Quả ngọt từ đam mê với ảo thuật

Thứ Sáu, 22/12/2023, 07:11

Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV, năm 2023 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Có hơn 40 tiết mục đăng ký tham dự. Ban tổ chức đã chọn 29 tiết mục của 2 đơn vị xiếc công lập và 11 đơn vị, nhóm và nghệ sĩ hoạt động theo mô hình xã hội hóa tham dự liên hoan. Ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy vinh dự nhận được Huy chương Vàng tại liên hoan.

Có duyên với ảo thuật

Tiết mục dự thi của Việt Duy được gọi là ảo thuật tương tác với khán giả, ảo thuật đọc suy nghĩ khán giả và làm biến mất những đồ vật của khán giả ngay trước mặt. Lần này Duy làm cho chiếc điện thoại của một nam khán giả biến mất ngay trước mặt người này. Sau đó, anh cho khán giả này chọn một trong các loại trái cây để trong rổ. Việt Duy dùng dao cắt đôi trái bưởi khán giả đã chọn. Thật bất ngờ, bên trong là chiếc điện thoại vừa biến mất. Việt Duy còn làm sợi dây chuyền của một nữ khán giả khác biến mất trong nháy mắt khi gói trong tờ giấy và đốt. Đến cuối buổi biểu diễn, anh lại làm sợi dây chuyền xuất hiện trở lại để trả cho khán giả. Cả hội trường đều vỗ tay nhiệt liệt.

2. khán gi%3f b%3ft ng%3f khi vi%3ft duy c%3ft qu%3f bu%3fi bên trong có chi%3fc di%3fn tho%3fi..jpg -0
Khán giả bất ngờ khi Việt Duy cắt quả bưởi bên trong có chiếc điện thoại.

Việt Duy chia sẻ: “Vừa rồi em được qua Hàn Quốc học một lớp ngắn hạn về ảo thuật do quỹ trao đổi văn hóa CPI tài trợ, trong đó có 13 ảo thuật quốc tế đến từ các nước khác nhau. Khi kết thúc khóa học tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Busan (Hàn Quốc), em đạt thành tích thể hiện kỹ năng xuất sắc nhất trong 13 bạn du học sinh quốc tế. Do đó, em chính thức được mời là khách mời danh dự biểu diễn ảo thuật quốc tế tại Busan vào năm 2024 tới đây”.

Tôi gặp Việt Duy lần đầu cách đây khoảng 6 năm, khi Báo CAND tổ chức chương trình từ thiện và tri ân những nhà hảo tâm đã đồng hành một năm qua. Việt Duy tham gia tiết mục ảo thuật với tinh thần cống hiến. Anh là người cởi mở, nhiệt tình, dễ gần và chân thật nên chúng tôi khá thân nhau.

Việt Duy cho biết từ nhỏ đã rất đam mê bộ môn này. “Ảo thuật rất đại chúng, vì không phân biệt trình độ hay tuổi tác của người xem. Trước mỗi tiết mục đặc sắc, ai cũng thích thú, vui vẻ. Khi xem ảo thuật, mọi người lại thêm gắn kết”, Việt Duy chia sẻ.

Trong thời gian vừa học vừa thực tập tại nhà hàng ở Singapore, Duy gặp một ảo thuật gia nổi tiếng thường biểu diễn phục vụ khách tại đây. Thấy Duy sáng dạ, chăm chỉ và nhiệt tình, ông đã dạy cho Duy vài trò biến hóa thú vị với đồng xu nhỏ. Gần một năm miệt mài luyện tập, mỗi ngày vài tiếng, Việt Duy đã tự tin biểu diễn trước khán giả. Từ đồng xu ban đầu, đến chiếc khăn tay, rồi bộ bài, sợi dây, bông hoa... tất cả được Duy biến hóa trong bàn tay phù phép điệu nghệ làm cho người xem nể phục.

Trở về nước, Duy làm việc trên tàu du lịch và tham gia biểu diễn tại các nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh, khán giả là những thực khách nhiều quốc gia. Cái tên Nguyễn Việt Duy xuất hiện trong nhiều cuốn cẩm nang của giới mê du lịch khám phá quốc tế, với lời ghi chú là “Đến với suất diễn kéo dài tiếng rưỡi mỗi đêm của ảo thuật gia trẻ này, thực khách hãy cẩn thận, vì có thể mất toàn bộ tư trang mà không hề hay biết!”.

Lịch diễn luôn kín nhưng Duy vẫn thường xuyên tham gia các buổi diễn từ thiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, Nguyễn Việt Duy đã hoạt động ảo thuật được 20 năm, từng được biết đến trong các gameshow, chương trình truyền hình thực tế như: Vietnam's Got Talent, Tỏa sáng bất ngờ, Quán quân Đường phố, Kỳ tài lộ diện… Việt Duy đã giành Huy chương vàng cá nhân tại Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ III năm 2018 và lần này tại Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ IV năm 2023.

Vươn lên từ gian khổ

Nguyễn Việt Duy sinh năm 1981 tại Hà Tây (cũ), con thứ trong gia đình có 2 anh em, theo gia đình từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống.

Hồi nhỏ, gia đình khó khăn vất vả, năm lớp 7, dù có học lực khá nhưng Việt Duy phải bỏ học vì gia đình không có tiền cho cậu đóng học phí. Mới 13 tuổi, Duy đã phải tạm xa sách vở để bắt đầu cuộc mưu sinh đầy mồ hôi và nước mắt.

