúng em được thừa tiếp". Cỗ đãi khách quan họ luôn luôn đầy đặn, thịnh soạn nhất có thể, thể hiện trong câu: Quan họ thịt gà, giỗ cha thịt ếch; Cỗ mặn bưng ra, cỗ ngọt bưng vào, nhưng trong lời mời bao giờ cũng khiêm tốn như thế.
Khi quan họ nam trách quan họ nữ còn làm khách, ăn ít thì quan họ nữ đáp: "Cơm trắng ăn với thịt gà, tuy là ăn ít nhưng mà no lâu đấy ạ".
Hay gặp nhau ở đám hội, họ muốn mời quan họ nữ hát, sẽ nói: "Liền chị hôm nay đến đây, chắc liền chị vui lòng cho liền em hầu tiếp mấy câu". Quan họ nữ nhận lời thì nói: "Liền anh đã không chê chúng em hát kém, xin liền anh cho chúng em theo".
Bên nữ nói "liền anh cho chúng em theo" hàm ý mời bên nam hát trước. Bên nam lại nhún nhường: "Liền em chỉ biết những chợ gần, liền chị đã đi chợ xa, xin liền chị cho liền em theo ạ". Họ muốn nói là họ biết ít câu hát, trình độ còn non, đề cao bên nữ biết nhiều câu hát hơn…
Liền chị, liền anh có lẽ là cách nói khác của đàn chị, đàn anh, coi bạn hát như đàn anh, đàn chị của mình, là cách ứng xử khiêm nhường của người quan họ.
Có thể nói, nam nữ chơi quan họ như thoát khỏi thân phận lam lũ của mình. Khi mặc trang phục quan họ, gặp bạn quan họ, họ trở thành những người thanh lịch, tao nhã, đúng phong cách tiểu thư, công tử con cháu nhà quan.
Pha trộn độc đáo
MV "Bắc Bling" của Hòa Minzy đã mạnh dạn đưa rap vào không gian quan họ, ngoài phần hát của Hòa Minzy còn có rap của nghệ sĩ Xuân Hinh, Tuấn Cry. Có lẽ vì thế mà có người lo MV này phá quan họ…
Rap có tiếp tục kết hợp với quan họ hay không thì chưa biết nhưng trong quan họ Bắc Ninh duyên dáng, đằm thắm, say đắm lòng người có dân ca ba miền, có ca trù, có chầu văn, có tuồng, chèo, có hát đúm, hát ghẹo, có lý Giang Nam và cả tác phẩm nhạc sĩ đương thời sáng tác… Quan họ không ngừng tiếp thu nghệ thuật ngoài quan họ thành quan họ.
Trong một bài viết năm 1977, nhà nghiên cứu Hồng Thao đã tổng kết, đó là: Tiếp thu gần như nguyên vẹn, như những bài quan họ "Trăm khúc sông đổ dồn một bến" dựa theo âm điệu lý Giao duyên, lý Hành vân, "Tay tiên chuốc chén rượu đào", "Nhất quế nhị lan" theo giọng ru, giọng hãm trong ca trù…
Cải biên, thay đổi làn điệu nhưng giữ nguyên cốt cách, đó là bài "Mười nhớ" theo âm điệu Hồ Quảng, "Khi tương phùng, khi tương ngộ" âm điệu Tứ đại cảnh, "Xe chỉ luồn kim" theo điệu lý Tiểu khúc, dân ca Trị Thiên.
Chỉ dùng một nét nhạc, một đoạn nhạc ngoài quan họ để phát triển thành bài quan họ như "Gọi đò" từ nhạc tuồng, "Thiết tha" là nhạc chèo… Lấy bài bản ngoài quan họ là cảm hứng như bài "Luyện sơn trang" từ chầu văn, "Lý con sáo", "Lý cây đa"… từ dân ca Nam bộ, Nam Trung bộ…
Nhà nghiên cứu Hồng Thao cho rằng phương thức tiếp thu âm nhạc ngoài quan họ của các liền anh, liền chị xưa thật phong phú, ngày nay cần phát huy.
Có thể nói quan họ Bắc Ninh có một bề dày truyền thống chưa được giải mã hết và không ngừng làm giàu thêm ca từ và âm nhạc mang đặc trưng quan họ để tiếp tục phát triển, xứng đáng là Di sản phi vật thể đại diện nhân loại mà UNESCO đã tôn vinh.