Phong tục cưới của người M'Nông tại Nam Tây Nguyên
Tôi đến vùng đại ngàn Đam Rông vào một ngày đầu thu. Nắng trải vàng như rót mật, làm bừng lên màu xanh thăm thẳm của núi rừng, sau những ngày xám xịt bởi màn mưa giăng phủ.
Đam Rông là một huyện của tỉnh Lâm Đồng, nằm dưới chân ba ngọn núi Langbiang, Bidoup và Chư Yang Sin, nơi đầu nguồn của dòng Krông Nô huyền thoại. Ở đây có đông người đồng bào, trong đó có những dân tộc Tây Nguyên bản địa sinh sống lâu đời như M’Nông, K’Ho, Mạ… mang đến một bản sắc văn hóa đặc sắc. Điều may mắn là trong những ngày ở tại đây, tôi được tham dự chương trình tái hiện lễ cưới, một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng của đồng bào M’Nông.
Khác với phong tục của đa số người đồng bào là vợ đi bắt chồng, tục thách cưới, mở tiệc linh đình gây tốn kém, người M’Nông chồng đi hỏi vợ, sính lễ được hai bên gia đình bàn bạc và thống nhất sao cho phù hợp, đặc biệt là không mở tiệc ăn uống linh đình.
Nghi thức gồm có lễ Kep môi (lễ dạm ngõ), lễ Hwoang bau (lễ ăn hỏi), lễ Lèh Tàm bau (lễ cưới), bày tỏ sự kính ngưỡng đối với thần linh, lòng thành kính biết ơn công lao nuôi nấng dưỡng dục của cha mẹ hai bên. Cô dâu chú rể nhận lời chúc phúc của họ hàng, và quan trọng là nghi thức thể hiện sự gắn kết trọn đời giữa họ. Một điểm thú vị khác của nghi thức cưới là phần đáp trả sính lễ, thể hiện tinh thần có qua có lại, kết chặt tình hữu hảo của hai gia đình.
Lễ Kep môi (lễ dạm ngõ)
Cậu của cô dâu và chú rể là người làm mối, có tiếng nói quan trọng, đại diện cho hai gia đình bàn bạc trao đổi trong các nghi lễ. Trong lễ dạm ngõ thì chỉ có cha và cậu của chú rể, đem lễ vật đến nhà gái ngỏ lời hỏi cô gái cho con của họ. Lễ vật gồm có 1 bát gạo trắng, 1 con gà nướng, 1 chiếc vòng cườm đeo cổ, 1 chiếc váy.
Buổi lễ có hai nghi thức chính. Đầu tiên hai gia đình đọc gia phả để tránh việc kết hôn cận huyết, đây là điều mà người M’Nông cũng như nhiều dân tộc Tây Nguyên khác rất kiêng kị, nếu vi phạm, sẽ bị phạt rất nặng. Sau khi nhận lễ vật, cha mẹ nhà gái bê lên một chum rượu gọi là rượu “nhận lời hứa hôn”, họ lấy chén tiết gà pha với rượu, bôi lên cột nhà để cầu khấn thần linh, thông báo việc kết hôn.
Lễ Hwoang bau (lễ ăn hỏi)
Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang đến nhà gái 1 con heo nhỏ, 1 ché rượu, 1 con gà nướng, 1 con gà sống, 1 bát gạo trắng, 1 cây đèn sáp, 1 con dao, 1 chiếc lao, 1 chiếc lược chải tóc bằng sừng trâu, váy áo. Cô dâu đưa cho cha mình chiếc sợi nhòng để trao cho chú rể và cô dâu tự nhận lễ vật bên nhà trai.
Cô dâu chú rể trao sợi nhòng và chiếc vòng bạc cho nhau, hứa hẹn yêu thương, không phụ lòng nhau, phụng dưỡng cha mẹ hai bên, kính trọng họ hàng của nhau. Hai bên có lời giao ước, nếu phụ bạc, bỏ nhau sẽ đền bằng một con trâu hoặc con bò.
Đến nghi thức bôi rượu, nhà gái chuẩn bị một ché rượu và giết gà, huyết của con vật hiến sinh được lấy ra pha vào rượu, bôi lên trán cô dâu chú rể, cầu mong cho hai vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau. Một phần khác dùng để cúng thần linh, đựng trong vỏ quả bầu, cha cô dâu quệt vào cột nhà và các vật trong nhà để cúng các thần giữ nhà.
Sau lễ cúng thần linh, hai bên cùng uống rượu chúc mừng và bàn bạc về lễ cưới, những vấn đề như định ngày (thường từ 1 - 2 năm sau), sính lễ (người M’Nông không thách cưới, sính lễ theo phong tục), quà hồi môn. Cô dâu trao sợi vòng cho tất cả các thành viên nhà trai có mặt và chạm vào đầu những người lớn tuổi hơn chú rể để thể hiện lòng thành kính. Nhà gái cho người đi giết heo, chia làm hai phần, phần có đầu dành cho nhà gái, phần còn lại dành cho nhà trai mang về. Thịt này dùng để nấu ăn, một phần chia đều cho các gia đình trong làng, để ai không đi dự lễ cũng được hưởng một phần lễ vật.
Muốn cho lễ cưới được tiến hành sớm, nhà gái sẽ đem các vật lễ như dao, lược, váy áo mà nhà trai mang sang để tặng lại cho nhà trai để chứng tỏ mình đã giữ nguyên vẹn các lễ vật đính ước và ngỏ ý muốn nhà trai cho cử hành lễ cưới.
