Phương "xẩm"

Thứ Năm, 12/08/2021, 14:16

Nghệ sĩ Thu Phương đã chứng minh một điều rằng, nghệ thuật truyền thống ít người theo, chứ không phải không có. Cô đã được các nghệ sĩ đam mê xẩm phát hiện giọng hát, bồi dưỡng để cô trở thành “đặc sản” của thời hiện đại.

Chịu khổ vì xẩm

Cách đây hơn 10 năm, trong một lần đến tìm hiểu tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, được nghe Thu Phương hát, tôi thật sự bất ngờ. Lúc đó, cô gái sinh năm 1985 đến từ Quảng Ninh còn rất trẻ, nhưng giọng vang rền nền nảy, rất dày, ấm, truyền cảm. Tìm hiểu ra, Thu Phương tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh. Sau khi trải qua một số công việc, Phương thấy không trụ được với nghề. Từ thuở bé, cô vẫn thích nghe các chương trình nghệ thuật, hát dân ca phát trên đài, trên truyền hình. Sau khi gặp được một người chị giỏi hát quan họ ở Bắc Ninh dạy cho vài bài, Phương thấy mình hợp với ca hát hơn làm những việc liên quan đến kỹ thuật.

Thời gian đó, Phương biết thông tin về Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, do Tiến sĩ Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang khởi xướng. Lúc đó, nhạc sĩ Thao Giang đang rất cần những người trẻ tâm huyết với xẩm, nếu có lòng ông sẽ đào tạo để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Phương
 

Nghệ sĩ Thu Phương kể: “Năm đó mới 23 tuổi, tôi đã may mắn gặp thầy Thao Giang. Khi nghe tôi nói qua điện thoại, thầy tưởng nhầm là con trai. Đến gặp rồi, thầy hỏi tôi về nguyện vọng. Thầy cũng rất mừng vì lúc thử giọng, tôi hát tốt và thầy nhận đào tạo luôn”.

Được học ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, do Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch và nhạc sĩ Thao Giang trực tiếp giảng dạy, Thu Phương luôn nỗ lực hết mình. Bởi cô luôn nghĩ mình đã không có điều kiện để học nghệ thuật truyền thống từ sớm, mà phải đến năm 23 tuổi mới được học chính thức. Cô quyết tâm phải rút ngắn thời gian học mà vẫn hiệu quả. Ở Phương có một điều gì đó rất lạ, như là cô sinh ra là để học xẩm và dành cho xẩm. Đó là khi cô nghe các nghệ sĩ, nhạc sĩ nói chuyện, giảng bài thì cô nhận ra những điều đó đã có trong tiềm thức mình.

Cũng phải nói rằng niềm đam mê của Phương đã gặp phải ngăn trở. Gia đình cô không muốn cô theo nghiệp ca hát và phải vất vả khi về Hà Nội học, rồi phải truân chuyên đời con gái. Nhưng cô đã thuyết phục bố mẹ và hy sinh nhiều thứ vì xẩm. Sau cùng, cảm thấy không ngăn cản được con gái, bố Phương nói: “Bố muốn con trưởng thành, làm việc gì đó có ý nghĩa thực sự”. Phương thấy lúc này là cơ hội của mình, nếu không chớp lấy thì không còn dịp nào khác. Cô thưa: “Gia đình hãy cho con theo nghề hát xẩm”. Mẹ cô là người thương con, càng chẳng muốn tôi theo xẩm.

Sau đó đúng một tuần, khi chương trình của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được quay trên truyền hình, hàng xóm nhìn thấy cô ngồi hát xẩm, có gọi bố mẹ cô sang xem. Bố mẹ cô nhìn và bảo: “Chắc không phải Phương đâu, không thể nhanh như thế được. Mới đi có một tuần làm sao mà hát, gõ phách theo các thầy”. Nhưng nhìn thấy dòng chữ chạy trên màn hình tivi hiện tên Thu Phương, nhìn rõ mặt con, thì bố mẹ đã công nhận đó là con gái.

Học xẩm là công việc rất khó. Phải làm sao cho tròn vành rõ chữ, phải biết dung luyến, cao độ và nhả chữ. Có người hát được nhưng không thể biểu diễn một cách linh hoạt và có hồn. Với hơn một năm học, Phương cũng chỉ hát được 5 bài đơn và một số bài tập thể. Nhờ vào khả năng dường như là thiên phú, cô gái đất mỏ dần dần học được những ngón nghề và nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Cô đã được tham gia biểu diễn trong các đêm xẩm ở chợ Đồng Xuân trong chương trình “Hà Nội 36 phố phường”. Ngoài hát bè và biểu diễn minh họa trong bài xẩm “Mục hạ vô nhân”, Phương còn tự mình thể hiện tác phẩm “Theo Đảng trọn đời” nhuần nhuyễn và truyền cảm.

Nhạc sĩ Thao Giang là người truyền lửa cũng như đam mê cho Thu Phương, ngoài ra còn có NSƯT Văn Ty, Hạnh Nhân và NSND Xuân Hoạch người đã nhận dạy trực tiếp Phương từ những ngày đầu vào nghề. Các nghệ sĩ rất tỉ mỉ trong việc xử lý bài hát cũng như sắc thái trong câu hát để phân biệt hát “thập ân” với “xẩm chợ” hay “thập ân” với “làn điệu tàu điện”. Cho tới nay nhiều người bắt chước, học theo các nghệ sĩ đi trước nhưng không ra được phong cách. Thu Phương đã làm được. Nói về học trò, nhạc sĩ Thao Giang, bày tỏ: “Thu Phương là người có giọng, có tố chất và đam mê. Điều đó là những cái cần thiết đối với hát xẩm. Chúng tôi thật sự cũng may mắn vì đã đào tạo được một người hát tốt như thế”.

