Photo'Hanoi 23 và cơ hội cho nhiếp ảnh Việt Nam bước ra thế giới

Thứ Tư, 21/06/2023, 17:40

Lần đầu tiên một sự kiện nhiếp ảnh lớn mang tầm quốc tế được tổ chức tại Hà Nội. Đó là cơ hội để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp xúc, cọ xát với nhiếp ảnh thế giới. Và đó cũng là cánh cửa để quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế.

Những góc nhìn về một Hà Nội biến đổi

“Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh” là triển lãm quy mô lớn nhất trong sự kiện Photo’Hanoi, trưng bày những vẻ đẹp khác nhau về một đô thị đáng sống. Không chỉ được khắc họa trong vô số các tác phẩm của nghệ sĩ bản địa, Hà Nội còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cả những nghệ sĩ quốc tế. “Chụp gì có thể cũng chính là phơi sáng nội giới của mình”, với quan niệm này, có lẽ Hà Nội chỉ là ẩn dụ để trình hiện nội tâm của các tác giả.

Triển lãm qui tụ 16 gương mặt nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh gia, hay 16 cách tiếp cận sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện nghệ thuật, 16 góc nhìn về Hà Nội như 1 đối tượng nghệ thuật. Triển lãm góp 1 tiếng nói trong chuỗi hơn 20 không gian triển lãm về nhiếp ảnh khắp Hà Nội, mang tới cho công chúng một trải nghiệm khá tổng hợp về sự đa dạng trong biểu đạt của ngôn ngữ nhiếp ảnh trong đời sống nghệ thuật.

ca.jpg -0
Các tác phẩm được trưng bày tại Nhiếp ảnh thời trang - Ảnh BTC.

Họ là 8 nghệ sĩ Việt Nam và 8 nghệ sĩ quốc tế, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Hữu Bảo, Lê Thịnh, Phạm Tuấn Ngọc, Veronika Radulovic, Lê Xuân Phong, Benjamin Reich, Peter Steinhauer, Alexandre Garel, Maika Elan, Khổng Việt Bách, Sebatian Laval, Lolo Zazar, Diego Cortizas, Bert Danckaert, Nguyễn Thế Sơn.

Các tác phẩm là những sáng tác trải dài trong suốt nhiều năm, ở nhiều thời điểm khác nhau về Hà Nội, có bối cảnh Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời “bao cấp”, Hà Nội thời “Mở cửa”, Hà Nội thời hội nhập toàn cầu… Những câu chuyện cá nhân hay những suy tư riêng biệt của từng tác giả đưa ra cho chúng ta thấy những “hiện thực” rất đa dạng và khác biệt đến muôn mặt của Hà Nội. Ngắm nhìn Hà Nội qua các tác phẩm, công chúng sẽ một lần nữa tìm thấy Hà Nội của mình hay tiếp tục đẩy những suy tư về một Hà Nội khác trong những liên tưởng miên man…

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Nhiếp ảnh ngày nay càng ngày càng trở nên một công cụ phổ biến, tới mức khiến chúng ta cảm thấy hoài nghi về công cụ nhiếp ảnh như là một ngôn ngữ nghệ thuật. Điều này rất tiếc cho đến nay có lẽ vẫn là một vấn đề vướng mắc trong bối cảnh ở Việt Nam. Triển lãm này không có tham vọng tổng kết hay đưa ra những nhận định lớn lao về bức tranh nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam. Triển lãm chỉ như một tập hợp những cách tiếp cận nhiếp ảnh như một ngôn ngữ nghệ thuật, cho thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận về nhiếp ảnh của các tác giả, với 8 tác giả Việt Nam và 8 tác giả nước ngoài.

ha nội qua góc nhìn của allec.jpg -1
Hà Nội qua góc nhìn của ALlec.

Có người tiếp cận bằng những kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống trong buồng tối với phim đen trắng âm bản như nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, Peter Stainhauer, Nguyễn Xuân Kiên hay Nguyễn Hữu Bảo. Có nghệ sĩ sử dụng những phương tiện máy ảnh “rẻ tiền” như máy ảnh nhựa lomo như nhiếp ảnh gia Maika, có nghệ sĩ sử dụng những loại máy ảnh phim “medium format”, có người sử dụng máy ảnh phim panorama có đầu ống kính quay 360 độ như nhiếp ảnh gia Lê Thịnh, có nghệ sĩ sử dụng máy phim màu như Nguyễn Thế Sơn hay Maika, người lại sử dụng máy phim lớn như Peter Stainhauer, có người không sử dụng máy ảnh mà dùng điện thoại chụp như nhiếp ảnh gia Lê Xuân Phong, hay có người lại sử dụng loại máy số medium format Phase One, Hasselblad như nghệ sĩ Bert Danckaert hay Peter Steinhauer… Người khác thì sử dụng thủ pháp của nhiếp ảnh tài liệu, thủ pháp của nhiếp ảnh kiến trúc như nhiếp ảnh gia Alexandre Garel cho tới hình thức sắp đặt ảnh như nghệ sĩ Veronika Radulovic”. Điều đáng nói là nhiều bộ tác phẩm của các tác giả ở đây đã được trưng bày trong các không gian gallery nghệ thuật, bảo tàng nghệ thuật ở quốc tế.

