Pulitzer 2023: “Oscar” của báo chí, truyền thông và xuất bản
Những giải thưởng truyền thống trong các lĩnh vực nghệ thuật luôn trường tồn theo thời gian bởi uy tín, độ sáng giá và sự nổi tiếng của chính nó. Ở nước Mỹ, về điện ảnh có Giải thưởng Oscar, về âm nhạc có giải thưởng Grammy và về báo chí, truyền thông, xuất bản có Giải thưởng Pulitzer.
Giải Pulitzer có lịch sử hơn 100 năm. Giải được Đại học Columbia trao tặng để tôn vinh những thành tựu trong lĩnh vực báo chí, văn học, kịch nghệ và âm nhạc của Mỹ. Pulitzer được công nhận là giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực này ở Mỹ.
Chiến tranh Ukraine chiếm sóng giải Pulitzer 2023
Pulitzer 2023 vừa trao giải ngày 8/5 đã mang đến cho thế giới những suy ngẫm đáng giá. Giải Pulitzer năm 2023 đã gần như nghiêng về những bài báo tường thuật đưa tin về chiến sự giữa Ukraine và Nga. Năm nay, tờ New York Times và hãng thông tấn Associated Press (AP) giành giải Pulitzer 2023 nhờ đưa tin về cuộc chiến Ukraine.
Báo New York Times được giải hạng mục "tin quốc tế" vì đưa tin "không nao núng" về cuộc xung đột, trong đó có cuộc điều tra kéo dài 8 tháng về những cái chết trong vụ thảm sát của người Ukraine ở thị trấn Bucha. Bên cạnh đó Hãng thông tấn AP giành hai giải đều liên quan chiến sự ở Ukraine. Một là "giải Phụng sự Cộng đồng" - giải thưởng Pulitzer danh giá nhất - được trao cho nhóm phóng viên là Mystyslav Chernov, Evgeniy Maloletka, Vasilisa Stepanenko và Lori Hinnant - những phóng viên đã đưa tin từ thành phố Mariupol (Ukraine) trong thời gian đầu xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Giải còn lại là giải Ảnh tin nóng được trao cho những bức ảnh về cuộc vây hãm thành phố cảng Mariupol của Ukraine. AP cũng đã giành được giải thưởng về ảnh với "những bức ảnh độc đáo và khẩn cấp" từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột xảy ra vào tháng 2/2022.
Tờ Los Angeles Times nhận giải ở hạng mục "Tin nóng" khi đưa tin về cuộc trò chuyện của giới quan chức thành phố đã được bí mật ghi âm lại, trong đó có những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc.
Christina House của hãng tin này cũng đã giành chiến thắng ở hạng mục "Nhiếp ảnh nổi bật" với những bức ảnh chụp một phụ nữ vô gia cư 22 tuổi đang mang thai.
Các tuyến bài khác được vinh danh bao gồm: vụ việc Tòa án tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết công nhận quyền phá thai của phụ nữ trong vụ kiện "Roe chống lại Wade", chính sách tách trẻ em vượt biên trái phép với cha mẹ chúng ở biên giới Mỹ và chi tiêu phúc lợi ở Mississippi.
Phóng viên Caroline Kitchener của tờ Washington Post đã giành giải Kí giả quốc gia nhờ bài báo thẳng thắn về hậu quả của phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ liên quan tới vấn đề phá thai, trong đó có câu chuyện về một thiếu niên ở Texas phải chấp nhận sinh con sau khi những hạn chế mới không cho phép cô phá thai.
Phóng viên Eli Saslow của tờ báo này cũng đã giành chiến thắng cho hạng mục "Bài viết nổi bật".
Giải thưởng Pulitzer lần thứ 107 cũng trao giải ở 8 hạng mục nghệ thuật liên quan đến viết lách, như sách, âm nhạc và kịch.
