Phục dựng trống đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn: Âm vang từ nguồn cội
Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề "Âm vang Đông Sơn" nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 và hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2024). Đặc biệt, từ những mảnh khuôn đúc phát hiện ở thành đất Luy Lâu (Bắc Ninh), các nhà khảo cổ đã đúc thực nghiệm thành công trống đồng thời kỳ Đông Sơn với hiệu quả được đánh giá đạt khoảng 80% so với trống gốc.
Bất ngờ với "Âm vang Đông Sơn"
Khoảng 100 năm về trước, tại làng Đông Sơn bên bờ sông Mã, cơn mưa lớn đã làm sạt lở một bờ đất ven sông và làm lộ ra một số di vật đồ đồng thuộc về nền văn hóa có niên đại hơn 2.000 năm và được một người nông dân tình cờ phát hiện khi đang đi câu cá. Từ sự phát hiện mang tính ngẫu nhiên này đã mở ra một hướng đi mới trong việc nghiên cứu về thời kỳ sơ sử tại Việt Nam.
Tên của ngôi làng Đông Sơn sau đó đã được các học giả dùng để gọi tên nền văn hóa chủ nhân của những di vật này. Di vật văn hóa Đông Sơn hết sức phong phú, đa dạng, độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao gồm: công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức… được làm từ nhiều chất liệu như đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá… Đặc biệt là những di vật đồng thau được chế tác với trình độ kỹ thuật cao, trong đó trống đồng là di vật tiêu biểu nhất.
Nội dung trưng bày chuyên đề "Âm vang Đông Sơn" của Bảo tàng Lịch sử quốc gia lần này gồm 3 chủ đề: Sưu tầm mới về văn hóa Đông Sơn; Khuôn đúc trống Đông Sơn phát hiện từ lòng đất Luy Lâu và Thực nghiệm đúc trống đồng. Nhân dịp này, tọa đàm "Âm vang Đông Sơn" cũng được tổ chức để công chúng có thêm những hiểu biết về nền văn hóa cổ xưa đặc sắc của Việt Nam.
Những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật di chỉ Đình Tràng (Hà Nội) góp phần sáng tỏ nhiều vấn đề về văn hóa Đông Sơn vùng đồng bằng Bắc bộ, đồng thời khai quật di chỉ Bãi Cọi (Hà Tĩnh) làm rõ mối giao lưu giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh vùng đồng bằng sông Cả. Nhờ thế, nhiều hiện vật mới đã được phát hiện như cày, cuốc, lưỡi hái, nhíp, rìu, đục, dũa... cho thấy văn hóa Đông Sơn thuộc cư dân nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với các ngành nghề thủ công như luyện kim, làm gốm, làm đồ trang sức, dệt vải...
Lần trưng bày "Âm vang Đông Sơn" này cũng giới thiệu đến công chúng chiếc trống đồng Đông Sơn (niên đại thế kỷ 2-1 TCN) có kích thước lớn nhất từng được phát hiện ở Việt Nam cho đến nay được sưu tầm tại thị trấn Vàng Sao (Thanh Hóa).
Thời gian qua, việc sưu tầm, tiếp nhận hiện vật do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao tặng đã bổ sung nhiều hiện vật đặc sắc cho sưu tập văn hóa Đông Sơn của bảo tàng ngày một phong phú, đa dạng. Trong đó có thể kể đến 3 chiếc rìu và 1 nồi gốm thuộc văn hóa Đông Sơn được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trao trả theo con đường ngoại giao vào tháng 8/2022 cùng với một số hiện vật khác. Nhân dịp khai mạc không gian trưng bày "Âm vang Đông Sơn", bảo tàng cũng đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của nhà sưu tập, PGS.TS Nguyễn Thanh Nam trao tặng, gồm 51 hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn.
Tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng thông tin thêm: "Bảo tàng Lịch sử quốc gia với lịch sử hình thành, phát triển đã gắn liền với các phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn suốt hơn 100 năm qua. Mặc dù di chỉ khảo cổ học Đông Sơn được chính thức phát hiện năm 1924, nhưng trước đó từ năm 1903, nhiều di vật mà tiêu biểu nhất là Trống đồng Ngọc Lũ đã được đưa về kho của Bảo tàng Louis Finot - tiền thân của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay. Kể từ đó đến nay, sưu tập hiện vật về văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn và là bộ sưu tập đầy đủ nhất, đã có nhiều dịp trưng bày ở trong và ngoài nước…".