Nhiều hoạt động lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống

Trong đời sống nghệ thuật Việt Nam, không ít những cô gái trẻ đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh tình yêu cho nghệ thuật truyền thống. Cái mà họ nhận được không phải là danh tiếng cũng chẳng phải tiền bạc, mà là môi trường để cống hiến, sống với tình yêu nghệ thuật của mình. Với Phương, qua hát xẩm, cô học được nhiều điều về giá trị cuộc sống, cách ứng xử giữa con người với con người. Ngoài hát xẩm cô còn hát thêm một vài thể loại như hát văn, trống quân, dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Tôi hỏi Phương rằng: Dấn thân theo xẩm chắc chắn là vất vả, thậm chí phải sống nghèo, Phương có ân hận? Phương bảo: Cho tới thời điểm này cô chưa cảm thấy hối tiếc về sự lưa chọn của mình khi theo xẩm. Nhiều người ở tuổi Phương đã có kinh tế khá giả rồi, còn Phương chỉ có tài sản là sự yêu mến của khán giả. Phương cũng thấy mình đã chịu khổ, nỗ lực trong nghề nghiệp cho dù có khó khăn và đôi khi cả sự hy sinh. Ngày ấy, chính Phương đã chớp cơ hội khi bố có ý chiều lòng con gái. Nếu lúc đó chỉ yếu đuối, kém quyết tâm một chút thì cô sẽ phải chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt.

“Trong dân gian các cụ có câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, anh giỏi giang nghề nào thì hiển vinh nghề đó. Tôi cũng tự hỏi đã tạo ra dấu ấn riêng chưa hay mới chỉ biết nghề? Tôi nghĩ rằng đạt được điều đó cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Một lúc nào đó thành ngôi sao thì tự nhiên mọi sự sẽ tới. Chuyện thịnh vượng giàu có tùy vào quan niệm của mỗi người làm công việc gì mà mình cảm thấy vui vẻ, bình an và hạnh phúc là được. “Nghệ thuật không có chỗ cho những người hời hợt, chỉ sống bằng một nửa đam mê”. Thực tình, khi chọn lựa theo xẩm, tôi đã nén nước mắt, chia tay tình yêu, xin lỗi tình yêu để thanh thản về Hà Nội theo học và đeo đuổi ước mơ” - Phương bày tỏ.

Hiện nay Thu Phương vẫn thường về Quảng Ninh với mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn văn hoá dân tộc, khai thác giá trị nghệ thuật diễn xướng dân gian để phục vụ du lịch, dạy nhiều em nhỏ ở Uông Bí hát xẩm miễn phí. Phương dạy, không phải là để các em trở thành những nghệ sĩ mà đơn thuần là một môn học giúp các em hiểu sâu hơn về âm nhạc dân gian. Cô cũng đem xẩm đến với các em nhỏ trong Vườn ươm tài năng của Giáo sư Ngô Bảo Châu ở Tuần Châu và một số lớp sinh hoạt hè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tại đây các bạn trẻ được học hát xẩm theo những bài thơ trong sách giáo khoa, giúp việc nhớ lời dễ và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Khi dịch COVID-19 hoành hành, cũng như nhiều nghệ sĩ khác, Phương chuyển sang hát trên các ứng dụng của mạng xã hội, làm video dạy hát ru, hát xẩm cho “Cửa sổ vàng” của bác sĩ Nguyễn Duy Cương, duy trì lớp học online cho các bạn ở TP Uông Bí.

Thu Phương cho biết, thời gian gần đây, Công ty cổ phần Nhất Phương đã hỗ trợ, để cô mở lớp hát xẩm cho các bạn nhỏ ở Nam Trực (Nam Định). Công ty 3S cũng đã giúp Phương có trang web riêng và cho nhạc lên kênh spotify, để phát hành trên 160 quốc gia. Gần đây, Phương đã kết hợp với nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân thực hiện dự án hát kêu gọi ủng hộ quỹ vaccne phòng, chống dịch COVID-19. Cô cũng dành thời gian viết cuốn sách “Vang vọng khúc dân ca”, là dự án kết hợp với nhà sách Thái Hà. Đó là những sự hỗ trợ rất đáng quý, giúp cho xẩm được lan tỏa và cô cũng có thể thực hiện được các dự định của mình.

Yêu mến học trò, nhạc sĩ Thao Giang tâm sự: “Bằng tình yêu, Thu Phương đã liên tục truyền lan giá trị của xẩm, quảng bá văn hóa xẩm đến với công chúng. Phương cũng vẫn tích cực truyền lan cho các bạn trẻ bộ môn xẩm, bởi đó là thế hệ kế tiếp gìn giữ âm nhạc dân gian. Tôi cũng mong Thu Phương sớm hoàn thành dự định phát hành album riêng để đánh dấu 15 năm theo nghiệp hát xẩm”.

Thu Phương đã đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố, trong các lễ hội lớn như Yên Tử, Chùa Hương, Bái Đính... Phương đạt giải A Liên hoan Ngày hội các dân tộc, tổ chức ở Tiên Yên (Quảng Ninh), với bài xẩm “Theo Đảng trọn đời” lời thơ của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đầu năm 2021, Thu Phương thành lập Chiếu xẩm Hiệp An ở phường Phương Nam (TP Uông Bí - Quảng Ninh), với mong muốn khơi dậy phong trào hát xẩm và để dự thi ở các Liên hoan hát xẩm.Thu Phương trong một đêm diễn.

Diên Khánh
.
.