Trong triển lãm, ngoài phần các tác phẩm chính của 16 tác giả, còn có phần trưng bày các bức ảnh chụp những gánh hàng rong thời đầu thế kỷ 20 của nhiều nhiếp ảnh gia người Pháp như một phần đối thoại với không gian di sản của Hội quán Quảng Đông, một nơi từng là một trong những điểm giao thương buôn bán tấp nập nhất trong khu Phố Cổ Hà Nội suốt những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Cơ hội cho nhiếp ảnh Việt Nam

Triển lãm Hà Nội - “Một thành phố trong nhiếp ảnh” cùng với các sự kiện diễn ra trong PhotoHanoi là một cơ hội cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam mở rộng cánh cửa nhìn ra thế giới. Với tham vọng, “biến Hà Nội trở thành thành phố nhiếp ảnh tại châu Á”, Ban tổ chức đã tạo dựng được một không gian nhiếp ảnh chuyên nghiệp, thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ lớn trong nước và thế giới. Ông Thiery Vergon - Giám đốcViện Pháp tại Việt Nam, Tổng điều phối dự án khẳng định rằng Photo' Hanoi 2023 sẽ giúp thế giới có cái nhìn rõ hơn về những gì đang diễn ra tại Việt Nam.

hà nội qua góc nhìn của một tác giả nc ngoài1.jpg -2
Hà Nội qua góc nhìn của một tác giả nước ngoài.

“Việc các nhiếp ảnh gia Việt Nam và công chúng Việt Nam được tiếp xúc với các tác phẩm quốc tế cũng là điều rất tốt, cho phép tạo lập một cuộc đối thoại giữa nghệ thuật Việt Nam và nghệ thuật thế giới. Đây cũng là cơ hội để hiểu hơn về các nền văn hóa khác biệt, giúp nhiếp ảnh Việt Nam trưởng thành hơn thông qua các ví dụ điển hình về những thành tựu của nhiếp ảnh thế giới, qua việc thể hiện nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật cũng như qua cách thức quảng bá và trưng bày. Hiện nay, Việt Nam đang thiếu giám tuyển nhiếp ảnh, Biennale nhiếp ảnh quốc tế có thể sẽ góp phần thúc đẩy một số chuyên gia trong lĩnh vực này cố gắng tham gia nhiều hơn vào việc tổ chức các triển lãm ảnh”. Ông khẳng định.

Với vai trò là giám tuyển chính, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định đây là cơ hội hiếm hoi mang lại cho công chúng và các nhiếp ảnh gia Việt Nam hình dung nhiếp ảnh thế giới và nhiếp ảnh Việt Nam có độ giao thoa như thế nào. Với sự xuất hiện của rất nhiều nghệ sĩ thế giới và các nghệ sĩ trẻ Việt Nam, họ mang đến những biểu đạt cá nhân phong phú về nhiếp ảnh thời trang, thể thao, ảnh đường phố. Đó không đơn thuần chỉ là những bức ảnh được chụp và in ra mà nhiếp ảnh chỉ là phương tiện thể hiện tiếng nói của từng nghệ sĩ. Vì thế, đây là một cơ hội để chúng ta có hình dung về môi trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp có quy chuẩn gì, in ấn ra sao, trưng bày thế nào. Đây là một vấn đề hoàn toàn thiếu vắng ở nhiếp ảnh trong nước, khi chúng ta mới chỉ chú trọng vào phần hình ảnh.

“Chúng ta đang có một thế hệ trẻ, chủ động gia nhập vào môi trường quốc tế để phát triển và mở rộng sự nghiệp của mình. Vì thế, đây là cơ hội để các nghệ sĩ học hỏi, trao đổi, một ngày hội của giới làm nghề chuyên nghiệp, không phân biệt tuổi tác, quốc gia. Công chúng sẽ nhìn thấy bức tranh nhiều màu sắc của nhiếp ảnh và tương lai của nhiếp ảnh Việt Nam, xây dựng dần những nhà sưu tập ảnh trong nước (hiện nay gần như không có nhà sưu tập ảnh) để kích hoạt đời sống. Và khi kết nối với thế giới, Việt Nam sẽ dần thoát khỏi vùng trũng về nhiếp ảnh, sẽ có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam hơn và ngược lại. Từ đó, chúng ta có những sự kiện thường niên để thu hút khách du lịch, họ đến Hà Nội, thành phố sáng tạo, không chỉ vì cảnh quan mà để tham dự vào những sự kiện văn hóa”. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định. 

Được triển khai từ cuối tháng 4, Photo’Hanoi 23 là sự kiện Biennala nhiếp ảnh quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta, với sự phối hợp giữa Viện Pháp tại Việt Nam và UBND TP Hà Nội. Photo’Hanoi 23 với hơn 20 triển lãm cùng các buổi tọa đàm, workshop, các tour nghệ thuật, chiếu phim tài liệu, giới thiệu sách diễn ra trên địa bàn 7 quận huyện của TP Hà Nội. Sự kiện đã đem tới những hình dung mới mẻ về nhiếp ảnh nghệ thuật, mang tới những cơ hội cho nhiếp ảnh đương đại trong nước.

Linh Nguyễn
.
.