Đúc thực nghiệm thành công trống đồng Luy Lâu
Theo các nhà khoa học, trống đồng Đông Sơn có phạm vi phân bố rộng từ vùng Hoa Nam (Trung Quốc) tới Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Việc người xưa làm thế nào để đúc được những chiếc trống đồng có kích thước lớn, hoa văn tinh xảo như vậy là một bí ẩn chưa có lời giải. Bên cạnh đó, từng có ý kiến cho rằng, trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam là do đem đến từ nơi khác, chứ người Việt khi đó chưa làm được trống đồng với kỹ thuật cao và hoa văn đặc sắc như vậy.
Tuy nhiên, vào năm 1998, khi TS. Nishimura Masanari trong chương trình tham gia nghiên cứu khảo cổ tại Việt Nam đã vô tình phát hiện một mảnh khuôn đúc trống tại Luy Lâu (Bắc Ninh). Phát hiện này từng gây tiếng vang lớn trong giới khảo cổ học khi đó, mở ra con đường mới về nghiên cứu trống đồng Đông Sơn. Năm 2001, cũng chính TS. Nishimura Masanari lại phát hiện một mảnh khuôn đúc nữa trong lớp đất đắp thành Luy Lâu. Đây là những dấu hiệu đầu tiên về khả năng hoạt động đúc trống đồng đã diễn ra ngay tại Luy Lâu - trung tâm của quận Giao Chỉ.
Theo công bố của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng cũng đã phối hợp với Đại học Đông Á (Nhật Bản) tiến hành nhiều đợt khai quật thành cổ Luy Lâu vào các năm 2014 - 2015 và phát hiện gần 1.000 mảnh khuôn đúc trống đồng cùng số lượng lớn hiện vật liên quan đến hoạt động đúc đồng như bát đậu, nồi rót đồng, móng nồi cơi, đáy lò, xỉ lò… trong địa tầng các hố khai quật. Những hiện vật này là minh chứng sâu sắc và sinh động nhất cho tính bản địa, nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn cũng như sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn trước những thăng trầm, biến đổi của lịch sử. Đồng thời nó cũng giúp giải đáp những thắc mắc, những bí ẩn liên quan đến phương pháp và kỹ thuật đúc trống đồng.
Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, năm 2010 và 2011 tại di tích Non Nong Hor ở tỉnh Mukdahan (Thái Lan) đã phát hiện được một số mảnh khuôn đúc trống bằng đất nung nhưng các phát hiện này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và công bố rộng rãi. Với gần 1.000 mảnh khuôn đúc trống đồng phát hiện, đã cho thấy di tích Luy Lâu (tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam) là nơi duy nhất trên thế giới phát hiện được số lượng lớn các mảnh khuôn đúc trống đồng.
Đến năm 2022, trên cơ sở nghiên cứu thông tin khoa học thu được từ mảnh khuôn đúc phát hiện ở Luy Lâu, các nhà khảo cổ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phác dựng lại hình dáng, hoa văn chiếc trống, sau đó tiến hành khảo sát các làng nghề truyền thống đúc đồng và chọn làng nghề Chè Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để đúc thực nghiệm trống đồng. Đây cũng là thành quả của đề tài khoa học cấp Bộ có tên "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị sưu tập khuôn đúc trống đồng phát hiện tại thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia" do TS. Trương Đắc Chiến làm chủ nhiệm đề tài.
Theo TS. Trương Đắc Chiến, sau hơn một tháng thực hiện, trống được đúc ra cơ bản đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, từ độ dày, trọng lượng đến hoa văn trang trí và độ âm vang nhưng cũng đặt ra một số vấn đề cần hoàn thiện cho các lần đúc trống sau này như đối với hoa văn in khuôn, tượng cóc và quai trống...
Ban tổ chức "Âm vang Đông Sơn" cho biết, trước đó, từ 1964-1975, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm đúc trống đồng Ngọc Lũ trên cơ sở phân tích thành phần hợp kim và các dấu vết kỹ thuật trên hiện vật. Quá trình thực nghiệm đã tiến hành đúc 4 lần nhưng đều không thành công. Ở lần đúc thứ 5 này, chiếc trống đồng được các nhà khoa học đánh giá giá đạt khoảng 80% so với trống gốc.
Với thành công đặc biệt này, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan khẳng định: "Thông qua thực nghiệm đúc trống đồng, đã góp phần hiểu rõ hơn về kỹ thuật đúc trống của cư dân Đông Sơn và tính tiếp nối trong cộng đồng người Việt đang đúc trống hiện nay. Đây cũng là cách tiếp cận phương pháp đúc trống khác với các lần đúc thử nghiệm trước đó. Hiện trống đồng Luy Lâu trở thành chiếc trống đúc thực nghiệm đầu tiên và duy nhất dựa trên cơ sở khoa học là những mảnh khuôn đúc trống đã được phát hiện từ khu vực thành cổ Luy Lâu…".