Hạng mục Tiểu thuyết viễn tưởng đã được trao cho 2 tác phẩm có nội dung liên quan tới ý thức giai cấp bao gồm: tiểu thuyết "Demon Copperhead" của nữ nhà văn Barbara Kingsolver, và tiểu thuyết "Trust" của nhà văn Hernan Diaz là một câu chuyện sáng tạo về sự giàu có và lừa dối lấy bối cảnh ở New York những năm 1920.
Cuốn sách "G-Man" của Beverly Gage viết về vị lãnh đạo FBI lâu năm J Edgar Hoover đã được trao giải Pulitzer cho hạng mục Tiểu sử.
Các tác phẩm "His Name Is George Floyd: One Man's Life" và "The Struggle for Racial Justice" lần lượt của các tác giả là Robert Samuels và Toluse Olorunnipa, giành chiến thắng ở hạng mục Phi hư cấu.
Vở kịch "English" của Sanaz Toossi giành giải chính kịch và hạng mục Lịch sử được trao cho tác phẩm "Freedom's Dominion: A Saga of White Resistance to Federal Power" của Jefferson Cowie.
Giải Pulitzer cho mục Hồi kí hoặc Tự truyện đã được trao cho câu chuyện tuổi mới lớn "Stay True" của Hua Hsu.
Hạng mục Thơ vinh danh bài thơ "Then the War: And Selected Poems" của tác giả Carl Phillips.
Ca khúc opera "Omar" của Rhiannon Giddens và Michael Abels, đoạt giải Pulitzer về âm nhạc.
Biểu tượng cho quyền lực thứ 4
Giải thưởng Pulitzer được coi như Oscar hay Grammy của giới báo chí, truyền thông và xuất bản ở Mỹ. Trong hơn 100 năm, Giải thưởng Pulitzer đã được Đại học Columbia trao tặng để tôn vinh những thành tựu của Mỹ trong lĩnh vực báo chí, văn học, kịch nghệ và âm nhạc. Nó được trao lần đầu tiên năm 1917, mang tên người sáng lập là Joseph Pulitzer. Câu chuyện về nó không khác gì nhiều lịch sử Giải thưởng Nobel.
Joseph Pulitzer sinh năm 1847 ở Hungari ngày nay, cha là người Do Thái, lái buôn ngô, mẹ người Đức. Năm 1864, Pulitzer di cư sang Mỹ, gia nhập quân ngũ và ở phía quân đội các nước miền Bắc trong cuộc nội chiến ở Mỹ. Sau một thời gian làm bồi bàn, cửu vạn và công nhân trong một nhà xuất bản, năm 1883, Pulitzer đến với nghiệp báo chí bằng việc mua rẻ tờ nhật báo đang bị phá sản New York World. Kinh doanh báo chí là ý tưởng táo bạo và sự sáng tạo độc đáo trong ý tưởng này của Pulitzer là nội dung tập trung hoàn toàn vào chuyện giật gân, bê bối và tai tiếng, lạ kỳ và bất ngờ, vào chuyện tình dục và tội phạm, vào bi kịch cá nhân và thảm hoạ đủ các loại.
Pulitzer phát minh ra cái gọi là Báo chí màu vàng - biệt danh được thiên hạ đặt do màu vàng là chủ đạo ở tờ này, tiền thân của báo chí lá cải hiện tại. Tờ New York World của Pulitzer phục hồi nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ và trở thành tờ nhật báo có lượng người đọc đông đảo nhất ở Mỹ. Pulitzer nhờ đó mà giàu có. Báo chí điều tra và khai thác đến tận cùng mọi hang góc và giới hạn của giật gân là phương châm hành động của Pulitzer.
Giàu có nhưng địa vị xã hội vẫn rất thấp hèn trong con mắt của Pulitzer. Đấy chính là điều khiến Pulitzer không thấy sung sướng và hạnh phúc với mức độ giàu sang có được. Pulitzer lâm vào trầm cảm và bị mù. Năm 43 tuổi, Pulitzer từ bỏ hết mọi công chuyện kinh doanh. Năm 1911, Pulitzer qua đời.