Lễ Lèh Tàm bau (lễ cưới)
Nhà trai mang lễ đã định đến nhà gái, gồm 2 con heo 1 to 1 nhỏ, 1 cái xà gạc, 1 bó ống nứa đựng măng chua và da trâu, 1 cái lược chải tóc, quần áo, ba ché rượu, 1 bộ chiêng, 1 cây lao, 2 cây đèn sáp. Bên nhà trai dẫn đầu là ông mối, tới cha mẹ, chú rể và họ hàng. Nhà trai được nhà gái đón tiếp nồng hậu trong tiếng chiêng rộn ràng và những điệu múa truyền thống của các cô gái trong làng. Khi đến cửa nhà cô dâu, 2 thanh niên nhà gái đứng ở cửa té nước vào từng người trước khi vào nhà. Nhà gái đón nhận lễ vật của nhà trai đem tới. Mẹ cô dâu kiểm tra rồi lấy xà gạc gõ vào đầu con heo để xác nhận nhà trai đã mang đầy đủ lễ vật, kêu người nhà đem heo đi mổ thịt, chia làm hai phần như lễ hỏi.
Ché rượu nhà trai mang đến được đặt giữa nhà. Huyết của con vật hiến sinh được hòa vào bát rượu để cúng thần. Cha cô dâu phết lên các vị trí thiêng trong nhà như hòn đá bếp, kho thóc, cửa nhà.... vừa phết vừa khấn các vị thần linh về việc kết hôn của con gái. Già làng, cha cô dâu khấn các vị thần linh bên ché rượu, cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống với nhau hạnh phúc trọn đời.
Khấn thần linh xong, là nghi thức uống rượu chúc mừng, mỗi người 2 ống, bắt đầu từ ông mối, đến cô dâu chú rể, cha mẹ và họ hàng hai bên. Uống xong ông mối dắt tay chú rể vào phòng ngủ cha mẹ vợ, và kho lúa, với ý nghĩa, từ giờ phút này chú rể chính thức là thành viên của gia đình nhà gái, đây là một nghi thức không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người M’Nông.
Trong phòng, trên sạp tre, đặt sẵn ché rượu do nhà trai mang đến, được đổ đầy nước. Con gà nướng đặt trên lá. Ché rượu cột vào cán của chiếc lao. Trên hai cạnh của núm lao, gắn hai cây đèn sáp dài bằng nhau, lấy rượu pha huyết con vật hiến sinh quệt lên thành ché rượu. Khi hai cây đèn sáp đã cháy đều, cô dâu và chú rể khẩn cầu các vị thần linh phù hộ cho họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi. Ông mối mời cô dâu chú rể trao sợi nhòng cho nhau trước sự chứng kiến của mọi người. Sau đó, ông mối và già làng cầm một tấm chăn rộng trùm lên đầu cô dâu và chú rể, chúc phúc cho đôi vợ chồng.
Tiếp đến là nghi thức đút cơm. Cô dâu và chú rể đút cơm cho nhau, bày tỏ tình cảm gắn bó của hai vợ chồng. Họ phải ăn hết bát cơm đó, không được bỏ dở. Kế tiếp, cô dâu đút thịt và mời rượu ông mối, cha mẹ chồng để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn. Rồi trao sợi vòng cho tất cả thành viên nhà trai có mặt và chạm đầu vào những người lớn tuổi hơn chú rể để tỏ lòng thành kính. Sau đó đến lượt chú rể mời rượu và trao lễ vật cho bên nhà gái.
Trao lễ vật cho hai bên gia đình xong, cô dâu và chú rể cùng đi trao lễ vật cho những người có mặt tại lễ cưới, mỗi người 1 vòng cườm hoặc vòng chỉ. Và họ cũng sẽ được những người có mặt tại lễ cưới tặng quà để chúc phúc. Mọi người cùng nhau ăn uống, đánh chiêng, hát ca để chúc mừng cho đôi vợ chồng.
Lúc này nhà gái bưng một ché rượu và lễ vật đáp lại nhà trai. Nếu đám cưới giết heo thì lễ vật đáp lại là một con gà. Nếu đám cưới giết trâu thì lễ vật đáp lại là một con heo, nhằm cảm ơn nhà trai đã nuôi nấng, chăm sóc chú rể trưởng thành.
Sau khi làm lễ cưới, chú rể lưu lại nhà vợ từ bốn đến tám ngày, rồi cùng cha mẹ, họ hàng nhà gái sang nhà trai để chào và đưa cô dâu ra mắt cha mẹ, họ hàng nhà chồng. Cô dâu ở lại nhà trai từ một tháng đến một năm tùy nhà trai yêu cầu. Hết thời gian này chú rể sẽ về sống bên nhà vợ. Lễ này gọi là lễ Njă gre, păp plơ (lễ lại mặt). Trên đường sang bên nhà trai, thanh niên bên làng cô gái phục kín, ném bùn đất vào đoàn nhà gái, ngụ ý muốn giữ cô gái lại làng mình.
Lần đầu được tham dự một lễ cưới đậm bản sắc văn hóa như thế, tôi không khỏi ngạc nhiên thích thú. Lễ cưới không chỉ thể hiện hệ giá trị đạo đức của gia đình, mà còn của cả cộng động. Hy vọng những phong tục tập quán của người M’Nông và của các dân tộc khác trên vùng đất Nam Tây Nguyên sẽ được bảo tồn và gìn giữ. Tin rằng tương lai, cùng với cồng chiêng, những phong tục này sẽ mở ra hướng du lịch cộng đồng cho vùng đất đại ngàn giàu bản sắc văn hóa này.