Công việc ban đầu là đi bán kem vào mùa hè nắng nóng. Không có xe đạp, Duy phải vác thùng kem nặng trĩu trên lưng đến các cánh đồng bán cho người nông dân. Mùa đông, không thể bán kem, Duy nhảy xe từ Ba Vì về Hà Nội làm phụ hồ. Chưa được bao lâu thì Duy gặp tai nạn ngã từ tầng 3 của tòa nhà đang xây xuống đất, may mắn là có tấm bạt phía dưới đỡ lại nên vẫn toàn mạng.

Năm 1997, bố mẹ Duy quyết định đưa cả nhà vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Bố bắt Duy phải đi học lại. Duy xin học bổ túc buổi tối, hệ 1 năm 2 lớp, còn ban ngày thì đi làm đủ thứ nghề, từ bán báo dạo, bán vé số, phụ mẹ bán sữa đậu nành đến đi bốc vác... Mỗi ngày bán báo hay vé số lãi khoảng 15.000 đồng. Còn những ngày đi bốc vác, có ngày phải bốc cả chục tấn hàng, đêm về không ngủ được vì chân tay đau nhức rã rời.

Vất vả nhưng Việt Duy vẫn luôn khao khát học hỏi. Cậu đã tranh thủ thời gian đến học võ karatedo tại Nhà Văn hóa Thiếu thi quận 10. Thấy cậu học trò nghèo có năng khiếu võ thuật và đam mê luyện tập, thầy đã dạy miễn phí cho Duy. Miệt mài tập luyện 2 năm, Duy được tham gia thi đấu và liên tục đoạt nhiều huy chương. Duy từng đoạt Huy chương bạc toàn thành phố môn võ Karatedo năm 2003.

5. nguy%3fn vi%3ft duy nh%3fn giáy ch%3fng nh%3fn hoàn thành khóa h%3fc chuong trình c%3fa cpi c%3fa %3fy ban %3fo tho%3ft qu%3fc t%3f bussan hàn qu%3fc..jpg -1
Nguyễn Việt Duy nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa học chương trình của CPI của Ủy ban ảo thoạt quốc tế Bussan Hàn Quốc.

Cần cù, chịu khó học hỏi, Duy được thầy dạy võ tin tưởng chọn làm phụ tá trong 3 năm liền, chủ yếu tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 10 và Trường Trung học Cảnh sát Thủ Đức. Việt Duy cho biết, có những lúc, bản thân cứ nghĩ cuộc đời mình sẽ đi theo nghiệp võ nghệ. Ấy vậy mà trong một giải đấu, Duy bị giãn dây chằng đầu gối nên không thể tiếp tục. Cuộc sống lại tước đi của Duy một cơ hội.

Lấy được bằng tốt nghiệp cấp ba, Duy xin làm vệ sĩ tại Công ty Sao Mai, làm việc tại khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Là người có võ nghệ và biết chút tiếng Anh nên Duy được công ty điều đến làm việc tại nhà hàng nổi Bonsai ở TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều khách nước ngoài. Duy quyết định đầu tư học tiếng Anh để giao tiếp tốt hơn. Anh đã chiếm được cảm tình đặc biệt của ông chủ người Đức.

Có lần vào năm 2004, Duy còn nhảy xuống sông cứu người, khiến ai nấy đều khâm phục. Cứu được người bị nạn, nhưng bản thân anh suýt chết đuối, bị mất đôi giày và một số đồ đạc trên người. Năm 2006, khi nghe tin Duy đăng ký theo học một lớp ngắn hạn về quản trị kinh doanh nhà hàng tại Singapore bằng số tiền tiết kiệm sau nhiều năm làm việc, ông chủ người Đức của anh đã ủng hộ bằng lời hứa sẽ luôn chào đón Duy tại nhà hàng Bonsai khi trở lại. Sau khi học tại Singapore, Duy về nước và làm việc trên tàu này.

Việt Duy nói rằng, để thành công anh không có bí quyết gì cả, chỉ có sự nỗ lực không biết mệt mỏi. Anh luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn, khi có ước mơ thì làm tất cả để theo đuổi đến cùng, biến ước mơ thành hiện thực. Sự trung thực, thật thà, khiêm tốn, kiên trì phấn đấu và cống hiến hết mình là yếu tố quan trọng để thành công. Với anh, đem lại niềm vui cho người khác cũng chính là đem lại niềm hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Việt Duy vui mừng cho biết chuẩn bị đi học khóa cao đẳng để nâng cao trình độ và đang luyện tập để tham gia các cuộc thi ảo thuật quốc tế. Tôi hay nghe Duy nhắc đến với vẻ tự hào là anh ruột và chị dâu của Duy hiện đã là Tiến sĩ và đang giảng dạy tại một trường đại học. “Anh trai đã ổn định, đến giờ tới lượt em học và cống hiến với nghề đã chọn, mong muốn đi thi đấu quốc tế để góp phần mang vinh quang về cho Tổ quốc mình”, Việt Duy chia sẻ.

Việt Duy mở điện thoại cho tôi xem hình ảnh con gái xinh xắn và khoe con rất thích vẽ. Tôi thấy những bức tranh con gái Duy vẽ về những chiếc thuyền trên mặt nước như đang chở ước mơ của cha con cháu đi muôn phương.

Nguyễn Cảnh
.
.