Trong di chúc, ông dành 2 triệu USD cho Trường Đại học tổng hợp Columbia để xây dựng khoa báo chí và một giải thưởng báo chí. Ngầm ý ở đây là từ nay, cái tên Pulitzer không còn hiện thân cho báo chí tầm phào rẻ tiền nữa mà là biểu tượng cho chất lượng vinh quang và đỉnh cao nghề nghiệp.
Năm 1892, chính trường đại học này còn từ chối khoản tiền lớn của Pulitzer ủng hộ. Nhưng lần này thì trường nhận tiền di chúc của Pulitzer. Chỉ một năm sau, khoa báo chí được mở ở trường, nhưng còn giải thưởng báo chí thì phải chờ thêm 5 năm nữa. Giải thưởng Pulitzer được trao lần đầu tiên năm 1917 cho phóng viên 34 tuổi Herbert Bayard Swope của tờ New York World về những phóng sự trực tiếp từ chiến trường châu Âu trong thế chiến thứ nhất cùng với phóng sự của tờ New York Tribune về kỷ niệm một năm sự kiện con tàu Lusitania bị tàu ngầm của Đức nhấn chìm.
Theo thời gian, giải thưởng này thay đổi rất nhiều, mở rộng phạm vi trao sang cả những lĩnh vực xuất bản khác như sách hay ảnh, dành cho cả cá nhân và toà soạn. Hiện tại, có 21 loại giải thưởng Pulitzer. Điều kiện là người được trao giải phải là người Mỹ hoặc người nước ngoài viết sách về lịch sử Mỹ hoặc có bài đăng trên tạp chí, báo chí Mỹ.
Giải thưởng do Trường Đại học Tổng hợp Columbia quyết định. Hội đồng Quản lý giải Pulitzer gồm 19 thành viên là những nhà báo, nhà xuất bản, giáo sư... Hội đồng này cử ra Ban Giám khảo và mỗi thành viên Ban Giám khảo được đề cử 3 lựa chọn cho từng loại giải. Ban giám khảo lựa chọn và trình lên hội đồng quản lý giải quyết định.
Người chiến thắng mỗi hạng mục nhận giải thưởng trị giá 15.000 USD (khoảng 345 triệu đồng).
Giải Pulitzer từng… để lại những ám ảnh
Chỉ vài tháng sau khi giành giải thưởng Pulitzer 1994 cho bức ảnh gây sốc cả thế giới mang tên "Kền kền chờ đợi", Kevin Carter - phóng viên ảnh người Nam Phi đã tự sát, để lại nhiều câu hỏi về những điều phía sau tấm ảnh.
Kevin Carter được cảnh sát tìm thấy chết vì ngộ độc khí gas trong xe hơi của mình hôm 27/7/1994, khi anh mới 33 tuổi. Bức thư tuyệt mệnh của anh viết: "Tôi hoàn toàn suy sụp, không điện thoại, không tiền thuê nhà, không tiền nuôi con, không tiền trả nợ... Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sờ sờ về sự chết chóc, những xác chết, cơn giận dữ và nỗi đau... về những đứa trẻ chết đói... về những người đàn ông điên khùng, thường là những kẻ hành hình...".
Cái chết của phóng viên Kevin Carter đã để lại sự bàng hoàng tiếc thương cho báo giới quốc tế, và cả những suy ngẫm về đạo đức nghề nghiệp về những nỗi ám ảnh sâu sắc của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp và trung thực với đưa tin thực tế. Ngoài ra, có một nữ phóng viên từng được giải Pulitzer là Anja Niedringhaus, của Hãng tin AP đã bị bắn tại Afghanistan trong quá trình tác nghiệp.
Vinh quang đánh đổi bằng máu và nước mắt là hoàn toàn có thật đối với những nhà báo xả thân vì sự nghiệp của mình.